Phỏng vấn ống nhòm

Chủ Nhật, 23/07/2023, 17:38

Phóng viên (PV): Thưa anh, sự ra đời của ống nhòm có quá trình phát triển như thế nào ạ?

Ống nhòm: Khoảng gần hai trăm năm trước. Đầu tiên là một mắt, sau đó hai mắt. Đầu tiên là nhìn trên cạn, sau đó nhìn dưới nước, nhìn lên trời. Cuối cùng sẽ nhìn lên vũ trụ.

PV: Tóm lại, nó là một vật thể để thỏa mãn khát vọng của con người: Mạnh hơn, nhanh hơn, cao hơn, xa hơn.

Phỏng vấn ống nhòm -0
Minh họa: Lê Tâm

Ống nhòm: Đúng thế. Tầm nhìn của mắt nói riêng và trí não nói chung vô cùng quan trọng. Khi tầm nhìn hạn hẹp, rất nhiều thứ sẽ khiến cho cuộc sống chậm đi.

PV: Vâng. Nói lý thuyết thì dễ lắm. Nhưng anh ạ, công nghệ hôm nay phát triển nhanh quá, khiến cho dù thông minh đến mấy, chúng ta vẫn cứ bất ngờ, vẫn có thể không nhìn trước được tương lai.

Ống nhòm: Đúng thế. Tuy nhiên, có những thứ do tầm nhìn kém khiến xã hội phải trả giá khá đau lòng và khá bế tắc.

PV: Ví dụ là gì, thưa anh?

Ống nhòm: Vì dụ như một trong những yêu cầu cơ bản của con người và cuộc sống là dịch chuyển càng nhanh càng tốt và càng nhiều càng tốt.

PV: Đúng vậy. Cho nên lúc nào thì đường cao tốc cũng là những dự án được Nhà nước quan tâm hàng đầu, đặt lên trên hết các dự án khác.

Ống nhòm: Vâng. Nhưng đường sinh ra để làm gì? Để cho xe đi. Cụ thể là xe hơi, đúng không nhà báo?

PV: Vâng. Và có lẽ vài năm trước, không ai có thể ngờ đất nước Việt Nam cứ mỗi ngày có vài trăm chiếc ô tô được bán ra.

Ống nhòm: Ô tô nhiều đến nỗi, bây giờ nói tới kẹt xe là phải hiểu kẹt xe hơi.

PV: Và xu thế mua sắm ô tô chắc chắn không thể nào đảo ngược.

Ống nhòm: Cũng như những gì liên quan đến ô tô cũng phát triển như vũ bão. Trừ một thứ.

PV: Thứ gì vậy, thưa ông?

Ống nhòm: Bến xe!

PV: Bến xe?

Ống nhòm: Ừ. Cách đây vài chục năm, dân Hà Nội ai cũng biết tên các bến xe và nhiều địa danh đã trở nên huyền thoại, ăn sâu vào trí não.

PV: Chắc chắn thế.

Ống nhòm: Nhưng vừa mới hôm trước, coi tivi, tôi kinh hoàng khi thấy Bến xe Hà Nội được xây dựng vô cùng đẹp, vô cùng hiện đại lại vắng ngắt; các hàng ghế, các quầy bán vé không một bóng người.

PV: Chết chết, tại sao thế? Khách không đi xe nữa á?

Ống nhòm: Ái chà, ngược lại, họ còn đi nhiều hơn xưa nữa chứ. Nhiều. Nhiều. Nhiều.

PV: Thế sao họ không lên xe?

Ống nhòm: Họ có lên. Nhưng họ không ra bến nữa.

PV: Tôi không hiểu.

Ống nhòm: Có gì khó hiểu đâu. Ngày trước khách phải đi tìm xe. Còn hôm nay, ngược lại, xe phải tìm khách.

PV: Xin anh nói rõ hơn.

Ống nhòm: Xe chở khách, không còn to lớn nữa, mà nhỏ hơn, sạch hơn, nhanh hơn. Khách có thể đặt bằng điện thoại không cần mua vé trước và bất kể ngày đêm, xe sẽ đón khách tận nhà và chở tới cũng tận nhà nốt.

PV: Thuận lợi vô cùng.

Ống nhòm: Vâng. Thuận lợi hết sức, không thể chối bỏ nổi.

PV: Nhưng đó là xe lậu mà?

Ống nhòm: Lậu là với ai? Chứ với hành khách thì không. Mà khổ thay, hành khách mới là người quyết định cuối cùng.

PV: Hậu quả là các bến xe chết.

Ống nhòm: Đúng vậy. Bến xe chết. Khi chúng ta thiết kế nó, xây nó, đưa nó vào vận hành, chúng ta đã mất vài năm. Trong vài năm ấy, cuộc sống không hề đứng im mà tăng tốc, khiến các suy tính của chúng ta trở nên lạc hậu.

PV: Nói cách khác, các nhà quản lý đã thiếu tầm nhìn.

Ống nhòm: Chắc chắn thế. Bây giờ nhìn các bến xe to đùng, hoành tráng, kinh phí xây dựng tới hàng ngàn tỷ vắng ngắt, nhiều người mới biết đáng ra không chỉ mắt mà trí tuệ cũng cần ống nhòm.

Lê Thị Liên Hoan
.
.
.