Hỏa biến hồn tôi mảnh sành cong

Thứ Bảy, 01/04/2023, 07:41

Tôi thường la cà ở phố Bát Đàn và Bát Sứ (phường Hàng Bồ và Cửa Đông-Hoàn Kiếm-Hà Nội) bởi kết thân với nhạc sĩ Tô Đông Hải một thời (9 Bát Đàn). Ca khúc "Mưa bóng mây" của anh luôn được mọi người yêu thích và dựng tiết mục biểu diễn. Lời bài hát chính là bài thơ cùng tên của anh đã được chọn vào sách Tiếng Việt lớp 2 (NXB Giáo dục, 2018). Tôi yêu con phố ngào ngạt mùi vị phở bò gia truyền ở đây cũng do anh hay rủ rê lang thang.

Phố Hàng Chén xưa

Nhịp điệu của "Mưa bóng mây" luôn gợi cho tôi những ký ức khó phai mờ trên những mái nhà cổ trên phố Bát Đàn. Vẫn còn đó những mảng tường vôi bong tróc bên ngôi đình Nhân Nội (33 Bát Đàn). Đình thờ thần Bạch Mã đại vương làm Thành Hoàng làng (Nhân nội Linh từ). Hiện đình còn lưu giữ 17 sắc phong minh chứng cho Nhân Nội chính là một trong số ít làng cổ có tuổi đời ngàn năm. Sau này đến thời Lê những thương nhân buôn bán đồ gốm đã dựng phố làm ăn ngay trên đường làng. Hà Nội ngày đó còn lắm đường sông ngòi, thuyền hàng gốm từ Bát Tràng hay Phù Lãng tấp nập vào bến cảng.

Hỏa biến hồn tôi mảnh sành cong -0
Ngã ba Bát Sứ-Bát Đàn.

Đường phố Bát Đàn (dài chừng 250m) bán hàng tiêu dùng gốm thô, hoặc có tráng men được nung ở lượng nhiệt 800 độ. Dân tứ xứ đổ về đây mua các loại bát, đĩa, ấm chén, nồi niêu, chum vại, lộc bình. Tôi nhớ nhạc sĩ Tô Đông Hải còn lưu giữ một bộ ấm đất mộc màu đỏ của một chủ hàng quen tặng cụ nội anh. Trên thân ấm có khắc bức thư họa chữ Hán được dịch: "Trà mịn da thơm em đóa sen/ Bầu hương suối nhạc chảy êm đềm/ Bình minh tung lụa bay bát ngát/ Vũ trụ thu về núm vú tiên" (Vịnh ấm Tây Thi).

Sau này thương nhân quanh phố còn buôn hàng sứ của Trung Quốc hay Nhật Bản về bán. Họ dồn sang góc phố khác để phân biệt với hàng gốm nội địa. Vì thế phố Bát Sứ (dài hơn 190m) mới hình thành vuông góc cuối đường Bát Đàn. Sự cạnh tranh khá nhộn nhịp giữa hai phường kẻ chợ về hàng nội và hàng ngoại thời đó. Vì thế trong dân gian lưu truyền một câu ca dao để nói về nhân tình thế thái một thời: "Có bát sứ tình phụ bát đàn/ Nâng niu bát sứ vỡ tan có ngày". Sau này mọi người chỉ giữ lại vế trên để răn đe về lẽ sống luôn luôn phải gìn giữ thủy chung chớ đừng: "Có bát sứ tình phụ bát đàn".

Khi thực dân Pháp đô hộ nước ta đã đặt lại tên cho cả Bát Đàn và Bát Sứ là phố Hàng Chén (Rue des Tasses) vào năm 1890. Tuy nhiên, trong giới thương nhân lại truyền tai nhau đổi thành phố Bát Ngô vì đã nhập hàng Tàu về bán nhiều. Chính vì thế mới có câu trong dạo chơi khắp Long Thành rằng: "Bát Ngô, Hàng Sắt xem qua/ Hàng Vải, Hàng Thiếc lại ra Hàng Hòm". Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, tên phố được đặt trở lại với hai cái tên Bát Đàn và Bát Sứ quen thuộc.

Nhạc sĩ Tô Đông Hải còn kể cho tôi nghe về chủ nhân ngôi nhà số 32 Bát Đàn một thời. Đây là ngôi nhà của học giả Nguyễn Văn Tố (1889-1947). Cụ Tố ngày đó nổi tiếng trong vai trò Hội trưởng Hội truyền bá chữ Quốc ngữ (trước năm 1945). Cụ học ở Pháp về và làm việc tại Trường Viễn Đông Bác cổ Hà Nội. Cụ là một nhà báo viết cho nhiều tờ báo và tạp chí ngày đó. Từ năm 1941, cụ Nguyễn Văn Tố còn làm chủ bút cho Tạp chí Tri Tân. Cụ có nhiều công trình khảo cứu, phê bình có giá trị được công bố trên báo chí bằng tiếng Pháp.

Đặc biệt, khi Cách mạng Tháng Tám thành công, cụ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu làm Bộ trưởng Bộ cứu tế xã hội và tham gia ứng cử quốc hội khóa đầu tiên. Cụ Nguyễn Văn Tố được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội (nay là Chủ tịch Quốc hội). Nhưng không ngờ khi tham gia kháng chiến trên chiến khu Việt Bắc vào năm 1947, cụ đã bị quân đội Pháp bắt ở Bắc Cạn. Giặc xử bắn cụ vì không chịu đầu hàng (10/1947).

Trong lễ truy điệu cụ Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết lời điếu, mở đầu bằng những câu thơ: "Nhớ cụ xưa!/ Văn chương thuần túy, học vấn cao sâu/ Thái độ hiền từ, tính tình thanh khiết/ Mở mang văn hóa cụ dốc một lòng/ Phú quý, công danh cụ nào có thiết/ Cụ đã hy sinh, tinh thần cụ ngàn thu sẽ vẻ vang bất diệt…".

"Kiếp hoa" và chuyện số nhà 46

Hàng chục phố "Hàng" của Hà Nội đã biến dạng và thay đổi hoàn toàn. Các biển hiệu pha trộn đã được dựng lên bán nhiều loại hàng theo thị trường yêu cầu. Hai phố Bát Đàn và Bát Sứ cũng nằm trong sự biến động thời cuộc kinh tế. Dần dần hai phố này mọc lên khá nhiều quán hàng ăn, cà phê và khách sạn. Những sạp hàng gốm sứ đã biến mất từ sau 1945 khi nạn đói xảy ra. Phố xá thay đổi hoàn toàn bộ mặt cổ kính bao đời nay. Đồng thời với sự thay đổi về thị trường, con người cũng du nhập những hoạt động văn hóa tân tiến sau khi Pháp tái chiếm Hà Nội (1947).

Rầm rộ nhất vào thời điểm đầu thập niên 50, khi một số nhà sản xuất phim và những hoạt động của Đoàn Cải lương Kim Chung. Đặc biệt là vợ chồng nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Kim Xuân và Tiêu Lang đã tham gia làm phim "Kiếp Hoa". Nhạc sĩ Tô Đông Hải kể lại ngày đó "cát xê" của nghệ sĩ Kim Xuân (đóng vai Ngọc Thủy) được trả bằng nhẫn kim cương trị giá 5 triệu đồng. Hai vợ chồng nghệ sĩ góp thêm tiền để mua được căn nhà số 46 Bát Đàn và ở đây từ năm 1954. Đặc biệt, ngôi nhà số 46 được coi là một địa chỉ đám cưới vàng của hai thế hệ nghệ sĩ cải lương và điện ảnh.

Vợ chồng nghệ sĩ Kim Xuân và Tiêu Lang thuộc lứa diễn viên hàng đầu của Đoàn Cải lương Kim Chung. Cả hai đều có giọng hát hay và truyền cảm, luôn sóng đôi trên các vở diễn ăn khách ngày đó. Họ thu hút khán giả qua những tác phẩm như: "Trương Chi và Mỵ Nương", "Đời cô Lựu", "Trinh nữ Xuân Hương", "Nàng tiên Mẫu Đơn"… Đặc biệt, và Kiều của Kim Xuân trong vở "Thúy Kiều" được coi là mẫu mực kinh điển cho tới nay. Nghệ sĩ Kim Xuân đã được trao HCV trong kỳ Hội diễn mùa xuân 1962. Hai vợ chồng nghệ sĩ Kim Xuân và Tiêu Lang có hai cô con gái là Như Hoa và Như Quỳnh (NSND Như Quỳnh). Họ đã sống với nhau hạnh phúc hơn 60 năm và đã tổ chức đám cưới vàng tại đây. 

Hỏa biến hồn tôi mảnh sành cong -0
Nghệ sĩ Kim Chung (trái) và nghệ sĩ Kim Xuân.

Vào cuối thập niên 80 thế kỷ XX, cuộc sống nghệ sĩ rất khó khăn, NSND Như Quỳnh đã mở quán cà phê Quỳnh tại nhà. Từ đó, 46 Bát Đàn trở thành địa chỉ quen thuộc của anh em văn nghệ sĩ và những khán giả mến mộ họ. Cánh nhà báo chúng tôi cũng thường coi đây là địa chỉ hẹn hò trao đổi công việc và thưởng thức cà phê do chính chị Như Quỳnh cùng chồng pha chế. Chồng nghệ sĩ Như Quỳnh cũng là một nghệ sĩ nhiếp ảnh tài hoa. Nguyễn Hữu Bảo được coi là một nhà văn hóa Hà Nội qua hàng ngàn bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc chuyển động của phố phường thân quen. Tôi đã từng tới đây đàm đạo với nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo về một cõi Hà Nội của riêng anh. Năm 2016, nghệ sĩ Nguyễn Hữu Bảo đã xuất bản cuốn sách ảnh "Hà Nội dấu yêu" (NXB Thế giới). Cuộc sống hạnh phúc của vợ chồng anh cũng bền bỉ sâu sắc vượt qua những khó khăn. Họ một lòng tận tụy với nghệ thuật suốt hơn 43 năm qua. 

Đến hẹn lại lên

Vai cô Nết của Như Quỳnh trong tác phẩm điện ảnh nổi tiếng "Đến hẹn lại lên" (1974) được coi là một đỉnh nghệ thuật diễn xuất qua trường quay. Sau đó chị được nhận giải Diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam (1975). Tên phim như một lời hẹn khởi nguồn từ số nhà 46 Bát Đàn. Sau này NSND Như Quỳnh liên tiếp được mời đóng nhiều vai chính trong hàng chục phim. Nay ở tuổi 70, NSND Như Quỳnh vẫn là gương mặt gạo cội trong những vai bà mẹ đầy nội tâm qua các bộ phim truyền hình nhiều tập.

Ngôi nhà số 46 Bát Đàn nay đã thành dĩ vãng nhưng luôn khắc ghi trong trí nhớ mọi người. Tiếng khánh bên Đình làng Nhân Nội cổ kính luôn vang âm thanh của tiếng sành sứ trên đường phố một thuở. Ký ức của lò nung gốm sau đình ngày nào vẫn luôn hiện lên ở đâu đó. Hình ảnh người nghệ nhân trầm mặc với những vết bùn bên gò má. Sự ám ảnh đến hồn nhiên trên đôi mắt cổ xưa Bát Đàn: "Vòm lò men chảy thơm như mật/ Ngọn lửa liếm đêm rạn sắc hồng/ Quẩn quanh với đất cười như đất/ Hỏa biến hồn tôi mảnh sành cong" (Thích Giác Hải).

Vương Tâm
.
.
.