Chằn tinh là con gì?

Thứ Bảy, 21/09/2024, 19:22

Cổ tích, thần thoại, truyền thuyết luôn có nhân vật ma quỷ, yêu tinh biểu trưng cho cái ác, cái xấu... Con chằn tinh trong truyện cổ Việt được hình thành từ đâu, biến hóa, thay hình đổi dạng thế nào... vẫn là một đề tài cần nghiên cứu, vì mỗi mã văn hóa luôn là một hố sâu huyền thoại “không có đáy”. Sức hấp dẫn mời gọi của nó cũng là ở đấy.

Truyện “Thạch Sanh” của ta thuộc loại cổ tích thần kỳ theo môtíp “Dũng sĩ diệt đại bàng/chằn tinh cứu người đẹp” phổ biến ở Đông Nam Á, như truyện “Xin Xay” ở Lào; “Thạch Sanh chém chằn” (Campuchia); “Ramayana” (Ấn Độ); “Cô gái tóc thơm” (Thái Lan)... Chịu sự khúc xạ, quy chiếu của quan niệm, phong tục, tập quán văn hóa mà con yêu tinh đội những “lốt” (con vật/cây cối) tạo ra các cách hiểu với những ý nghĩa khác nhau.

untitled-1.jpg -0
Thạch Sanh đánh Trăn tinh (Tranh dân gian Đông Hồ).

1. Dựa vào quy luật biến âm của ngôn ngữ, có giả thuyết cho rằng, “chằn” là con cọp, vì “chằn” là đọc chệch âm của “dần” (tức cọp). Việc biến âm từ “ân” sang “ăn” rất phổ biến trong tiếng Việt, như “hận” (oán hận) biến thành “hằn” (thù hằn). Tương tự, “dần” biến âm thành “dằn” trong “dữ dằn”, viết đầy đủ phải là “dữ như dằn” hay “dữ như cọp”. Còn có sự chệch âm “d” thành “ch”, như “dằng dịt” vẫn được hiểu là “chằng chịt”… Thế nên “dần” biến thành “dằn” rồi ra “chằn”.

2. Dựa vào quy luật tiếp biến văn hóa, có ý kiến lý giải người Nam bộ xưa gọi “Mã Lai” là “Bà Lai”. “Bà chằn” có gốc từ tiếng Mã Lai, “machan” nghĩa là con cọp. Về sau nghĩa mở rộng, “bà chằn” chỉ những người phụ nữ đanh đá, nanh nọc (Xấu như bà chằn, dữ như bà chằn). Hai cách giải thích trên thú vị, có khám phá, rất đáng tham khảo nhưng còn thiên về suy diễn bởi mới dựa vào phần vỏ âm thanh chứ chưa căn cứ vào cái lõi biểu tượng, nhất là xa với cổ mẫu nguyên thủy.

3. Căn cứ nội dung và họ của nhân vật chính, lại có nhận xét truyện “Thạch Sanh” xuất phát từ vùng Nam Bộ. Họ Thạch là một họ phổ biến của người Khmer. Tên gọi “chằn” cũng là từ sự đọc chệch âm của từ “Yeak” một sinh vật trong huyền thoại Khmer có nguồn gốc từ “Yaksha” (tức quỷ Dạ Xoa) của Phật giáo Nam tông. Con “Yeak”, hay “Yaksha”, hay “Dạ Xoa” giống người nhưng to lớn và hung hãn, răng nanh dài, tai nhọn, da xanh, mũi ngắn, rất đáng sợ nhưng có chức năng như vị thần bảo vệ chùa chiền, dân lành, mang ý nghĩa cái thiện chiến thắng cái ác.

untitled-2.jpg -1
Tượng Yeak thường được đặt trước chánh điện chùa Khmer.

Xét từ cấu trúc ý nghĩa, biểu tượng văn hóa luôn được gửi vào đó bao khát khao, ước mơ về quan niệm sống nhân ái, vị tha, về sự chiến thắng của cái tốt, cái thiện nên hầu như dân tộc nào cũng có “Thạch Sanh” của riêng mình. Theo thời gian, chịu sự chi phối của tiếp biến văn hóa mà các môtíp truyện, các nhân vật, chi tiết có thể thay đổi. Do vậy chỉ bằng một vài dấu hiệu hình thức để “khẳng định” truyện “Thạch Sanh” ra đời ở vùng văn hóa này chứ không phải vùng văn hóa kia, là chưa có cơ sở. Ngay đặc trưng “dị bản” (bản khác) của cổ tích cũng nói lên điều này.

Xin căn cứ vào “Lĩnh Nam chích quái”, kể rằng thời xưa đầy yêu ma phá hoại dân lành. Vua Lạc Long Quân quyết trừ ma trấn quỷ, đã diệt Ngư tinh ở biển, diệt Hồ tinh ở núi. Trên đất Phong Châu có cây chiên đàn cao ngàn trượng chết khô hóa thành Mộc tinh hung ác, thường thay hình đổi dạng, rất dũng mãnh, có thể giết người hại vật.

“Chiên đàn” vốn là loài cây được nhắc đến trong văn hóa phương Đông cổ xưa, là nơi để yêu quái trú ngụ. Phiên âm của “chiên đàn” là “chàn” hoặc “chằn”. “Chiên đàn” cũng là âm Nôm của từ “chằn”. Hiểu theo cách này thì “Mộc tinh” là “chằn tinh”. Chằn tinh (Mộc tinh) khác với “quỷ Xương Cuồng”. “Lĩnh Nam chích quái” kể tiếp, Kinh Dương Vương dùng nhạc (khí) mà đánh thắng yêu (Mộc tinh/Chằn tinh), yêu hơi chịu nhún nhưng vẫn nay đây mai đó, biến hóa khôn lường, thường ăn thịt người rồi hóa thành quỷ Xương Cuồng. “Xương cuồng” nghĩa nguyên thủy là hung dữ, rồ dại, thường để chỉ con hổ. Như vậy, bị Kinh Dương Vương khuất phục nên yêu tinh phải biến thành Xương Cuồng, tức đội “lốt” hổ để tồn tại.

Trong sách “Huyền học” có vị thần dữ được gọi là Bạch Hổ xương cuồng (hổ trắng gầm rú điên cuồng). Lại có thành ngữ Hán “đại đảm xương cuồng” (gan lớn làm trò rồ dại). Vẫn theo “Lĩnh Nam chích quái”, đến thời Đinh, quỷ Xương Cuồng lại quấy nhiễu, vua Tiên Hoàng mời pháp sư tìm cách trừ diệt. Pháp sư lập kế mở hội lớn làm các trò tạp kỹ, cho bọn ca hát gõ trống khua chiêng, ca múa rầm rĩ. Nghe tiếng chiêng trống, phèng la, vui tai vui mắt, Xương Cuồng bò ra, mải mê xem nên bất ngờ bị pháp sư chém chết.

Truyện này có ba điểm đáng lưu ý: một là, Mộc tinh nguy hiểm hơn Ngư tinh và Hồ tinh. Hai là, từ xa xưa cha ông ta đã mượn tới nghệ thuật (tạp kỹ) làm phương tiện đánh đuổi kẻ ác. Ba là, dù là yêu tinh nhưng vẫn bị nghệ thuật hấp dẫn. Chi tiết tiếng đàn trong truyện “Thạch Sanh” nằm trong quan niệm này: nghệ thuật thức tỉnh con người (làm công chúa đang câm tự nhiên nói được); nghệ thuật thuyết phục, cải hóa con người (ru ngủ quân 18 nước chư hầu…). Quả là thâm thúy, sâu sắc!

Như vậy về bản chất, “chằn tinh” hay “quỷ Xương Cuồng” vẫn là yêu tinh nhưng khi được gọi là “chằn tinh” tác oai tác quái thì chắc chắn không phải hổ (chưa “hóa” thành hổ). Đến khi bị Kinh Dương Vương trấn áp, yêu mới biến hóa thành hổ (quỷ Xương Cuồng). Do vậy căn cứ vào logic hình tượng, nói “chằn tinh” tức con hổ là chưa chính xác. Thế “chằn tinh” (khi chưa hóa hổ) là con gì?

Có mấy căn cứ sau nói là con trăn.

Một, theo một số văn bản cổ tích truyện “Thạch Sanh” (văn xuôi) gọi thẳng là con “Trăn tinh”, tức con trăn thành tinh: “Bấy giờ ở trong vùng có một con Trăn tinh thường bắt người ăn thịt, quan quân nhiều lần vây đánh không được. Vì nó có phép thần thông biến hóa; nhà vua phải cho lập miếu thờ, mỗi năm nộp mạng một người cho nó”. Cách miêu tả hình tượng cũng hướng sự hình dung về con “mãng xà”: “Nửa đêm Trăn tinh hiện về, giơ vuốt, nhe răng hà hơi, nhả lửa, định xông vào miếu ăn thịt Thạch Sanh”...

Hai, một số văn bản truyện Nôm “Thạch Sanh”, hầu như đều chung chi tiết: “Bấy giờ có một con Trăn/ Sống lâu có phép thường ăn thịt người/ Triều đình giao chiến tơi bời/ Mà không giết được Trăn trời yêu tinh/ Cuối cùng Vua phải hạ mình/ Làm đền thờ cúng Trăn tinh bằng người”. Khi Thạch Sanh đến “nộp mình”, thì: “Nửa đêm có tiếng khì khì/ Trăn tinh xuất hiện đen xì trước hang/ Bỗng Trăn lao tới quấn ghì/ Há mồm phun dãi phì phì răng nanh…”. Thạch Sanh giết Trăn tinh chặt đầu mang về, thì: “Sau khi nghe em giãi bày/ Lý Thông gian xảo nghĩ ngay chuyện lừa/ Rằng Trăn là của nhà Vua/ Nay em giết chết chắc Vua lôi đình!”.

Ba, trong mỹ thuật dân gian, “chằn tinh” cũng được hiểu là “mãng xà” (tranh Đông Hồ); hình ảnh con mãng xà nhìn cặp trai làng vật nhau (điêu khắc ở đình Hạ Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội). Sau này thơ Tố Hữu cũng tả Thạch Sanh: “Lưng đàn, tay búa, tay giương nỏ/ Chém Mãng xà vương, giết đại bàng”.

Bốn, nhìn sang truyền thuyết châu Âu, có biểu tượng Basilisk là loài bò sát được coi là vua của loài rắn(tương tự như “mãng xà” trong truyện Nôm của ta) có đầu của congà trống, đầu độivương miện (như mào rắn) và thân hình của rắn... Từ hình tượng này có thể hiểu sang “chằn tinh” của ta cũng là sự “hỗn dung” của nhiều loài linh vật nhưng cơ bản vẫn mang hình tượng của loài rắn!?.

Cuối cùng, theo phép biến âm mà các học giả ở trên đã chứng minh “dần” biến thành “chằn” thì vẫn có thể có cách hiểu âm “trăn” (tinh) đã biến âm thành “chằn” (tinh).

Về “quỷ Dạ Xoa”, theo nhiều nghiên cứu, có nguồn gốc là những vị nhiên thần trong văn hóa Ấn Độ có trước Phật giáo rồi đi vào thần điện Phật giáo như là những linh vật bảo vệ Phật pháp. Quỷ Dạ Xoa đã có trong “Truyện Ngư tinh” (Lĩnh Nam chích quái): “Long Quân… hạ lệnh cho quỷ Dạ Xoa ở dưới thủy phủ cấm thần biển không được nổi sóng, rồi chèo thuyền đến bờ hang đá cá tinh, giả vờ cầm một người sắp ném vào cho nó ăn”.

Chi tiết này cho thấy “quỷ Dạ Xoa” bước rất sớm vào văn hóa Việt (đến mức xuống cả dưới biển), có quyền năng rất lớn (cấm được cả thần biển…). Là bộ hạ thân tín của Long Quân giúp dân, nên nói quỷ Dạ Xoa “giống” (tiếp biến vào) chằn tinh hung ác (mãng xà vương) là thiếu thuyết phục. Trong Kinh Phật Hán ngữ, “Yasha” (Dạ Xoa) được phiên âm “Dược-xoa” (chiến thắng bệnh tật) cũng không hề “dữ dằn”. Trong mỹ thuật và kiến trúc đền chùa Thái Lan hay chùa tháp Khmer, Dạ Xoa cũng là những thần hiền lành, đức độ canh giữ, bảo vệ…

Ngoài là con mãng xà, “chằn tinh” rất có thể còn mang bóng dáng linh vật khác? Xin mời ý kiến bạn! 

Nguyễn Thanh Tú
.
.
.