Khi người trẻ gìn giữ giá trị cuộc sống

Thứ Năm, 11/05/2023, 11:07

Có nhiều người cho rằng, giới trẻ dường như đang lãng quên giá trị truyền thống hay giá trị truyền thống chỉ dành cho những người lớn tuổi. Nhận định này có phần khiên cưỡng, thậm chí không công bằng với những nhân tố trẻ đã và đang tâm huyết, nỗ lực và cố gắng gìn giữ giá trị cha ông.

Những ví dụ sinh động

Trên hầu hết các lĩnh vực văn học nghệ thuật, chúng ta đều có thể điểm tên những người trẻ đã và đang có thành tích đáng kể đóng góp chung vào sự nghiệp gìn giữ bản sắc dân tộc. Như trường hợp của nghệ nhân Bùi Công Sơn với biệt danh Sơn "xẩm" là một ví dụ.

Sinh năm 2000 tại huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình), Sơn đã lăn lộn khắp các địa phương để học những bài hát xẩm của các nghệ nhân. Sau khi tài năng đủ chín, anh về quê hương của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu ở xã Yên Phong, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình để thành lập Câu lạc bộ chiếu xẩm chợ Lồng. Đối tượng mà Sơn chú tâm truyền dạy nhất chính là các em nhỏ. Sau 5 năm đi vào hoạt động, Câu lạc bộ đã ươm mầm nhiều tài năng xẩm thông qua các liên hoan hát xẩm chuyên nghiệp của tỉnh Ninh Bình.

truyền thống 1.jpg -0
Nghệ nhân Bùi Công Sơn (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn các thành viên trong Câu lạc bộ chiếu xẩm chợ Lồng hát xẩm.

Cũng sinh ra ở Thái Bình, nghệ sĩ trẻ Nguyễn Thế Hoàn (nghệ danh Thế Hoàn, sinh năm 1996) đang nổi lên là một nghệ sĩ hát chầu văn tài năng. Không chỉ sở hữu giọng hát da diết, tình cảm, anh còn có thể đặt lời mới cho chầu văn với lời ca dễ nghe, gần gũi với cuộc sống đương đại, như: "Hát văn cô vy", "Hội đã tan rồi chia tay thôi cậu ơi" … Tận dụng mạng xã hội, Hoàn đã đưa nhiều bài hát văn của mình lên YouTube và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo công chúng.

Trong chúng ta có lẽ ai cũng đã biết đến tài thổi sáo trúc của NSƯT Đinh Thìn và con trai là NSƯT Đinh Linh, nhưng sẽ càng bất ngờ hơn khi biết thế hệ thứ 3 là nghệ sĩ Đinh Nhật Minh (Nhà hát Ca múa nhạc Bông Sen) dù mới 27 tuổi đã gặt hái rất nhiều thành tích và đang nổi lên là một tài năng sáo trúc. Minh đã giành được hơn 10 giải thưởng uy tín ở trong nước và quốc tế, như: Huy chương Vàng tại: Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012, Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2017 và Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc năm 2021... Là người trẻ, Minh đã mạnh dạn, táo bạo thay đổi trong phong cách thổi sáo cũng như biến tấu trong từng bài sáo để gần gũi hơn với giới trẻ.

Không sa đà vào những dòng tranh bán chạy trên thị trường, trong suốt gần 10 năm qua, họa sĩ sinh năm 1995 Nam Chi đã đam mê và bước đầu khôi phục được nhiều dòng tranh dân gian, trong đó có cả dòng tranh Kim Hoàng tưởng như đã thất truyền. Không dừng lại ở đó, Nam Chi đang cố gắng tìm tòi, sáng tạo nên những mẫu tranh dân gian mới, bổ sung thêm đa dạng, phong phú cho kho tàng tranh dân gian của Việt Nam. Dịp Tết Quý Mão vừa qua, anh cũng đã cho ra mắt bộ sưu tập tranh mèo dân gian được nhiều bạn trẻ ưa thích.

Trong lĩnh vực khí nhạc, chúng ta cũng có thể điểm tên nhạc sĩ Phạm Xuân Bình Sơn. Là con trai của NSƯT Bích Kim và NSƯT Xuân Đồng, Bình Sơn có nhiều lợi thế đến với âm nhạc và anh đã chọn khí nhạc để theo đuổi. Từng du học tại Mỹ, Sơn đầy tự tin, bản lĩnh trong 3 vai trò nhạc sĩ sáng tác, phối khí và chỉ huy dàn nhạc. Giống như người thầy của mình là nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, Sơn mong muốn được sáng tác, giới thiệu nhiều hơn nữa những tác phẩm khí nhạc mang bản sắc của Việt Nam đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Khai thác và tận dụng công nghệ, nhóm các bạn trẻ còn thành lập các nhóm như "Trường Ca Kịch Viện", "Chèo 48h"… để kết nối, lan tỏa giá trị truyền thống. Nếu như "Trường Ca Kịch Viện" với chủ đích xây dựng một "bảo tàng" trực tuyến về nghệ thuật sân khấu truyền thống và diễn xướng dân gian Việt Nam thì "Chèo 48h" lại mong muốn đưa người trẻ về với loại hình nghệ thuật trung tâm là chèo. Các hoạt động online và offline của các nhóm này đã mang đến nhiều thông tin thú vị, bổ ích, hấp dẫn cho hàng nghìn người trẻ đang quan tâm đến nghệ thuật truyền thống.

"Thắp lửa" cho những tài năng

Những ví dụ nêu trên cho thấy người trẻ đã và đang tự tin tiếp cận giá trị truyền thống theo cách riêng của mình. Họ đang cháy bỏng đam mê và khát khao cống hiến cho nghệ thuật dân tộc. Là người dành mối quan tâm đến những thế hệ "mầm non" đã và đang theo đuổi nghệ thuật truyền thống, soạn giả Mai Văn Lạng (Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam) nhấn mạnh: "Người lớn tuổi hãy nên có cái nhìn cởi mở và có đánh giá công tâm, khách quan hơn về những đóng góp của những người trẻ với nghệ thuật truyền thống. Tất nhiên, chúng ta không nên và cũng không thể so sánh họ với những nghệ sĩ tên tuổi. Những gì người trẻ đã và đang cố gắng cần phải ghi nhận, tuyên dương để họ có thêm sự tự tin, niềm hứng khởi vào con đường phía trước. Qua 8 lần tổ chức Giao lưu "Những người yêu nghệ thuật chèo toàn quốc", tôi luôn thấy những nhân tố trẻ xuất hiện làm nức lòng khán giả. Như trong Giao lưu "Những người yêu nghệ thuật chèo toàn quốc" lần thứ VIII - năm 2023 vừa qua, trong 140 tiết mục được biểu diễn, nhiều người xúc động với tiết mục của 2 em Nam Anh (13 tuổi), Thanh Trúc (11 tuổi) diễn cùng bà nội trích đoạn trong "Phạm Công Cúc Hoa" dài đến 16 phút. Phải nói đây là một trích đoạn khó, nếu không đam mê, tâm huyết thì rất khó lòng có thể làm "tròn vai" được".

truyền thống 2.jpg -0
Các thành viên nhóm “Trường Ca Kịch Viện” trong một sự kiện offline.

NSƯT sáo trúc Đức Liên (nguyên nhạc công Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam) cho rằng, thế hệ hôm nay đã và đang tiếp nối, gìn giữ giá trị của cha công một cách đầy tâm huyết, trách nhiệm. Riêng trong lĩnh vực sáo trúc đã có nhiều bạn trẻ đã có thể thổi thành thạo và điêu luyện, mặc dù có thể các bạn ấy không học trong bất cứ trường lớp bài bản nào.

"Đinh Nhật Minh chính là trường hợp đặc biệt của sáo trúc. Có "bệ đỡ" là gia đình nhưng cậu ấy dường như đang thoát khỏi "cái bóng" quá lớn đó để vươn tầm lên hàng "ngôi sao" sáo trúc nước nhà. Khi Minh biểu diễn phá cách và táo bạo đã có nhiều ý kiến cho rằng như thế là làm "hỏng" sáo trúc nhưng tôi thì cho rằng, xã hội vận động không ngừng thì cách biểu diễn sáo trúc cũng phải thay đổi, phù hợp với xu hướng đó. Phong cách của Minh thật gần gũi, dễ đi vào lòng người nghe, nhất là người trẻ. Tôi tin vào những sáng tạo của Đinh Nhật Minh", NSƯT Đức Liên nhấn mạnh.

Là người thường xuyên có những ý kiến trao đổi chuyên môn với nhóm "Trường Ca Kịch Viện", NSƯT Chu Lượng (nguyên Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Múa rối Thăng Long) cho rằng, những gì mà các bạn trẻ trong nhóm "Trường Ca Kịch Viện" làm là không thể phủ nhận. Họ đã có cách tiếp cận mới, thông tin đầy đủ, chính xác, thể hiện bằng đồ họa đẹp mắt, sinh động, đa chiều. "Chỉ trong vòng mấy năm nhưng "Trường Ca Kịch Viện" đã tạo nên một "thương hiệu" của những người trẻ trên không gian mạng về nghệ thuật truyền thống. Họ cũng đã thường xuyên có những trao đổi với những nghệ sĩ, chuyên gia đầu ngành trong từng lĩnh vực để có cách triển khai bài bản, thận trọng", NSƯT Chu Lượng bộc bạch.

Có thể nói, trong từng lĩnh vực, người trẻ đang khát khao được cống hiến sức lực, tài năng, tâm huyết nhỏ nhoi của mình để gìn giữ, lan tỏa giá trị truyền thống. Họ làm việc, cống hiến trong tâm thế của thế hệ trẻ hôm nay và điều đó cần phải được tôn trọng, khuyến khích, động viên để tạo nên phong trào "trăm hoa đua nở". Từ những con người cụ thể sẽ góp phần "thắp lửa", tạo nên tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa trong sự nghiệp chung của toàn dân tộc.

Ngô Khiêm
.
.
.