Xòe Thái rộn rã trời Xuân
Những cánh đào phai đang cựa mình chớm nụ e ấp bung cánh trong tiết trời se lạnh của những ngày đầu xuân. Hai năm nay dịch bệnh qua đi, trên khắp bản, khắp mường của đồng bào Thái ở Sơn La lại rộn rã tiếng trống tiếng chiêng nâng bước cho những điệu xòe uyển chuyển làm ngây ngất những lữ khách đến đây dẫu chỉ một lần.
Điệu xòe, điệu xòe có tự bao giờ…?
"Điệu xòe, điệu xòe có tự bao giờ mà vẫn mê say như thuở nào…" Câu hát ấy trong bài "Điệu xòe thương nhau" của nhạc sĩ Vương Khon một lần nữa cho thấy điệu xòe thật mê say, đắm đuối của trai gái bản mường người Thái qua bao đời nay. Chuyến hành hương đầu năm cùng NSƯT Lò Hải Lam (một trong những nghệ sĩ múa hướng dẫn truyền dạy "Xòe Sơn La" theo Đề án sưu tầm, phổ cập một số điệu xòe tiêu biểu các dân tộc tỉnh Sơn La năm 2015) trong tiết trời ngày xuân miền Tây Bắc se lạnh đã thẩm thấu để tôi cảm nhận và chút tò mò hơn, mong muốn được đồng cảm, chia sẻ, tìm hiểu thêm về vẻ đẹp của nghệ thuật xòe Thái; núi rừng Sơn La vẫn hùng vĩ như vậy, bạt ngàn sắc trắng tinh khôi của hoa mơ, hoa mận, điểm vào đâu đó là sắc hồng của những cánh đào phai đã tạo nên một bức tranh tuyệt tác của thiên nhiên ban tặng.
Lắc lư trên chuyến xe đầu năm mới, NSƯT Lò Hải Lam kể cho chúng tôi nghe thật nhiều điều thú vị về xòe Thái. Là người con của bản mường người Thái Sơn La, đối với NSƯT Lò Hải Lam - một nghệ sĩ múa đã 30 năm gắn bó với Tây Bắc nên anh vô cùng trân quý những giá trị về nghệ thuật múa Xòe Thái đem lại, bởi đây là một bộ môn nghệ thuật mang tính đại chúng, mộc mạc, giản dị nhưng vô cùng ý nghĩa.
Theo NSƯT Lò Hải Lam "Trải qua nhiều thế kỷ thiên di và định cư, người Thái đã xây dựng và phát triển cho dân tộc mình một nền nghệ thuật xòe dân gian đa dạng và phong phú, đặc sắc về giá trị văn hóa truyền thống của riêng mình. Là một cộng đồng dân tộc đam mê múa, hát, người Thái đã sáng tạo ra nhiều điệu xòe. Những truyền thuyết xa xưa về nghệ thuật múa xòe được xuất phát từ đời sống sinh hoạt, lao động, sản xuất, qua các thời đại truyền ngôn, truyền điệu, không có sách vở nào ghi chép lại…".
"Không xòe không vui, không xòe cây lúa không trổ bông, không xòe cây ngô không ra bắp, không xòe trai gái không thành đôi", câu dân ca như khẳng định thêm vị trí của xòe trong đời sống của đồng bào Thái. Qua thời gian, đồng bào Thái đã không ngừng xây dựng và phát triển nghệ thuật xòe đa dạng, đặc sắc. Múa xòe đã trở thành biểu tượng của tình đoàn kết, là sự kết tinh những kinh nghiệm và lối tư duy sáng tạo trong đời sống sinh hoạt thường ngày của cộng đồng dân tộc Thái.
Nghệ thuật xòe Thái được trình diễn trong các lễ hội mùa xuân; xên bản, xên mường; xòe trong lễ mừng mùa, của cộng đồng, lễ lên nhà mới, trong đám cưới và liên hoan văn nghệ, trong các sự kiện chính trị của địa phương để giao lưu, kết bạn và kết nối cộng đồng. Mỗi người khi tham gia vào vòng xòe đều cảm thấy mình là một phần của cộng đồng. Sức sống của xòe Thái đã trở thành một nét đẹp văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống đồng bào dân tộc Thái. "Cuối năm 2021 Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức ghi danh xòe Thái là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, khẳng định sự ghi nhận của quốc tế đối với những giá trị văn hóa đặc sắc này của Việt Nam" - NSƯT Lò Hải Lam tự hào nói.
Mộc mạc mà giản dị
Khi được hỏi về những điệu Xòe của đồng bào Thái, NSƯT Lò Hải Lam chia sẻ: Hiện nay có rất nhiều động tác xòe khác nhau, được phân chia thành các nhóm lớn, nhỏ khác nhau. Các điệu xòe trong Lễ hội mang tính tâm linh, nghiêm túc có thể kể đến như: Xòe Xền Tra, xòe trong lễ hội Xên lẩu nó, xòe trong Lễ hội Hết chá, xòe trong Lễ hội Kin Pang Then, xòe trong Lễ hội Xên bản, xên mường,… xòe mang tính giải trí, gây sự chú ý để mọi người vui cười phải kể đến như: Xẽ tõ quai (múa trâu húc nhau), xẽ ẻo mển (múa lừa bắt con nhím), xẽ chúp quấn (múa hút thuốc lào),… Ngoài ra còn có nhiều những động tác xòe được xuất phát từ lao động hàng ngày như: Xẽ kếp phắc (xòe hái rau), xé tó cáy (xòe chọi gà), xẽ kếp hòi (xòe nhặt ốc), xẽ nhum hưa (xòe đẩy thuyền), xẽ thuổi, thú (múa bát, đũa),…
"Những thuở ban đầu điệu xòe rất đơn giản, nhưng qua năm tháng con người đã tích lũy, chắt lọc, sáng tạo đã có nhiều điệu xòe mới, từ nhu cầu thưởng thức của người dân qua hệ thống các điệu xòe, người ta đã chắt lọc để đưa lên sân khấu các điệu xòe biểu diễn khác nhau, hấp dẫn nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của xòe" - NSƯT Lò Hải Lam nói.
Chung niềm đam mê và mong muốn văn hóa Thái cổ không bị mai một, ông Lường Văn Chựa, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, người đã dành cả cuộc đời mình cho việc nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng những điệu xòe. Ông Chựa, cho biết: Chẳng biết múa xòe chính xác có từ bao giờ, chỉ biết múa xòe như dòng chảy tự nhiên cứ thế được trao truyền qua nhiều thế hệ và trở thành một phần không thể thiếu trong tất cả các nghi lễ văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của người Thái. Những điệu múa xòe không khác gì một xã hội thu nhỏ của người Thái, phản ánh đời sống, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng bằng phương thức tư duy ngôn ngữ múa dân gian Thái. Xòe Thái đã thực sự trở thành tài sản văn hóa, là sợi dây gắn kết cộng đồng.
Đau đáu... nỗi niềm gìn giữ
Hiện nay, Sơn La vẫn còn lưu giữ gìn giữ, bảo tồn và phát huy tốt các điệu xòe cổ truyền thống, như: Xòe nâng khăn mời rượu, xòe tiến lùi, xòe tung khăn, xòe bổ bốn, xòe vòng, xòe vỗ tay, xòe hái hoa, múa vòng tròn và xòe trong các nghi lễ... Các điệu xòe này hiện cũng đã được nghiên cứu và phổ cập đến cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh ở giai đoạn 2, phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng và giao lưu văn hóa trong thời kỳ hội nhập. Nghệ thuật Xòe Thái được trao truyền trực tiếp giữa các thế hệ, các thành viên cộng đồng, không kể tuổi, giới tính.
Bà Hoàng Ngân Hoàn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La, cho biết: Để bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật xòe Thái, ngành tiếp tục tham mưu với tỉnh chỉ đạo thực hiện rà soát, đánh giá tổng thể hiện trạng di sản; tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan, giao lưu về "Nghệ thuật xòe Thái"; phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian và thành viên cộng đồng am hiểu xòe Thái để trao truyền, thực hành, xuất bản các tài liệu, trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá về nghệ thuật xòe Thái. Đặc biệt là việc đưa xòe Thái trở thành điểm nhấn cho các điểm đến, phục vụ du lịch cộng đồng, tạo không khí sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước.
Bà Lường Thị Ngọc Tâm ở bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, Sơn La cho hay, "Nhà tôi làm du lịch, mỗi khi có khách, đội xòe sẽ biểu diễn khoảng 20 phút với một số bài xòe khăn, xòe nón... giới thiệu về bản làng quê hương mình, sau đó chào khách và mời khách tham gia biểu diễn vòng xòe. Tôi mong được các công ty du lịch tập huấn thêm và cùng chúng tôi xây dựng nhiều hoạt động để hấp dẫn du khách nhiều hơn".
Hiện nay tại tỉnh Sơn La có hơn 3.300 đội văn nghệ, các thành viên của những đội văn nghệ này là lực lượng nòng cốt trong việc biểu diễn, trao truyền và sinh hoạt Xòe Thái. Một mùa xuân mới lại về, tiếng trống, tiếng chiêng vang lên khắp bản mường, già trẻ, gái trai với bộ trang phục truyền thống lại cùng nắm tay nhau trong vòng xòe đoàn kết càng tạo điểm nhấn ấn tượng trong lòng nhân dân và du khách khi đến với Sơn La nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung, những câu thơ, câu hát, tiếng trống, tiếng chiêng lại vang vọng khắp núi rừng chung vui cho một năm mùa màng bội thu.
“Nghệ thuật Xòe Thái đã vượt qua nét đẹp của loại hình múa truyền thống với thẩm mỹ sáng tạo, khát vọng vươn tới những giá trị chân - thiện - mỹ của mỗi thành viên trong cộng đồng các dân tộc Tây Bắc. "Đó là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc, sự sẻ chia, tình yêu thương sâu sắc giữa con người với con người, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, sự hài hòa giữa con người với văn hóa, bản sắc dân tộc và thiên nhiên hùng vĩ với những triết lý sống cao đẹp. Hơn thế nữa, nghệ thuật Xòe Thái còn là thông điệp về trách nhiệm, tình yêu của tất cả chúng ta phải giữ gìn, phát huy hơn nữa truyền thống văn hóa, lịch sử các thế hệ đồng bào các tỉnh Tây Bắc" - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.