Đừng để di tích Hoành Sơn Quan mãi “cô đơn”
Nằm trên đỉnh Đèo Ngang, Hoành Sơn Quan là một di tích lịch sử có “số phận” kỳ lạ khi cả hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh cùng... công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Tuy nhiên, khi hai tỉnh đang tranh cãi về việc Hoành Sơn Quan thuộc về địa phương nào thì di tích có giá trị lịch sử đặc biệt này đang bị xâm hại, xuống cấp.
Di tích “cô đơn”
Trong hàng chục năm qua đã có nhiều bài nghiên cứu, bài phản ánh của báo chí, ý kiến của giới chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực lịch sử, văn hóa và cả ý kiến rất “khẩn cầu” của cơ quan quản lý nhà nước về di sản đối với cách thức giải quyết “tranh chấp” sở hữu di tích Hoành Sơn Quan. Những ý kiến ấy cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Nhiều chuyên gia cho rằng, “nút thắt” của câu chuyện này không phải là vấn đề pháp lý hay sử liệu, mà là nhận thức. Nếu cả hai địa phương trong quá trình bàn bạc, trao đổi, tìm hướng giải quyết “tranh chấp” di tích Hoành Sơn Quan được dựa trên tinh thần nhận thức chung, nghĩa là hướng đến trở thành tài sản chung, cả hai cùng bảo vệ, cùng khai thác, phát huy giá trị di sản, gạt bỏ những “mâu thuẫn” không cần thiết thì mọi chuyện không kéo dài dai dẳng nhiều năm qua.
Tháng 8/2002, UBND tỉnh Quảng Bình ra quyết định xếp hạng Hoành Sơn Quan là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Hơn 2 năm sau, tháng 3/2005, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng ra quyết định xếp hạng công trình này là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Sau đó, “người trước, kẻ sau” đều có văn bản riêng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) xếp hạng Hoành Sơn Quan là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia cho địa phương mình.
Trước sự việc hy hữu này, Bộ VHTT&DL đã đề nghị Sở VHTT&DL hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh tổ chức cuộc họp nhằm giải quyết việc sở hữu Hoành Sơn Quan. Tuy nhiên, sau đó tỉnh Hà Tĩnh đưa ra bản đồ địa chính mới và khẳng định di tích Hoành Sơn Quan thuộc về tỉnh này. Tỉnh Quảng Bình cũng cương quyết không đồng ý vì khẳng định di tích Hoành Sơn Quan đã được sử sách ghi nhận thuộc tỉnh Quảng Bình quản lý...
TS Nguyễn Thế Hùng, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) cho biết, vào thời điểm đó đã đề nghị hai Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh ngồi lại bàn bạc trên tinh thần thống nhất cùng hợp tác trong công việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích Hoành Sơn Quan. Thậm chí, còn đưa ra gợi ý hai tỉnh cùng làm chung hồ sơ khoa học trình Bộ VHTT&DL xem xét quyết định công nhận di tích quốc gia thuộc hai tỉnh. Tiếc là không địa phương nào đồng thuận.
Năm 2023, trao đổi với báo chí, ông Mai Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) tỉnh Quảng Bình cho rằng, việc xảy ra “tranh chấp” Hoành Sơn Quan diễn ra dai dẳng trong hàng chục năm qua giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình chỉ dưới 2 góc độ. Một là, về địa giới hành chính ngày nay di tích nằm bên mái núi Hà Tĩnh tính theo đường phân thủy. Hai là, về góc độ lịch sử và công tác bảo vệ di tích thì chắc chắn thuộc về Quảng Bình.
Còn ông Bùi Xuân Thập, Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Tĩnh lại cho biết, đến giờ này vẫn chưa có sự thống nhất giữa hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh là việc đáng tiếc, làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn, trùng tu, khai thác di tích. Di tích đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, vì vậy, hơn lúc nào hết, hai tỉnh cần có sự bàn bạc, thống nhất, có chung quyết định trong việc bảo tồn, trùng tu để gìn giữ giá trị di tích lâu dài.
Tháng 8/2024, UBND tỉnh Quảng Bình đã có động thái tích cực là chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan lên lịch họp bàn với các đơn vị tỉnh Hà Tĩnh để triển khai cụ thể từng việc. Ngay sau đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có sự “phản hồi” kịp thời khi ra văn bản giao Sở VHTT&DL chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND thị xã Kỳ Anh và các cơ quan, đơn vị liên quan, căn cứ các quy định hiện hành và tình hình thực tiễn của tỉnh, làm việc với các sở, ngành, địa phương liên quan của tỉnh Quảng Bình để thống nhất các nội dung ký kết hợp tác và quan điểm liên quan đến lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đối với Hoành Sơn Quan.
Nên tham khảo cách làm của Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng
Từ câu chuyện hy hữu này, có lẽ cần nhắc lại cách giải quyết của tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng, bởi trước đó hai địa phương này từng xảy ra việc tương tự đối với di tích Hải Vân Quan.
TS Phan Thanh Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế (nay là Giám đốc Sở VH-TT Thừa Thiên Huế) cho biết, việc “tranh chấp” di tích Hải Vân Quan từng diễn ra trong suốt một thời gian dài và khá căng thẳng. Tuy nhiên, với tinh thần, nhận thức chung: Một di sản mà cả hai quốc gia cùng chung làm hồ sơ khoa học để trình UNESCO công nhận di sản thế giới được thì chẳng lẽ một di tích thuộc hai địa phương, hai tỉnh lại không chịu hợp tác quản lý, bảo vệ.
“Năm 2017, TS Nguyễn Thế Hùng, lúc đó là Cục trưởng Cục Di sản văn hóa đã đứng ra tổ chức cuộc họp giữa Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và Sở VH-TT TP Đà Nẵng để bàn về sự hợp tác giữa hai địa phương trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan, trên tinh thần thống nhất nhận thức chung là cùng bảo vệ, cùng quản lý di tích. Sau đó, hai đơn vị của hai địa phương tham mưu với lãnh đạo hai tỉnh, thành phố thống nhất cùng chung tay quản lý, phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan. Đà Nẵng đồng ý để Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế xây dựng hồ sơ khoa học trình Bộ VHTT&DL công nhận Hải Vân Quan là di tích quốc gia thuộc hai tỉnh, thành là Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng”, TS Phan Thanh Hải nhớ lại.
Tháng 4/2017, Bộ VHTT&DL ra quyết định xếp hạng Hải Vân Quan là di tích lịch sử, văn hóa quốc gia thuộc hai tỉnh là Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng. Đến năm 2019, hai địa phương cùng ra nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan, với mục tiêu “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa quốc gia; góp phần phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng”. Tổng số vốn đầu tư dự kiến là hơn 42 tỉ đồng, ngân sách TP Đà Nẵng 50%, ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế 50% trên tổng mức đầu tư.
“Có thể nói, đây là một trong những ví dụ tiêu biểu về sự thành công trong hợp tác, thống nhất quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích của hai địa phương. Chính sự thống nhất nhận thức, cùng nhau hợp tác trên cơ sở cùng nhau bảo vệ, cùng nhau phát huy giá trị di sản đã giúp cho di tích Hải Vân Quan trở nên khang trang, sạch đẹp, là điểm đến tham quan hấp dẫn du khách, mang lại nguồn lợi tích cực cho hai địa phương”, TS Phan Thanh Hải nhấn mạnh. Đầu tháng 8/2024, tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng tổ chức khánh thành và mở cửa đón khách tham quan sau hơn 2,5 năm trùng tu dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan.
Tại buổi lễ khánh thành dự án, ông Phạm Tấn Xứ, Giám đốc Sở VH-TT Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi xác định di tích Hải Vân Quan là di sản quốc gia chứ không riêng gì của hai địa phương Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Sở VH-TT Đà Nẵng và Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã được lãnh đạo hai tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ cùng nhau phối hợp trùng tu, phục hồi, thể hiện được vai trò, vị trí của Hải Vân Quan mà cha ông để lại”.
Ngày 10/9 vừa qua, chúng tôi được tham dự buổi họp bàn công tác quản lý, khai thác, phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan giữa UBND TP Đà Nẵng và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Buổi họp diễn ra trong không khí thân tình, trao đổi cầu thị, thoải mái, mà nói như ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, là phải có sự phối hợp giữa hai địa phương để có cách quản lý, khai thác di tích Hải Vân Quan một cách tốt nhất, trên quan điểm làm ngay, làm sớm, làm nhanh. Sự phối hợp hai bên dựa trên nguyên tắc bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc chủ trì, phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan, tránh hình thức, chồng chéo...
Dẫn ra câu chuyện cụ thể trên, chúng tôi thật sự mong muốn rằng, hai tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh nên và rất cần tham khảo kinh nghiệm cả những bài học hữu ích về cách làm, cách phối hợp triển khai thực hiện của Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng để di tích Hoành Sơn Quan trở nên khang trang, sạch đẹp, trở thành điểm nhấn hấp dẫn không thể bỏ qua đối với du khách, quá đó mang lại nguồn lực trong phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương. Trong những việc cần làm, trước hết hai tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh cùng thống nhất là xây dựng chung hồ sơ khoa học trình Bộ VHTT&DL xem xét, xếp hạng Hoành Sơn Quan là di tích quốc gia thuộc hai địa phương; tiến đến cần mạnh dạn hợp tác công-tư trong việc quản lý, phát huy giá trị di tích này.