(Đọc tập thơ “Nhớ  phù sa” của Bùi Quảng Bạ, NXB Hội Nhà văn, 2022)

Bùi Quảng Bạ - trên đường “định vị” với tập thơ “Nhớ phù sa”

Thứ Năm, 21/04/2022, 10:37

Ngỡ như là hoa, như là gió, như là sóng, như là mây... như là... như là... thì thơ, vẫn có phẩm tính riêng, để nó - thơ, thực là thơ của một người mà qua nó, người khác vẫn thấy thấp thoáng hoặc là đích thực, cái tâm trạng, cái ý tình đã nồng đượm của chính mình. Người sáng tác không nhất thiết phải biết "lý sự" và khái quát như vậy, mà hãy cứ viết - sáng tác cho thật hồn nhiên, phải dồn bút cho tận lực... thì đến một bài nào đó, trong một giờ khắc nào đó, họ đã như là, như là được như trên.

Tôi đã trao đổi với nhiều nhà thơ và cả một số nhà nghiên cứu như vậy, và đều được đồng ý, đồng tình. Trong các lần trao đổi, chúng tôi đã hỏi nhau: Vậy con đường phát triển của thơ (ca) là thế nào? Nói đến con đường, hẳn nhiên, ta phải xác định đâu là điểm bắt đầu, đâu là điểm đến, phải không? Cái việc xác định này, xem ra, rất "khoa học tự nhiên và công nghệ", tôi không tin lắm. Bởi thơ (ca) có con đường riêng, theo quy luật riêng.

Những ý tản mạn trên, tôi đều có dịp đối thoại với tác giả các tập thơ mà trong tâm hồn mình cũng đầy bồi hồi bâng khuâng. Rồi về nhà, tôi đọc lại Bùi Quảng Bạ, đọc miên man đến thơ của bao nhiêu bạn, bao nhiêu "nhà" khác nữa, ở mãi đẩu đâu.

Chúng tôi lắng nghe nhau. Không ai nói dài. Tôi nghiệm ra: sang tuổi 70, tự nhiên, không ai nói dài nữa, dù trong đầu cũng khá sôi động, ở tít mù xa trong quá vãng. Đã có lúc lẫn lộn người này với người kia ở ý này hay cách viết nọ…

Trước khi có tập thơ "Nhớ phù sa" này, Bùi Quảng Bạ đã có bốn tập thơ đều in tại Nhà Xuất bản Hội Nhà văn được bạn bè tìm đọc ("Hoa nở muộn": 2016; "Hoài niệm": 2018; "Trăng rừng": 2019; "Hương xưa": 2020. Đến "Nhớ phù sa", ông có năm tập đâu như chỉ năm, sáu năm. Cố nhiên, khoảng hơn 300 bài đã có mặt trong các tập này, chỉ là đại diện cho dăm trăm bài ông đã viết từ hơn hai mươi năm trước đó.

Sự "lẫn lộn" giữa thơ Bùi Quảng Bạ với thơ của một số "nhà" đã được định danh, với thơ của một số bạn trẻ ở độ tuổi 30, 40 thời nay, lúc đầu cũng làm tôi lúng túng, nhưng bây giờ thì tôi lại vui vui, vì qua đó, thấy nhà thơ đều dung hợp tự nhiên được với trào lưu chung của thơ ca đương đại nước Việt mình vậy.

Có những sự dung hợp tự nhiên, có những sự dung hợp do có ý theo học và chúng đều khiến ta có lý do để tin yêu về một sự phát triển. Thơ, là sáng tạo của nhân loại qua một tác giả cụ thể, nó chỉ có thể phát triển lành mạnh như bất cứ sự sáng tạo nào khi các tác giả có sự trao đổi và học hỏi lẫn nhau. Bùi Quảng Bạ ở tập "Nhớ phù sa" này dễ cho tôi, cho các bạn đọc khác nhận ra như vậy. Nhận ra, chứ không phải là suy luận ra. Đúng thế.

Bùi Quảng Bạ - trên đường “định vị” với tập thơ “Nhớ phù sa” -0
Bìa tập thơ “Nhớ  phù sa” của tác giả Bùi Quảng Bạ.

Ví dụ 1- Bài "Có còn thời hoa đỏ".

Mở đầu thật bình dị mà đã gợi nghĩ ngợi, liên tưởng: "Tuổi học trò đi qua thời thơ ấu/ Có cánh phượng hồng vương vấn trong mơ/ Mỗi độ hè sang rạo rực mong chờ/ Những mùa hoa giăng sân trường rực đỏ…".

Tiếp theo là chuyện: "Kỷ niệm về gom nhặt tiếng ve kêu/ Dưới bóng cây vui đùa nghịch sớm chiều/… Những buồn vui man mác buổi trưa hè/ Tóc đã bạc, mùa phượng nào cũng đỏ".

Như thế nếu mở đầu, là thơ của bất cứ ai đã qua thời đi học ở phố hay làng… - bình thản và hồn nhiên, thì tiếp theo, ở đoạn giữa, đã là tiếng lòng, sự hồi tưởng của thơ một người đang già đi mà tâm hồn vẫn như trai trẻ.

Đến đoạn cuối, con người vẫn còn trẻ ấy kể, mới đọc, ta dễ tưởng là cái nhịp chậm hơi đều đều của lời và chữ "như không có gì": "Cơn gió lạ từ đâu về không rõ/ Làm đổ cây, đau một góc sân trường", rồi đến hai câu/dòng tiếp theo, thì đã thành một nỗi đau buồn, tiếc nuối, pha lẫn oán trách: "Tình đất, tình người bỗng chốc tổn thương/ Hôm nay theo nhau người ta chặt phá".

Thơ Bùi Quảng Bạ, như ở bài "Có còn thời hoa đỏ" này, là thơ chiêm nghiệm, có buồn đau và lên án nữa, cũng là thơ rất thời sự - khi nhắc lại chuyện nhiều trường học, nhiều khu vườn - nhà, đã lấy cớ sợ cây đổ trong ngày mưa bão mà bảo nhau cứ thế chặt hết đi…

Cái kết của bài thơ là một tình cảnh, một câu hỏi hẳn không chỉ từ những học trò yêu trường quý bạn một thời. "Những không gian vắng sắc màu mùa hạ/ Sao nỡ vội vàng dứt bỏ tình cây/ Nếu sân trường vắng phượng vĩ từ đây/ Tuổi thơ mai sau còn thời hoa đỏ".

Tôi muốn lưu ý bạn đọc mấy từ này: "Cơn gió lạ", "tình đất", "tình người", "thời hoa đỏ…". Nói theo cách của ngôn ngữ thông tin thời @ này đây là các từ khóa, phải không?

Ví dụ 2 - Bài "Nhớ phù sa", bài được lấy tên cho cả tập thơ.

Đã có lần tôi được dịp đoán định: thơ Bùi Quảng Bạ giàu tiết tấu, nhịp điệu, nhất là ở các bài ngũ ngôn. Rồi ra, đây sẽ là một đặc điểm của thơ - một nhà thơ thực thụ khi đã ở tuổi 60, và bây giờ, đã ngoài 70 xuân, thì nét đặc điểm này càng rõ. Ông viết cũng bắt đầu từ hồi nhớ. Chúng ta từng biết: hồi nhớ, hồi tưởng thì dễ sa vào bùi ngùi, chậm rãi, của sự lắng đọng. Bùi Quảng Bạ ở mấy dòng sau đây, như không giấu được sự xôn xao, có thể nói là mấy dòng này chủ yếu, được bột phát từ sự trẻ trung hơn là sự điềm tĩnh chậm rãi cũng trong ông: "Ngày nào gió qua đây/ Ngoại ô mùa lá rụng/ Sông Hồng mênh mang sóng/ Nồng nàn vị phù sa". Nhịp, nhất là nhịp của thơ này, đã mở ra chiều kích trong suy tưởng, trước là của chính người viết, theo đó, là của cả người đọc.

Bài thơ dựng lên một tình huống: "Sông cạn lòng chờ nước…/ Phù sa đâu chẳng về", khiến cho: "Đôi bờ không triền đê/ Đường trải dài nỗi nhớ/ Chênh vênh mùa bão tố/ Vắng cánh diều bên sông…".

Đối với số đông, thì sông cạn, vì có đập thủy điện, là bình thường, là đáng mừng, vì ta đã chủ động được tưới, tiêu; còn sông cạn, khiến "Những cánh buồm lỗi hẹn", thì không vui, thậm chí là tai họa… Nhà thơ chốt bài: "Dòng sông vắng phù sa/ Nước nhạt màu mùa lũ/ Sắc hồng trong quá khứ/ Giờ nhớ về bâng khuâng". Cái "Sắc hồng trong quá khứ" này do Bùi Quảng Bạ gợi ra, từ nỗi "Nhớ phù sa", rất có khả năng tạo liên hệ liên tưởng sâu và xa.

Tôi đã chuyển bản thảo tập "Nhớ phù sa" này của tác giả cho một số bạn cùng đọc (cho vui) mà không xin phép ông. Có người đọc thì thầm hỏi: "Ông Bùi Quảng Bạ ở đâu? Thơ ở bài này là sự đối thoại chính trị thật khéo léo đấy Nguyên An ạ".

Bạn đọc có quyền trình bày cảm nhận, có khi là đồng tình đồng ý với tác giả và bạn đọc khác. Nhà thơ, đương nhiên có nhiều lần được chan hòa vui vẻ, và có lúc cũng thấy bất ngờ. Đó đều là chuyện đã bình thường, nhất là ở thời đổi mới đang ngày càng rộng mở và sâu sắc này.

Tôi muốn nói nhiều hơn về sự bình đạm - giản dị mà vẫn chứa đầy khái luận nhân sinh trong thơ Bùi Quảng Bạ ở tập "Nhớ phù sa" này, chẳng hạn, là bài "Những con sóng".

Bài thơ có cấu tứ như một bài thơ vịnh sóng. Thể thơ vịnh vốn có từ lâu trong thơ Việt, mà Bùi Quảng Bạ đã quen viết, rằng: "Bình yên sóng gợn ao làng/ Lăn tăn lặng lẽ xếp hàng trước sau…" (khổ 1). "Sóng hồ trải mượt ngày hè/ Cho mây gửi bóng đi về sớm trưa…" (khổ 2). "Sông dài sóng cuộn nhấp nhô/ Theo con nước chảy nhởn nhơ giữa dòng…" (khổ 3). "Biển mênh mông ngại sóng cồn/ Tàu ra khơi cứ bồn chồn lo âu…" (khổ 4).

Sau khi kể và tả sóng ao làng, sóng hồ, sóng sông, sóng biển thật khác nhau, gợi cảnh và tình cũng thật phong phú (và ảo điệu nữa) nhà thơ có khổ kết bài tự nhiên trong câu chữ không thật mới lạ, với nhịp điệu dìu dặt: "Sóng cũng có lúc ngây thơ/ Chạy theo bão gió vật vờ nổi trôi/ Ngàn năm con sóng bồi hồi/ Buồn vui cùng với lòng người thế gian".

Cứ ngỡ thế là xong, nhưng đọc chậm lại cả bài, và nhất là cái kết này, ta có thể nhận ra mỗi chữ, mỗi dòng đều ẩn chứa rồi tô đậm dần cái khái quát: khi có lúc ngây thơ, thì sóng chạy theo vật vờ…; còn lòng người trong thế gian thì vẫn thế, như con sóng bồi hồi, nghĩa là mãi xao động, mãi đồng hành cùng nhân thế. Vậy sóng, con sóng, những con sóng trong thơ Bùi Quảng Bạ là anh, là chị, là tôi, là bạn… đều là những người bình thường, ngỡ như vô thường, mà thực ra, có sự trường tồn riêng, mong là không vật vờ… phải không?

Nhớ thơ ông Bùi Quảng Bạ, nghĩ cùng ông Bùi Quảng Bạ, tôi có lý do để càng khẳng định: Sự bột phát của người giàu trải nghiệm và nặng tình xứ sở là ngọn nguồn để có thơ đáng đọc vậy.

Đi đến sự khái quát và triết luận; hay đi đến sự cụ thể hóa, cá biệt hóa của cái tôi… đều là những con đường của mỗi tác giả thơ ca. Thơ Bùi Quảng Bạ có nhiều khái quát và triết luận từ sự cụ thể hóa cá biệt hóa khi kể hay tả cảnh bên ngoài - những cảnh và việc mà ông từng thấy từng trải. Nhưng cái hướng viết tự nhiên mà bình đạm dần nơi ông, theo tôi là đang làm lên đặc sắc của ông.

Sự bình đạm này ở Bùi Quảng Bạ, đến tập thơ thứ năm "Nhớ phù sa" này, là đậm hơn cả trong nhiều bài và nó cũng ẩn hiện trong nhiều chữ, nhiều câu ở các bài khác nữa. Đọc đi, mời bạn cùng đọc đi, bạn sẽ có lý do để đồng ý với người viết mấy trang này. Tôi muốn nghĩ và được tin như vậy.

Nguyên An
.
.
.