Phố nhớ

Thứ Hai, 02/12/2024, 15:47

Có một vẻ đẹp luôn dịu dàng của con đường Trần Phú (Hà Nội) bên công viên Lê Nin. Phố dài chừng một cây số nhưng được hai hàng cây sấu sum suê che bóng mát. Đó là những vỉa hè rộng rãi luôn “Vàng thơm trái sấu vào hè/ Hàng cây dậy sóng kèn ve trên đường”. Khi heo may, phố lại đằm thắm với đường lá vàng bay xào xạc. Đây là một con phố đầy hoài niệm với những ngôi biệt thự như tranh vẽ một thuở :“Ai kia nâng nhẹ gót hồng guốc mây” (Thu Hạnh).

Đường phố xanh chi chít chồi sinh

Trần Phú là con đường nằm trên đất của tường phía nam Thành cổ Hà Nội kéo dài từ ngã tư Phùng Hưng tới ngã tư Kim Mã - Sơn Tây. Phố chia làm bốn đoạn đường chính cắt ngang các đường lớn như Hoàng Diệu, Chu Văn An, Hùng Vương, Điện Biên Phủ… Nhưng đoạn trung tâm phố gắn liền với công viên Lê Nin. Tường thành cổ tạo nên phố Trần Phú được tính từ ngã tư Hùng Vương tới ngã tư Phùng Hưng.

Riêng thành phía nam xưa có hai cổng chính là Tây Nam (đường Hoàng Diệu) và cổng thành Đông Nam (khoảng giữa Tôn Thất Thiệp và Nguyễn Tri Phương). Đây chính là nơi các quan lại thường vào triều chầu vua. Họ trình diện và kiểm tra trước ở trạm gác nằm trên phố Đình Ngang (cắt đường Cửa Nam). Còn dân thường có việc liên hệ, hoặc kêu oan, kiện tụng chỉ được phép đi vào cổng thành qua đường cầu hào (nay là ngõ Hàng Bông) tới lối dẫn (nay là Tống Duy Tân) đi vào cổng Đông Nam.

Dấu tích một phần bao quanh cửa thành Đông Nam chính là phố Cửa Nam (kéo dài từ vườn hoa Cửa Nam tới đường Lê Duẩn). Nhưng khu vực trước cổng thành Đông Nam là đất của hai đầu phố hiện nay được xây dựng là Trần Phú và Điện Biên Phủ (cắt nhau thành hai cạnh tam giác) và cạnh đáy là đường Tống Duy Tân.

4-nhà số 35 di tich cách mạng, nơi chủ tịch tôn đức thắng đã sống và làm việc (1959-1980).jpg -1
Di tích cách mạng nhà số 35, nơi Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã sống và làm việc (1959-1980).

Đây là vùng đất tam giác đã xảy ra cuộc chiến dữ dội khi thực dân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội lần thứ nhất (1873) tại cổng thành Đông Nam này. Tuy biết trước được âm mưu của giặc Pháp sẽ đánh chiếm thành Hà Nội, danh tướng Nguyễn Tri Phương đã chuẩn bị những công sự bảo vệ. Nhưng do bị tấn công bất ngờ, cửa thành Đông Nam bị pháo bắn vỡ cổng gỗ lim nên quân Pháp tràn vào thành. Tướng Nguyễn Tri Phương trực tiếp chỉ huy những trận phản công rất kiên cường. Nhưng thế giặc càng lúc càng mạnh đã chiếm được cổng thành Cửa Bắc. Bất ngờ, tướng Nguyễn Tri Phương đứng trên cổng thành điều binh đã bị dính đạn trọng thương ở bụng và sa vào tay giặc (20/11/1873).

Khi biết tin con trai cũng bị hy sinh trong trận đánh này, tướng Nguyễn Tri Phương đã tuyệt thực và từ chối mọi chăm sóc thuốc men của giặc. Các tướng lĩnh khuyên thế nào cũng không được, ông kiên quyết nói: “Bây giờ ta chỉ gắng lây lất mà sống sao bằng thung dung chết vì việc nghĩa”. Tướng Nguyễn Tri Phương tuyệt thực cho tới lúc hy sinh, sau đó một tháng (20/12/1873). Con đường Nguyễn Tri Phương cắt ngang Trần Phú luôn gợi nhớ ký ức hào hùng và đầy bi tráng của một anh hùng cái thế: “Âm vọng xưa tiếng thét gầm vang/ Đi mỗi bước kim châm tê buốt/ Tường thành rung ngạo nghễ gió cười”. (Bi hùng thành cổ Hà Nội - Cảnh Quân).

Đoạn đầu phố Trần Phú kế cận với dân kẻ chợ Đông Kinh từ thời Lê - Trịnh nên có nhiều biến động theo thị trường. Riêng ngôi nhà số 36, trụ sở Cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) còn được giữ nguyên kiến trúc Đông Dương tuyệt mỹ (xây năm 1939). Những ngôi nhà còn lại đều liên tục đổi thay buôn bán các mặt hàng khác nhau bên đường sắt ga Hà Nội. Đặc biệt, đoạn đầu phố từ Lý Nam Đế tới Phùng Hưng hình thành dãy buôn bán hàng điện dân dụng từ hơn 30 năm qua.

Tại trạm gác đường chắn tàu 5A trên phố Trần Phú hình thành xóm cà phê đường tàu chừng mươi năm nay. Dãy nhà tập thể công nhân hỏa xa Hà Nội ven đường ray đã biến thành “phố cà phê đường tàu” dài hơn cây số. Dường như đoàn du khách nước ngoài nào cũng tới đây. Họ chen chúc đi vào các quán cà phê bên đường sắt. Ai cũng tò mò, hồi hộp và thích thú được uống cà phê để đón những con tàu hối hả chạy qua ngay cửa quán.

Vành nón lật nghiêng choàng mái phố

Những người dân quanh phố Trần Phú luôn coi đây là miền hoài niệm của một thủ đô văn hiến. Bởi lẽ phố chính là hình ảnh bức tường thành cổ ngàn năm Thăng Long. Riêng đoạn đầu phố mang dáng dấp thị thành kẻ chợ nhưng phần còn lại từ giao cắt với Điện Biên Phủ cho tới cuối phố là một không gian khác hẳn. Hai bên là những công sở biệt thự kéo dài gồm những sứ quán, Bệnh viện Xanh Pôn và dãy phố thiết bị bưu điện cũ.

Đặc biệt, đường giao cắt Hùng Vương còn là đường dẫn vào Lăng Bác - một biểu tượng linh thiêng của thành phố, nơi người dân cả nước hội tụ vào những ngày lễ dân tộc. Hàng chục ngôi biệt thự nằm cách nhau qua những sân vườn và hàng cây hoa vàng óng dưới nắng vàng. Phố dài nhưng lại vắng lặng hiền hòa. Đôi khi phố trở nên nhộn nhịp với dòng người vội vã đi về phía cuối đường nhưng chỉ lúc sau lại êm đềm xanh mướt trong gió bay. Những cây sấu dọc công viên Lê Nin luôn lưu dấu ký ức về những cô cậu học trò vui đùa chơi trốn tìm.

Hay đó là các cô gái gánh hàng rong qua phố. Một quá vãng mê ly rung lên trong tiếng chuông nhà thờ Cửa Bắc ngân nga. Đó là những chiều tà thong thả: “Những gót son dập dìu đại lộ/ Bờ môi ai đậm đỏ bích đào” (Phan Vũ). Hoặc đó còn là những buổi trưa lũ trẻ tranh nhau nhặt trái sấu rơi: “Vàng thơm trái sấu vào hè/ Hàng cây dậy sóng kèn ve gọi bầy/ Tiếng chuông bung một nốt gầy/ Kèn ve ngừng cháy rụng đầy lá bay”. (Phố tôi - Vĩnh Hà). Con đường luôn tươi rói kỷ niệm bên công viên đầy hoa.

4- trụ sở cục thể dục thể thao ở số 36 phố trần phú.jpg -0
Trụ sở Cục Thể dục Thể thao ở số 36 phố Trần Phú.

Chúng tôi một thời còn nhớ ngôi nhà số 35 đối diện với Công viên Lê Nin, nơi Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888-1980) đã ở và làm việc trong hơn 20 năm (1959-1980). Khi thấy mình tuổi đã cao, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã sớm đề nghị cho chuyển gia đình ra khỏi biệt thự này, trả lại cho nhà nước. Thời gian đã trôi qua, chúng tôi luôn nhớ tới hình ảnh Chủ tịch vẫn tập thể dục và đi bộ trên con đường Trần Phú và bên vườn hoa đối diện. Đó là những buổi sáng thanh bình khi bình minh tỏa rạng. Giờ đây, ngôi nhà được gắn bia kỷ niệm và trở thành di sản lịch sử và hiện là trụ sở của Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em.

Một thời chúng tôi có dịp tới đây để cộng tác với Tạp chí Gia đình và Trẻ em. Mỗi lần tới đây, chúng tôi luôn nhớ tới hình ảnh thủy thủ Tôn Đức Thắng năm nào đã kéo lá cờ cách mạng trên chiến hạm của kẻ thù. Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết về hình ảnh này ca ngợi Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Những câu thơ hào sảng: “Chính anh, người thợ ấy/ Người lính thủy da vàng/ Trên Biển Đen nổi dậy/ Treo cờ hồng đỉnh chiến hạm, hiên ngang/ Chào Tháng Mười Cách Mạng!/ Mười sáu năm Côn Lôn/ Mắt anh vẫn sáng/ Kháng chiến gian nan/ Lội suối lên ngàn/ Lòng thanh thản, vui trong lòng Đảng…”. (Trưa tháng Tư Sài Gòn).

Viên ngói của thời gian

Con đường xưa trên tường thành cổ Hà Nội mang lại bao hoài niệm làm rung động lòng người mỗi khi đi qua. Những cuộc giao chiến tại những cửa thành vẫn sống dậy trên đường phố như một lời chia sẻ nhớ thương. Thi sĩ Phan Vũ luôn gắn bó với Hà Nội và có nỗi nhớ riêng mình: “Em ơi! Hà Nội phố/ Ta còn em mảnh đại bác/ Ghim trên thành cổ/ Một thịnh, một suy/ Thời thế”. Những hoài niệm trên phố chưa hề dừng lại.

Vừa qua những nhà khảo cổ đã phát hiện những di sản quý, ngay dưới chân tường thành cổ, tại ngôi nhà số 62-64 phố Trần Phú. Đó là những di vật mang niên đại từ thời Lý đến thời Nguyễn. Hệ thống khảo sát tìm được các vật liệu kiến trúc, đồ gốm sứ, đồ sắt và tiền đồng. Đặc biệt trong số đó có những đồ gốm quý hiếm khá hoàn chỉnh như chim uyên ương, lá đề, tháp đất nung…

Những hoài niệm thời gian luôn xanh tươi dưới con đường Trần Phú là thế. Mỗi tấc đất luôn phập phồng sự sống của ông cha đã ghi dấu ấn lịch sử huy hoàng. Và trong tiếng chuông ngân nga lễ đường, thi sĩ Phan Vũ đã đứng bên thành cổ để chiêm nghiệm nỗi đời: “Ly rượu đầy xin rót cùng cha/ Nghìn lạy cúi đầu thương đất Tổ/ Bến nước nào đã neo thuyền ngự/ Đám mây nào in bóng rồng bay”. (Em ơi! Hà Nội phố).

Vương Tâm
.
.
.