Nhân đọc tập truyện ngắn "Một mùa hè dưới bóng cây" của nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế, NXB Hội Nhà văn, 2023

"Một mùa hè dưới bóng cây" và... rượu

Thứ Tư, 25/10/2023, 15:23

Tôi ham đọc. Và đọc nhanh. Một truyện ngắn cỡ 3.000-4.000 chữ thì đọc một lèo hơn mười phút là xong. Giờ già, mắt mũi kèm nhèm, đọc vài ba trang chữ nghĩa đã nhảy loạn xà ngầu. Dụi mắt, nhắm mắt lại nghỉ một lát rồi lại đọc. Thành thử đọc sách mà như đánh vật, như là một làm việc tay chân. Nhưng chẳng đọc thì không chịu được. Đã nghiện mất rồi.

Có lần nhận Tạp chí "Nhà văn và tác phẩm" số sáng tác ở Sao Việt Phú Yên. Thấy truyện "Bức hỏa tâm đăng" của Nguyễn Tham Thiện Kế, đọc lướt rồi kết luận là... không hay. Chả biết lão ta viết gì mà khi đọc như lạc vào mê cung.

nhà văn nguyễn tham thiện kế.jpg -0
Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế.

Nhưng mà chả nhẽ ông Nguyễn Trí Huân với ông Văn Chinh vốn thẩm văn sạn sỏi trong đầu lại nhầm à, bởi hai ông khen truyện rất khá. Tự nhủ phải đọc lại. Đọc chậm thôi.

Bỏ ra hai tiếng đồng hồ, vài trang lại dụi mắt: Ôi giời cứ mồn một nhân vật. Như thể là được ngồi ở từ đường nhà Thống nhìn bốn ông Thống Đại, Thống Thượng, Thống Trung, Thống Hạ đang ủ mưu lập kế diễn trò tranh quyền lực, của cải, đất đai hương hỏa... Nguyễn Tham Thiện Kế không tả người, chỉ kể, tả hành động mà nhân vật hiện rõ bản chất, tính cách, thủ đoạn và ngay cái tên truyện cũng đã thấy hay. Mà tài... một dòng họ như một xã hội thu nhỏ với đủ các thành phần (bác sĩ - khuyết hậu, cựu Thiếu tướng - quyền lực, luật sư - nhà buôn và giáo làng-nông dân) kèm bản chất cố hữu của nó, gói cả những tham sân si ái ố hỷ nộ ở cõi người. Rồi chép miệng một cái như vừa được thưởng thức một bữa ngon để trầm trồ rằng: Tài! Viết thế mới là viết.

Sở dĩ kể lại câu chuyện bởi vì mới được Nguyễn Tham Thiện Kế gửi tặng tập truyện ngắn "Một mùa hè dưới bóng cây". Cầm sách trên tay, nhớ lại câu chuyện cũ để rồi tự nhủ: phải đọc thật chậm. Vậy nên sách đã nhận vài tháng nay mà vẫn chưa đọc xong. Mỗi truyện trong tập phải dành ít nhất hai giờ để đọc. Nếu đụng việc đột xuất thì phải cả ngày. Bởi vì đọc đi rồi lại còn muốn đọc lại. Một trường viết chịu đọc lại nhiều lần. Mỗi lần thêm phát hiện…

Nói thực văn chương bây chừ cũng hiếm khi phải đọc hai lần. Vì thời công nghệ người ta viết nhanh, đọc nhanh. Đọc một lần là xong hết nhẽ, chả vương vấn ám ảnh gì để phải đọc lại. Nhưng Nguyễn Tham Thiện Kế thì khác, anh cần mẫn và thong thả, viết xong ủ lại một thời gian sau mới đem ra đọc lại và chỉnh sửa. Một tác phẩm mấy lần tôi rèn gọt đẽo mới ưng ý, mới dám trình làng. Đọc anh tôi hình dung một dáng ngồi ngay thẳng với mái tóc bồng như Xuân Diệu, cần mẫn như người nông nhặt từng mầm chữ lên soi dưới ánh sáng ngắm nghía, tìm ý tìm nghĩa, tìm cạnh tìm góc, rồi đắn đo so sánh chữ này chữ kia sau đó mới cẩn thận xếp ngay ngắn vào trang giấy. Không lặp lại, không xô bồ, mà tinh mà gợi.

Nguyễn Tham Thiện Kế kể về những chuyện thực trong kiếp sống con người thực. Chẳng cần mượn ma mượn quỷ, mượn cõi này cõi khác để chuyển tải ý tứ. Không éo le, không gay cấn, chẳng đâm chém đao búa, cốt truyện của anh tưởng như ai cũng đã gặp đã nghe ít nhất một lần trong đời. Đó là chữ tín, là tình yêu, lòng chung thủy, là mối quan hệ người người, quan hệ cá nhân với cộng đồng. Nhưng đọc truyện nào thì ta cũng có sự xác tín lành mạnh về cái đẹp của cõi người.

Các truyện trong "Một mùa hè dưới bóng cây" được kể trải theo tuyến tính thời gian. Người đọc khẳng định tính chân thực của tác phẩm bởi sự quan sát tỷ mỷ, cách miêu tả sống động ở từng chi tiết nhỏ. Sống động tới mức người đọc cảm thấy như được trực tiếp là người trong cuộc. Các sự việc nối tiếp rất logic và tự nhiên nhưng cũng tạo ra nhiều bất ngờ hấp dẫn.

Truyện ngắn là sản phẩm của hư cấu nhưng khi đọc Nguyễn Tham Thiện Kế thì người đọc nghiễm nhiên tin đó là đời sống thật. Bởi vì tác giả không tách bản chất với hình thức, ảo mà vẫn thực. Kể cả những truyện có yếu tố ảo thì các chi tiết của đời sống ảo vẫn lấy ở đời thực. Thực mà gợi, người đọc sẽ tìm ra những cái lớn lao hơn sau sự ám ảnh của mỗi chi tiết, sau mỗi truyện.

Cái tài của Nguyễn Tham Thiện Kế là cách sử dụng ngôn từ. Như đã đề cập, có lẽ mỗi một chữ đưa vào tác phẩm cũng được anh đắn đo soi xét. Câu văn tinh gọn đến mức khó tìm ra chữ thừa mặc dù tác giả sử dụng khá nhiều câu đặc biệt. Và hơn cả là những gì anh tả đều rất đúng tâm trạng hoàn cảnh. Có lẽ khi viết, dù ở ngôi kể nào thì tác giả vẫn đắm mình làm người trong cuộc, cùng ái ố hỷ nộ với nhân vật nên cái tình trong câu văn luôn sâu, đậm, cái lý luôn sắc, sáng. Điều đó lý giải vì sao Nguyễn Tham Thiện Kế tả nhiều mà không bị sến, bàn nhiều mà không bị thô. Nói thật nhiều khi đọc anh xong cứ có cảm giác như vừa đọc Nguyễn Tuân, con chữ như phát sáng lung linh trong trường từ vựng bởi nó được tôn trọng, được đặt đúng chỗ để đạt hiệu quả cao nhất.

tác phẩm mới ra mắt của nhà văn nguyễn tham thiện kế.jpg -1
Tác phẩm mới ra mắt của nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế.

Văn chương thì phải lấy tiêu chí Chân - Thiện - Mỹ để mà phấn đấu. Các tác giả có tuổi hôm nay (trong đó có người viết bài này) có thể do năng lực, do tạng người, hoặc do quỹ thời gian không còn nhiều... đang gấp gáp hoàn thành những dự án của cuộc đời mình nên đa phần tác phẩm mới đạt đến Chân, Thiện còn đã đạt đến Mỹ chưa thì cũng cần bàn thêm. Các tác giả trẻ đương đại thì chăm chắm chú trọng tới việc cải tiến cái vỏ hình thức sao cho khác lạ và nghĩ rằng đang hoàn thiện cái Đẹp (Mỹ). Chính vì vậy truyện của họ thường lặp lại motip có sẵn, đọc một lần là xong, không nhiều tác phẩm tải được thông điệp tư tưởng đáng kể.

Riêng Nguyễn Tham Thiện Kế thì khác, có lẽ anh là một trong không nhiều người viết có nhiều tác phẩm đã đạt được tiêu chí Chân - Thiện - Mỹ. Đấy là chủ quan tôi nghĩ thế.

Cho đến giờ tôi vẫn chưa đọc xong "Một mùa hè dưới bóng cây" nhưng dặn lòng tác giả đã bình tĩnh viết thì mình cũng nên bình tĩnh để đọc. Tất nhiên, khi đặt bút câu kết của bài viết này nghĩa là tôi cũng đã đọc xong rồi. Nguyễn Tham Thiện Kế viết chậm kỹ lưỡng, tôi cũng học cách đọc thẩm văn phải thật sâu lắng kỹ càng thì mới là đạo của người cầm bút.

Đọc sách cũng như uống rượu. Đầu tiên nâng chén ngang mày để trân trọng và để hương rượu được chạm vào khứu giác. Mím miệng nhấp một ngụm nhỏ, giữ rượu trong khoang miệng khoảng chục giây để cái nóng xông lên xoang lên óc và vị cay nồng tê tê thấm vào lưỡi, ngấm vào từng kẽ chân răng. Rồi từ từ cho rượu trôi vào thực quản rưới nóng vào lồng ngực. Lúc ấy ta sẽ thấy đầy đủ vị ngon của rượu thông qua cái nóng cái lạnh, cái cay cái ngọt, nhận thấy sự chuyển động lên xuống trong cơ thể. Lúc ấy mới thẩm được rượu ngon rượu quý để có thể khà lên một tiếng tán thưởng. Đó là người biết uống rượu.

Còn bây giờ người ta thách nhau uống được nhiều, người ta zô trăm phần trăm. Để chứng tỏ anh mạnh anh sung, anh bề trên, anh chả thua đứa nào... thế là cứ ngửa cổ há mồm dốc tuột cốc rượu vào họng... như người ta rót rượu vào hũ chìm. Nhẽ đâu biết rượu ngon rượu dở. Ấy là trọc phú...

Đọc sách của Nguyễn Tham Thiện Kế phải có cái tâm thế của người biết uống rượu. Và chắc chắn thấy đúng là rượu ngon.

Nhưng rượu ngon thì phải uống từ từ. Để còn được tiếp tục cái khoái thú của người được thưởng thức rượu ngon. Chứ làm phát hết cả hũ thì mai lấy đâu mà khoái.

Ấy là nghĩ như thế.

Thật!

17/10/2023

Mai Tiến Nghị
.
.
.