Bà Triệu linh thiêng trong tâm thức dân gian
Thanh Hóa là một trong những vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử dân tộc, gắn liền với nhiều nhân vật lẫy lừng như: Khương Công Phụ, Triệu Thị Trinh, Lê Hoàn, Hồ Quý Ly, Lê Lợi, Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng... Trong tâm thức dân gian xứ Thanh, Bà Triệu anh hùng luôn có vị thế riêng biệt, gần gũi và linh thiêng, với những câu chuyện kỳ lạ không bao giờ dứt...
"Có bà Triệu tướng cưỡi voi, đánh cồng"
Năm nay kỷ niệm 1775 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh. Chúng tôi về tham dự Lễ hội đền Bà Triệu ở huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa diễn ra vào ngày bà hy sinh (22/2 âm lịch). Đây cũng là dịp Lễ hội đền Bà Triệu đón nhận bằng "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia" của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Không chỉ người xứ Thanh mà đông đảo người Việt trong nước lẫn ngoài nước quy tụ về đây bằng tất cả lòng thành kính, tự hào về Vua Bà.
Bên cạnh các bộ sử chính thống ghi chép đơn sơ, mà xưa nhất là từ thế kỷ IV-V, thì trong dân gian lưu truyền rất nhiều câu chuyện truyền thuyết về Bà Triệu. Đó là nguồn tư liệu quan trọng để hậu thế dựng lại cuộc đời và sự nghiệp Bà Triệu ngày càng hoàn chỉnh hơn bằng các loại hình văn hóa, khoa học khác nhau.
Triệu Thị Trinh sinh ngày 2/10/226 (năm Bính Ngọ) tại vùng núi Quan Yên, quận Cửu Chân, nay thuộc xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Ngoài tên gọi là Triệu nữ, Triệu Ẩu trong sách xưa, về sau bà được tôn vinh với nhiều danh xưng như Triệu Trinh Nương, Triệu Quốc Trinh, Vua Bà, Bà Vương, Nữ Vương, Nhụy Kiều Tướng Quân, Lệ Hải Bà Vương...
Tương truyền, khi sinh ra nữ nhi họ Triệu có tướng mạo kỳ lạ. Lớn lên, người bà cao to, dung nhan xinh đẹp, say mê học võ, sớm tỏ ra có chí khí hơn người. Căm giận trước sự tàn bạo của quân Đông Ngô cướp nước, Triệu Thị Trinh và anh trai Triệu Quốc Đạt quyết tâm dựng cờ khởi nghĩa. Sau một thời gian bí mật vận động, chuẩn bị lực lượng, tích trữ lương thảo, hai anh em họ Triệu cùng nghĩa quân rời quê nhà Quan Yên vượt sông Chu đến vùng núi Nưa nơi có vị thế vô cùng hiểm yếu (nay nằm ở địa phận hai huyện Nông Cống và Triệu Sơn) để lập căn cứ, chiêu mộ thêm binh lực, luyện tập võ nghệ, triển khai binh pháp, mở rộng địa bàn hoạt động xuống miền đồng bằng, dựng cờ khởi nghĩa.
Đó là năm 246, bà Triệu Thị Trinh cùng anh trai khởi binh. Từ căn cứ Ngàn Nưa, nghĩa quân đã tấn công chiếm thành Tư Phố. Nhanh chóng giành thắng lợi, nghĩa quân vượt sông Mã xuống vùng Bồ Điền để xây dựng thêm căn cứ địa, vì địa hình tự nhiên nơi đây thuận lợi cho thế "công" lẫn "thủ". Ba anh em họ Lý là Lý Hoằng Công, Lý Mỹ Công và Lý Thành Công là tướng thuộc quyền đã giúp họ Triệu chỉ huy xây dựng ở Bồ Điền một hệ thống đồn lũy vững chắc để phòng ngự.
Người anh Triệu Quốc Đạt lâm bệnh mất ở Bồ Điền. Nghĩa quân tôn Triệu Thị Trinh làm thủ lĩnh toàn quyền, với danh xưng Nhuỵ Kiều tướng quân (Vị tướng yêu kiều như nhuỵ hoa). Ra trận, bà thường đi guốc ngà, mặc áo giáp vàng, chít khăn vàng, cưỡi voi trắng oai phong lẫm liệt. Kẻ thù nhìn thấy bà là khiếp vía. Tương truyền trong quân Đông Ngô có câu: "Hoành qua đương hổ dị/ Đối diện Bà vương nan" (Múa giáo đánh cọp dễ/ Đối mặt Vua Bà thì thực khó).
Ở trong dân gian nước ta thì truyền tụng nhiều thơ ca, câu đối về Vua Bà như:
Ru con con ngủ cho lành,
Để mẹ gánh nước rửa bành ông voi.
Muốn coi, lên núi mà coi,
Có bà Triệu tướng cưỡi voi, đánh cồng.
Cuộc khởi nghĩa Bà Triệu ngày càng lớn mạnh. Thứ sử Giao Châu bị giết. Tình hình nguy cấp, nhà Ngô liền cử viên tướng giỏi Lục Dận, cháu của danh tướng Lục Tốn, sang làm Thứ sử Giao Châu, An Nam hiệu úy, mang theo 8.000 quân để đàn áp cuộc khởi nghĩa Bà Triệu. Mặc dù dũng cảm chống trả nhưng do yếu thế trước sức mạnh tấn công của kẻ thù, cuối cùng căn cứ Bồ Điền bị tàn phá, nghĩa quân tan vỡ. Ngày 22/2/248 (năm Mậu Thìn), Bà Triệu lên núi Tùng bên dòng sông Âu, quì xuống vái trời đất rằng "Sinh vi tướng, tử vi thần" (Sống làm tướng, chết làm thần) rồi rút gươm tự vẫn lúc mới 22 tuổi. Ba vị tướng anh em họ Lý đã tìm thấy thi thể và lo chu toàn mộ phần nữ chủ soái ở đỉnh núi. Sức cùng lực kiệt, cả ba ông cũng đã tuẫn tiết dưới chân núi Tùng để giữ trọn khí tiết, lời thề trung thành với Vua Bà.
Trong sách "Đại Nam quốc sử diễn ca" có đoạn "Bà Triệu Ẩu đánh Ngô":
Binh qua trải bấy nhiêu ngày,
Mới sai Lục Dận sang thay phiên thần.
Anh hùng chán mặt phong trần,
Nữ nhi lại cũng có lần cung đao.
Cửu Chân có ả Triệu Kiều,
Vú dài ba thước tài cao muôn người.
Gặp cơn thảo muội cơ trời,
Đem thân bồ liễu theo loài bồng tang.
Đầu voi phất ngọn cờ vàng,
Sơn thôn mấy cõi chiến trường xông pha.
Chông gai một cuộc quan hà,
Dù khi chiến tử còn là hiển linh.
Theo các nhà nghiên cứu, hình tượng những phụ nữ khổng lồ, vú dài, hành động phi thường… là huyền thoại về bà Mẹ - Đất, về sau hình tượng này được khoác cho bất kỳ người phụ nữ nào đặc biệt. Bà Triệu là một nhân vật đặc biệt xuất chúng như vậy!
Linh thiêng Bà Triệu
Thanh Hóa có nhiều di tích lịch sử, văn hóa được nhân dân dựng lên để thờ phụng những người có công với nước. Riêng Bà Triệu có tới ba đền thờ đều hoành tráng. Đầu tiên là đền thờ trên núi Quan Yên quê hương sinh trưởng ra bà, nay thuộc xã Định Tiến, huyện Yên Định. Đền thờ này trước đây nằm bên bờ sông bị sạt lở và chiến tranh tàn phá nên nhân dân đã đưa bà lên núi thờ thành hoàng làng từ năm 1990-1991.
Vào ngày giỗ bà hàng năm, người dân tổ chức rước kiệu từ nhà văn hóa làng lên đền thờ. Đến năm 2011, Khu Di tích lịch sử đền Trúc và đền thờ Bà Triệu được công nhận Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hiện nay tỉnh Thanh Hóa đã có chủ trương quy hoạch khu đất tại đây để xây dựng đền thờ Bà Triệu cho xứng tầm vóc của bà và mong mỏi của nhân dân quê hương.
Thứ hai là đền Nưa, tên chữ là Na Sơn Từ, dân gian gọi Đền Đức Vua Bà, ở dưới chân Núi Nưa nay thuộc xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn. Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên là khu di tích, thắng cảnh nổi tiếng gắn liền với việc dựng cờ khởi nghĩa Bà Triệu. Đền có từ xưa nhưng do chiến tranh, bị phá hủy và đã phục dựng lại nhiều lần. Ngày 27/3/2009, địa chỉ này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia. Đến ngày 4/7/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Am Tiên, nhằm nâng cấp điểm du lịch văn hóa và tâm linh quan trọng này.
Cuối cùng là đền thờ Bà Triệu ở thôn Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc nơi Vua Bà quyên sinh vì nước. Tương truyền, khi mới khởi dựng nơi đây chỉ có 3 gian gỗ lợp bằng tranh, bên trong có một bệ thờ Bà Triệu. Đến thời tiền Lý (549-602), vua Lý Nam Đế trong một lần kéo quân vào Nam chinh phạt quân Lâm Ấp đã nghỉ tại làng Bình Lâm (nay là xã Yến Sơn, huyện Hà Trung) và đến đền cầu xin Vua Bà hiển linh giúp đánh thắng giặc. Ngày ca khúc khải hoàn chiến thắng trở về, vua Lý Nam Đế đã phong Bà làm thần với mỹ danh "Bật chính anh liệt hùng tài Trinh nhất phu nhân" và cấp tiền cho dân làng sửa sang ngôi đền. Ngoài những nét kiến trúc độc đáo, đền Bà Triệu còn lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm cùng kho tàng các sự tích, truyền thuyết, huyền thoại, thơ ca, câu đối...
Vào năm 2014, Khu Di tích lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật đền Bà Triệu ở Hậu Lộc được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt. Và sáng 11/3/2023, tại Lễ kỷ niệm 1.775 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, lại được đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho Lễ hội đền Bà Triệu. Dịp này, đông đảo du khách đã tìm về chiêm bái, tưởng nhớ Vua Bà và chứng kiến một trong những nghi thức long trọng và quan trọng bậc nhất của di sản này: Lễ rước kiệu hay còn gọi là rước bóng. Đây là nghi lễ đặc sắc thể hiện rõ nhất "tính thiêng" hay quan niệm dân gian về sức mạnh của vị Thần đã được các triều đại phong kiến suy tôn và thờ phụng như Bà Triệu anh hùng.