Doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn ngân hàng, vì sao?
Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 10 tháng năm 2020, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 41.783 DN, (tăng 58,7% so với cùng kỳ năm trước); 30.256 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 13.502 DN hoàn tất thủ tục giải thể, trung bình mỗi tháng có gần 8.554 DN rút khỏi thị trường. Riêng TP HCM, vẫn còn khoảng 84% DN đang trong tình trạng khó khăn...
Để vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều gói hỗ trợ để “cứu” DN. Nhưng trên thực tế, việc tiếp cận ngân hàng của các DN, nhất là DN nhỏ và vừa vẫn còn rất khó khăn. Nguyên nhân là do DN và ngân hàng chưa có “tiếng nói chung”.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Công ty nội thất Thanh Hùng (Nhà Bè, TP HCM) cho biết: “Sau dịch, công ty tôi cũng dần phục hồi trở lại. Chúng tôi muốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh để phát triển trong năm tới, nhưng thiếu vốn, tài sản thế chấp không có, trong khi điều kiện vay của ngân hàng quá ngặt nghèo nên chúng tôi không thể vay được khoản vay trung và dài hạn”.
Theo ông Hùng, các khoản vay trung và dài hạn trước đây có lãi suất 10-12%, còn hiện nay nhiều ngân hàng có chính sách tín dụng ưu đãi chỉ có 6-7%, nhưng các ngân hàng quá thận trọng trong việc giải ngân nên các DN nhỏ như DN ông Hùng khó vay được. Cụ thể, khi xem xét hồ sơ vay, ngân hàng yêu cầu DN ông phải có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, phải có năng lực quản trị, phương án dự phòng rủi ro, phải chứng minh nguồn thu, dòng tiền, đầu vào, đầu ra...
“Trong khi đó, DN tôi quy mô nhỏ, chỉ vài chục lao động, lại vừa bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch nên những yêu cầu của ngân hàng đưa ra, chúng tôi không đáp ứng được”, ông Hùng nói.
Doanh nghiệp ngành gỗ rất cần vốn để ổn định, phát triển sản xuất nhưng rất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. |
Ông Bùi Hữu Thêm, Phó Tổng thư ký Hội mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) cho rằng, HAWA có 550 DN và hiện nhu cầu về vốn của các DN rất lớn, tập trung ở các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng đều thích có tài sản thế chấp nên việc vay vốn của các DN hiện nay gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để DN nhỏ và vừa tiếp cận được vốn vay, theo ông Thêm, Nhà nước cần sự hỗ trợ trong vai trò làm “bà đỡ”.
Những DN có tài sản thế chấp nhưng bị vướng thủ tục thì Nhà nước có thể đứng ra bảo lãnh hoặc hợp thức hóa để đưa vào thế chấp, hỗ trợ DN. Đối với dự án, cần có đánh giá, xác nhận của cơ quan chức năng, để ngân hàng có cơ sở pháp lý quyết định cho vay hay không. Đối với những DN tốt, nhất là những DN khởi nghiệp, Nhà nước có thể kết nối với ngân hàng để thẩm định các dự án tiềm năng, giúp DN có nguồn vốn đầu vào hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngân hàng cũng là đơn vị kinh doanh nên cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định cho DN vay để tránh rủi ro. Với góc độ ngân hàng, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) giải thích, ngân hàng đánh giá rủi ro không chỉ dựa vào quy mô, tiềm lực tài chính của DN, mà còn quan tâm đến đặc thù ngành nghề của DN đó trong bối cảnh kinh doanh mới.
Ví dụ, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, các DN xuất khẩu phải kỹ lưỡng trong việc rà soát, cập nhật khả năng thanh toán của các đối tác nước ngoài. Các DN phải nghĩ sâu hơn chuỗi cung ứng của mình để trình bày phương án vay vốn khả thi. “Phương án kinh doanh và tài chính của DN là hai yếu tố cơ bản để ngân hàng đánh giá cho khoản vay”, ông Phương nhấn mạnh.
Một khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho thấy, có tới 35% DN cho rằng, khó khăn lớn nhất mà họ gặp phải là tiếp cận nguồn vốn. Phần lớn DN tiếp cận được những khoản vay ngắn hạn, tỷ lệ DN tiếp cận được khoản vay trung và dài hạn rất hạn chế.
Gần 90% DN cho rằng, không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp. Điều này có nghĩa là, ý tưởng, kế hoạch kinh doanh tốt, bài bản cũng không thể đảm bảo cho họ tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Ngay cả khi có tài sản thế chấp, nguồn vay của họ cũng rất ngắn hạn, chỉ trong vòng 1 năm với mức lãi suất cao. Với cách thức tiếp cận nguồn vốn như vậy, rất khó để DN thực hiện các kế hoạch, chiến lược kinh doanh dài hạn. Tiếp cận vốn vẫn là bài toán nan giải đối với DN Việt Nam hiện nay.
Tại hội thảo “Hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn vốn đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh hậu COVID-19” vừa tổ chức tại TP HCM, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Quản lý Chương trình Cao cấp, Phòng Phát triển Kinh tế và Quản trị Nhà nước, USAID Việt Nam chia sẻ, đồng cảm với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng DN nói chung và các DN nhỏ và vừa nói riêng đang phải đối mặt, USAID thông qua dự án “Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DN nhỏ và vừa (USAID LinkSME)”, đã và đang phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và các tổ chức hỗ trợ DN để đồng hành cùng các DN Việt Nam, giúp họ phục hồi sản xuất kinh doanh trong và sau COVID-19.
Được biết, USAID LinkSME là dự án do USAID tài trợ, được thực hiện trong 5 năm với tổng kinh phí 22,1 triệu USD, hướng tới các mục tiêu: Góp phần thay đổi môi trường kinh doanh thông qua các hoạt động cải cách thể chế, chính sách, thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho DN nhỏ và vưa phát triển; thúc đẩy mối quan hệ kinh doanh giữa các DN nhỏ và vừa Việt Nam với các DN đầu chuỗi cung ứng; nâng cao năng lực của DN nhỏ và vừa Việt Nam để tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực và toàn cầu.