Thật, ảo Diêm Vương!

Thứ Bảy, 31/08/2024, 13:45

Nhân vật Diêm Vương có nguồn gốc từ tín ngưỡng dân gian Ấn Độ cổ, theo đạo Phật, đi vào rồi được khúc xạ, hấp thu văn hóa Trung Hoa. Truyền vào nước ta, được quy chiếu bởi quan niệm người Việt, hiện diện trong truyện cổ kỳ ảo nên hình tượng này rất sinh động bởi lóng lánh các sắc màu “liên văn hóa”.

Xét từ miền thượng nguồn nguyên thủy, câu chuyện bắt đầu từ việc thần Mặt trời lấy người vợ không phải là thần nên sinh hai người con một trai, một gái là Diêm Ma và Diêm Mật cũng chỉ là người phàm trần. Diêm Ma chính là người đầu tiên của nhân loại chết đi rồi trở thành vua của những người đã chết. Công lao của ông chính là việc phát hiện ra âm giới và trở thành vua (tức Diêm Vương) của thế giới ấy.

Vào Trung Quốc, theo Hán tự thì Diêm Vương nghĩa là trói buộc, bắt giữ những người có tội. Chịu sự ảnh hưởng của quan hệ tôn nghiêm, đa tầng, đa bậc nên cõi âm của Diêm Vương có thêm “Thập điện âm phủ”, tức 10 điện, đứng đầu mỗi điện là một vị Minh vương làm công việc luận tội người đã chết phạm phải khi còn sống trên dương gian rồi thưởng phạt công minh. Như vậy hình tượng Diêm Vương và Thập điện là một biểu hiện cụ thể cho thuyết nhân quả hướng con người ta sống thiện, “ở hiền gặp lành”. Sống ác sẽ chịu “quả báo”…

Thật, ảo Diêm Vương! -0
Hình ảnh Diêm Vương trong tranh cổ Nhật Bản.

Mô hình Diêm Vương và Thập điện âm phủ vẫn có trong Phật giáo Việt Nam có biến đổi chút ít. Đi vào văn học viết, Diêm Vương trở thành nhân vật biểu hiện cho công lý, công bằng, có trong các sách “Truyền kỳ mạn lục”, “Công dư tiệp ký” và các truyện thơ Nôm như “Phạm Công - Cúc Hoa”, đến “Dương Từ - Hà Mậu” của Nguyễn Đình Chiểu…

Hình tượng Diêm Vương được nhắc tới nhiều nhất trong văn học truyền kỳ thời trung đại của ta là ở “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” của Nguyễn Dữ. Chuyện kể Ngô Tử Văn là kẻ sĩ khẳng khái, chính trực. Trong làng của Tử Văn có ngôi đền thiêng. Hồn một tên tướng giặc nhà Minh tử trận trú trong đền cứ tác oai tác quái phá phách. Tử Văn bèn châm lửa đốt đền để trừ hại. Đêm ấy Tử Văn lên cơn sốt mê man, mơ thấy hồn ma đến đòi trả đền và đe dọa bắt chàng xuống âm phủ.

Cảm phục trước hành động dũng cảm của Tử Văn, viên Thổ thần mách chàng cách ứng xử với Diêm Vương và tung tích, tội ác tên giặc nọ. Đêm sau, bệnh nặng thêm, có hai con quỷ đến đưa Tử Văn xuống âm phủ. Trước Diêm Vương, Tử Văn đanh thép vạch trần tội ác hung thần. Diêm Vương sai người điều tra, xác minh cụ thể. Cuối cùng, Diêm Vương phán xử đúng người đúng tội: hồn tướng giặc bị giam trong ngục còn Tử Văn được đưa trở về trần gian. Một tháng sau, Thổ thần tiến cử Tử Văn giữ chức phán sự đền Tản Viên để tạ ơn.

Qua nhân vật chính Tử Văn, truyện đề cao tinh thần khẳng khái, cương trực, dám đấu tranh chống lại cái ác để giúp dân; thể hiện khát vọng công lí, chính nghĩa sẽ thắng gian tà. Hành động đốt đền của Tử Văn là hành động dứt khoát phủ nhận và trừng trị những thế lực thần quyền và cường quyền hắc ám vi phạm chính nghĩa, công lý. Trước hồn ma tướng giặc hung hãn, gian manh, xảo quyệt, thái độ mặc kệ, kiểu ngồi ngất ngưởng của Tử Văn biểu hiện tư thế đứng trên cái ác, cái xấu… Ý chí tự hào, tự tôn dân tộc và hành động vì lẽ phải của Tử Văn đã thuyết phục, thu phục Thổ công. Thổ công tận tình giúp bằng cách kể tường tận về hồn ma, bày cách đối phó với kẻ thù xảo quyệt, ma mãnh trước mặt quan tòa…

Tại điện Minh Ti thuộc thế giới cõi âm, “phiên tòa” công lý đã diễn ra với ba nhân vật chính: Hồn ma tướng giặc “tố cáo” Tử Văn với Diêm Vương chuyện “đốt đền” rồi làm bộ đạo đức giả xin “giảm án” cho Tử Văn. Diêm Vương trách mắng Tử Văn vì hành động vô lễ với thần linh. Tử Văn dùng lý lẽ và sự thật đấu tranh vạch mặt tên tướng giặc đã làm Diêm Vương uy quyền phải suy nghĩ lại. Diêm Vương sai người đến đền Tản Viên “chứng thực”. Sự thật chỉ có một. Tử Văn thắng lợi.

Trước hết, câu chuyện là bài học con người ta phải biết nhận thức về cái xấu. Trước Diêm Vương, mặc dù sai rõ ràng nhưng tướng giặc vẫn tìm mọi cách đổ lỗi cho Tử Văn ngoan cố, không kính trọng thần linh nên gây họa cho dân. Nó khúm núm (để đề cao tòa), tỏ ra oan ức (gợi sự cảm tình), tỏ ra rộng lượng (gợi sự tin tưởng)… Thì ra kẻ xấu ở đâu cũng mang bản chất xấu, luôn có dã tâm và sự lì lợm để làm hại cái tốt. Với người tốt, ngoài tinh thần chính nghĩa, còn cần một bản lĩnh, trí tuệ, hiểu biết… Hiểu kẻ thù, còn phải hiểu cả luật pháp… Không có sự “trợ giúp pháp lý” của Thổ thần, Tử Văn sẽ khó thắng kẻ gian manh, quỷ quyệt ấy. Sau nữa, truyện là một khát vọng công lý: Mong muốn các quan tòa trên dương thế cũng được như Diêm Vương!

Hình tượng Diêm Vương này khác hẳn trong quan niệm trào tiếu dân gian.

Là kết tinh của cuộc sống phồn thực, sống động, khỏe mạnh, tiếng cười dân gian với muôn vàn sắc thái vang lên từ xã hội nông thôn vốn tĩnh lặng. Những cái gì xấu đều bị đem ra làm trò cười bằng cách bị thông tục hóa, phàm tục hóa. Truyện “Tao thèm quá” kể về ông vua dưới âm phủ nhưng là một cách bóng gió nói về ông vua trên dương thế. Oan hồn một con lợn bị giết xuống âm phủ kêu với Diêm Vương. Ngài phán nỗi oan ức của nhà ngươi thế nào, hãy nói rõ đầu đuôi.

Nó “trình bày” rằng bọn đồ tể chọc tiết, cạo lông, phanh thịt, chặt ra từng miếng rồi cho vào chảo mỡ đang phi hành, tra thêm mắm muối… Diêm Vương vội ngăn lại: “Thôi, thôi, đừng nói nữa… Tao thèm quá!”. Tiếng cười bật ra làm lộ rõ nguyên hình một công lý giả dối: Diêm Vương chuyên làm cái việc “xử án” những kẻ có tội nhưng chính cái sự “thèm (ăn) quá” đã lật tẩy bản chất giả dối chẳng có gì là công tâm liêm khiết chính trực cả. Chỉ có tiếng cười mới đủ sức mạnh giật phăng cái mặt nạ giả tạo để trơ ra bộ mặt thật thảm hại: “Tao thèm quá!”.

Thật, ảo Diêm Vương! -1
Tranh cổ Phật giáo “Diêm Vương xử án”: Quan niệm “ác giả ác báo”.

Có truyện lộn trái cả một quan niệm sống rất đáng phải xem xét lại một cách nghiêm túc, không chỉ ở ngày xưa, mà ở cả hôm nay. Một anh nọ lúc sống công nợ nhiều, chết xuống âm phủ vẫn chưa yên, bị các chủ nợ đâm đơn kiện xuống Diêm Vương. Ngài tra sổ thấy quả vậy, bèn bút phê bắt anh ta hóa kiếp làm trâu cày trả nợ. Anh ta một mực van xin: “Con vay có mười quan tiền, nhưng chúng nó ác lắm, bắt lãi mẹ đẻ lãi con, rồi nhập vào vốn, con trả bao nhiêu năm trời mà vẫn chưa hết. Thế nên Ngài hóa con làm kiếp trâu, cũng không thể trả hết được. Phải cho con làm bố chúng nó, may mới trả hết nợ được!”.

Diêm Vương ngạc nhiên không hiểu. Anh ta mới giải thích rằng: “Làm kiếp trâu thì có hạn, còn làm bố chúng nó thì chẳng những phải lo lắng cho chúng suốt đời, khi chết, có bạc vạn, bạc triệu cũng để lại cho chúng cả. Lại còn nỗi, mỗi khi chúng nó bóp hầu bóp họng người ta, họ cứ gọi thằng bố chúng ra mà chửi. Có như vậy, may ra con mới trả hết nợ…”!!!

Câu chuyện có tên thật đích đáng “Làm bố chúng nó mới trả hết nợ”. Chỉ mượn hình tượng Diêm Vương làm điểm tựa nhưng để nói lên bao ý nghĩa cơ bản của cuộc sống. Là tiếng cười giễu vang lên những dư âm đắng đót rất thực tế với nghịch lý: đời cha mẹ quá khổ vì con cái. Nhưng xét đến cùng cũng là tại chính các bậc bố mẹ, không sống cho mình mà chỉ chăm chăm sống cho con. Tự nguyện làm thân “trâu” cho con, chăm lo, phụng dưỡng con một cách mù quáng. Tại sao không để con “kéo cày” mà các bậc bố mẹ cứ phải kéo thay?

Một minh triết giáo dục gióng lên tiếng chuông cả xã hội phải thay đổi cách nhìn nhận, cách sống. Một truyện cười nhưng là cả một bài học lớn về lối ứng xử, giáo dục: phải từ bỏ lối “bao cấp”, bao bọc, o bế con cái để rồi tự mình làm khổ mình mà con cái thì ỷ lại. Trong khi đó, giáo dục hiện đại thời cách mạng 4.0 đang kêu gọi phải hướng giáo dục theo lối con người phải tự làm chủ chính mình, có trách nhiệm với chính mình để phát triển cá tính, tự tin, bản lĩnh.

Về chủ đề này nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh, có thể chịu ảnh hưởng từ truyện cười trên cũng nêu lên một triết lý đáng suy ngẫm: “Con ta không phải của ta/ Tai họa của nó mới là của ta/ Của chìm của nổi trong nhà/ Của ta rồi sẽ lại là của con”. Trời đất ơi, thế bố mẹ có “của” gì cho riêng mình? Hạnh phúc của họ ở đâu?

Như vậy, về bản chất, Diêm Vương là nhân vật kỳ ảo, không thật nhưng đi vào văn chương lại nói được rất thật bao nhiêu điều về cuộc sống!

Nguyễn Thanh Tú

.
.
.