Thầy đồ buổi giao thời!

Thứ Bảy, 02/07/2022, 17:32

Cuối thế kỷ XIX, ảnh hưởng từ sự xâm lược của phương Tây, xã hội Việt Nam lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện, rõ nhất là về tư tưởng, văn hóa, giáo dục. Những biểu tượng của nền Hán học cũ đang dần vắng bóng rồi mất hẳn vai trò trong một đất nước đang bước ngày một sâu hơn vào con đường Âu hóa. "Bút chì" dần thay thế "bút lông". Nho học suy thoái, Tây học lên ngôi. Rất đúng với nhận định của Mác: Hình thái cuối cùng của lịch sử sẽ xuất hiện hài kịch.

Là nhiệt kế tư tưởng của xã hội, nhiều nhà thơ có tác phẩm thể hiện thái độ châm biếm, đả kích cái lố lăng của xã hội nửa nọ nửa kia. Họ đi tìm một hình tượng điển hình biểu hiện cho sự nghịch lý, suy thoái của thời đại là hình tượng thầy đồ. Không chỉ mang tính xã hội cao, hình tượng này còn là chính họ, mang nỗi lòng của những người yêu nước mà chịu nhìn cảnh nước đang mất. Hơn nữa, viết về giới mình thì thường là sâu sắc hơn!?

Thầy đồ buổi giao thời! -0
Cảnh thầy đồ buổi giao thời!

Một bức chân dung trong "Bài phú ông đồ ngông" của Nguyễn Khuyến: "Râu ria nhẵn nhụi/ Mặt mũi ngông nghênh/ Văn pha Nguyên mặc/ Sách học Quan hành/ Chạy gạo chạy tiền thất điên bát đảo/ Làm gà làm vịt tứ đốm tam khoanh". "Nguyên mặc" là sách chép các bài kinh nghĩa Tàu, "Quan hành" là tên sách do vị quan Hành tham tụng Bùi Huy Bích (1744-1818) soạn theo nguyên tắc giản lược các kinh, truyện sử ngày trước để dạy học trò; "làm gà làm vịt" là chuyện gà bài cho người khác. Chân dung, nghề nghiệp, lối sống, hành vi của hình tượng bị suồng sã (thất điên bát đảo), bị vật hóa (tứ đốm tam khoanh).

Hành động của "thầy" có gì đấy bất minh, lén lút: "Nón sơn úp ngược, đi liểu đi liều/ Bút thủy cài tai, sớn sơ sớn sở". Ứng xử của "thầy" chẳng có gì xứng với tư cách nhà giáo: "Thầy nài nẫm thêm dăm tiền nữa/ Chủ kèo cò đưa mấy đồng ra/ Ruột tượng thắt lưng, nguyên đồ khố rận/ Khăn tay dắt rốn, rặt giống cau già". "Nài nẫm" là nài nỉ xin xỏ chủ nhà cho thêm ít tiền công. Trang phục của "thầy" thì đích thực là một "tiểu nông" chính cống với ruột tượng có nhiều rận bám, khăn tay gói mấy hạt cau già để ăn trầu… Vốn đang ở vị thế được trọng vọng, kính nể "nhất tự vi sư..." nay bị hạ bệ một cách thảm hại. Trong tiếng cười có nước mắt!

Là một thầy đồ chính cống, Tú Xương tự trào: "Có một thầy/ Dốt chẳng dốt nào/ Chữ hay chữ lỏng/ Nghiện chè nghiện rượu, nghiện cả cao lâu/ Hay hát hay chơi, hay nghề xuống lõng" ("Hỏng thi phú"). Thậm chí tự hạ mình xuống hàng du côn lưu manh liều lĩnh: "Quần áo rách rưới/ Ăn uống xô bồ/ Trông thầy phong vận/ Ở chốn thị thành/ Râu rậm như chổi/ Đầu to tầy giành/ Cũng lắm phen đi đó đi đây, thất điên bát đảo/ Cũng có lúc chơi liều chơi lĩnh, tứ đốm tam khoanh" ("Thầy đồ đi trọ").

Tự mình cười mình theo nguyên tắc vật hóa (Râu rậm như chổi/ đầu to tầy giành; tứ đốm tam khoanh) là tiếng cười đau đớn nhất, xót xa nhất. Đào tạo ra những công dân có ích cho xã hội nên nghề dạy học luôn được coi là hình mẫu rất đáng kính trọng. Người thầy tử tế mới có những học trò tử tế. Thế mà người thầy ở đây lại bị miêu tả theo lối tha hóa, nghịch dị, đó là tiếng chuông cảnh tỉnh: xã hội đang bị suy thoái!

Năm 1904, cụ Ngô Đức Kế có "Văn minh tân học sách" phê phán lối học "tầm chương trích cú" từ văn chương điển cố Trung Hoa. Đó là lối dạy học "hủ nho": "Khí học làm sao, hoá học làm sao, cụ dẫn Dịch tượng, Thư trù chi cổ đế/ Cơ khí là thế, điện khí là thế, cụ rằng mộc ngưu lưu mã chi Khổng Minh" ("Văn tế thầy đồ hủ"). Lời văn đối lập một cách triệt để giữa cái "tân kỳ" với "khí học", "hóa học", "cơ khí", "điện khí" và những cái đã cũ tận xửa xưa trong văn hóa Trung Quốc với "Dịch tượng", "Thư trù", "Khổng Minh"... đã diễn tả cái hoàn cảnh lạc hậu đến tội nghiệp của các "cụ" - tức các thầy đồ.

Thầy đồ buổi giao thời! -0
Tranh thầy đồ xưa!

Họ còn đáng thương theo một hướng khác là ảo tưởng về nhận thức với sự "bảo hộ" của nước ngoài: "Cụ phải đeo thẻ, đóng sưu, cụ muốn nước Nhật, nước Tàu sang bảo hộ". Còn là một ảo tưởng về lịch sử dân tộc kỳ vĩ như thế sẽ "phục sinh" hiện tại: "Cụ mà ngâm thơ, đọc phú, cụ mong ông Chèm, ông Gióng chi phục sinh" ("Văn tế thầy đồ hủ"). Không còn là ảo tưởng mà là một tâm lý nô lệ bạc nhược cần phải thay đổi!

Nhà thơ Bùi Huy Phồn dựng lại chân dung "dị dạng" của ông đồ được coi là tầng lớp có học nhưng lại mang tính cách của những kẻ du thủ du thực: "Con gà tức nhau tiếng gáy, hết chia bè chửi đổng vu vơ/ Cặp ếch ghen mồi hoa, đến kéo cánh choảng nhau ầm ĩ" ("Phú ông đồ nho").

Các chí sĩ Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng trong "Lương Ngọc Danh sơn phú" mỉa mai lối học từ chương lỗi thời: "Đại cổ, tiểu cổ trọn ngày miệt mài/ Ngũ ngôn thất ngôn, cùng năm gạn gục/ Văn sách lóng hơi chủ khảo, Thuấn Chích tùy ý khen chê/ Từ, phú học mót bài Tàu đối đáp sắp câu tứ lục/ Tụi công danh láo nháo, chợ Tề trừng trộ cướp vàng/ Phường lợi lộc lau nhau, sân Sở lom khom dâng ngọc".

"Đại cổ, tiểu cổ" là vế lớn vế nhỏ trong bài kinh nghĩa có tám vế (bát cổ), tức suốt ngày chỉ học kinh nghĩa sách vở quá xưa cũ. "Gạn gục", tiếng miền Trung có nghĩa luẩn quẩn, là mỉa những kẻ mọt sách luẩn quẩn, loanh quanh, gặm nhấm các thể thơ, phú mòn sáo. Thuấn, tức vua Thuấn hiền minh. Chích, tức đạo Chích, trùm kẻ trộm. Thế mà vì u mê dốt nát nên vẫn "tùy ý khen chê" lẫn lộn.

"Chợ Tề" là điển tích nước Tề có kẻ cướp vàng giữa chợ bị bắt, bị tra khảo vì sao giữa chợ ban ngày lại đi cướp, y hồn nhiên khai vì chỉ trông thấy vàng chứ không thấy người. Điển này mỉa mai cay đắng những kẻ lóa mắt vì vàng không phân biệt nổi ban ngày ban đêm, chỗ đông người hay chốn không người. "Sân Sở" nhắc chuyện có người tên Biển Hòa quỳ dâng ngọc đá cho vua Sở, bị chặt chân, chặt tay, vẫn không nản chí, đến lần dâng thứ ba mới được vua tin là ngọc thật. Gợi tích này là châm biếm đau đớn những kẻ sẵn sàng hy sinh cả thân thể mình chỉ để đổi lấy cái danh hão hay sự chú ý của bề trên. Những hiện tượng như thế cho thấy một xã hội thật sự tha hóa, bên bờ vực sụp đổ!

Văn minh phương Tây thổi tới cái thứ gió "tân kỳ" làm bay đi cái hình bóng đạo mạo, nghiêm cẩn của thầy đồ "chiếu trải không ngay không ngồi, thịt thái không vuông không ăn" để thay vào đó một hình vẻ mang tính "giải thiêng". Như hình tượng "Thầy đồ ve gái góa" (tên một bài thơ của Nguyễn Khuyến): "Người bảo rằng thầy yêu cháu đây/ Thầy yêu mẹ cháu có ai hay/ Bắc cầu, câu cũ không hờ hững/ Cầm kính, tình xưa vẫn đắng cay".

Lời thơ hóm hỉnh tựa vào câu ca dao cổ: "Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy". Nhưng "mẹ cháu" yêu thật. Thầy cũng yêu nhưng thầy giả vờ nên "mẹ cháu" trách xa xôi qua ý câu ca dao: "Trách người quân tử vô tình/ Có gương mà để bên mình không soi". Người xưa có gương không soi, còn "thầy" nay chỉ biết "cầm kính"... Cuối cùng là họ cùng lật tẩy một tình thế: "Ở góa thế gian nào mấy mụ?/ Đi ve thiên hạ thiếu chi thầy?".

Lại có kiểu thầy đồ bàng quan, "đắp tai cài trốc" ngoảnh mặt với xã hội, tự coi mình là tài năng bị "hắt hủi": "Lơ lơ lửng lửng yêu nường nguyệt/ Tỉnh tỉnh say say cụ hợm trời" (Phan Bội Châu - "Cảm tác").

Thậm chí có thầy đồ hạ mình đến mức thảm hại chỉ để mong có được hai chữ bình an: "Nay xuống tỉnh bị sứ Tây đá đít: "dĩ tẩu vi tiên"/ Mai lên đồn bị chú lính bợp tai: "dĩ hòa vi quý" (Bùi Huy Phồn - "Phú ông đồ nho"). Bị sứ Tây làm nhục thì coi việc chạy đi là thượng sách (dĩ tẩu vi tiên), bị lính đồn đánh thì lấy hòa làm quý (dĩ hòa vi quý)...!!!

Từ góc nhìn ký hiệu học thì con chữ là ký hiệu quan trọng bậc nhất, là mã văn hóa cơ bản của thời đại. Chữ Nho ngày trước được coi là chữ "Thánh hiền" trân trọng, quý giá nhưng đến thời này thì bị rẻ rúng, coi thường. Vì chính các thầy đồ coi rẻ nó: "Chữ tứ thể lầm vài bốn lỗi, nét cứng như đanh/ Sách thập khoa quên đủ mười bài, văn trơ như thép" (Nguyễn Khuyến - "Bài phú ông đồ ngông"). "Tứ thể" là bốn lối viết chữ Hán (chân, thảo, triện, lệ) không chỉ viết "lầm vài bốn lỗi" mà "thầy" viết xấu "nét cứng như đanh". "Sách thập khoa" là sách chép các bài văn về mười vấn đề lớn, không chỉ quên cả "mười bài" này mà văn thầy còn khô cứng "như thép"...

Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam nhà nho/ thầy đồ là hiện thân của trí tuệ, lương tri đất nước, thế mà lúc này bị giễu nhại thảm hại như vậy tức xã hội đã ở vào hoàn cảnh một bi kịch rất cần sự thay đổi triệt để!

Nguyễn Thanh Tú
.
.
.