Những tác phẩm nghệ thuật xấu nhất thế giới

Thứ Bảy, 28/08/2021, 20:13

Phải đến đầu thế kỷ XX, quá trình đô thị hoá và phong trào nghệ thuật đương đại mới khiến xã hội nghĩ đến nghệ thuật công cộng. Họ hiểu rằng, ngoài nhu cầu được ăn no, mặc ấm, con người còn có nhu cầu được thưởng thức nghệ thuật nữa. Vậy nhưng không phải ai cũng giàu đến mức có thể thường xuyên mua tranh hay vào nhà hát xem kịch cả. Đấy là “lỗ hổng” mà các tác phẩm nghệ thuật công cộng cần lấp đầy. Mục đích tốt như vậy, nhưng không phải tác phẩm nghệ thuật công cộng nào cũng lấy được lòng công chúng.

Marble Arch Mound

Cách đây một vài năm, hội đồng thành phố Westminster (một phần của thủ đô London) quyết định chi hai triệu Bảng Anh để dựng lên một ngọn giả sơn ngay cạnh cổng vòm Marble Arch. Họ cho rằng, ngọn đồi giả này vừa tạo thêm không gian xanh giữa lòng thành phố, vừa là chỗ để khách du lịch leo lên ngắm nhìn khung cảnh xung quanh. Bên dưới ngọn giả sơn là tầng hầm để làm chỗ đặt quán cà phê và triển lãm tranh.

Công trình được đặt tên là “Marble Arch Mound” và do công ty kiến trúc Hà Lan MVRDV thiết kế. Chỉ hai ngày sau khi Marble Arch Mound được khánh thành, công trình đã phải đóng cửa. Không vị khách nào muốn mua vé leo lên ngọn đồi vì ai cũng cho rằng: Nó quá xấu. Tờ “Người bảo vệ” của Anh miêu tả về quả giả sơn ấy như sau: “Marble Arch Mound giống như một mô hình 3D rẻ tiền được thiết kế trên máy tính cũ… Người đi đường không nhìn thấy ngọn đồi mà nhìn thấy một đống bê tông cốt thép được trải thảm cỏ nhân tạo và gắn mấy cái cây giả lên… Thà rằng thành phố cho xe tải đổ đất thành một cái ụ lớn để vừa tiết kiệm được tiền, lại vừa trông đẹp mắt hơn!”.

Trước sự chế giễu của người dân và báo chí, Marble Arch Mound buộc phải đóng cửa. Họ chỉ mở cửa đón khách trở lại sau hơn một tháng bên thiết kế và xây dựng tìm mọi cách để “trang điểm” cho ngọn giả sơn. Lần này thành phố không thu tiền khách du lịch leo đồi, nhưng theo nhận xét của tờ Evening Standard: “Liệu có ai muốn lại gần một thứ làm hỏng cảnh quan chính nơi đặt nó?!”.

“Người tắm nắng”

Nhiều tác phẩm của nhà điêu khắc Israel Ohad Meromi như tượng đài “Cậu bé Tel Aviv” nhận được sự công nhận của cả giới chuyên môn và công chúng. Vậy nhưng chỉ vì bức tượng “Người tắm nắng” mà danh tiếng của người nghệ sỹ chịu ảnh hưởng khó hồi phục được. Bức tượng mô tả một người không ra nam mà cũng chẳng giống nữ giới trong tư thế tắm nắng. Nó được đặt trên đại lộ Jackson ở thành phố Long Island, bang New York, Mỹ theo yêu cầu của Cục Văn hoá New York - bên đã chọn bức tượng từ hàng nghìn tác phẩm khác tham dự cuộc thi tuyển chọn tác phẩm nghệ thuật công cộng mới cho thành phố.

có khả năng vì người tắm nắng mà không bức tượng mới nào sẽ được đặt ở new york nữa.jpg -0

Có khả năng vì “Người tắm nắng” mà không bức tượng mới nào sẽ được đặt ở New York nữa. 

Tượng “Người tắm nắng” có giá trị lên tới 515.000 USD do được đúc từ 181 cân đồng. Vậy nhưng, người ngoài nhìn vào khó đoán ra được là đồng vì từ đầu đến chân bức tượng được sơn một màu hồng. Nhiều người còn nhận xét rằng: Bức tượng giống như một đống đất sét đã qua tay trẻ con nặn thành hình. Chưa hết, công chúng tuy hiểu thông điệp “hãy sống chậm đi” của bức tượng, nhưng họ không hiểu tại sao lại đặt nó trên đại lộ Jackson. Đây là chỗ có rất đông xe cộ qua lại, hầu như không có người đi bộ. Không ai lại có thể sẽ chậm bước để thưởng thức bức tượng cả. Thậm chí bức tượng còn trở nên chướng mắt cho các bác tài lúc giờ cao điểm.

Ngay từ khi thành phố Long Island công bố dự án, người dân địa phương đã kịch liệt phản đối bức tượng. Họ không phản đối việc làm đẹp thành phố mà phản đối việc đặt một bức tượng đắt tiền mà khó coi bên con đường bốn làn xe. Chính quyền thành phố vẫn quyết định đặt bức tượng ở nơi đã định vị trước đó. Tức giận trước hành động này, người dân Long Island bèn gửi kiến nghị cho Hội đồng đại biểu bang New York yêu cầu họ ra lệnh cấm đặt bất kỳ bức tượng nào mới ở bang nữa. Một số đại biểu đã soạn thảo một bộ luật mới dựa trên kiến nghị này. Hiện bộ luật vẫn đang trong quá trình được hội đồng bàn thảo.

Tháp Orbit

London lại một lần nữa là nạn nhân của một tác phẩm nghệ thuật công cộng xấu xí. Tháp Orbit (tên đầy đủ: ArcelorMittal Orbit) là một trong những công trình được khánh thành nhân dịp khai mạc Thế vận hội Olympics London 2012. Nó cũng là công trình nghệ thuật công cộng lớn nhất nước Anh, cao 114,5 m và rộng 300 m2. Khách du lịch đứng trên đỉnh tháp có thể nhìn thấy toàn cảnh làng vận động viên Olympics và tổ hợp sân vận động Olympics tại thị trấn Stratford thuộc London.

tháp orbit trong quá trình xây dựng.jpg -0

 Tháp Orbit trong quá trình xây dựng.

Kiến trúc sư Anish Kapoor khi lên ý tưởng thiết kế đã nghĩ ra cách sử dụng toàn thép để xây công trình giống như tháp Eiffel của Pháp. “Trái tim” của tháp Orbit là một bộ khung bằng thép hình khối xoắn helix. Quanh chân tháp là một loạt bộ khung sắt khác vươn lên quấn quanh toà tháp như con rắn quấn mồi vậy. Kết quả là nửa dưới toà tháp trở thành một mớ lộn xộn cả về mặt mỹ quan lẫn giao thông. Số những lời phàn nàn gửi tới văn phòng Thị trưởng London nhiều tới mức ông Boris Johnson khi đó giữ chức thị trưởng phải ra giải trình trước Quốc hội về khoản kinh phí 19,1 triệu Bảng Anh để xây dựng toà tháp.

“Marine Venus”

Ít ai nghĩ rằng, một bức tượng miêu tả dương vật đàn ông lại có thể được trưng bày nơi công cộng, nhưng điều này hoá ra không hiếm trên thế giới. Nhiều tác giả của các bức tượng này muốn khơi gợi lại hình ảnh của chiếc dương vật trong các nền văn hoá cổ. Người Maya và Ấn Độ cổ sùng kính bộ phận sinh dục của con người và coi chúng như biểu tượng của sự màu mỡ và thịnh vượng. Một số nhà điêu khắc khác lại muốn thẳng thắn đối mặt với thái độ có phần bảo thủ và thành kiến của xã hội đối với vấn đề tình dục. Người qua đường có thể bị sốc vì tác phẩm, nhưng đây cũng là cơ hội để họ đặt câu hỏi về quan điểm của bản thân.

không ai hiểu nổi ý nghĩa của bức tượng marine venus cả.jpg -0

 Không ai hiểu nổi ý nghĩa của bức tượng Marine Venus cả.

Và có những bức tượng dương vật mà không ai hiểu được cả. Ví dụ như tác phẩm “Marine Venus” đặt tại khuôn viên đại học Dalhousie, thành phố Halifax, Canada. Bức tượng được nhà điêu khắc trừu tượng Robert Hedrick hoàn thành năm 1968 và nằm trong số các tác phẩm ông đóng góp cho trường đại học. Tác phẩm miêu tả một cái dương vật bị biến dạng nghiêm trọng. Vậy nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nó biểu trưng cho một người phụ nữ có khuôn mặt khuyết tật. Cho đến tận cuối đời nhà điêu khắc Robert Hedrick vẫn không chịu trả lời câu hỏi bức tượng miêu tả cái gì và ý nghĩa tác phẩm truyền đạt lại là gì?!

Tuy sinh viên, giáo viên thuộc trường Đại học Dalhousie không thật sự hiểu bức tượng muốn nói lên điều gì, nhưng họ ít nhiều đều ưa thích nó. Ngược lại, hội phụ huynh học sinh cực lực phản đối “Marine Venus”. Họ đã nhiều lần kiến nghị trường đại học chuyển bức tượng ra khỏi khuôn viên trường nhưng không thành công. Cuộc tranh cãi giữa các bậc phụ huynh và nhà trường xoay quanh bức tượng vẫn còn tiếp tục đến tận hôm nay.

Vũ Lê (Tổng hợp)
.
.
.