Con cú - Những quan niệm ngược chiều

Thứ Sáu, 22/04/2022, 16:29

Dựa vào mối liên tưởng từ hình tượng gốc là con vật có ích, hầu như thức suốt đêm, theo tinh thần duy lý phương Tây hiện đại quan niệm con cú là biểu tượng cho trí thức, sự khôn ngoan.

Mắt cú to tròn, tinh nhanh, bắt mồi chính xác, hiệu quả. Những điểm ấy gần gũi với hình tượng các giáo sư đeo kính đọc sách thao thức suốt năm canh thâu. Vì thế, ngày lễ tốt nghiệp (đại học) người ta tặng nhau biểu tượng con cú đội mũ tiến sĩ thay cho lời chúc sẽ đi xa hơn trên con đường học thuật. Tiếng lóng hiện đại "a wise old owl" (một cú già khôn ngoan) là để chỉ các giáo sư minh triết già đời lọc lõi, sắc sảo... Thế là không chỉ giới hạn trong giới hàn lâm mà phổ biến ra cả cộng đồng, ở phương Tây nhiều người nuôi cú làm thú cưng!

Trong thần thoại Hy Lạp, chim cú là biểu tượng của Nữ thần trí tuệ Athena - đấng bảo trợ cho thành Athens. Sống vào ban đêm, trực giác thính nhạy nên cú được gắn với những gì bí ẩn và năng lực tâm linh. Được tô đậm hình ảnh đôi mắt sâu và to, tinh ranh, cú thành nguồn cảm hứng truyền đến các binh sĩ. Một con cú bay qua, với họ là báo trước chiến thắng. Cao hơn, cú được coi là loài quyết định số phận con người.

1_ouoy.jpg -0
Chim cú mèo.

Trong thần thoại La Mã thì bắt đầu từ câu chuyện một cô công chúa xinh đẹp tên Nyctimene, con vua Epopeus cai quản đảo Lesbos. Nàng đẹp như một tuyệt thế giai nhân, bi kịch thay, chính cha ruột lại có âm mưu chiếm đoạt nàng. Đau đớn, nhục nhã và tủi hổ, nàng Nyctimene tội nghiệp chạy trốn thật sâu vào rừng với lời thề không bao giờ bước ra ánh mặt trời cũng như sẽ không bao giờ gặp lại con người nữa. Xót xa cho một cái đẹp trong trắng lại đầy lòng tự trọng, nữ thần Minerva liền biến công chúa thành loài chim cú chỉ xuất hiện vào ban đêm. Dựa theo tích này các nhà thiên văn thế kỷ XX liền đặt tên cho một tiểu hành tinh mới có ánh sáng dịu nhẹ, chợt lóe lên rồi tắt tên là Nyctimene với hàm ý không ai có thể biết rõ được!

Trong văn hóa Trung Hoa huyền thoại về biểu tượng cú rất mờ ảo. Dựa vào câu sấm có từ xa xưa là "Huyền điểu sinh Thương" (chim thần sinh ra nhà Thương) vua nhà Thương nhận mình là hậu duệ của thần điểu. Nhưng không rõ cụ thể là chim gì. Các di chỉ khảo cổ thời nhà Thương còn lại đến nay hầu hết đều có hình ảnh con cú. Theo các học giả ngôn ngữ, chữ tượng hình "Thương" trong "giáp cốt văn" (chữ khắc trên xương) giống với khuôn mặt con cú. Những điều này cho thấy, ở thời nhà Thương, chim cú được coi là "linh vật". Nhưng tại sao lại thế thì chưa có lý giải thuyết phục.

Từ cái nhìn "liên văn hóa", đối sánh với biểu tượng cú trong thần thoại Hy Lạp, có một lý giải khả dĩ hơn. Căn cứ vào nhiều cổ vật được khai quật trong các ngôi mộ luôn có hình ảnh một con cú với cái miệng rất sắc nét, khuôn mặt hung dữ, nhất là đôi mắt rất đáng sợ khiến người ta tin rằng thời nhà Thương đã lấy cú làm biểu tượng cho "Thần chiến tranh", cũng đồng nghĩa với biểu tượng chiến thắng. Sau nhà Thương đến nhà Chu. Triều đại sau phải phá bỏ biểu tượng triều đại trước nên nhà Chu kỳ thị loài cú mà đẩy nó trở về một loài chim xấu. 

Giới ngôn ngữ học Nhật Bản cho rằng người Nhật thiện cảm với con cú, có lý do là trong tiếng Nhật chim cú là "Fukuro", chiết tự thì "Fuku" có nghĩa là may mắn và "Ku" nghĩa là đến. Trong văn hóa Nhật, từ xa xưa biểu tượng chim cú có trong những lá bùa phù thủy, ở thời hiện đại, tiếp biến với văn hóa phương Tây, như được bồi đắp thêm những lớp nghĩa tích cực, biểu tượng chim cú được trang trí trên đồ lưu niệm, trên cặp, túi xách...

Ở một số nước Trung Đông, chim cú được coi như một vị thần hộ mệnh luôn bảo vệ con người. Ở châu Mỹ, trong một vài lễ hội, người ta mặc áo lông chim cú với ý nghĩa cầu mong may mắn và xua đuổi ma quỷ. Trong văn hóa dân gian Ấn Độ, cú tượng trưng cho trí thông minh và lòng quảng đại cũng như khả năng tiên tri.

image001.jpg -0
Biểu tượng của học thuật phương Tây!

Khác với nhiều nền văn hóa, con cú trong văn hóa Việt hầu như là biểu tượng cho điềm gở, điềm xấu, kém may mắn, mang lại bất hạnh.

"Sự tích con cú" thiên về giải thích hình dáng, tập quán sống qua đó làm bài học giáo dục đạo đức. Truyện kể ngày xưa, ở trong rừng, muôn loài sống với nhau rất hòa thuận. Vào một buổi chiều nọ, Nai đi nhặt quả vả. Nhưng vả không rụng. Thèm thuồng chỉ biết nhìn những quả vả chín đỏ trên cành, Nai buồn bã trở về. Thấy vậy Cú nói sáng mai đến để Cú rung cây cho vả rụng. Khi Nai đến thì Cú lừa cho Nai sợ hãi mà bỏ chạy. Nai làm đổ cây vừng đen, hạt vừng bắn vào mắt gà. Gà bị bụi mắt, cào tứ tung phá cả ổ kiến lửa. Kiến chạy gặp Sóc liền châm túi bụi. Sóc đau đớn cắn đứt cả dây bí đao. Quả bí rơi trúng lưng Trâu. Trâu hoảng hốt chạy giẫm phải Cua. Suýt chết bẹp, Cua tức tối quyết định kiện lên Trời.

Trời mở phiên tòa. "Đích danh thủ phạm" được tìm ra. Cú bị trói dẫn giải tới công đường nhận hình phạt thích đáng. Bị đóng đinh vào mắt nên từ đó mắt Cú vàng khè, cổ bị bẻ nên lúc nào cũng lệch. Cũng từ đó, xấu hổ với bạn bè nên Cú không dám đi kiếm ăn ban ngày, chỉ đi vào ban đêm. Ai cũng ghét nên xa lánh Cú. Tự nhiên Cú trở thành điều xúi quẩy. Cái hình thức "tai nạn dây chuyền" theo kiểu "hiệu ứng đômino" không phải là để kéo dài truyện ra mà là sự nhắc nhở: phải cẩn thận với kẻ xấu nếu không muốn gặp vạ "dây chuyền"... Vì Cú quá xấu, quá ác. Truyện giải thích lý do tại sao chim cú mèo chỉ đi ăn đêm. Tinh thần giáo huấn rất rõ: vì xảo trá lừa lọc nên phải nhận hình phạt thích đáng!

Thế nên cú gắn liền với những gì bẩn, hôi hám: "Hôi như cú", "Bẩn như cú"; tai ương: "Cú dòm nhà bệnh"; "Rình như cú rình nhà bệnh". Bị xếp vào loại (người) xấu xa, tồi tệ: "Cú có vọ mừng"; "Cú nói có, vọ nói không". "Vọ" cũng là cú (vọ là từ cổ chỉ cú). Để so sánh trong thế đối lập: "Cú đậu cành mai"; "Cú đọ với tiên"; "Cú đội lốt công"... Đồng nghĩa với sự độc ác, nhẫn tâm: "Cú đói ăn con". Với sự ngu dốt: "Cú góp cọp ăn". Âm thanh cú kêu là âm thanh đáng sợ, đáng tránh: "Cú kêu dữ mỏ/miệng cú".

Văn hóa kết tinh trong ngôn ngữ. Thành ngữ "Cú kêu ra ma", "Cú kêu ra, ma kêu vào" có nghĩa đen: ngày xưa người chết thường để lâu có khi bốc mùi hôi mới khâm liệm rồi đưa ma. Cú đánh hơi nên thường bay đến kêu! Nhạc cảm người Việt thích sự nhẹ nhàng êm ái du dương nên đang đêm yên tĩnh lại có âm thanh chói gắt đột ngột "eng éc" như tiếng lợn bị giết nên, nhất là các cụ già khó ngủ, thì đều ác cảm. Sự ác cảm tô đậm thành tín ngưỡng: chim kêu phía nào, phía ấy có người chết. Kêu 7 tiếng là đàn ông, 9 tiếng là đàn bà... Thành ra một con vật có ích ngoài đời lại thành đáng ghét trong văn hóa!

Những câu đố phần nào miêu tả hình dáng, tập quán của cú: "Trông xa tưởng là mèo/  Lại gần hóa ra chim/ Ban ngày ngủ lim dim/ Ban đêm rình bắt chuột - Là con gì?". Là loài chim ăn đêm, có khuôn mặt lạ cùng tập tính sống khác biệt, cú thường biểu tượng cho bóng tối, điềm gở, chẳng lành. Cú có khả năng quay đầu 270º nhờ cổ chứa 14 đốt sống (chim khác là 7). Bộ lông vũ của cú phát triển đặc biệt, giảm thiểu thấp nhất tiếng động khi vỗ cánh. Một con cú có thể ăn khoảng 1.000 con chuột mỗi năm…

Cú bay vào văn chương Việt với tư cách là dấu hiệu cho cái không may, cái ác. Nhà thơ Ngô Thế Lân (sống ở thời Lê mạt) có bài "Trư điểu đề" (Tiếng chim lợn kêu) mượn tiếng chim làm ẩn dụ lên án bọn "sài lang" độc ác, tàn bạo: "Than ôi, lạ thay! Tiếng chim lợn kêu/ Năm canh kêu thét, gió thổi lạnh lẽo/ Thái Sơn xiêu đổ, ban ngày tối mò/ Đất bằng sóng cuộn, mây đen mờ mịt/ Đàn hồng nhạn kêu thương bay tản nơi rừng sâu/ Bầy sài lang đi ngang ngược trên lối đường lớn/ Trong triều ngoài nội ai cũng nín hơi không dám nói/ Than ôi, lạ thay! Tiếng chim lợn kêu!". Bài thơ đậm một tinh thần nhân đạo và hiện thực sâu sắc, tái hiện một xã hội nhuốm màu đen tối thê lương đầy bất công, kẻ có quyền giàu có nghênh ngang, dân đen lam lũ, đói khổ. Không còn là tiếng kêu của cú mà là tiếng kêu của thời đại: Hãy cứu lấy con người!

Thời hiện đại, tác giả Nguyễn Trọng Văn có tiểu thuyết "Tiếng con chim lợn kêu ngang qua" lấy cảm hứng từ câu chuyện là vụ án có thật ngoài đời để sáng tạo ra một mô hình tiểu thuyết khá ấn tượng. Người ta cứ nghĩ oan cho con chim lợn, kỳ thực nó là loài chim hiền lành, có ích. Nhân vật trong truyện cũng vậy!

Nguyễn Thanh Tú
.
.
.