Tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật: Vì sao thiếu vắng?

Thứ Hai, 25/11/2024, 09:30

Chúng ta có nhiều người trẻ tài năng trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Thế nhưng, làm thế nào để họ có đất dụng võ và phát huy được tài năng của mình. Đó là những vấn đề được đặt ra tại Hội thảo "Tài năng trẻ: Nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật" vừa diễn ra tại Hà Nội.

Nếu không ươm mầm sẽ thui chột

Phát biểu tại Hội thảo, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Hoàng Hà nhấn mạnh: "Tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật là vốn quý với mỗi quốc gia, dân tộc. Nhiều tài năng văn hóa, nghệ thuật không đợi tuổi, đã bộc lộ, phát tiết trước tuổi trưởng thành. Nếu được "ươm" trong một môi trường tốt, những tài năng trẻ sẽ thăng hoa, tỏa sáng. Trái lại, nếu không có chính sách thỏa đáng, tài năng trẻ không có điều kiện phát triển, thậm chí phai nhạt, thui chột".

chúng ta có nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng, vấn đề là làm thế nào để họ có cơ hội phát triển tài năng của mình.jpg -0
Chúng ta có nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng. Vấn đề là làm thế nào để họ có cơ hội phát triển tài năng của mình.

Cùng đồng quan điểm về vấn đề này, NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng: "Tài năng không đợi tuổi. Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục và tổ chức văn hóa đã chú trọng đến việc phát hiện và nuôi dưỡng tài năng trẻ. Nhiều chương trình và khoa học chuyên sâu được thiết kế để phát triển kỹ năng cho tài năng trẻ, giúp họ tiếp cận với kiến thức và kỹ năng cần thiết. Tuy nhiên, công tác phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng tài năng trẻ văn hóa, nghệ thuật đối mặt với không ít thách thức. Việc phát hiện tài năng thiếu một hệ thống đánh giá đồng bộ và khoa học, thiếu định hướng rõ ràng để phát triển tài năng có tính lâu dài. Có những tài năng trẻ không được tạo điều kiện thực hành và thể hiện khả năng do thiếu cơ hội và môi trường hỗ trợ".

GS.TS Lê Thị Hoài Phương, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia nhấn mạnh: "Đảng, Nhà nước ngày càng đánh giá cao sức mạnh mềm của văn hóa nghệ thuật, coi trọng vai trò của lực lượng nghệ sĩ, tạo điều kiện cho các đơn vị nghệ thuật hoạt động hiệu quả; công tác đào tạo tài năng nghệ thuật trẻ được quan tâm hơn. Tuy nhiên, tài năng là tố chất đặc biệt, có tư chất bẩm sinh, nhưng năng khiếu bẩm sinh chưa đủ. Để tài năng phát triển đúng hướng và đạt tới trình độ điêu luyện, các "mầm non" nghệ thuật cần được đào tạo bài bản trong môi trường văn hóa, nghệ thuật. Môi trường sống và làm việc, chính sách đãi ngộ của Nhà nước; cơ chế sử dụng nguồn nhân lực trong các đơn vị nghệ thuật, sự công nhận của công chúng... là bệ đỡ, chất xúc tác giúp tài năng nở rộ".

Cần những chính sách thiết thực để tài năng trẻ có cơ hội phát triển

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách, chưa thực sự khơi nguồn, tạo động lực cho tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật phát triển. Như những điểm nghẽn trong đào tạo nghệ thuật; chế độ, chính sách cho nghệ sĩ, diễn viên (bồi dưỡng, ưu đãi...); chế độ nhuận bút, thù lao cho người viết, sáng tác; cơ chế để thu hút người trẻ tham gia các hoạt động thực hành văn hóa, nghệ thuật; vấn đề huy động các nguồn lực xã hội hóa...

PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, các nghệ sĩ trẻ đang gặp nhiều khó khăn như thiếu nguồn lực tài chính, hạn chế trong cơ hội phát triển và sự chưa đồng bộ trong chính sách hỗ trợ. "Để họ có thể phát huy hết tiềm năng của mình và góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp văn hóa, việc xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ hiệu quả là vô cùng cần thiết" - ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Từ những khó khăn đó, ông Sơn đề xuất, các chính sách hỗ trợ nghệ nhân và nghệ sĩ trẻ là yếu tố quyết định trong việc thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần tạo dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và đổi mới trong lĩnh vực nghệ thuật. Theo ông Sơn, các chính sách này không chỉ hỗ trợ việc phát triển cá nhân của nghệ sĩ mà còn thúc đẩy sự sáng tạo, bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao giá trị kinh tế của ngành công nghiệp văn hóa.

Tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật: Vì sao thiếu vắng? -0
Các nghệ sĩ xiếc tài năng cần những chính sách đãi ngộ tốt hơn.

Nhà nghiên cứu, lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long - Tạp chí Âm nhạc Việt Nam cho biết: "Điểm khởi đầu để người trẻ tham gia vào bảo tồn, phát huy văn hóa nghệ thuật truyền thống thường ở vai trò người thực hành mức độ phổ thông: là nghệ nhân trình diễn, hoặc trực tiếp tạo ra sản phẩm. Bắt đầu chính thức tham gia quá trình phục hồi giá trị truyền thống và sáng tạo giá trị mới khi đã hiểu rõ về di sản, sáng tạo giá trị mới khi đã ở độ chín của lứa tuổi thanh niên. Xuất phát điểm khác nhau, người trực tiếp tham gia học tập tại các trường chuyên về nghệ thuật phù hợp, người trực tiếp lĩnh hội từ cộng đồng, học hỏi từ phương thức truyền khẩu và từ thực tiễn khi thực hành di sản". Ông Long cũng cho rằng, vì thế, người trẻ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và nối dài đời sống của văn hóa truyền thống trong dòng chảy đương đại. Cần những cơ chế, chính sách cụ thể để khích lệ và nuôi dưỡng sự sáng tạo của họ.

Nhà văn Thiên Sơn nêu hiện thực nhiều nhà văn trẻ hiện nay rất khó khăn trong việc được ghi nhận, được đánh giá. Văn hóa nghệ thuật trong cơ chế thị trường lại bị nghiệp dư hóa hơn, văn nghệ sĩ không sống được bằng nghề mà đều phải có công việc khác để nuôi nghề…

Tại hội thảo, nhiều ý kiến tham luận chỉ ra những bất cập trong chính sách từ phát hiện, đào tạo tài năng văn hóa nghệ thuật cho đến việc sử dụng tài năng trẻ trong lĩnh vực này. Nghệ sĩ Nguyễn Đức Hiếu từng du học ballet ở Mỹ bằng học bổng do phía Mỹ tài trợ và anh chọn trở về làm việc tại Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam. Nhưng hiện nay, nhà hát mỗi năm chỉ dựng khoảng 2 vở ballet, anh và nhiều nghệ sĩ khác loay hoay không biết sau vở diễn thì làm gì. Hiếu cho biết, hiện đã có 6 đồng nghiệp trẻ vừa về Nhà hát Nhạc Vũ kịch đã nghỉ làm sau một năm vì không có đất dụng võ.

Đó không chỉ là thực trạng của Nhà hát nhạc Vũ kịch Việt Nam mà ở nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật khác, khi chế độ chính sách đãi ngộ của Nhà nước quá thấp. Nghệ sĩ trẻ không sống được bằng nghề. Nhiều người học ở nước ngoài về nước với khao khát cống hiến lại không có đất dụng võ, trong khi họ đã phải mất từ 5-7 năm học và khổ luyện. Bài toán này càng khó khăn trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, múa rối, cải lương hay sân khấu kịch nói…. Các nghệ sĩ trẻ đều phải vật lộn mưu sinh để tồn tại với nghề.  Bởi rõ ràng, "cơm áo không đùa với khách thơ".

Để giải quyết những vấn đề này, theo NSND Tống Toàn Thắng, cần thành lập quỹ hỗ trợ tài năng trẻ trong văn hóa nghệ thuật để cung cấp, tài trợ cho học bổng, dự án nghệ thuật và các hoạt động phát triển nghề nghiệp. Chính sách ưu đãi thuế cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào các dự án văn hóa nghệ thuật liên quan đến tài năng trẻ. Thành lập quỹ tài chính để hỗ trợ các tài năng trẻ trong việc học tập, nghiên cứu và sáng tác nghệ thuật. Tài trợ dự án nghệ thuật, cung cấp hỗ trợ tài chính cho các dự án nghệ thuật do nghệ sĩ trẻ khởi xướng, giúp họ hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo. Bởi tài năng trẻ chính là nhân lực thúc đẩy sự phát triển đa dạng trong nghệ thuật, mở rộng không gian sáng tạo cho các nền văn hóa khác nhau.

Họ cũng chính là cầu nối để đưa văn hóa Việt ra thế giới trong thời đại bùng nổ thông tin và trí tuệ nhân tạo. Và quan trọng hơn, đó là một chính sách vĩ mô trong việc đào tạo và nuôi dưỡng tài năng trẻ từ phía Chính phủ để có một thế hệ tài năng trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn của nền nghệ thuật nước nhà.

Việt Linh
.
.
.