Thủ pháp đảo ngữ trong "Truyện Kiều"

Chủ Nhật, 29/09/2024, 14:52

Ngữ pháp quen thuộc của chúng ta thường theo thứ tự chủ ngữ, vị ngữ, tân ngữ, còn các thành phần khác có thể đứng trước hoặc sau câu. Trong nhiều trường hợp, Nguyễn Du không tuân thủ thứ tự đó, để bảo đảm vần điệu cho câu thơ. Có khi sự hoán vị này không làm khó người đọc khi tìm hiểu câu thơ, vì như câu: “Lạ gì bỉ sắc tư phong/ Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”.

Thì ai cũng biết chủ ngữ của động từ “đánh ghen” là “trời xanh”, còn “má hồng” là tân ngữ của vị ngữ “đánh ghen”. Như vậy ở đây, thi hào đã hoán vị vị ngữ và tân ngữ. Câu thơ ấy nếu diễn tả đúng theo ngữ pháp là: “Trời xanh quen thói đánh ghen má hồng”. Tương tự như vậy, câu: “Cảo thơm lần giở trước đèn/ Phong tình cổ lục còn  truyền sử xanh” thì tác giả đã hoán vị vị ngữ và tân ngữ. Đây là một câu chủ ngữ ẩn, nếu sắp xếp đúng thứ tự ngữ pháp sẽ là: “Lần giở cao thơm trước đèn” hoặc “Trước đèn lần giở cảo thơm”, nhưng như vậy sẽ thất vận.

Có khi tác giả hoán vị các từ chỉ vì trắc bằng trong câu lục bát. Ví như khi giới thiệu Hoạn Thư, Nguyễn Du viết: “Ở ăn thì nết cũng hay/ Nói điều ràng buộc thì tay cũng già”.     

tranh.jpg -0
Tranh Thúy Kiều và Kim Trọng trao trâm cài làm tin.

Trong ngôn ngữ chúng ta, thường nói “nết ĂN Ở”, chứ không mấy ai “nết Ở ĂN”. Điều ấy Nguyễn Du chẳng xa lạ gì, nhưng nếu viết “Ăn ở thì nết cũng hay”, thì chữ thứ hai câu lục phải mang thanh trắc, trong khi câu lục này ngắt nhịp 2/2/2, đó là điều Nguyễn Du không chấp nhận. Lưu ý với bạn đọc rằng, trong "Truyện Kiều", tất cả những chữ thứ hai của câu bát đều thanh bằng, và có chưa đến 25 chữ thứ hai của câu lục mang thanh trắc, nhưng khi đó câu lục phải ngắt nhịp 3/3 chứ không thể theo nhịp 2/2/2 quen thuộc.

Với ba ví dụ kể trên, sự hoán vị hoặc là không thay đổi nghĩa của câu thơ, hoặc là có thay đổi nhưng bạn đọc tự chỉnh lấy mà hiểu được ý thơ. Tuy nhiên, có một số trường hợp hoán vị, không chỉ bạn đọc thông thường hiểu sai ý thơ, mà ngay cả một số người làm công tác hiệu đính "Truyện Kiều" cũng gặp sai lầm. Ví như khi giới thiệu Thúc Sinh: “Khách du bỗng có một người/ Kỳ Tâm họ Thúc cũng nòi thư hương”.

Có nhà nghiên cứu "Truyện Kiều" không chấp nhận chữ DU ở câu thơ ấy, và bảo tác giả đã dùng chữ Hán không đúng chỗ trong tác phẩm thơ Nôm. Và ông ta đề nghị phải sửa lại: “Khách CHƠI bỗng có một người…”. Nói về nghĩa, thì chữ DU trong chữ Hán đúng là tương ứng với chữ CHƠI trong chữ Nôm, nhưng thay đổi như vậy vào trường hợp này không giữ được nghĩa mà tác giả "Truyện Kiều" muốn dùng.

Ví nếu như nhà biên soạn kia, thì khi mới xuất hiện, Thúc Sinh đã là “khách chơi”, “khách làng chơi” rồi! Điều này không đúng. Thúc Sinh khi mới về Lâm Tri theo cha, là một chàng trai “nòi thư hương”, là “con nhà lành” nên khi đến lầu xanh còn tưởng Thúy Kiều là con của Tú bà kia mà! Chàng bắt đầu “hư” là sau khi đến lầu xanh, còn trước đó, Nguyễn Du gọi chàng là “khách du” chẳng qua là hoán vị hai chữ “du khách”, để tránh thanh trắc cho chữ thứ hai câu lục. Mà chúng ta biết rằng, cho đến ngày nay, thì “du khách” và “khách chơi” ý hoàn toàn khác nhau, nên không thể sửa chữa như nhà biên soạn kia được.

Sau khi nhặt được kim thoa của Thúy Kiều trên cành đào, Kim Trọng mang về nhà mình, Nguyễn Du nói trạng thái của chàng: “Liền tay ngắm nghía biếng nằm/ Vẫn còn thoang thoảng hương trầm chưa phai”.

Hai chữ “biếng nằm” nhiều bản "Kiều" không chú thích, còn bản của Đào Duy Anh giải thích biếng nằm là “không nằm”… tôi thấy không thỏa đáng. Đành rằng chữ “biếng” trong tiếng Việt có mang nghĩa là “lười”, là “khó” trong các cụm từ “biếng khuây”, “biếng ăn”, “biếng ngủ”… nhưng nó thường dùng để chỉ trạng thái của người ta trong một khoảng thời gian tương đối dài, chứ không phải là khoảnh khắc. Chàng Kim vừa nhặt được chiếc thoa về mà “không nằm” thì không có gì đáng nói, ví như đêm khuya, mải ngắm nghía mà “không nằm” thì đã đành, còn lúc này, không nằm cũng chẳng khác gì không ngồi, không đi… mà thôi.

Ta nhớ lại, trước khi đi ra khỏi nhà mình, sang vườn Thúy thì chàng Kim ngồi chơi đàn (Buông cầm xốc áo vội ra), chứ phải đâu lúc đó chàng đang nằm, để nói bây giờ chàng nhặt được thoa rồi thì không nằm nữa! Thế thì “biếng nằm” ở đây có nghĩa gì? Theo tôi, đấy là đảo ngữ của “nằm biếng”, một từ xưa nay rất quen dùng để chỉ trạng thái nằm mà không ngủ, không làm gì cả. Trạng thái “nằm biếng” rất phổ biến với các anh chàng học trò “dài lưng tốn vải”. Nghĩa là sau khi nhặt được chiếc thoa về nhà, chàng Kim đã nằm và ngắm nghía nó, có lẽ là hợp lý hơn!

Nhưng sự hoán vị trong "Truyện Kiều" gây hiểu nhầm nhiều nhất cho bạn đọc, có lẽ là câu kể chuyện khi gia đình Thúy Kiều sau bao công lênh tìm kiếm đã gặp được nàng bên ngoài ngôi nhà cỏ của Giác Duyên bên sông Tiền Đường. Giác Duyên dẫn đoàn về, gọi, Thúy Kiều bước ra, thấy đủ mặt một nhà, “Xuân già còn trẻ, huyên già còn tươi”, và:

Giọt châu thánh thót quẹn bào
Mừng mừng tủi tủi xiết bao sự tình
Vương bà dưới gối gieo mình
Khóc than mình kể sự mình đầu đuôi
Từ con lưu lạc quê người…  
        

Nếu chỉ đọc qua mà không dừng lại suy xét thì hầu hết độc giả "Truyện Kiều" đều nghĩ chủ ngữ của động từ “gieo mình” là Vương bà, và lời kể lể tiếp theo cũng là lời của Vương bà! Ngay có bản Nôm cổ như Liễu Văn Đương 1871 cũng hiểu nhầm như thế nên chữ “gối” được viết để chỉ cái gối gỗ dùng để gối đầu (có bộ mộc), chứ không phải để chỉ đầu gối! Sự thật không phải như thế. Lúc này Thúy Kiều đã nghe lời gọi của Giác Duyên mà bước từ lều cỏ ra ngoài sân, ngoài vườn, nên không có cái gối nào ở đây cho Vương bà gieo mình cả. Thế thì câu trên có nghĩa là sao? Đây là do đảo ngữ, chứ thứ tự theo ngữ pháp phải là: “Gieo mình dưới gối Vương bà”! Câu chủ ngữ ẩn, chỉ Thúy Kiều.

Khổ cho chúng ta là sau khi bị đảo ngữ, thì Vương bà làm chủ ngữ không ai còn bàn cãi. Nếu như, đó không phải là một người, là như cây lim chẳng hạn: “Lim già dưới gốc gieo mình” thì không còn ai hiểu lầm cây lim kia là chủ ngữ cả! Những câu kể tiếp theo là lời Thúy Kiều, mà ngay câu “Khóc than mình kể sự mình đầu đuôi”, thì rõ ràng không phải chuyện của Vương bà rồi. Hơn nữa, sau khi Thúy Kiều kể, thì Nguyễn Du tiếp: “Ông bà trông mặt cầm tay/ Dung quang chẳng khác như ngày mới xa…”. Một lần nữa khẳng định người “gieo mình” và “khóc than kể lể” trên kia chính là nàng Kiều.

Biết nhiều bạn đọc sẽ hiểu sai ý của hai câu này, trong bản “Đoạn trường tân thanh” xuất bản năm 1902, Kiều Oánh Mậu đã chỉnh thành: “Gieo mình dưới gối huyên đình/ Khóc than mình kể sự mình đầu đuôi” vừa rõ nghĩa, vừa tránh được lặp vần của nguyên bản.

Trong "Truyện Kiều", đảo ngữ chỉ là một trong nhiều thủ pháp mà Nguyễn Du sử dụng để tạo ra cách diễn đạt mới. Ngoài đảo ngữ còn có thủ pháp tiểu đối, thủ pháp giản lược nhiều từ trong câu, để biến một câu văn xuôi dài dòng thành một câu thơ lục bát, nhưng khi muốn hiểu nghĩa, chúng ta buộc phải nghĩ tới các từ đã được giản lược. Đó là nội dung của một bài viết khác.

Rõ ràng đảo ngữ trong "Truyện Kiều" là thủ pháp làm giàu thêm tiếng Việt về mặt cú pháp. Chúng ta lưu ý đặc điểm này, để trong nhiều trường hợp nó sẽ giúp ta “giải mã” được những câu Kiều khó hiểu và tránh được những sự hiểu nhầm đáng tiếc. 

Vương Trọng
.
.
.