Thơ lục bát cách tân nhìn từ tư duy kiến tạo nhịp điệu mới

Chủ Nhật, 03/11/2024, 18:56

Từ xưa đến nay, thơ lục bát được coi là Quốc thi, là điệu hồn dân tộc của người Việt mà phổ biến - phổ cập nhất là lục bát ca dao, tục ngữ đến tác phẩm thi ca vĩ đại nhất là "Truyện Kiều" của Đại thi hào Nguyễn Du gồm 3.254 câu thơ lục bát trường thiên viết cách đây 200 năm (từ năm 1805-1809).

Nhà văn hóa Phạm Quỳnh đã từng tuyên ngôn: "Truyện Kiều" còn thì tiếng ta còn; Tiếng ta còn thì nước ta còn. Ông cũng khẳng định: "Một nước không thể không có quốc túy, "Truyện Kiều" là quốc túy của ta; một nước không thể không có quốc hoa, "Truyện Kiều" là quốc hoa của ta; một nước không thể không có quốc hồn, "Truyện Kiều" là quốc hồn của ta".

Thơ  lục bát cách tân nhìn từ tư duy kiến tạo nhịp điệu mới -0
Tập tiểu luận, phê bình của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến - Giải thưởng VHNT Thủ đô.

Không phải ngẫu nhiên mà học giả Phạm Quỳnh đưa ra lời nhận xét như vậy, quả thực, "Truyện Kiều" với thơ lục bát đã trở thành linh hồn của văn hóa dân tộc, mang trong nó tất cả những gì tinh túy nhất của bản sắc tinh thần dân tộc. Có một thực tế, Nguyễn Du là nhà thơ có học vấn uyên bác, nắm vững nhiều thể thơ của Trung Quốc như: ngũ ngôn cổ thi, ngũ ngôn luật, thất ngôn luật, ca, hành,... nên ở thể thơ nào, ông cũng có bài xuất sắc. Nhưng chúng ta thử lý giải vì sao Đại thi hào Nguyễn Du lại chọn thơ lục bát chứ không phải bất kỳ một thể loại thơ nào khác trong các dòng thơ cổ điển phổ biến (ở cả Việt Nam và Trung Quốc) tại thời điểm ấy để chuyển thể tác phẩm văn xuôi "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh tâm Tài nhân (Trung Quốc) thành "Đoạn trường tân thanh" tức "Truyện Kiều"?

Thơ lục bát mang hồn cốt dân tộc ngàn xưa

Điều đặc biệt hơn cả là tài làm thơ lục bát bằng chữ Nôm của Nguyễn Du với đỉnh cao là "Truyện Kiều",  đã cho thấy thể thơ lục bát có khả năng chuyển tải nội dung tự sự và trữ tình to lớn trong thể loại truyện thơ. Vậy phải chăng thơ lục bát có thể coi là chiếc chìa khóa quan trọng bậc nhất để mở ra cánh cửa của tinh thần Việt, văn hóa Việt, bản sắc thi ca Việt?

Thơ lục bát có vị trí rất quan trọng trong đời sống thi ca và đời sống tinh thần của người Việt trong nhiều thế kỷ qua. Ngay cả trong thời đại thơ mới của Thi nhân Việt Nam (1932-1941) với sự xuất hiện của hàng loạt nhà thơ tiền chiến tiêu biểu như: Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Phạm Huy Thông, Nguyễn Xuân Sanh, Bích Khê, Yến Lan, Thâm Tâm, Vũ Hoàng Chương, Trần Huyền Trân, Tế Hanh, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ… với nhiều tìm tòi mới thì các nhà phê bình Hoài Thanh, Hoài Chân vẫn khẳng định trong bài viết về một thời đại thi ca: "Thơ lục bát vẫn được trân trọng do ảnh hưởng của "Truyện Kiều" và ca dao, trong khi thể Đường luật vừa động đến là tan, thơ song thất lục bát cơ hồ chết, không hiểu vì sao". Sau Thơ mới thi nhân tiền chiến suốt nửa thế kỷ XX, thơ lục bát vẫn cho thấy sức ảnh hưởng khá sâu rộng trong thi ca cách mạng, thi ca kháng chiến và cả thi ca thời hậu chiến.

 Nhưng cho đến hai thập niên đầu thế kỷ XXI này, sự lạm phát đến quá tải của phong trào thơ lục bát bình dân theo kiểu "Người người làm thơ, nhà nhà in thơ, ta nhất định thắng, thơ nhất định thua" đã làm cho thơ lục bát rơi vào cuộc khủng hoảng của các loại thơ vần vè, thơ giao đãi, giao tình, giao lưu, giao duyên… các kiểu ở các câu lạc bộ mọc lên như nấm ở khắp nơi khiến cho độc giả quay lưng lại với thơ ca theo kiểu: "Gặp nhau tay bắt mặt mừng/Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ". Sự lạm phát thơ lục bát theo kiểu này khiến không ít nhà thơ chuyên nghiệp cũng thấy phân tâm.

Theo tôi, điều quan trọng nhất, căn cốt nhất là các nhà thơ phải có thơ hay, phải viết được những bài lục bát làm rung động được cả mặt tình cảm và lý trí của người đọc như các nhà thơ thời hiện đại: Nguyễn Duy, Lê Đình Cánh, Trần Đăng Khoa, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ, Đỗ Trọng Khơi… và một số tác giả trẻ sau này. Vì thế, tôi nghĩ, các nhà thơ của chúng ta ở thế kỷ XXI vẫn nên tìm tòi cái hay của thơ lục bát theo kiểu đổi mới, cách tân phát hiện vẻ đẹp mới cho thi điệu lục bát đã mang hồn cốt dân tộc từ ngàn xưa này.

Thơ đọc chậm với lục bát cách tân

Theo tôi, mục đích của đổi mới thi ca bao giờ cũng phải nhằm tới sự hòa quyện nhu cầu của người sáng tạo với nhu cầu của  số đông người đọc khi đa số người Việt vẫn yêu thơ lục bát như một món ăn tinh thần không thể thiếu từ xưa tới nay. Năm 2012 tôi in một tập thơ với tựa đề "Trăng và thơ đọc chậm" (do NXB Hội Nhà văn ấn hành) với ý tưởng: Trăng là cái đẹp, thi ca nhiều khi cũng mang vẻ đẹp của trăng và cách sống chậm, đọc chậm, cảm nhận chậm… khi thưởng ngoạn vẻ đẹp của trăng và thi ca có lẽ sẽ giúp chúng ta phát hiện được nhiều điều thú vị hơn nhất là trong đời sống đô thị công nghiệp ngột ngạt, xô bồ hôm nay.

Trong những bài thơ lục bát của tập "Trăng và thơ đọc chậm" tôi thường dùng dấu chấm để tạo nhịp điệu cho mỗi câu thơ. Những năm qua, người đọc đã quen với lối thơ lục bát mới, thường bẻ câu, xuống dòng để tạo nhịp điệu ví như đoạn thơ sau trong bài "Thời gian của trăng" của tôi:  "Lần tay/ Mở áo đêm ra/ Trăng/ Nhu nhú sáng/ Như/ Là trăng non/ Đặt môi lên/ Đỉnh trăng tròn/ Để hư vô/ Biết ta còn/ Chiêm bao". Với kiểu thơ lục bát bẻ câu, xuống dòng nói trên, nó cũng đã tạo ra một hiệu ứng "làm mới không gian thơ lục bát". Tương tự như thế, nhưng tôi không bẻ câu, không xuống dòng, tôi vẫn giữ nguyên khổ thơ truyền thống "trên sáu chữ, dưới tám chữ" và dùng dấu chấm để ngắt và biến đổi nhịp thơ theo kiểu: "Lần tay. Mở áo đêm ra/ Trăng. Nhu nhú sáng. Như. Là trăng non/ Đặt môi lên. Đỉnh trăng tròn/ Để hư vô. Biết ta còn. Chiêm bao".

Với những câu thơ lục bát dạng này, người đọc thường phải "đọc chậm" lại vì mỗi một đơn vị chữ khi đứng độc lập lại thường có sự "ngân vang" và liên tưởng riêng của nó. Và tôi coi đấy như một thủ pháp mới phát hiện của mình để "làm mới" thơ lục bát. Vì thực ra, với thể thơ cổ điển này, sự mòn mỏi quen thuộc về mặt nhịp điệu thi pháp trong cả trăm năm qua cũng đã đến lúc cần phải có những chuyển đổi mới về mặt cấu trúc nhịp điệu câu thơ để có thể tạo ra một âm hưởng làm tươi mới thơ lục bát mà vẫn không làm mất đi vẻ đẹp quyến rũ truyền thống của nó.

Trong nhiều bài thơ lục bát, tôi đã dùng thủ pháp "làm chậm" lại nhịp điệu thơ bằng cách dùng dấu chấm đặt vào các câu thơ. Vì vậy, người đọc sẽ phải làm quen với một cách đọc mới, một cách cảm xúc mới khi đọc thơ lục bát kiểu này.

"Đấu bò tót" là đề tài hiện đại và khá dữ dội, hợp với thơ tự do hơn thơ vần điệu. Do vậy, khi viết đề tài này bằng thơ lục bát như một thể nghiệm, tôi cố gắng biến đổi nhịp điệu lục bát và ngắt câu để tiết tấu thơ khỏe khoắn hơn, khô gắt hơn, mạnh mẽ hơn và ấn tượng hơn, để mỗi con chữ tìm thấy từ trường thơ của riêng nó sau mỗi chấm câu, mỗi ngắt dòng theo cách: "Chéo khăn. Màu đỏ. Phất ngang/ Người đấu bò tót. Trên tràng đấu kia/ Dưới chân. Anh. Đất chai lì/ Cồn cào. Móng sắc. Bước phi tử thần/ Mũi lao. Và. Một chéo khăn/ Choãi chân. Anh. Với ngực trần. Máu loang/ Đấu trường. Réo đỏ. Như than/ Chập chờn. Cái chết. Chập chờn. Lời ca/ Rồi. Khi họ bế anh. Ra/ Con bò gục xuống. Máu. Và chéo khăn/ Lặng thầm. Em. Đứng trên sân/ Chéo khăn. Màu đỏ. Khuất dần. Sau mưa/ Lặng thầm. Nước mắt em. Thưa/ Với màu máu đỏ. Cuộc đưa tiễn này".

Nhà phê bình văn học, TS Mai Anh Tuấn đã nhận xét về sự đổi mới thơ lục bát của tôi: "Cách tạo nhịp bằng dấu chấm đã có hiệu quả trong việc điều tiết hơi thở, đặt người đọc vào tình thế phải "đọc chậm". Sẽ không khó để nhận ra, đọc chậm là một đòi hỏi có tính tiên nghiệm của chủ thể sáng tạo đặt lên chủ thể tiếp nhận. Đọc chậm là cách để người ta sống trong không gian thơ, trải nghiệm một cách sâu sắc hơn những ấn tượng thi ca. Đổi nhịp lục bát truyền thống (nhịp chẵn), gieo dấu chấm vào giữa dòng thơ, ấn định nhịp là cách tác giả buộc người đọc phải tuân thủ ý niệm sáng tạo mới.

Tuy nhiên, vấn đề không dừng lại ở đấy, cũng không đơn giản như vậy. Tư tưởng gợi lên từ những dụng công ấy là một thông điệp văn hóa. Trong bối cảnh sống của con người đương đại, khi tốc độ trở thành một biểu hiện của sinh quyển hiện đại, nhiều giá trị đã bị lướt qua, bị bỏ rơi hay không có cơ hội được chiêm ngẫm một cách thấu đáo. Từ đọc chậm đến sống chậm là cách để con người cảm nhận được sự sống. Và, tốc độ, sự kết nối đa phương tiện lại chưa hẳn là cách thức để con người sống được nhiều hơn (chưa nói đến sống ý nghĩa hơn).

Sống chậm mới là sống sâu sắc từng giây phút của hiện hữu. Cái dấu chấm giữa chuỗi lời kia khiến cho mọi thứ không trôi tuột đi, như là tiếng chuông còn ngân rung trên mặt sóng lãng đãng khói sương. Một cái tôi cô độc sống giữa muôn vàn cá thể cô độc khác, vậy nên Nguyễn Việt Chiến tha thiết níu giữ những nhân hình đang vội vã lướt qua cuộc đời. Tâm thế ấy anh dồn vào hình thức lục bát như là một sứ điệp gần gũi nhất của hồn dân tộc".

Nguyễn Việt Chiến
.
.
.