Tăng cường kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy

Kiểm soát chặt, không để tội phạm lợi dụng (bài cuối)

Thứ Năm, 03/12/2020, 07:56
Cùng với việc sử dụng hợp pháp tiền chất, thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện, thuốc thú y có chứa chất ma túy và tiền chất phục vụ tốt cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, các cơ quan chức năng cũng cần kiểm soát chặt chẽ không để các đối tượng tội phạm lợi dụng sử dụng vào mục đích sản xuất ma túy, đặc biệt là các loại tiền chất có nguy cơ lạm dụng cao vào việc sản xuất ma túy tổng hợp...

Vấn đề quản lý tính hai mặt của hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy đang đặt ra nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng. Bởi lẽ, cùng với việc sử dụng hợp pháp tiền chất, thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện, thuốc thú y có chứa chất ma túy và tiền chất phục vụ tốt cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, các cơ quan chức năng cũng cần kiểm soát chặt chẽ không để các đối tượng tội phạm lợi dụng sử dụng vào mục đích sản xuất ma túy, đặc biệt là các loại tiền chất có nguy cơ lạm dụng cao vào việc sản xuất ma túy tổng hợp.
Máy móc, thiết bị sản xuất ma túy trái phép bị thu giữ tại Hải Phòng.

Hơn 900 doanh nghiệp xuất, nhập khẩu tiền chất

Những năm gần đây, các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội vẫn diễn ra sôi động. Nhu cầu sử dụng tiền chất trong sản xuất, kinh doanh và y tế tăng trong khi số lượng các công ty, đơn vị kinh doanh tiền chất giữ tương đối ổn định. Hiện nay trên cả nước có hơn 900 doanh nghiệp làm thủ tục xuất, nhập khẩu tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp và y tế, tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh... là những tỉnh, thành phố có các khu công nghiệp hoặc khu chế xuất.

Các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu tiền chất y tế chủ yếu tập trung tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hải Phòng qua các cửa khẩu đường hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, sân bay quốc tế Nội Bài và đường biển, chủ yếu là thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện, tiền chất như: Codeine phosphate, Diazepam Hameln, Codeine Base, Ephedrine, Epherine...

Đối với tiền chất công nghiệp, ngoài một số ít tiền chất Việt Nam tự sản xuất được như H2SO4, HCl, Toluene, Acetone, chủ yếu các loại tiền chất đều được nhập khẩu để phục vụ sản xuất, kinh doanh tại các khu chế xuất và khu công nghiệp, nguồn nhập khẩu nhiều nhất từ các quốc gia: Đài Loan, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức, Pháp, Ấn Độ... Các doanh nghiệp kinh doanh, mua bán, xuất nhập khẩu tiền chất thường là các doanh nghiệp có quy mô lớn, có kinh nghiệm nhiều năm tham gia kinh doanh tiền chất, đã được các cơ quan chức năng thẩm định thường xuyên và có đầy đủ tư cách pháp nhân hoạt động hợp pháp.

Từ năm 2011 đến 2019, số lượng tiền chất công nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu là trên 2.800.000 tấn; 99.777kg thuốc gây nghiện; 43.781kg thuốc hướng thần; 42.186,71kg tiền chất trong lĩnh vực y tế; tạm nhập, tái xuất cho 4 lô hàng tinh dầu xá xị (chứa tiền chất Safronle và Iso Safrole).

Quản lý chặt, ngăn đầu vào sản xuất trái phép ma túy

Bên cạnh những lợi ích về sản xuất, kinh doanh, trên thực tế các đối tượng phạm tội đã lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý, kiểm soát của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp, đã thu gom tiền chất, thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện, thuốc thú y có chứa chất ma túy nhằm chiết tách và sản xuất trái phép các chất ma túy. Qua công tác phối hợp kiểm soát, các lực lượng chức năng đã phát hiện 60 vụ vi phạm hành chính về tiền chất, phạt tiền và buộc khắc phục hậu quả nộp lại số tiền lên tới trên 10 tỷ đồng; phát hiện, bắt giữ 67,686kg tiền chất (Ephedrine, Pseudephedrine), 9.842 hộp tân dược chứa hoạt chất gây nghiện.

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, công tác kiểm soát tiền chất công nghiệp còn một số hạn chế. Việc kiểm soát các hoạt động mua bán tiền chất công nghiệp trong nội địa đến sản phẩm cuối cùng còn nhiều khó khăn. Hiện nay, mới chỉ kiểm soát ở khâu xuất, nhập khẩu, chưa chú ý kiểm soát hoạt động sản xuất, bảo quản, tồn trữ, mua bán, vận chuyển, phân phối, sử dụng. Còn tình trạng các doanh nghiệp nhập khẩu xin cấp phép nhiều nhưng số lượng thực nhập lại ít, gây ra số liệu ảo và khó khăn cho đơn vị quản lý. Nhiều doanh nghiệp không khai báo đầy đủ thông tin về tiền chất khi làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hoặc sau khi nhập khẩu chưa có báo cáo về tình hình mua bán, sản xuất, phân phối, sử dụng, tồn trữ... gây khó khăn trong công tác theo dõi, kiểm soát và quản lý.

Các đơn vị nhập khẩu tiền chất về để kinh doanh không chỉ bán lại cho các đối tượng trực tiếp sử dụng mà còn bán cho nhiều đối tượng kinh doanh khác; các đơn vị này lại bán cho các đối tượng khác tạo thành một khâu trung chuyển phức tạp, do đó việc kiểm soát đến khâu cuối cùng còn nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, một số quy định của  Quyết định số 52/2011/QĐ-TTg ngày 21/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy đối với thực tế công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy đã không còn phù hợp, còn thiếu các nội dung như một số hoạt động kiểm soát trong lĩnh vực Hải quan; chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy...

Nghị định 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất tuy mới ban hành nhưng một số chất ma túy, tiền chất mới được bổ sung vào Công ước của Liên hợp quốc và mới phát hiện ở Việt Nam chưa được bổ sung kịp thời vào danh mục quản lý. Công tác phát hiện, xử lý đối với các vụ việc vi phạm về mua bán, vận chuyển tiền chất (công nghiệp, y tế, thú y), thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, bất cập do quy định của pháp luật chỉ xử lý hình sự về tội phạm ma túy đối với các trường hợp chứng minh được mục đích mua bán, vận chuyển trái phép tiền chất, thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện vào mục đích sản xuất ma túy nên đa số các vụ việc phát hiện vi phạm chỉ dừng lại ở xử lý hành chính, chưa có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm. Hoạt động của Trung tâm Dữ liệu kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy chưa đảm bảo yêu cầu...

Như vậy, thực tế đã đặt ra yêu cầu cần kiểm soát chặt chẽ các động hợp pháp liên quan đến ma túy, tránh để tội phạm lợi dụng sản xuất ma túy trái phép. 

Dự thảo Luật Phòng, chống tội phạm ma túy (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đã bổ sung một số nội dung tại Chương III- Kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy như sau:Bổ sung thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc; thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất cần được kiểm soát, không để tội phạm lợi dụng sản xuất ma túy. Bổ sung quy hoạt động tạm nhập, tái xuất; tái xuất, tái nhập là những hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy cần phải kiểm soát.
Nguyễn Hương
.
.
.