Nhà văn Nguyễn Trọng Luân: Viết về mặt sau của tấm huân chương
Nguyễn Trọng Luân là một trong những nhà văn trung thành và đạt được thành công với mảng đề tài chiến tranh cách mạng, người lính. Một số tác phẩm của ông từng được dịch, xuất bản ở nước ngoài. Trung tuần tháng 8/2023 vừa qua, cuốn tiểu thuyết “Bình minh phía trước” của ông do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành chính thức ra mắt độc giả. Phóng viên có cuộc trò chuyện với nhà văn về cuốn tiểu thuyết và công việc sáng tác của ông.
- Chúc mừng nhà văn Nguyễn Trọng Luân với tiểu thuyết “Bình minh phía trước” mới ra mắt độc giả! Xin ông vui lòng chia sẻ về cuốn sách này?
+ Vâng, cuốn tiểu thuyết “Bình minh phía trước” của tôi mới in xong trong tháng 8/2023. Lúc đầu tiểu thuyết có tên “Sống bên cạnh chết”. Nhưng có lẽ nó không được nhã lắm nên nhà xuất bản đã yêu cầu đổi cho nó có... hy vọng hơn. Đây là cuốn tiểu thuyết tôi viết về chính đơn vị tôi. Nó là cuộc sống chiến đấu thường nhật của một đơn vị chủ lực trên chiến trường Tây Nguyên. Nhiều người viết đã đề cập tới cuộc sống của những người chiến sĩ. Nhưng ở đây tôi muốn dành nhiều đất cho sự nghĩ về cái chết của chính những người lính chiến sĩ. Thật ra, giữa cuộc chiến thì cuộc sống của những người lính là đã sống ở bên cạnh cái chết rồi. Cuốn sách này nói rất nhiều về các kiểu hy sinh của người lính chiến trường. Dù biết viết như thế là rất khó. Nhưng khó cũng nên viết, rất nên viết. Chiến tranh là khốc liệt, chết chóc. Chiến tranh không phải trò đùa là vậy...
- Ông có thể nói thêm về sự hình thành ý tưởng viết tiểu thuyết này? Và trong quá trình viết ông có gặp khó khăn gì không?
+ Những năm tháng chiến đấu trên chiến trường, bản thân tôi đã tận mắt chứng kiến rất nhiều cái chết khác nhau của đồng đội và cả những người lính phía bên kia. Tất cả những cái chết ấy đều ám ảnh tôi rất lâu dài, có lẽ từ những ám ảnh ấy, sự chết đã thôi thúc tôi phải viết một cái gì đó. Đối với tôi, sáng tạo văn chương nói chung, viết tiểu thuyết nói riêng là công việc nhọc nhằn, chẳng dễ dàng gì. Cuốn tiểu thuyết này tôi đã trăn trở rất nhiều để làm sao có thể lột tả chân thực nhất về những cái chết, song cũng mong muốn những gì mình viết ra đạt được những tiêu chí của một tác phẩm văn chương đích thực.
- Vậy thông điệp ông muốn gửi gắm qua tác phẩm này là gì, thưa nhà văn?
+ Thông điệp của cuốn sách này đó là đối với người lính chiến trường thì họ đang luôn sống ở bên cái chết. Cái chết diễn ra hàng ngày ngay bên cạnh mình, ngay cả kề bên giấc ngủ, lúc hành quân, lúc nấu cơm hay cả lúc đang vui văn nghệ. Cái chết không chỉ ở chỗ nổ súng ngoài trận địa mà nó xuất hiện bất kì đâu. Con người phải thích nghi và phải luôn nhớ rằng bên cạnh cái chết là sự sống. Cái sống ngay cạnh cái chết chứ đừng mang nỗi sợ hãi trong mình, sợ thì không sống được, sợ là làm cho mình dễ chết nhất. Có một thời gian dài, chúng ta “ngại” nói, “ngại” viết về những cái chết trên chiến trường. Nhưng tôi nghĩ viết về cái chết là để ca ngợi sự hy sinh của những người lính hy sinh cho Tổ quốc, để nâng niu, trân trọng hơn sự sống.
- Ông từng công bố nhiều đầu sách viết về chiến tranh, mới nhất là cuốn tiểu thuyết “Rừng đói” được xuất bản tại Canada. Có khi nào ông nghĩ mình sẽ cạn “vốn” hoặc đề tài mình viết ra không còn sức hấp dẫn, nhất là với độc giả trẻ?
+ Tôi cũng như các bạn viết là lính trở về, chúng tôi viết về chiến tranh không chỉ là câu chuyện kể. Vì như thế nó sẽ hết vốn. Viết về chiến tranh là ở sự chiêm nghiệm ở hồi ức và chiến tranh len lỏi khắp mọi ngõ ngách cuộc sống sang nhiều thế hệ sau này nên kí ức về chiến tranh càng lùi xa thì càng bật ra những điều mới hơn cho người cầm bút. Nhà văn Khuất Quang Thụy vẫn đang cày ải trên cánh đồng chiến tranh đó thôi, hay nhà văn Vũ Bình Lục chỉ kể một câu chuyện thôi mà tôi đã thấy đầy ắp không khí chiến đấu cách nay hơn nửa thế kỉ… Nhà văn Sương Nguyệt Minh càng ngày càng có những tác phẩm về chiến tranh hay và vạm vỡ. Tôi nghĩ, chúng tôi - những người lính già - những người bước ra từ cuộc chiến, từ cái chết, vẫn viết về chiến tranh, nhưng sẽ không giống như những năm trước nữa, mà viết về mặt sau của tấm huân chương.
- Chú tâm cống hiến cho đề tài chiến tranh cách mạng và người lính, theo quan sát của ông thì người viết trẻ hiện nay đã tham dự vào mảng đề tài này như thế nào?
+ Người viết trẻ hiện nay, các bạn ấy rất thông minh. Cuộc sống vốn đủ đầy cho các bạn ấy có điều kiện tiếp cận với tư liệu cả ở phía bên đối phương. Các bạn ấy viết về chiến tranh cách mạng theo cách không giống chúng tôi. Những năm vừa qua, văn đàn đã xuất hiện một số tác phẩm khá tốt viết về chiến tranh cách mạng của tác giả trẻ, thậm chí là rất trẻ. Ở một vài cuộc thi văn chương, tiêu biểu như cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ quân đội có nhiều tác phẩm viết về chiến tranh cách mạng, người lính năm xưa và người lính hôm nay của các tác giả trẻ được đánh giá cao. Tôi nghĩ đề tài chiến tranh cách mạng đến một lúc nào đó sẽ có tác phẩm tầm cỡ thế giới, cũng như cuộc kháng chiến chống Mỹ nói riêng và công cuộc chống quân xâm lược của nhân dân ta nói chung đã vĩ đại và nổi tiếng thế giới. Tạo tác nên một tác phẩm lớn về chiến tranh và người lính không nhất thiết tác giả phải trải qua chiến tranh.
- Từ thực trạng như vậy, ông có muốn nhắn gửi gì đến những tác giả trẻ đang thử sức với đề tài chiến tranh cách mạng và người lính?
+ Các bạn viết trẻ rất giỏi rồi, họ có cách nhìn về chiến tranh, về người lính của riêng họ. Với tư cách là một người từng là lính trận, một người viết, tôi không dám nhắn nhủ gì hơn chỉ mong các bạn ấy hãy dành nhiều tâm sức cho việc học, đọc và chiêm nghiệm từ tư liệu, tác phẩm của những người đi trước khi dấn thân vào đề tài này. Tôi nghĩ như thế phần nào có ích cho việc viết của các bạn trẻ. Tôi luôn tin vào thế hệ người viết mới, văn học viết về chiến tranh của các tác giả trẻ trong thời gian tới.
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Nhà văn Nguyễn Trọng Luân, sinh năm 1952
Quê quán: Đan Hà - Hạ Hòa - Phú Thọ
Nguyễn Trọng Luân nguyên là sinh viên Khoa Cơ khí, Đại học Cơ điện Thái Nguyên. Năm 1972, học xong năm thứ 3 đại học, ông nhập ngũ. Sau khi huấn luyện ở Tiểu đoàn 76, Sư đoàn 304B, ông được bổ sung vào Sư đoàn 320 chiến đấu ở Tây Nguyên, là Tiểu đội trưởng Trinh sát chiến đấu liên tục cho tới ngày 30/4/1975. Tháng 10/1975, ông quay về trường cũ học tiếp đại học, trở thành kĩ sư cơ khí. Trước khi nghỉ hưu, ông giữ cương vị Giám đốc Xí nghiệp Thép xây dựng - Công ty Kim khí Hà Nội.
Giải thưởng: Giải thưởng cuộc thi Bút ký năm 2002-2003 của Tạp chí Văn nghệ quân đội, Giải Nhì cuộc thi truyện ngắn và ký năm 2012 của Tạp chí Cửa Việt, 3 lần được Tạp chí Văn nghệ quân đội tặng thưởng cho tác phẩm xuất sắc của năm.
Đã xuất bản 15 đầu sách, trong đó có 4 tập thơ, 2 tiểu thuyết, 4 tập truyện ký, 2 tập truyện ngắn, 3 tập tản văn.