Những hiểu lầm về một số ca khúc nổi tiếng
Trong bài viết này, tôi muốn nhắc đến một số bài hát lâu nay đã bị nhiều người hiểu không chính xác về những chi tiết liên quan, trong đó có cả những người viết báo và phê bình, lý luận. Đó là những bài hát quen biết, được công chúng ưa thích, có đời sống trong nhiều năm qua.
Nói đến những bài hát ra đời trong giai đoạn miền Bắc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1964 -1968), không thể không nhắc đến "Bài ca 5 tấn" rất nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Hầu như ai cũng nghĩ tác giả viết về quê hương 5 tấn Thái Bình. Nhiều người còn nói đây là bài "tỉnh ca" của tỉnh này: Bài hát truyền thống về một tỉnh). Có lẽ căn cứ vào câu: "... Đất quê ta cũng thể Thái Bình, bài ca 5 tấn vươn mình về khắp nơi...".
Khi ấy, tăng năng suất lúa là một nhiệm vụ Đảng ta rất chú trọng trong lĩnh vực nông nghiệp. Thái Bình là tỉnh đầu tiên đạt năng suất kỷ lục 5 tấn thóc/1ha. Sau đó, dấy lên phong trào nông dân cả nước học tập Thái Bình. Nguyễn Văn Tý là nhạc sĩ luôn nhạy cảm với thời cuộc. Ông đã viết nên "Bài ca 5 tấn" để đáp ứng chủ trương này.
Nhưng sự thật là ông đã sáng tác bài này lúc đi thực tế ở Hưng Yên và không có ý viết về một địa phương cụ thể nào mà muốn khích lệ, cổ vũ mọi nơi cần học tập Thái Bình. Vậy nên mới có câu "Đất quê ta cũng thể Thái Bình". Ý ông là các nơi hãy làm sao để đạt được năng suất như Thái Bình. Kể ra, nếu có thêm chữ "như" tức "như thể" thì rõ hơn. Nhưng viết như nhạc sĩ cũng đã lọn nghĩa. Vậy mà không hiểu vì sao ai cũng cứ nghĩ là Nguyễn Văn Tý viết về Thái Bình. Lại có chuyện tỉnh uỷ Thái Bình khi ấy đã rất ưu ái Nguyễn Văn Tý, coi ông là công dân danh dự của tỉnh mình. Khi Nguyễn Văn Tý chưa qua đời, tôi được ông kể lại chi tiết này:
- Hồi đó, mình được Thái Bình quý hóa. Nhưng mình không thể nói rõ là "Tôi không viết về Thái Bình mà là viết chung chung, về phong trào sản xuất lúa ở khắp cả miền Bắc" (vì khi ấy chưa thống nhất đất nước).
"Người ở đừng về" là một bài hát quen thuộc, có thể nói không ai không biết. Nhiều người nước ngoài yêu thích âm nhạc Việt Nam còn tập để hát thành thạo. Hầu như ai cũng hiểu là dân ca quan họ Bắc Ninh. Đã là dân ca tức là khuyết tên tác giả. Văn nghệ dân gian trong đó có dân ca là những tác phẩm ra đời từ xa xưa, lưu truyền từ đời này qua đời khác, người này qua người khác, vùng này qua vùng khác. Nhiều bài dân ca sống mãi trong đời sống người Việt mọi thời đại nhưng không rõ tác giả. Nhưng "Người ở đừng về" không phải dân ca mà là sáng tác mới của nhạc sĩ Xuân Tứ. Điều này đã gần như không ai biết bởi từ trước đến nay, bài hát đều được giới thiệu là "Dân ca quan họ Bắc Ninh".
Xuân Tứ khi sáng tác bài này là giảng viên dạy đàn ác-coóc-đê-ông tại Trường Âm nhạc Việt Nam (tiền thân của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam bây giờ). Ông là người đầu tiên sử dụng và giảng dạy nhạc cụ này ở nước ta và trở nên nổi tiếng. Khi nghiên cứu dân ca quan họ Bắc Ninh, ông rất thích bài "Giã bạn" nhưng lại thấy có lời ca nghe rất cổ: "Chuông vàng gác cửa tam quan. Người khôn ở lại, người ngoan ra về...". Ông quyết định từ chất liệu bài dân ca này sáng tác nên một ca khúc mới và đặt lời mới hoàn toàn: "Người ơi! Người ở đừng về. Người về em vẫn khóc thầm. Đôi bên sóng như vạt áo mà lại có ướt đầm như mưa...".
Cách viết ca từ của Xuân Tứ rất phù hợp với chất liệu rất quan họ của bài. Vậy mà ở bất cứ đâu, bài này đều tuyệt nhiên không nhắc gì đến tác giả Xuân Tứ, cứ như mọi bài dân ca khác vậy (như "Hoa thơm bướm lượn" hoặc "Bèo dạt mât trôi"). Chính xác, bài này phải ghi: Xuân Tứ phát triển điệu "Giã bạn" và đặt lời mới.
Cũng như vậy, "Chiếc khăn piêu" là ca khúc được nhạc sĩ Doãn Nho phát triển dân ca Xá và đặt lời mới. Nhưng trong nhiều tập dân ca đã xuất bản chỉ thấy đề là "dân ca Xá". Mãi tới sau này, trong một số chương trình ca nhạc mới nhắc đến tác giả là nhạc sĩ Doãn Nho, nhưng giới thiệu là "sáng tác: Doãn Nho" cứ như mọi bài khác của ông. Sự thực, vị nhạc sĩ quân đội đã viết trong văn bản bài này là: "Doãn Nho phát triển dân ca Xá và đặt lời mới". Như vậy là hoàn toàn chính xác.
Hai bài trên có sự ra đời giống nhau, đều do tác giả phát triển một điệu dân ca có sẵn và đặt lời mới nhưng ở bài "Người ở đừng về" thì cho đến bây giờ, hầu như không ai biết nhạc sĩ Xuân Tứ là tác giả. Đây là một khiếm khuyết cần được sớm khắc phục.
Trong khi đó, bài "Trông cây lại nhớ tới Người" do nhạc sĩ Đỗ Nhuận đặt lời mới nói về Bác Hồ trên giai điệu bài dân ca Nghệ An quen thuộc "Giận mà thương". Nhưng đều được các nơi giới thiệu ông là tác giả cả nhạc và lời. Sinh thời, có lần nhạc sĩ đã nói với Ban biên tập Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam rằng cần giới thiệu cho chính xác: Ông chỉ có công đặt lời mới, còn phần giai điệu là dân ca. Và ông cũng đề nghị bài này cần được phát trên sóng của buổi phát thanh dân ca chứ không phải nhạc mới.
Bài "Tiếng hát từ thành phố mang tên Người" trong mọi văn bản cũng như khi giới thiệu đều là: Nhạc: Cao Việt Bách, lời: Đăng Trung. Nhưng sự thật là sau ngày Bác Hồ từ trần, rồi sau khi thống nhất đất nước, đã có thêm nhiều bài hát hay viết về Người ra đời. Nhạc sĩ Cao Việt Bách rất muốn sáng tác một bài về vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc. Nhưng vẫn loay hoay chưa tìm được ý tứ nào.
Một lần, ông đọc được trên Báo Tiền phong một bài báo nhan đề "Từ thành phố này, Người đã ra đi" của Đăng Trung. Thế là ông lấy luôn tên bài báo làm câu mở đầu ca khúc của mình: "Từ thành phố này, Người đã ra đi. Bao năm ước mong đón Bác trở về...", và đặt tên bài là "Tiếng hát từ thành phố mang tên Người". Rất trân trọng nhà báo, Cao Việt Bách đã ghi tên Đăng Trung ở phần người làm ca từ. Đương nhiên, khi bài hát vang lên hoặc in, ấn xuất bản ở đâu, cái tên Đăng Trung đã gắn liền với bài hát này mặc dù nhạc sĩ chỉ sử dụng cái "tít" bài báo làm câu đầu tiên trong ca khúc của mình.
"Tiến về Sài Gòn" là một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (Huỳnh Minh Siêng). Nhiều người cho rằng bài hát ra đời dịp quân dân ta tổng tiến công giải phóng miền Nam mùa xuân năm 1975. Cũng không ít người nghĩ tác giả sáng tác dịp mùa xuân năm Mậu Thân 1968. Sự thực không phải. Lưu Hữu Phước cho biết: Ông "thai nghén" bài này ngay từ khi ra đời Mặt trận dân tộc giải phóng (20/12/1960). Nhưng bận trăm công ngàn việc, mãi tới năm 1966, ông mới hoàn thành. Năm 1967, có dịp ra Bắc, ông trao bài cho Quang Hưng lúc này là diễn viên đoàn Ca múa Quân giải phóng và dặn ca sĩ hãy tập bằng cả 2 giọng Nam và Bắc để đến ngày tiếp quản Sài Gòn sẽ thu thanh rồi phát sóng cho đồng bào 2 miền nghe.
Về hoàn cảnh ra đời cũng có bài hát được thông tin sai lệch. "Khúc quân hành mùa xuân" của Nguyễn Đình San viết về bộ đội biên phòng. Nhiều bài báo khi nhắc đến ca khúc này đã nói là tác giả sáng tác tại một điểm tựa trên Cao Bằng. Lại có phóng viên nói ông viết sau cuộc chiến đấu của quân dân ta ở biên giới phía Bắc sau sự kiện ngày 17/2/1979. Nhưng không phải mà sự thật là Nguyễn Đình San sáng tác bài này trên giường bệnh khi bị bó bột sau một tai nạn giao thông vào mùa đông năm 1982.
Ông kể rằng bị nằm bẹp trên giường suốt 2 tháng lúc đang ở độ tuổi sung sức nhất - 36 tuổi. Trên giường bệnh, ông chứng kiến những đứa trẻ chạy nhảy tung tăng ở sân bệnh viện mà thấy rất thèm được hoạt động. Đúng lúc đó, nhạc sĩ An Thuyên là bạn ông đang còn công tác trong Quân khu 4 nói ông có bài hành khúc mới nào liên quan đến bộ đội thì gửi để tập, chuẩn bị tham dự hội diễn toàn quân. Thế là Nguyễn Đình San sáng tác ngay trên giường bệnh. Do quá thèm được chạy nhảy mà giai điệu bài hát tươi vui, nổi rõ hình tượng những bước chân hành quân với khí thế rất sôi nổi, yêu đời.
Về tên bài hát, cũng có những trường hợp người sử dụng hiểu sai. Bài "Câu hò bên bờ Hiền Lương" của Hoàng Hiệp thì chữ "bờ" cứ bị giới thiệu và in ấn là "bến". Khi tác giả chưa qua đời, có lần ông đã phải nói: "Không có bến Hiền Lương nào cả mà chỉ có sông Bến Hải với đôi bờ cầu Hiền Lương mà thôi".
Trên đây chỉ là một số bài hát tiêu biểu đã bị nhiều người - trong đó có giới ca sĩ - hiểu không đúng. Vậy nên rất cần sự hiểu lại cho đúng, chính xác.