Để điệu khắp mãi ngân vang

Thứ Hai, 10/07/2023, 11:16

Đồ rằng nếu ai đó một lần được trải nghiệm khắp Thái sẽ không bao giờ quên được những giai điệu ngọt ngào, ấm áp mà khắp Thái đọng lại... Những điệu khắp cứ du dương, ám ảnh mãi trong tâm khảm đến khi tôi về đến nhà, một làn điệu để nhớ, để mong và... để yêu.

Ngọt ngào điệu khắp

Những ngày tháng 6, cơn mưa phủ trắng như sương trên mái nhà sàn người Thái. Theo chỉ đường, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Lò Thị Ban, nghệ nhân khắp Thái chuyên nghiệp của tỉnh Sơn La. Mỗi lần xuất hiện trên truyền hình hay qua những chương trình như Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, Lễ hội dân tộc Thái Mường Lò… chị lại mang đến những điều thú vị qua từng thanh âm, câu hát, da diết mà ngọt ngào.

Bên bếp lửa hồng, nghệ nhân Lò Thị Ban say sưa ngân nga những điệu khắp. Chị cho biết “khắp” nghĩa là hát. Lời khắp là những lời được sắp xếp có vần, có điệu như những câu thơ. Mỗi điệu khắp khi được cất lên đều mang một tầng ý nghĩa khác nhau. Hình thức chủ yếu được thể hiện trong mỗi bài khắp là loại thơ năm, sáu, bảy chữ hoặc cũng có thể nhiều hơn. Những điệu khắp của dân tộc Thái trắng hay Thái đen đều chung một nét tương đồng về ý nghĩa nhưng lại có lối thể hiện khác nhau, mang đậm dấu ấn của nghệ nhân. Khi nghe những bài khắp, người nghe thường sẽ thấy các nghệ nhân bắt đầu bằng “ha ...ôi”, “xái panh ha ơi”, “hà ơi panh ơi”, “ói ói panh à panh ơi”... nhưng tựu chung lại đều phản ánh nội dung về cuộc sống của con người, về quá trình lao động sản xuất, vui chơi giải trí và trong nghi lễ tín ngưỡng...

Để điệu khắp mãi ngân vang -0
Khắp Thái đã và đang được các nghệ nhân ngân vang nơi bản làng Sơn La.

Theo tìm hiểu, dân tộc Thái hiện nay có hơn 10 làn điệu dân ca khác nhau, mỗi làn điệu được sử dụng trong những hoàn cảnh nhất định và đa dạng về cách thể hiện cũng như ca từ, tiết tấu, âm hưởng. Dân ca của dân tộc Thái cũng bắt đầu với những bài đồng dao “khắp sư nọm căn” có vần điệu dễ nhớ. Các nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc Thái lại có những điệu hát riêng như: khắp mừng xuân, khắp mừng nhà mới, khắp mừng thọ, khắp mo bản, mo mường, hát mo tang lễ, khắp chá (hát trong hội Hết Chá). Nhưng phổ thông nhất trong khắp Thái là làn điệu khắp sư, thể loại này giống với ngâm thơ, vịnh thơ của dân tộc Kinh. Câu khắp được lấy nội dung từ những câu truyện thơ nổi tiếng của dân tộc kết hợp với vần điệu, luyến láy, tiết tấu tự do để mang cảm xúc vào mỗi câu hát.

Khắp xuất hiện thường xuyên trong đời sống của đồng bào Thái, gắn bó với đồng bào như ăn cơm, uống nước hàng ngày. Những câu khắp với nội dung lấy ý tưởng từ chính những điều giản dị, gần gũi, phản ánh cuộc sống lao động, sản xuất, thói quen, tín ngưỡng, thể hiện tâm tư và tình cảm mà người hát muốn gửi gắm. Người ta có thể khắp ở bất cứ nơi đâu, từ trong nhà đến ngoài đồng, lúc buồn, khi vui… Khi mới sinh ra, hay từ khi còn là hạt đậu trong bụng mẹ, các em bé dân tộc Thái đã được nghe làn điệu “khắp ú luk non” nhẹ nhàng, sâu lắng. Tuổi thiếu niên, được tham gia các trò chơi kết hợp với làn điệu đồng dao (khắp lếch nọi) vui nhộn. Ở tuổi trưởng thành có các làn điệu giao duyên trai gái hay hát chơi hạn khuống (khắp báo sao). Khi xây dựng gia đình có hát đối trong lễ cưới (khắp au paự, au khưới); làm nhà ở có hát xin lên nhà mới (khắp chôm mâng hướn máư). Trong các nghi lễ có khắp xên, hoạt động lao động sản xuất có khắp hay, cầu mùa màng bội thu (khắp loong tông)...

Trong kho tàng dân ca Thái còn có làn điệu khắp sư, lối hát kể chuyện của bản, của mường bằng thơ, kể chuyện những bước đường chinh chiến của cha ông (Tay Pu Sơc), chuyện đôi lứa, chuyện cổ tích, truyện Ca Đông - Căm Lau, Ý Nọi Nang Xưa, Khun Lú nang Ủa (chàng Lú nàng Ủa), Xống chụ xôn xao (tiễn dặn người yêu), Tản chụ xống xương (tâm tình yêu thương)... Với làn điệu này có thể hát từ đầu đến hết bài thơ hay một câu chuyện dài, trong khi hát được phép thêm vào những nốt luyến láy, nhịp điệu đôi lúc có thể tự do, nhanh hoặc chậm hơn so với làn điệu chính để phù hợp với nội dung bài thơ.

Làn điệu hát giao duyên giữa thanh niên nam nữ với nhau được gọi là khắp báo sao được cất lên trong các cuộc vui, dịp tết, mùa lễ hội và cũng là mùa của nam thanh, nữ tú tỏ tình, trao duyên. Thường một bên nam, một bên nữ hát đối đáp nhau, khi bên này vừa dứt thì bên kia cất lời đáp… Nếu cả hai bên đều ứng tác giỏi thì cuộc hát như một dòng chảy của sông, của suối, cứ thế ngân nga trong không gian rộng lớn, khi “lòng” đã gặp “lòng” cuộc hát sẽ thâu đêm suốt sáng.

Thời gian qua, khắp Thái được cải tiến rất nhiều, trong đó có những sáng tác nổi tiếng mang âm hưởng dân ca Thái được biết đến như những tác phẩm đại diện cho âm nhạc đậm chất dân tộc vùng Tây Bắc, trở nên thân thuộc với nhiều thế hệ mà cứ đến một dịp đặc biệt nào đó lại gợi nhắc tự trong lòng cất lên những ca từ dường như đã in sâu trong ký ức. Ví như, ngày tết trên những bản làng dân tộc Thái, lại vang lên câu ca “Xai panh noọng ơi, xai lả noọng a...” với thanh điệu trong sáng của nhạc phẩm “Đón xuân”, một sáng tác sống mãi với thời gian của cố nhạc sĩ Cầm Bích… cùng rất nhiều những sáng tác của các thế hệ nhạc sĩ Sơn La đã và đang được yêu mến và phổ biến rộng rãi.

Di sản cần bảo tồn và phát huy…

Những thanh âm của khắp Thái hiện nay đã và đang được các nghệ nhân ra sức gìn giữ và lưu truyền, tuy nhiên những năm gần đây, khắp Thái không còn được thế hệ trẻ mặn mà như trước. Ở bản Mai Quỳnh, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn (bản tái định cư công trình Thủy điện Sơn La) những người già của bản Mai Quỳnh luôn ao ước có một câu lạc bộ được thành lập để họ có thể truyền dạy cho con cháu những lời đang, tiếng khắp của dân tộc mình.

Bà Lò Thị Bó ở bản Mai Quỳnh luôn đau đáu việc truyền dạy cho những người trẻ tuổi. Ngoài công việc bảo tồn và truyền dạy cho thế hệ trẻ những làn điệu khắp Thái cổ, bà còn là tác giả của hơn 100 bài khắp được bà con trong bản yêu thích, cất vang lời ca mỗi khi tết đến, xuân về. Bà Lò Thị Bó chia sẻ: “Trước đây ở Quỳnh Nhai tôi được học hát rồi. Giờ ra bản tái định cư phải dậy cho con cháu để con cháu không quên đi văn hóa của người Thái mình”.

Để điệu khắp mãi ngân vang -1
Tác giả trải nghiệm khắp Thái cùng các nghệ nhân.

Hay ở bản tái định cư Noong Đúc, phường Chiềng Sinh, TP Sơn La hiện có 5 người già biết khắp hay nhất, bà Lèo Thị Pú năm nay đã ngoài 70, đôi mắt đã nhòe đi vì thời gian. Tuy vẫn còn minh mẫn, nhưng bà không thể nhớ rõ mình đã khắp bao nhiều bài hát Thái nữa, thế nhưng giờ đây khi không còn lên nương rẫy nữa, bà vẫn dành thời gian cho việc truyền lại cho con cháu mình những bài khắp cổ truyền.

Hiện nay, tỉnh Sơn La đang tiếp tục duy trì thực hiện đề án: “Duy trì, bảo tồn và phát triển nền văn hóa của dân tộc Thái”. Đặc biệt, hàng năm mở những lớp dạy tiếng Thái và dân ca Thái để bảo tồn những nét văn hóa riêng của dân tộc Thái tỉnh Sơn La. Ông Nùng Văn Tấm vốn là ông Mo, ông mối ở xã Mường Chiên huyện Quỳnh Nhai cũ, nay chuyển đến khu tái định cư Mường Bon. Không chỉ là người yêu ngôn ngữ Thái cổ, ông còn có đam mê sưu tầm và dịch các văn bản, sách cổ viết bằng chữ Thái. Khắp vốn là thể ứng đáp và truyền miệng, việc ghi chép sau này mới được ông Tấm nghĩ ra. Ông cũng như những người cao tuổi biết khắp trong bản có cùng chung một nguyện vọng là truyền đạt điệu khắp cho con cháu mình. Vào mỗi thứ 7, chủ nhật nhà ông lại rộn ràng tiếng con trẻ, bởi đây là thời gian ông truyền dạy cho chúng những lời khắp… “Dù sau này có ở đâu, hay bất cứ nơi nào chúng sẽ không bao giờ quên được lời khắp của dân tộc mình”, ông Tấm bộc bạch.

Vẻ đẹp của khắp Thái là vẻ đẹp của ngôn từ mộc mạc, giản dị được những nghệ nhân nhân dân thổi hồn vào thành những làn điệu với âm thanh chau chuốt, nuột nà mà người diễn trao cho người nghe, cùng với lời hát là những điệu múa. Khắp Thái đã góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa nghệ thuật của dân tộc cũng như những giá trị về nghệ thuật, giá trị về lịch sử, giá trị hiện thực, tất cả đều khẳng định đây là một di sản văn hóa quý báu mà ông cha ta đã để lại cần được các thế hệ mai sau tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

Cao Thiên
.
.
.