Sahel và nỗi ám ảnh với châu Âu
Việc tiêu diệt Bah Ag Moussa được coi là chiến công lớn của lực lượng Pháp đồn trú tại vùng Sahel của châu Phi trong hơn nửa thập kỷ qua.
Chuyên gia huấn luyện những kẻ thánh chiến
Bah Ag Moussa được cho là sinh vào những năm 1970 ở vùng Kidal. Sau khi được đào tạo quân sự ở Libya, Moussa tham gia vào cuộc nổi dậy Tuareg 1990-1996. Moussa từng tham gia quân đội Mali và đeo tới quân hàm đại tá, được bổ nhiệm làm chỉ huy các đơn vị đặc nhiệm chuyên trách đảm bảo an ninh ở vùng Kidal.
Tuy nhiên, năm 2013, Moussa đã quay súng chống lại chính phủ. Vào ngày 16-7-2016, Moussa chỉ huy cuộc tấn công vào doanh trại Nampala làm 20 binh lính và sĩ quan quân đội Mali thiệt mạng. Năm 2017, Moussa trở thành lãnh đạo “Nhóm ủng hộ Hồi giáo và người Hồi giáo” (Nusrat al-Islam wal-Muslimin- JNIM) sau khi ba nhóm “thánh chiến” hoạt động tại khu vực Sahel có mối liên hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda là Ansar Dine, Al-Mourabitoune và Katibas du Macina tuyên bố sáp nhập thành tổ chức này. Moussa là một trong những chỉ huy thánh chiến hàng đầu tại Mali, trong đó phụ trách hoạt động huấn luyện các tay súng mới được tuyển mộ thành những kẻ thánh chiến.
Chỉ huy cấp cao chi nhánh khủng bố quốc tế Yahya Abu el-Hamman bị lính Pháp tiêu diệt trong một chiến dịch tháng 2-2019. |
Tháng 7-2019, Văn phòng quản lý tài khoản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ đã liệt Bah Ag Moussa vào danh sách khủng bố toàn cầu và bị đặt trong danh sách những đối tượng có thể bị phong tỏa tài sản tại Mỹ. Mỹ cáo buộc Ag Moussa với vai trò là thủ lĩnh trong JNIM đã trực tiếp làm gia tăng bạo lực và bất ổn tại Mali khi liên quan tới nhiều cuộc tấn công vào các lực lượng Mali và quốc tế trong nước.
Đại tá Frederic Barbry, người phát ngôn của quân đội Pháp cho biết, chiến dịch truy lùng Bah Ag Moussa là hành động mới nhất trong nhiều hành động của Pháp ở Mali trong những tuần gần đây nhằm tiêu diệt những kẻ tình nghi là khủng bố. Máy bay không người lái giám sát đã giúp lực lượng Pháp ở Mali xác định được chiếc xe bán tải chở Moussa ở vùng Menaka, miền Đông Mali, nơi sau đó là mục tiêu của trực thăng và 15 lính biệt kích của Pháp được cử đến hiện trường.
Cuộc chiến chưa hồi kết
Nằm ở phía Nam sa mạc Sahara, khu vực Sahel trải rộng qua các vùng lãnh thổ miền Bắc Senegal, miền Nam Mauritania, miền Trung Mali, miền Nam Algeria và Niger, miền Trung CH Chad, miền Nam Sudan, miền bắc Nam Sudan và Eritrea.
Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan gia tăng nhanh tại vùng Sahel sau khi bất ổn xảy ra tại Libya do cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Moamar Gadhafi năm 2011. Khu vực Sahel rộng lớn đã trở thành một điểm nóng bạo lực kể từ khi miền Bắc Mali rơi vào vòng kiểm soát của các nhóm thánh chiến liên quan tới mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda vào năm 2012.
Binh lính Pháp tại Sahel. |
Đầu tháng 1-2013, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua một nghị quyết qua đó cho phép liên minh quân sự, do Pháp đứng đầu, tiến hành can thiệp quân sự tại Mali với mục đích hỗ trợ lực lượng quân đội nước này ngăn chặn lực lượng Hồi giáo cực đoan. Ngày 11-1-2013, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố tiến hành chiến dịch quân sự “Mèo rừng châu Phi” (Serval) ở Mali. Vào lúc cao điểm của chiến dịch, đã có 5.000 binh sĩ Pháp đồn trú tại Mali.
Sau một năm rưỡi triển khai, chiến dịch Serval đã đánh bật lực lượng Hồi giáo vũ trang ra khỏi Timbuktu và các thành phố khác ở bắc Mali. Tuy nhiên, nhiều vùng ở khu vực rộng lớn này vẫn thường xuyên là mục tiêu tiến công khủng bố của các tay súng “thánh chiến”. Ngày 1-8-2014, chiến dịch Serval được thay thế bằng chiến dịch Barkhane nhằm chống lại các nhóm phiến quân Hồi giáo ở khu vực Sahel. Hiện có khoảng hơn 4.000 lính Pháp đang tham gia chiến dịch Barkhane tại Mali. Mặc dù bị thua ở khu vực phía Bắc Mali, song phiến quân vẫn tổ chức các vụ tiến công nhằm vào lực lượng an ninh và người dân Mali ở các khu vực hẻo lánh. Từ năm 2015, phiến quân Hồi giáo gia tăng các cuộc tiến công sang các nước láng giềng Niger và Burkina Faso. Điều này đòi hỏi các nước trong khu vực nhanh chóng thành lập một lực lượng chống khủng bố chung.
Burkina Faso tăng cường triển khai lực lượng chống khủng bố tại Sahel. |
Cuộc chiến chống khủng bố ở châu Phi không thu được kết quả như mong đợi vì tháng 3-2017, ba nhóm “thánh chiến” hoạt động tại khu vực Sahel có mối liên hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda là Ansar Dine, Al-Mourabitoune và Katibas du Macina tuyên bố sáp nhập và lấy tên mới là “Nhóm ủng hộ Hồi giáo và người Hồi giáo”, do thủ lĩnh nhóm “thánh chiến” Ansar Dine tại Mali là Iyad Ag Ghali cầm đầu.
Việc các nhóm “thánh chiến” hợp sức ở vùng Sahel đã trở thành thách thức lớn đối với cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Để loại bỏ những hành động khủng bố và tác động tiêu cực đối với khu vực Sahel, các nước châu Phi kêu gọi phương Tây tăng cường phối hợp. Các nước châu Âu, nhất là Pháp, lo ngại nếu không được kiểm soát chặt chẽ, các tay súng thánh chiến ở khu vực Sahel sẽ mở rộng địa bàn hoạt động và đe dọa lợi ích của các nước phương Tây. EU đã cam kết hỗ trợ 50 triệu euro giúp nhóm 5 nước thuộc Sahel thành lập lực lượng đặc nhiệm của khu vực. Bởi theo đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại đánh giá sự ổn định và phát triển của khu vực này mang tính quyết định không chỉ với châu Phi mà với cả châu Âu.
Năm 2017, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã phê chuẩn dự thảo do Pháp trình lên, năm quốc gia vùng Sahel (Mali, CH Chad, Mauritania, Niger và Burkina Faso), gọi tắt là G5 Sahel, mới thành lập được lực lượng chung đối phó các tay súng “thánh chiến”. Biên chế ban đầu của G5 Sahel gồm 5.000 binh sĩ phối hợp tiến hành các chiến dịch chung chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan và tổ chức tội phạm xuyên quốc gia đang hoành hành tại khu vực sa mạc Sahara rộng lớn này. Trong giai đoạn đầu, lực lượng chống khủng bố Barkhane của Pháp tham gia huấn luyện về không quân, pháo binh cho lực lượng chống khủng bố chung G5 Sahel với mục tiêu cao nhất là giành chiến thắng trước khủng bố, cực đoan.
Cho tới thời điểm này, Pháp hiện có 5.100 binh sĩ đồn trú tại vùng Sahel. Thời gian qua, quân đội Pháp liên tiếp mở các chiến dịch tiêu diệt các phần tử khủng bố. Tháng 2-2019, trong chiến dịch đột kích của không quân và bộ binh Pháp nhằm vào đoàn xe của đối tượng này ở phía Bắc thành phố Timbuktu của Mali, lực lượng Pháp cũng tiêu diệt El Hamame, một chỉ huy của nhánh khủng bố Al-Qaeda tại Maghreb Hồi giáo (AQIM), kẻ bị cáo buộc có liên quan tới vụ bắt cóc nhiều công dân phương Tây ở khu vực Bắc và Tây Phi và nhiều phần tử khủng bố khác. Tháng 6-2020, tại Talhandak, Tây Bắc thành phố Tessalit của Mali, đặc nhiệm Pháp tiếp tục tiêu diệt Abdelmalek Droukdal, người Algeria, thành viên Ban lãnh đạo Al Qaida, là thủ lĩnh của nhiều nhóm thánh chiến Bắc Phi và vùng Sahel, cùng với nhiều tay chân thân cận. Đặc nhiệm Pháp cũng bắt được Mohamed el Mrabat, một nhân vật quan trọng của nhóm thánh chiến Nhà nước Hồi giáo vùng Đại Sahara (EIGS), kẻ bị xếp vào nhóm đặc biệt nguy hiểm.
Bah Ag Moussa vừa bị tiêu diệt. |
Mới đây nhất, quân Pháp đã tiêu diệt hơn 50 phần tử thánh chiến có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda trong các cuộc không kích tại miền Trung Mali. Chiến dịch này giáng một đòn mạnh vào nhóm khủng bố Hồi giáo Ansarul liên kết với al-Qaeda, hoạt động ở khu vực Boulikessi, gần biên giới với Burkina Faso.
Ngoài lực lượng Pháp, Liên hợp quốc còn triển khai khoảng 15.000 nhân viên gìn giữ hòa bình thuộc (MINUSMA) tới Mali thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh.
Lo ngại tình trạng bạo lực ở Sahel tác động tiêu cực tới lợi ích các nước phương Tây, nhiều quốc gia đã cam kết tài trợ 2,4 tỷ euro nhằm ngăn chặn khủng bố và tình trạng vô luật pháp dọc vành đai phía Nam sa mạc Sahara. Các cam kết này đáp ứng nhu cầu của khoảng 40 dự án phát triển để đối phó chủ nghĩa cực đoan trong khu vực. Riêng số tiền mà Liên hiệp châu Âu (EU) tài trợ cho Chương trình Đầu tư ưu tiên Sahel đã lên tới 922 triệu euro.
Trong chuyến thăm Mali ngày 2-11-2020, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly khẳng định sẽ hỗ trợ quân đội Mali trong nỗ lực chống các phần tử thánh chiến tại quốc gia thuộc vùng Sahel này. Phát biểu trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mali Sadio Camara, bà Parly cam kết Pháp và các đối tác quốc tế sẽ tiếp tục các hoạt động hỗ trợ và cố vấn tại quốc gia này.