Vang mãi “Bài ca kết đoàn”

Thứ Năm, 07/01/2021, 08:48
Năm 1960, tại Công viên Bách Thảo Hà Nội, trong sự kiện chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III của Đảng, Bác Hồ kính yêu đã đứng trên bục chỉ huy bắt nhịp “Bài ca kết đoàn”. Khoảnh khắc này đã được nhiếp ảnh gia Lâm Hồng Long ghi lại. Bức ảnh đã trở thành một trong những biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Sau 60 năm, sự kiện ấy lại được tái hiện trong không gian di tích nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.


Rất nhiều tư liệu, hình ảnh thể hiện tinh thần đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc cho đến hôm nay cũng được trưng bày, giới thiệu tới công chúng tại triển lãm “Bài ca kết đoàn”. Đây là hoạt động đặc biệt được Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức nhằm chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, 91 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2020).

Triển lãm bao gồm 2 phần: Dấu ấn nơi miền quê; Dưới cờ Đảng vẻ vang. Trong đó, phần 1 là câu chuyện kể về những người con ưu tú trong cùng gia đình, dòng họ ở một số miền quê, đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ những vùng quê nghèo “bạc vai áo mẹ”, biết bao chiến sĩ đã nguyện hy sinh hạnh phúc riêng tư, lên đường theo cách mạng. Đến nay, những câu chuyện về các vùng quê cùng những người con ưu tú ấy lại được tái hiện sinh động tại di tích nhà tù Hỏa Lò. Đó là xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội - nơi thành lập Chi bộ Đông Phù (Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội).

Đông đảo khách tham quan gian trưng bày “Bài ca kết đoàn” tại Hỏa Lò.

Sự ra đời của Chi bộ ngày 15-5-1930 đã thúc đẩy và nuôi dưỡng ngọn lửa cách mạng tại Hà Nội. Năm 1939 - 1942, nhiều đồng chí lãnh đạo của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ đã về Đông Mỹ chỉ đạo phong trào đấu tranh, đặt các cơ quan giao thông, in ấn. Tham gia hoạt động cách mạng, nhiều người con của Đông Mỹ từng bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò và các nhà tù khác như: Đồng chí Đỗ Mười, Nguyễn Thị Tam, Nguyễn Thọ Chân, Phạm Gia, Phạm Thạch Tâm… Sau khi thoát khỏi những “địa ngục trần gian”, người cộng sản kiên trung ấy đã tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Nhà số 8, phố Ô Chợ Dừa (nay thuộc khu vực ngã năm Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) từng là nơi sinh sống, là địa điểm liên lạc bí mật của hai anh em đồng chí: Mai Lập Đôn và Mai Ngọc Thuyết - những đảng viên xuất sắc “thời dựng Đảng”. Mặc dù bị địch bắt, tù đày nhưng với nhiệt huyết cách mạng, hai người chiến sĩ kiên trung đã có nhiều đóng góp trong quá trình dựng Đảng từ những năm tháng đầu tiên.

Xã Nghĩa Trụ (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên hiện nay) nổi tiếng là miền quê “địa linh nhân kiệt” là quê hương của các đồng chí Tô Chấn, Tô Hiệu, Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Lương, Nguyễn Tài… Đi theo tiếng gọi của cách mạng, nhiều người bị địch bắt giam hay hy sinh ngay tại nơi tù đày khắc nghiệt nhưng vẫn nguyện hiến dâng trọn đời cho Tổ quốc.

Xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc (xã Nam Vân, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định hiện nay) là quê hương của nhiều người con ưu tú, trong đó có ba anh em đồng chí Lê Đức Thọ (Phan Đình Khải), Thượng tướng Đinh Đức Thiện (Phan Đình Dinh), Đại tướng Mai Chí Thọ (Phan Đình Đống). Những năm tháng bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò và nhiều nhà tù khác lại chính là khoảng thời gian mà những chiến sĩ cộng sản ngày ấy mài sắc ý chí đấu tranh…

Du khách đến di tích Hỏa Lò còn có dịp tìm hiểu về xã Võ Liệt (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) - vùng đất nổi tiếng với bề dày lịch sử, đặc biệt là trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931). Trong đó, gia đình họ Tôn (giai đoạn 1925 – 1945) có hai anh em - hai chiến sĩ cách mạng kiên cường: Tôn Quang Phiệt và Tôn Thị Quế. Đứng trong hàng ngũ đấu tranh do Đảng lãnh đạo, hai đồng chí từng bị thực dân Pháp bắt, giam nhiều năm tại các nhà tù nhưng vẫn luôn giữ vững khí phách, góp phần tỏa sáng truyền thống yêu nước của vùng quê Xô Viết anh hùng…

Đất nước thống nhất, tinh thần đoàn kết, “Bài ca kết đoàn” mà Bác bắt nhịp thuở nào vẫn vang lên, kết thành ý chí, quyết tâm xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Ở đó, mỗi kỳ Đại hội Đảng đều là những dấu mốc lịch sử quan trọng. Rất nhiều tài liệu, hiện vật gợi nhớ ký ức về các kỳ Đại hội Đảng, trong đó có các hiện vật của Tổng Bí thư Đỗ Mười được Ban quản lý di tích nhà tù Hỏa Lò giới thiệu đến công chúng dịp này.

Dự kiến, vào ngày 8/1, du khách đến di tích nhà tù Hỏa Lò sẽ có dịp gặp gỡ, lắng nghe nhiều câu chuyện đặc biệt khác do thân nhân của các nhân chứng lịch sử được giới thiệu tại triển lãm “Bài ca kết đoàn” kể lại. Trong đó, câu chuyện tình cao đẹp giữa hai chiến sĩ cách mạng Mai Ngọc Thuyết và Nguyễn Văn Mẫn sẽ được chia sẻ qua lời kể của người con gái duy nhất là bà Nguyễn Hồng Tuyến - cán bộ tiền khởi nghĩa, năm nay đã bước sang tuổi 90.

N.H
.
.
.