Sông Đa Độ núi Đối - những dư âm lịch sử

Thứ Bảy, 23/03/2024, 14:56

Sông Đa Độ hợp cùng núi Đối không chỉ tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình, lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa mà còn mang lại những lợi ích kinh tế thiết thực cho kinh đô Dương Kinh xưa mà nay là huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng.

Chúng tôi về đất Dương Kinh xưa giữa lúc nhiều lễ hội mùa xuân diễn ra tưng bừng, đặc biệt là Lễ hội Đua thuyền rồng truyền thống sông Đa Độ. Năm Giáp Thìn 2024 là lần thứ 17 lễ hội này được tổ chức với sự tham gia tranh tài của 360 vận động viên các đội đua, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Chúng tôi là những người từ phương Nam về tham dự hoạt động văn hóa mang ý nghĩa linh thiêng có từ lâu đời ở vùng đất phát tích Vương triều Mạc với kinh đô Dương Kinh do Thái tổ Mạc Đăng Dung gây dựng.

Từ dải yếm màu nhiệm của quý phi

Đa là nhiều. Độ là bến. Đa Độ là con sông có nhiều bến: bến nước, bến đò, bến cá. Tôi biết đến sông Đa Độ khi về dâng hương Khu tưởng niệm Vương triều Mạc ở xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Một con sông thủy vực đẹp, nước trong xanh kỳ ảo tạo nên không khí mát mẻ trong lành hiếm có giữa thời ô nhiễm khắp các nguồn nước.

1.jpg -0
Quang cảnh sông Đa Độ núi Đối.

Vùng đất này tương truyền có một thôn nữ xinh đẹp được một hoàng tử phải lòng yêu say đắm. Cuộc hôn nhân diễn ra tốt đẹp. Hoàng tử kế thừa ngai vàng. Thôn nữ trở thành quý phi được vua sủng ái cận kề. Buồn thay, vì không sinh được con nên bà xin nhà vua được trở về quê quán sống với người thân. Từ chối mọi của cải châu báu ban thưởng, quý phi chỉ xin nhà vua cấp cho một dải đất ven biển còn hoang hóa.

Khi được nhà vua trực tiếp đưa trở về chốn xưa hai người từng gặp gỡ, quý phi thưa rằng, bà sẽ tung dải yếm thiên thanh lên và gió thổi bay đến đâu thì xin được nhận phần đất đến đó. Nhà vua cười đồng ý. Cuộn trong gió, dải yếm của quý phi bay qua làng Tiên Cầm của huyện An Lão đến làng Kỳ Sơn huyện Kiến Thụy ngày nay. Khi tiếp đất, dải yếm kéo dài mãi hóa thành dòng sông Đa Độ màu nước thiên thanh. Thế nhưng, có truyền thuyết cho rằng dòng sông này hình thành từ nước mắt của quý phi lặng lẽ rơi trong những đêm cô đơn giá lạnh nhớ thương đức vua.

Nằm gọn trong địa phận TP Hải Phòng, Đa Độ là con sông nhỏ được khai mở thêm từ dòng nước tự nhiên dưới thời nhà Mạc, là chi lưu của sông Văn Úc thuộc lưu vực sông Thái Bình. Đa Độ chỉ dài gần 49km, khởi nguồn từ sông Văn Úc ở cống thủy lợi Trung Trang chảy qua các quận huyện An Lão, Kiến Thụy, Kiến An, Dương Kinh, Đồ Sơn rồi lại hợp với sông Văn Úc qua cống Cổ Tiểu ở hạ nguồn trước khi đổ ra biển, nên người dân địa phương gọi Đa Độ là con sông “đâu lại về đấy”. Nguyên thủy hạ nguồn sông Đa Độ đổ vào vùng biển Đại Bàng ở Bàng La, Đồ Sơn nhưng về sau do cửa Đại Bàng bị bồi tụ, sông Đa Độ không kịp thoát nước nên đổi dòng chảy ra cửa sông Cổ Trai ở xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy rồi mới qua cửa cống Cổ Tiểu hợp lại với sông Văn Úc như ngày nay.

Do bắt đầu nhận nước sông Văn Úc tại thôn Câu Thượng, xã Quang Hưng, huyện An Lão nên sông Đa Độ còn được gọi là sông Câu Thượng. Đặc biệt, vì có dòng chảy tựa dáng thủy long uốn lượn hình thắt túi giống như thế của các con rồng trên các tấm bia đá cổ thời nhà Lý, lại uốn khúc vừa giống chùm bầu 9 quả nên con sông này ngày xưa còn có tên Cửu Biều Giang.

Trong sách “Đại Nam nhất thống chí” cũng ghi lại như sau: “Thế nước khuất khúc gọi là sông Cửu Biều; lại tách ra chảy về phía Nam qua xã Cẩm La, huyện Nghi Dương, đến Cổ Trai chia làm hai nhánh; một nhánh chảy về phía Nam vào sông Đa Ngư suốt đến cửa Úc, một nhánh chảy về phía Đông Nam đến bến Họng, có một lạch từ xã Đồ Sơn chảy đến đổ vào, suốt đến cửa Riêng…”.

Ẩn chứa bề dày lịch sử và giàu tiềm năng kinh tế

Dù là con sông nhỏ nhưng Đa Độ lại giàu tiềm năng kinh tế, gắn liền với nhiều sự kiện, nhân vật lịch sử, lưu giữ những giá trị văn hóa cổ, lặng lẽ đi qua những cánh đồng xanh thẳm thẳng cánh cò bay, những vườn cây sum suê trĩu quả, những làng quê giàu truyền thống, những phố xá đang thay đổi từng ngày trong gió biển của thành phố Cảng.

Việc sông Đa Độ chuyển dòng trước khi đổ ra biển đã để lại những dấu tích hình thành nhiều hồ đầm mênh mông như đầm Lá, đầm Cửa Phủ, đầm Chợ Xã, đầm Cửa Đồn... có tiềm năng nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, bên cạnh nguồn thủy lợi tưới tiêu, sông Đa Độ cùng với sông Giá là hai con sông được đánh giá là sạch nhất của thành phố Hải Phòng hiện nay, cung cấp nguồn nước tương đối trong lành cho khoảng 30 nhà máy nước nhỏ và 1 nhà máy nước lớn là Cầu Nguyệt có công suất 40.000m3/ngày đêm cho sinh hoạt của người dân thành phố.

2.jpg -1
Lễ hội đua thuyền rồng sông Đa Độ lần thứ 17 năm 2024.

Sách “Giao châu thủy lục ký” tương truyền của tác giả Trương Phụ, viên tướng nhà Minh ghi chép khi đưa quân sang xâm lược nước ta, trong đó có nói về tuyến đường thủy qua các cửa Đại Bàng, Đa Ngư, Cổ Trai về Thăng Long, tức sông Đa Độ là một phần quan trọng của hệ thống giao thông này từ xa xưa.

Lịch sử cũng cho biết, khi vùng này chưa xuất hiện đập Tắc Giang, cống Cái Riêng hay Cái He… thì sông Đa Độ là một tuyến đường thủy có vai trò xung yếu kéo vùng cửa biển Hải Phòng lại gần với Kinh kỳ Thăng Long, nối Dương Kinh - kinh đô miền biển của nhà Mạc với Đông Kinh và các vùng đất khác của đất nước thời bấy giờ. Vì vậy, thuyền bè chuyên chở hàng hóa nhộn nhịp sông Đa Độ, hai bên bờ dân cư đông đúc, sầm uất, hình thành các thái ấp, điền trang lớn của những người có thế lực được triều đình ban phát như Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, các công chúa Quỳnh Trân và Chiêu Trinh, các tướng lĩnh Trần Quốc Thi và Vũ Hải…

Ngoài cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có vai trò quan trọng về phát triển kinh tế nuôi trồng thủy sản, thủy lợi, du lịch sinh thái và văn hóa thì sông Đa Độ còn ẩn chứa bề dày lịch sử đầy huyền thoại, mang lại nguồn cảm hứng cho sáng tạo văn học nghệ thuật. Sông Đa Độ hợp cùng núi Đối ở Kiến Thụy tạo nên bức tranh sơn thủy thơ mộng. Đặc biệt, hai bên bờ sông vẫn còn bảo tồn nhiều công trình nghệ thuật kiến trúc, văn hóa cổ và những ngôi làng có bề dày truyền thống với các tục lệ độc đáo riêng biệt. Nếu như ngày xưa hai bên bờ sông là điền trang, thái ấp trù phú thì ngày nay đây là nơi có thể khai thác trồng các vườn cây ăn quả, xây dựng các khu nghỉ dưỡng, công trình thể thao. Còn dưới sông có thể tổ chức thường xuyên các hoạt động đua thuyền, lướt ván, thuyền văn hóa du lịch dọc sông.

Hạ nguồn trước khi sắp đổ ra biển, sông Đa Độ gặp hai ngọn núi cao gần bằng nhau nằm đối nhau, nên được dân gian gọi là núi Đối. Được phủ xanh bởi một khu rừng đặc dụng gồm thông và keo tai tượng, núi Đối hiện còn lưu giữ một số loài động vật như vượn bạc má, khỉ, cáo, chồn... Đồng thời, nhiều di tích thời chiến tranh giữ nước như hào lũy, hầm, lô cốt vẫn còn ở đây. Dưới chân núi có chùa Khánh Đối, một ngôi cổ tự linh thiêng. Tại đây đã hình thành thị trấn mang tên Núi Đối, trung tâm hành chính của huyện Kiến Thụy. Từ trên đỉnh núi Đối có thể nhìn bao quát toàn cảnh của thị trấn, mà điểm nhấn là cầu Núi Đôi, đường Tắc Giang nối đôi bờ sông Đa Độ và công viên Dương Kinh.

Đoạn sông Đa Độ chảy qua khu trung tâm huyện Kiến Thụy thì mở rộng ra như một hồ nước lớn. Lễ hội đua thuyền rồng diễn ra ở đây vào mùng 10 tháng Giêng hàng năm là hoạt động văn hóa truyền thống mang ý nghĩa linh thiêng, thể hiện lòng dũng cảm, ý chí kiên cường của người dân vùng đất Kiến Thụy vượt qua sóng gió, bão táp để làm chủ biển khơi, chiến thắng thiên tai và địch họa. Đồng thời, đua thuyền rồng cũng là hoạt động đặc trưng của ngư dân cầu mong mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng để ra khơi may mắn, phát đạt. Ước mơ ấy của ngư dân Kiến Thụy, Hải Phòng cũng là mơ ước của mọi ngư dân nước ta đầu năm mới!

Phan Tấn Hùng
.
.
.