Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Nguyễn Hải Yến - Người có thể phân biệt tranh thật - giả

Chủ Nhật, 10/09/2023, 10:34

Nghe danh Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Nguyễn Hải Yến đã lâu, lại có trong tay cuốn “Hội họa Hà Nội- Những ký ức còn lại”, một cuốn sách rất quý, “điểm danh một cách sâu sắc” những tên tuổi lớn của Hội họa Việt Nam thời kỳ (1930-1945) ở góc nhìn của người có nhiều năm làm việc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Đọc xong, thêm bội phần nể trọng tác giả, ấy vậy mà tôi vẫn chưa có dịp gặp bà, phần cũng ngại ngùng vì người như bà thường rất bận, lại là ái nữ con nhà gia giáo, câu chuyện nói với nhau sao cho nhã mà lại biết thêm được nhiều thông tin thuộc về “bí mật nghề nghiệp” là cả một chuyện chẳng thể dễ dàng...

Cho đến tuần trước không đừng được nữa, có người em ở nước ngoài về muốn mua cuốn sách của bà nhưng tìm khắp các hiệu sách Hà Nội và trên mạng cũng không mua được. Tôi đành xin phép được đến gặp bà. Thật may mắn, bà cũng đã nghe về tôi, nhưng cơ bản hơn, bà có một ứng xử rất văn hóa của một trí thức có bản lĩnh và cởi mở. Bà cho biết cuốn sách xuất bản đã lâu, bà là tác giả, nhưng bản quyền cuốn sách đã thuộc về người tổ chức thực hiện nó. Đó là một bác sĩ gốc Việt sống tại Mỹ, rất yêu hội họa, người có thú sưu tập và sở hữu tranh Việt Nam. Sách có thể còn nhưng hiện đang để ở Mỹ…

Nhiều người đồng ý với tôi rằng: Cuốn sách của Nguyễn Hải Yến mang đến cho người đọc hiểu thêm về những giá trị hội họa Hà Nội thời cận đại. Góp phần bảo vệ những di sản văn hóa nghệ thuật của giai đoạn này đồng thời hiểu biết hơn về những tác giả và tác phẩm hội họa có giá trị của Việt Nam. Cũng vì lẽ đó, mà em tôi, người đang có ý định mở một thư viện lớn về sách và hội họa tại nước ngoài cần đến cuốn sách. Coi đó là cẩm nang, là phương tiện để bước vào một nghề mới.

Nhà nghiên cứu đích thực

Bà tiếp tôi rất niềm nở, thân thiết, cứ như thể chúng tôi đã quen thân từ lâu. Tôi cảm động lắm. Dường như có một mẫu số chung cho những người đàn bà như chúng tôi. Giời cho rất nhiều nhưng cũng “bắt tội” không ít. Nhìn bà ở tuổi ngoài 80 mà vẫn trắng trẻo, thanh tú, nhanh nhẹn và thanh lịch thế này, tài năng thế ấy… thì… dễ cô đơn toàn tập lắm…

Câu chuyện cho thấy, đúng như tôi dự đoán. Bà hiện đang ở với em dâu và các cháu. Những người yêu bà, những người bà yêu một thời hoặc không gắn bó, hoặc đều đã đi xa. Một trời thương nhớ ấy được bù lại cho bà là những tháng ngày miệt mài với công việc. Cứ như thể bà là người sinh ra để làm một nhà nghiên cứu, toàn bộ cuộc đời chỉ là nghiên cứu...

Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Nguyễn Hải Yến - Người có thể phân biệt tranh thật - giả -0
Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Nguyễn Hải Yến.

Là con gái của học giả, giáo sư, nhà báo Nguyễn Tường Phượng - chủ bút Tạp chí TRI TÂN một thời, giỏi văn từ nhỏ. Bà học khoa Văn (khóa 2) - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cùng nhà thơ Phạm Tiến Duật và nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm loại ưu nhưng Nguyễn Hải Yến lại không đi dạy học vì được mời về làm việc tại Viện Mỹ thuật - Mỹ nghệ Hà Nội.

Ở đây bà gặp được người họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, người có sức truyền cảm mãnh liệt tới các học trò, trong đó có bà việc yêu mến, trân trọng những di sản nghệ thuật của tiền nhân. Ông dạy cho bà và những sinh viên mới được nhận về như bà cách tiếp xúc, nghiên cứu, ghi chép tư liệu, những kinh nghiệm quý báu về nghiên cứu khoa học. Và từ đó, chuẩn bị cho việc thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Phần lớn những bức tranh Đông Dương đang trưng bày tại Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam đều do bà “săn lùng” về…

Thời bao cấp, là phụ nữ nghĩa là phải chịu nhiều hạn chế, cha mẹ cũng chỉ mong con yên thân trong môi trường yên ổn nhất, ít va chạm nhất và nhận việc gì dễ nhất thì càng tốt. Nhưng nói như giáo sư Trần Quốc Vượng thì tử vi của bà có “Tử phủ vũ tướng”, Thái tuế đóng cung quan, yên làm sao được. (nếu ngày nay có không ít những tiến sĩ chả nghiên cứu gì cả, chả lăn lộn thực tiễn chi hết, tất cả “cop”, “pết” trên Google hay của người khác), thì thời bà Hải Yến ngoài thư viện ra bà phải đi với thầy, với đồng nghiệp và có khi lăn lộn một mình về các vùng quê, vùng đất… bất cứ nơi nào có thể tìm được cái để nghiên cứu, chịu đói khổ, lúc thì xe đạp, lúc đi xe đò… Hoàn thiện 2 năm làm tư liệu, bà tiếp tục được giao nhiệm vụ nghiên cứu về lịch sử cổ đại, tham gia các buổi khai quật khảo cổ. Sau đó, bà được phân công đi “săn lùng” các bức tranh Đông Dương (mỹ thuật cận đại), tìm cách thuyết phục nhường quyền sở hữu của cá nhân, các gia đình quyền quý, hay những nhà sưu tập những bức tranh có giá trị về cho bảo tàng.

Mỹ thuật Đông Dương là sự tiếp xúc và thay đổi, chuyển từ tư tưởng Nho giáo và bút pháp phù hợp với cách biểu đạt tư tưởng đó sang tư tưởng hiện đại, bút pháp hiện đại phương Tây hoặc lối biểu hiện nhuần nhuyễn Tây Đông. Bà cho biết: “Số lượng tranh Đông Dương của Việt Nam như kho báu khổng lồ nằm trong dân nhưng việc mua tranh gặp nhiều khó khăn”.

Nghe tin gia đình nào có tranh là bà lặn lội đạp xe đến. Những gia đình khá giả Hà Nội gốc có một nề nếp sinh hoạt nho nhã lịch lãm, có những phép tắc không thể bỏ qua. Dịu dàng đấy nhưng cũng không thể xuề xoà. Nhờ được giáo dục từ nhỏ trong một gia đình trí thức tương tự nên Nguyễn Hải Yến dễ dàng tiếp cận những gia đình quý phái kia. Lại thêm khéo léo ăn nói, thuyết phục, bà khiến cho những người có tranh quý mà thiếu khả năng bảo quản thấy việc để cho bảo tàng sở hữu là đúng. Chả những bức tranh đó được giữ gìn tốt hơn mà cộng đồng- xã hội sẽ được tiếp cận rộng rãi hơn với những giá trị nghệ thuật của những danh họa bậc thầy. Đó cũng là biểu hiện lòng yêu nước, tôn trọng giá trị nghệ thuật của những người giàu văn hóa…

Trình độ chuyên gia

Cứ như thế, bà Hải Yến tận tuỵ với công việc của mình. Con nhà nòi văn chương chữ nghĩa, bà Hải Yến cũng mê thơ văn, tâm hồn lãng mạn. Các đồng nghiệp với bà là các ông Nguyễn Du Chi, con trai nhà văn hóa Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Đức Năng, con trai nhà phê bình Hoài Thanh, Nguyễn Đỗ Bảo, con trai Nguyễn Đỗ Cung… Mỗi người mỗi vẻ, đóng góp cho công cuộc nghiên cứu văn hóa nghệ thuật nước nhà. Nhưng chỉ mình Nguyễn Hải Yến là phụ nữ trong nhóm ấy.

Có thể vì biết mình không thể tựa vào ai, hoặc do cá tính, không chịu lùi bước trước những gì khó khăn nên sự cố gắng của Nguyễn Hải Yến là vượt trội. Trước hết là vượt khỏi chính cái sự mảnh mai, yếu ớt và cô đơn của mình sau là niềm đam mê dẫn dắt. Bà trở thành người có được niềm tin của các bậc thầy, của tập thể. Nhiều lần, cơ quan giao cho bà cầm tiền mặt (đi giao dịch) trả tiền tranh. Không chỉ tự tin vào khả năng nhận biết tranh đẹp xấu, hoặc phát hiện tranh bị đổi mà còn là một bản tính liêm khiết của người được rèn dũa trong gia đình đạo đức, nói theo cách của giáo sư Trần Quốc Vượng là “liêm chinh thiên tướng” đóng cung Tài Bạch.

Những họa sĩ bậc đàn anh, hay những người quen biết bà Hải Yến (ngày ấy ai cũng biết chút ít Nho Y Lý Số) thường nói rằng, những người phụ nữ xinh đẹp tài hoa có lòng tự trọng thì chỉ kiếm sống bằng quý cách. Nguyễn Thị Hải Yến hoàn toàn sống bằng nghề. Cái nghề vắt óc ra sản phẩm (những bài nghiên cứu). Sau năm 1970, Viện Mỹ thuật Việt Nam tách thành 2 cơ quan riêng biệt là Viện Nghiên cứu Mỹ thuật (sáp nhập với Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Trong suốt thời gian công tác ở đây bà đã để lại một ấn tượng tốt trong lòng tập thể, lãnh đạo và đồng nghiệp, bà sống bằng lương hưu và những đồng nhuận bút khiêm nhường.

Nhân cách

Năm 1997 bà nghỉ hưu. Nay, bà là Phó Chủ tịch Hội đồng Phê bình Mỹ thuật thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam và giảng dạy tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Bà cho biết, công việc thẩm định tranh không đơn giản, đòi hỏi người thẩm định phải có kinh nghiệm và am hiểu về trường phái, phong cách, nét vẽ và tiểu sử của tác giả bức tranh… Bà chứng kiến nhiều bức tranh giả được làm tinh vi, hoàn hảo giống như thật khiến không ít người bị nhầm lẫn. Còn bà, với những năm tháng trải nghiệm nghề nghiệp, một trí nhớ và bằng cả một giác quan tốt, với một tinh thần khoa học bà không chỉ phân biệt được chính xác thật giả mà còn nhớ được chữ ký khác nhau của một họa sĩ trong từng giai đoạn. Vì thế mà bà có uy tín chuyên môn cao. Nhiều nhà sưu tập muốn tìm đến bà. Người thì nhờ bà thẩm định để có thể mua thêm cho bộ sưu tập của mình. Lại cũng có người đến nhờ bà ký cho một chữ xác định đấy/đây là một bức tranh của danh họa X. Y. Z… mặc dù nó là bức tranh không phải của các ông ấy.

Cái khả năng thẩm định đó, uy tín đó, nếu ở trong tay một ai đó thì sẽ có một khoản thù lao không nhỏ. Nhưng với Nguyễn Hải Yến, việc đó không bao giờ thành…

Một nhân cách như thế thật đáng kính nể.

Trần Thị Trường
.
.
.