Thời hoa đỏ - Niềm khát khao luyến tiếc và những mối tình dang dở

Thứ Năm, 22/09/2022, 15:03

Một trưa hè nắng cháy bỏng rát như muốn thiêu rụi đi tất cả, từng cơn gió Lào cũng vậy, dường như nó muốn trêu ngươi mọi tâm hồn vốn đã khô nẻ, bạc phếch nơi ấy; và tôi, xoãi người bên bức tường ẩm có cây ổi cao hơn tôi phủ bóng, tay cầm cuốn sách toán học cũ kĩ, nhầu nhầu mà tôi vừa mượn được, bỗng từ loa phát thanh của hội quán xóm tôi vang lên tiếng hát của một cô ca sĩ nào đó. Giai điệu của bài hát ấy đã thu hút tôi - một đứa trẻ con vừa học xong lớp 6: “Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao/ Bước lặng im trên đường vắng năm nao ...”.

Và giai điệu ấy, sự mượt mà ấy đã đi theo tôi suốt hơn mười bảy năm nay.

Không thiếu những lần tôi tìm cách ghi lại lời của bài hát. Hơn ba lần tôi cố thể hiện bài hát ấy trước mọi người, và vô số lần tôi không đếm được tôi độc diễn. Và tôi, không thể nào hiểu được vì sao đứa trẻ con trong tôi ngày ấy lại say mê với giai điệu trầm buồn mà muôn vàn tiếc nuối ấy. Cho đến giờ, câu hỏi ấy vẫn không có lời giải đáp.

image001.jpg -0
Nhà thơ Thanh Tùng (1935 -2017), tác giả bài thơ "Thời hoa đỏ".

Bây giờ, là người phụ nữ đã trưởng thành và có gia đình thì dường như, “Thời hoa đỏ” càng rõ nét, càng thấm đậm hơn trong tâm hồn, vốn đã rất mênh mông của tôi.

Tác giả bài thơ “Thời hoa đỏ” là nhà thơ Thanh Tùng. Ông viết bài thơ vào khoảng năm 1972 - khi cuộc hôn nhân của ông và người vợ yêu quý vừa đổ vỡ. Đến 1989, nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng đã phổ nhạc cho bài thơ. Và hình như, lời thơ ấy như được tiếp thêm sức mạnh, nó đã bay cao, bay xa, chạm tới những tâm hồn nhạc sống động những mảnh đời, những mảnh tình da diết: “Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao/ Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng/ Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh/ Chẳng chịu cho lòng ta yên”.

Bốn câu thơ đầu, hình ảnh của một bầu trời rực lửa với màu hoa, một màu lửa cháy như làm nền cho cái sự khát khao đang dồn nén trong lòng người trai ấy. Tưởng như hạnh phúc đang đến bên họ: “Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng”. Con đường vắng với cái nắm tay nhẹ nhàng nghe sao xao xuyến: chỉ có hai người thôi. Nhưng không đâu, “tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh” cũng đồng nghĩa với niềm yêu thương cũng chẳng để ta yên. Nỗi niềm khát khao cũng chẳng để ta yên: “Anh mải mê về một màu mây xa/ Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ/ Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa”.

“Màu mây xa” - một hình ảnh vừa thực vừa mơ. Cái thực hình như ở phía kia, trước mắt người trai ấy là màu mây trắng nhưng lại cũng như mơ như ảo trong kí ức xa xăm trở về. Một kí ức “về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ”, một kí ức đầy “vẻ thần kỳ của ngày xưa”. Dường như, người trai đang bồng bềnh ngoái nhìn về quá khứ. Và em: “Em hát một câu thơ cũ/ Cái say mê một thời thiếu nữ”.

Em cất lên tiếng hát cho một câu thơ cũ, câu thơ cũ đấy nhưng nó hiện về cái thời thiếu nữ em mê say, khao khát với đời, với cuộc sống, với tình yêu. Cái thời thiếu nữ ấy, rực cháy đam mê như màu hoa đỏ phượng vĩ đến mùa hè cháy bỏng: “Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi/ Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi/ Như máu ứa một thời trai trẻ/ Hoa như mưa rơi rơi/ Như tháng ngày xưa ta dại khờ”.

Ôi chao! Mỗi mùa hoa đỏ về, là mỗi mùa hè đến, là mỗi mùa phượng vĩ tan tác đỏ cái màu ấy, cái màu đỏ tươi như màu máu chảy trong thân thể người trai ấy, màu đỏ của niềm yêu thương tha thiết, mê đắm, màu đỏ của cuồng si của những năm tháng dại khờ. Những năm tháng của tuổi trẻ yêu đương: “Hoa như mưa rơi rơi, hoa như mưa rơi rơi...”.

Một dải lụa đỏ phủ quanh đôi lứa ấy, để rồi họ nhìn nhau, nhìn nhau trong cái khổ đau, chua xót: “Ta nhìn sâu vào mắt nhau/ Mà thấy lòng đau xót/ Trong câu thơ của em/ Anh không có mặt/ Câu thơ hát về một thời yêu đương tha thiết/ Anh đâu buồn mà chỉ tiếc/ Em không đi hết những ngày đắm say”.

image003.jpg -0
“Cái lặng im rực màu hoa đỏ”.

Trong câu thơ của em, anh không có mặt” - sự xót xa của người trai dường như trở nên thẳm sâu hơn bởi câu thơ ấy viết về cái thời yêu đương tha thiết, viết về mối tình của người nữ đang bên anh nhưng lại đắm chìm về quá khứ, về nỗi yêu đương của tuổi trẻ, của người đã từng đi qua trái tim của nàng - người đó không phải là anh. Người trai ấy, đã yêu, mê đắm hiến dâng, nhưng, trái tim của nàng, vẫn trọn vẹn dành cho quá khứ. Có lẽ, nỗi dằn vặt, nỗi nhớ nhung, nỗi khát khao yêu này càng trở nên tang thương hơn gấp bội.

Nhưng, cao thượng biết bao, rộng lượng biết bao khi anh nói: “Anh đâu buồn mà chỉ tiếc/ Em không đi hết những ngày đắm say”. Không có bất cứ một sự dằn vặt, ghen tuông nào nơi anh. Anh đã đặt lòng mình vào người nữ ấy, tiếc rằng, cuộc tình em dang dở, không đi đến hết những ngày đắm say của yêu đương. Thật là nhân văn. Cái nhìn đầy nhân văn của một người trai dành cho tình yêu của mình. Tưởng như anh đang lắc đầu, thở dài trong nỗi tiếc thương thay cho em - người phụ nữ anh đã yêu đến thế. Ta chợt nhớ đến câu thơ nổi tiếng của “Mặt trời của thi ca Nga” Puskin: “Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”. Có lẽ, chạm đến đỉnh cao của tình yêu chính là sự hy sinh và độ lượng của những người trai tràn lòng yêu như vậy.

Lời buông lời như thủ thỉ, như nhắn nhủ với người con gái anh yêu: “Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ/ Không cho ai có thể lạnh tanh/ Hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ/ Như vết xước của trái tim”.

Hoa cứ rơi, bây giờ và ngày xưa. Cũng như cái sự hoa đã làm cho lòng chúng ta không thể lạnh, nghĩa là ta không thể không rung động, như tuổi trẻ chúng ta đã yêu, đã say đắm vậy. Và vô tình hoa đã để trong trái tim chúng ta một vết xước. Một vết xước không bao giờ mất đi - vết xước của tình yêu tuổi trẻ. Sự đổ lỗi rất dễ thương cho hoa của tác giả, chỉ đơn giản là để an ủi người con gái ấy mà thôi: “Sau bài hát rồi em lặng im/ Cái lặng im rực màu hoa đỏ/ Anh biết mình vô nghĩa đi bên em”.

Tiếng hát em ngừng. Mọi thứ dường thinh lặng. Chỉ là cái thinh lặng bên ngoài mà thôi. Bởi hồn em “rực màu hoa đỏ”, cảm xúc dâng tràn với biết bao kỷ niệm đẹp đẽ của quá khứ chợt sống lại trong em; những niềm yêu thương tha thiết, những đam mê say đắm, những nhớ nhung, khao khát... Mọi thứ ùa về và em đắm chìm nơi ấy... Và anh, anh biết mình vô nghĩa đi bên em. Thật trớ trêu cho một chữ Tình. Trái tim lặng, hẳn là người trai ấy? Bởi có nỗi đau nào hơn nỗi yêu vô vọng? Dù trái tim anh trọn đời dâng hiến - chỉ riêng em thôi - nhưng - anh vẫn chỉ là vô nghĩa với em. Nỗi đau tự rên xiết buốt lạnh trong tình yêu anh: “Sau bài hát rồi em như thể/ Em của thời hoa đỏ ngày xưa/ Sau bài hát rồi anh cũng thế/ Anh của thời trai trẻ ngày xưa”.

Sau bài hát, anh đã thấy em, chính là người con gái của cái thời hoa đỏ ngày xưa ấy. Không phải của bây giờ - không phải của anh.

Anh nói với nàng, nhưng là anh độc thoại. Chút an ủi mong manh “sau bài hát rồi anh cũng thế, anh của thời trai trẻ ngày xưa”. Và anh cũng muốn, anh là của thời trai trẻ đã qua. Với niềm yêu, niềm thương dạt dào, với những giấc mơ tuổi trẻ.

Kết thúc bài thơ dù nhẹ nhàng, an ủi, nhưng dường như thấm đẫm nỗi bi thương của một cuộc tình dang dở. Sự luyến tiếc, xót xa của tình yêu đã đi qua và “vết xước”, dư âm ngọt ngào còn đọng lại. Đủ cho ta thấy, sự tinh tế, bao dung của tác giả lớn biết nhường nào? Hay rộng hơn, những tấm lòng trai trẻ ấy - niềm khát khao yêu mãnh liệt ấy - đã mãi mãi tồn tại vượt thời gian, không gian - cho những nốt nhạc tràn đầy yêu thương thi vị của tuổi trẻ sống mãi trong mỗi chúng ta.

Có ai trong chúng ta chưa một lần rung động cái thời trai trẻ đầy khát khao ấy? Và có ai trong chúng ta cái thời thiếu nữ ấy, chưa một lần thẹn thùng khi ánh mắt ai đấy vô tình đi qua ta?

Xin gửi tới nhà thơ Thanh Tùng lời cảm ơn chân tình và ấm áp. Bởi nhà thơ đã rút hết xúc cảm và tình yêu để cho đời một tác phẩm; và hơn nữa, nhà thơ đã thay lời biết bao chàng trai cô gái để trở về với những kỉ niệm, những cuộc tình không có trái thơm.

Và dù có ở đâu, tháng năm nào đi nữa thì hoa vẫn cứ nở, hoa vẫn cứ rơi ...

Hoa như mưa rơi rơi, hoa như mưa rơi rơi...”.

Huyền Thanh Thanh
.
.
.