Bến xe hiện đại nhất nước trước nguy cơ “vỡ trận” vì... vắng khách
Sau đúng 1 tháng đưa vào khai thác, dù đã có 23/28 doanh nghiệp (DN) vận tải khách liên tỉnh chạy các tuyến từ Quảng Trị trở ra phía Bắc phải chuyển từ BXMĐ cũ đến đây hoạt động, song BXMĐ mới đang đối mặt với nguy cơ “vỡ trận” khi quá vắng khách…
Theo Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông - đơn vị đang quản lý, khai thác BXMĐ mới, một tháng qua, trung bình mỗi ngày BXMĐ mới chỉ có 14 chuyến xe xuất bến với khoảng 116 hành khách đi xe. Như vậy, mỗi xe xuất bến tại BXMĐ mới chỉ đạt 8 hành khách và đa số đều được trung chuyển từ BXMĐ cũ ra. Trong khi đó, khi xây dựng phương án di dời ra BXMĐ mới giai đoạn 1, Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông dự kiến sẽ có 40 chuyến xe xuất bến mỗi ngày.
Khách đã vắng, nhưng theo đại diện một DN vận tải, hàng hóa gửi qua đường xe khách cũng không có do nhiều mối gửi hàng đã phản hồi rằng chở ra bến mới gửi hàng, cước phí vận chuyển hàng hóa sẽ tăng cao.
Xe nằm chờ khách ở Bến xe Miền Đông mới. |
Với thực trạng này, các DN vận tải, nhà xe đã di dời ra BXMĐ mới vẫn phải bám vào BXMĐ cũ để khai thác khách và hàng hóa rồi tự trung chuyển ra bến mới. BXMĐ mới vắng khách, nên điều khiến các DN vận tải đã ra hoạt động tại đây lo ngại là họ chỉ được tiếp tục chạy vào bến cũ để lưu đậu, đón trả khách trong vòng 3 tháng, sau đó sẽ phải chuyển hẳn ra bến mới hoạt động.
Vị đại diện DN trên khẳng định, nếu cứ tiếp tục đà này, không chỉ DN vận tải “đói” mà nguy cơ “vỡ trận” trong vận tải khách liên tỉnh tại BXMĐ mới đã hiện hữu chứ đừng mong có các đợt di dời tiếp theo đối với DN vận tải khách từ bến cũ ra bến mới. Bến mới vắng khách nên vẫn còn vài DN thuộc diện phải di dời đang chần chừ chưa mốn chuyển ra bến mới và đã 1 DN vận tải khách liên tỉnh đã tuyên bố bỏ bến ra ngoài hoạt động.
Theo nhận định của Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông, bến mới vắng khách một phần do đây là mùa thấp điểm, giá vé máy bay rẻ nên xe khách chạy các tuyến xa hoặc chạy các tuyến đến những tỉnh, thành gần sân bay không cạnh tranh nổi với hàng không. Tuy nhiên, khách ít ra BXMĐ mới còn do không có phương tiện công cộng kết nối từ khu vực nội thành ra bến mới. Tuyến xe buýt từ bến cũ ra bến mới không được mở do liên quan đến cho phí trợ giá để có thể hoạt động.
Để đưa khách ra bến mới, lúc đầu Sở GTVT TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ có 10 tuyến xe buýt từ khu vực nội thành ghé ngang BXMĐ mới, nhưng sau đó chỉ còn 5 tuyến buýt liên tỉnh có lộ trình ngang qua bến mới và hiện tải chỉ có 2 tuyến buýt có thể ghé vào BXMĐ mới để đón, trả khách. Đồng thời, từ BXMĐ mới về khu vực nội thành cũng chỉ có 3 tuyến xe buýt. Chi phí để hành khách tự đi xe taxi, xe grab ra bến mới và ngược lại khá tốn kém.
Đáng chú ý là đội ngũ xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định ngoài bến cạnh tranh, giành giật quyết liệt. Theo Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, hiện số lượng xe khách từ 16 chỗ trở lên đăng ký hoạt động tại 4 bến xe khách liên tỉnh của thành phố chỉ còn chưa đến 5.000 đầu xe. Trong khi đó, số lượng xe khách từ 10 chỗ trở lên đăng ký kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng tại Sở GTVT thành phố đã đạt con số 19.427 xe.
Đã vậy, nếu như những năm trước, Sở GTVT thành phố mặc định trong việc phân luồng tuyến vận tải khách là muốn về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hành khách phải đi xe từ Bến xe Miền Tây (BXMT). Còn muốn đi Tây Nguyên, miền Trung và các tỉnh phía Bắc, hành khách buộc phải ra BXMĐ cũ hoặc Bến xe Ngã tư Ga. Song những năm gần đây, với lý do tạo thuận lợi cho khách đi xe, Sở GTVT đã cho phép các DN vận tải khách trong BXMT khai thác cả các tuyến về miền Trung, Tây Nguyên, phía Bắc và ngược lại, DN vận tải trong BXMĐ cũng được khai thác cả các tuyến về miền Tây.
Các tuyến từ BXMT đi Tây Nguyên, miền Trung và các tỉnh phía Bắc được chạy trên đường Võ Văn Kiệt. Điều này đã giúp các DN vận tải, nhà xe khai thác thêm lượng hành khách, hàng hóa từ khu vực nội thành khiến lượng khách ra BXMĐ cũ và mới ngày càng giảm. Trong khi đó, các tuyến từ BXMĐ cũ về miền Tây buộc phải lưu thông trên tuyến QL1, là tuyến đường DN vận tải khách không thể khai thác được khách và hàng hóa, nên ngày càng nhiều DN vận tải, nhà xe bỏ BXMĐ vào nội thành hoạt động hoặc chuyển về bến khác.
Để giải quyết tình trạng xe bỏ bến, xe hợp đồng trá hình tuyến cố định ngoài bến ồ ạt chạy vào đón khách ở khu vực trung tâm và các quận nội thành, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã cho cắm một loạt biển báo cấm dừng, cấm đỗ đối với xe khách từ 16 chỗ trở lên ở những điểm nóng như: Đường Lê Hồng Phong, Nguyễn Thái Bình, Lê Thị Hồng Gấm, Điện Biên Phủ…
Để xóa sổ tình trạng xe hợp đồng trá hình tự tổ chức đón trả khách tại 107 vị trí đã được xác định, Sở GTVT cũng đã cho cắm thêm biển báo cấm dừng, cấm đỗ với xe khách ở 37 tuyến đường thuộc nhiều quận nội thành.
Đồng thời tính toán việc hạn chế lưu thông đối với xe trên 16 chỗ tại các tuyến đường thường xuyên vi phạm về đón, trả khách cũng như sẽ hạn chế hoạt động của xe khách trên 30 chỗ trong khu vực trung tâm. Tuy vậy, tại những tuyến đường đã được cắm biển báo cấm dừng, đỗ, nhiều lái xe vẫn đối phó bằng cách chạy rề rà ven đường để khách lên xuống xe hoặc cho xe chạy vào hẳn trong nhà, trong trụ sở DN để qua mặt CSGT, Thanh tra GTVT.
Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm khẳng định, việc xử lý xe khách vi phạm tại những nơi đã cắm biển báo cấm, trách nhiệm chính thuộc về các UBND các quận, huyện. Song thời gian qua nhiều địa phương vẫn thờ ơ, coi đây là nhiệm vụ của CSGT và Thanh tra GTVT.
Những nguyên nhân trên cùng với sự thiếu quyết liệt của lực lượng chức năng và chính quyền các quận, huyện trong xử lý xe khách vi phạm tại những tuyến đã cắm biển báo cấm đã khiến đội ngũ xe ngoài bến hùng hậu có cơ hội đẩy BXMĐ mới vào thế cô lập, không có hành khách. Đại diện một đơn vị vận tải khách ở BXMĐ mới cho rằng, để “cứu” BXMĐ mới và các DN vận tải trong bến, chính quyền TP Hồ Chí Minh phải có biện pháp mạnh hơn để “đẩy” toàn bộ số xe hợp đồng trá hình chạy cố định trên các tuyến liên tỉnh vào bến.