(Đọc “Trăng lên”, tiểu thuyết của Thế Đức, Nxb Hội Nhà văn, 2022)

Những người muôn năm cũ...

Thứ Sáu, 13/05/2022, 08:30

“Trăng lên” - một ví dụ điển hình về sự trở lại của đề tài truyền thống trên văn đàn. Nhà văn Thế Đức đã trải qua “thời tôi mặc áo lính” (1971-1976), tác giả ba tập truyện ngắn và vừa của anh “Lời nguyền thiêng”, “Ngưỡng đời”, “Bão đỏ”, đều thấm đậm chất đời của “cái hôm nay”. Tôi vừa nhận món quà văn chương vẫn còn đậm hương vị của mùa xuân - tiểu thuyết “Trăng lên” của Thế Đức.

Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ...”

(Ông đồ - Vũ Đình Liên)

“Trăng lên” - một ví dụ điển hình về sự trở lại của đề tài truyền thống trên văn đàn. Nhà văn Thế Đức đã trải qua “thời tôi mặc áo lính” (1971-1976), tác giả ba tập truyện ngắn và vừa của anh “Lời nguyền thiêng”, “Ngưỡng đời”, “Bão đỏ”, đều thấm đậm chất đời của “cái hôm nay”. Tôi vừa nhận món quà văn chương vẫn còn đậm hương vị của mùa xuân - tiểu thuyết “Trăng lên” của Thế Đức.

Viết tiểu thuyết là cuộc thử sức với tác giả, một cuộc vượt vũ môn. Bởi vì, từ truyện ngắn đến tiểu thuyết là cả một khoảng cách, xét về nghề văn, rất công phu, lắm chông gai. Có nhà văn danh tiếng nổi như cồn với truyện ngắn, nhưng khi “bập” vào tiểu thuyết là loạng choạng. Viết tiểu thuyết, đòi hỏi nhà văn, như từ một Giám đốc công ty, một bước lên chức Tổng Giám đốc Tập đoàn (vốn/ nhân sự/ chiến lược...) toàn chuyện vĩ mô.

279903834_373404784829498_8322412188186029127_n.jpg -0
Chân dung tự họa của nhà văn Thế Đức.

“Trăng lên” - viết về chiến tranh qua số phận con người. Thời gian của câu chuyện được kể mở ra ngót một phần tư thế kỷ, từ sau Cách mạng Tháng Tám (1945), đến sau Tết Mậu Thân (1968). Không gian được mở rộng ra từ một làng/ xã, đến huyện, đến tỉnh, đến cả nước căn cứ theo dấu chân sống và hoạt động của nhân vật thuộc mọi tầng lớp xã hội, đảng phái chính trị, trình độ học vấn, căn cốt văn hóa,...

Tiểu thuyết bao dung nhiều nhân vật, thường hay được gắn kết bằng những cặp (có cặp đôi hoàn hảo và có cặp đôi bình thường). Những cặp hoàn hảo là vợ chồng Loan - Thắng, đôi bạn già, hai lão nông tri điền Hai - Tuệ, Đặng Vũ - Huyền Thương. Cũng có những cặp đôi bình thường như Tùng - Nhung, Bạch Yến - chồng là quân nhân chinh chiến xa nhà.

Lại có những nhân vật, trước đây sẽ bị xếp vào “ô” phản diện, tiêu cực, cần xóa sổ như lão Sáng (có con trai là Sang, sĩ quan của quân đội Pháp). Nhưng tác giả đã chuyển dịch nhân vật này sang vị trí “con người phân thân”. Có những nhân vật cán bộ Đảng cấp cao (Bí thư Tỉnh ủy), nhưng không phải lúc nào việc gì cũng muốn là làm được, kể cả việc tốt và đúng, vì hoàn cảnh xô đẩy. Có thể nói, thế giới nhân vật của Thế Đức trong tiểu thuyết “Trăng lên” khá đông đảo và đa diện. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh đến tính chất “đa nhân cách” của từng nhân vật.

Trong cách gọi “đa nhân cách” của nhân vật thì Loan và Đặng Vũ là rõ rệt nhất. Họ là một đối sánh để người đọc tri nhận được tính chất phức tạp của đời sống và con người không phải là một hằng số (bất biến). Trái lại, đời sống và con người luôn là một biến số (biến đổi). Cái nhìn biện chứng này giúp nhà văn tái hiện được một cách thuyết phục những thăng trầm của số phận nhân vật.

Nếu Loan vì tính tình thẳng thắn, cương trực mà trong đường đời gặp nhiều khó khăn, trắc trở thì Đặng Vũ lại vì tha thiết và kiên trì bảo vệ quan điểm nhân văn của mình trước đồng loại (trong sự kiện Cải cách ruộng đất và Sửa sai những năm 1954-1956) mà thất thủ quan trường (từ Bí thư Huyện ủy phải điều sang Giám đốc nông trường, thật bĩ cực mà chưa nhìn thấy thái lai).

screen shot 2022-05-13 at 09.12.02.jpg -0
Bìa tiểu thuyết mới của nhà văn Thế Đức.

Nhân vật của Thế Đức trong “Trăng lên”, nếu là lớp người cao tuổi (như ông Hai, ông Tuệ) thì phảng phất hình bóng những ông già Nam bộ - hào phóng, hào hiệp, khảng khái, nghĩa khí, tiết tháo, kiểu “kiến ngãi bất vi vô dũng dã”. Nhân vật trẻ thơ thì như “tôi” (người kể chuyện và chị gái,...), đều thấm nhuần một tinh thần đạo lý truyền thống. Họ đều thuộc thế hệ “tre già măng mọc”, những hạt giống đỏ thuộc tương lai đất nước. Thắng (chồng Loan), một sỹ quan cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam, là một hình mẫu lý tưởng của con người Việt Nam thời đại cách mạng và chiến tranh, xả thân vì đạo lý “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Anh trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và cuối cùng hy sinh thầm lặng và oanh liệt vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Anh thuộc thế hệ tận hiến nhiều hơn tận hưởng. Nhân vật này thuộc kiểu mẫu lý tưởng, ngày nay chỉ có trong mơ. Huyện đội trưởng Quyết là một nhân cách trong sáng và có phần đơn giản và ngây thơ trước mọi biểu hiện tinh vi của nhân tình thế thái. Anh khăng khăng mang cái tốt đẹp của thời chiến để hành xử trong thời bình, mà quên đi người tốt trong hoàn cảnh mới cần phải thông minh hơn trước. Đa số nhân vật được tác giả yêu mến, tin cậy, kí thác tâm sự đều thuộc “những người muôn năm cũ”.

Mỗi nhân vật trong tiểu thuyết “Trăng lên” với tư cách một con người, đều có số phận. Số phận lại do tính cách cá nhân quy định, tính cách lại do hoàn cảnh tạo nên. Vì thế, tác giả rất chú ý miêu tả tính chất phức tạp của tính cách được tạo bởi chính hoàn cảnh mà nó trải nghiệm (có tính chất hẹp và rộng - vi mô và vĩ mô). Miêu tả hoàn cảnh, tác giả chú ý đến cái gọi là “dòng chìm” hay “mặt khuất lấp” của nó, chính những phương diện này tạo nên như người ta gọi là “hoàn cảnh xô đẩy” con người về phía thiện hay phía ác. Chiến tranh làm phát lộ cái tốt nhưng cũng có thể là nguyên nhân làm nảy nở cái ác ở con người.

Tôi thấy tác giả không cực đoan đứng hẳn về một phía nào khi viết. Nghĩa là có sự điều hòa cần thiết giữa tỉnh và say, để đúng mức khi ca ngợi hay phê phán. Nhân vật tốt của Thế Đức thường lâm vào tình thế “dở dang” (như Đặng Vũ, Loan, Thắng, Tùng, Huyền Thương,...). Cái dở dang ấy không người nào muốn nhưng họ buộc phải chấp nhận khi sống trong một hoàn cảnh chiến tranh, ly tán, tao loạn, hay bể dâu nỗi đời, khi các bậc thang giá trị thay đổi chóng mặt. Những người (nhân vật) tốt của Thế Đức đều phải trải qua lửa đỏ và nước lạnh, mải miết độc hành trên con đường đau khổ dài dằng dặc.

Nhưng tôi có cái cảm giác, tác giả đôi khi giống bậc sinh thành (như cha, như mẹ), thương yêu đàn con đông đúc (nhân vật) nên thường chia đều tình cảm và của nả cho họ theo tinh thần chủ nghĩa trung bình (như lối dân chủ bình quân). Nên chăng cần thiết có những “quả đấm nghệ thuật”, tập trung cho cặp đôi Loan - Thắng và có thể ưu ái Đặng Vũ nhiều hơn, chẳng hạn. Tác giả nếu muốn viết theo tinh thần có hậu thì sau khi Thắng hy sinh, có thể “mở cửa” (theo tinh thần đổi mới) cho Đặng Vũ gặp lại Loan, không phải là gá nghĩa mà là một cuộc đoàn tụ trong nước mắt, là sự bù đắp những tổn thất không có gì có thể so sánh nổi, được không?!

"Trăng lên" - sự lựa chọn bút pháp mới của Thế Đức. Tâm thế “nhúng bút vào sự thật” hằn lên trên từng trang viết của tiểu thuyết. Bút pháp của “Trăng lên”, theo tôi, là “hiện thực” - “tâm lý” - “trữ tình”. Ngay cái nhan đề đã hàm chứa chất trữ tình. Nhưng tâm lý và trữ tình trong trường hợp này được nương theo, biểu hiện ra hành vi (ứng xử, ngôn từ). Vì thế rất ít độc thoại nội tâm và trữ tình ngoại đề. Hành động được “đưa đẩy” bằng biến cố và đối thoại.

Thế Đức có duyên khi viết đối thoại (nhất là đối thoại trong lĩnh vực tình cảm, ví dụ cuộc đối thoại giữa Thắng và bố trước khi quyết định dấn thân vào miền Nam sau 1954; giữa Hoa và Bạch Yến trong một tình huống rất người; đối thoại chất chứa tâm lý giữa Loan và Đặng Vũ),...

Rất tiếc, nhân vật Thắng (chồng Loan) đẹp, oai hùng, nhưng có vẻ bảng lảng cũng vì anh thoắt ẩn thoắt hiện do yêu cầu của công tác chiến đấu đặc biệt, sau 1954 do yêu cầu của tổ chức, Thắng được đánh sâu vào hàng ngũ đối phương (lên tới chức Trung tướng Quân lực Việt Nam Cộng hòa). Biết đâu anh có những ngả rẽ số phận. Nhân vật này để lại nhiều tiếc thương, tiếc nuối nhất tiểu thuyết.

Anh là Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, Liệt sĩ - người được Tổ quốc và nhân dân ghi công mãi mãi. Nhân vật này là một trữ lượng nghệ thuật mà có thể tác giả chưa khai thác hết công năng của nó. Nếu các yếu tố tâm lý - trữ tình đã lên men ở các nhân vật Loan và Đặng Vũ, thì rất có thể Thắng là một “phiên bản” không thể tuyệt vời hơn.

Lối kể chuyện từ ngôi thứ nhất (xưng “tôi”) được Thế Đức sử dụng trong tiểu thuyết “Trăng lên”, theo tôi, có thể là cơ hội để đi sâu vào cái cá thể, tâm linh, bản thể, nhưng cũng có thể là rào giậu hạn chế sự bung phá của một tiểu thuyết với kỳ vọng bao quát đời sống vào một thời kỳ nước sôi lửa bỏng nhất của đất nước trong tính toàn cảnh (panorama) của nó. Nói cách khác, tính chất chủ quan và khách quan của lối kể chuyện đôi khi rơi vào tình trạng nước đôi nếu tác giả cứ thích ướm mình vào nhân vật mà thuật chuyện một cách quá ư tự tin.

Tuy nhiên, với tư cách một người đọc văn có kinh nghiệm, tôi muốn chia sẻ với độc giả ngày nay vốn thông minh nhưng khó tính hơn xưa: “Trăng lên” là một cuốn sách đáng đọc trên mặt bằng văn chương năm Nhâm Dần.

Hà Nội, Xuân, 2022

Bùi Viết Thắng
.
.
.