Ngụy trí thức!...

Thứ Sáu, 20/11/2020, 12:54
Trí thức được hiểu một cách thông thường là những người lao động trí óc. Sẽ có những phân tích, định nghĩa khác kỹ lưỡng, chặt chẽ hơn, nhưng trong bài viết này, chúng tôi hiểu rằng, trí thức là một thành phần xã hội, một bộ phận người, làm việc, sử dụng trí óc, mang lại lợi ích cho cá nhân và cộng đồng...


Hiểu đơn giản hơn, trí thức là người có học, được đào tạo (hoặc tự đào tạo), nắm giữ tri thức và làm việc một cách thường xuyên với tri thức (để phân biệt với lao động chân tay, cơ bắp).

Trong quan niệm truyền thống phương Đông, xã hội được chia làm bốn thành phần: Sĩ - Nông - Công - Thương. Cấu trúc này đề cao vai trò của người trí thức (Sĩ). Trong thực tế lịch sử, văn hóa, văn minh, cả phương Đông và phương Tây, trí thức luôn là lực lượng tinh hoa, chủ chốt trong việc tạo dựng các giá trị sống của cộng đồng (đôi khi, chúng ta sẽ nhận ra trí thức đã ẩn mình sau những giá trị nhân danh cộng đồng, thậm chí vô danh). 

Vai trò của trí thức là rất to lớn. Điều đó chúng ta không bàn cãi. Tuy nhiên, chính từ vai trò, vị trí đó, nảy sinh một dạng ngụy trí thức, trí thức giả, trí thức nửa mùa, ăn bám, nước đôi… rất đáng lên tiếng để chỉ ra. Cùng với đó, luận điệu dân chủ giả hiệu, dân chủ cuội mà đám ngụy trí thức này rêu rao cũng rất đáng phê phán. Bài viết này của chúng tôi bước đầu nhận diện một số biểu hiện này.

Thế nào là ngụy trí thức? Câu hỏi đó đặt ra cho chúng ta góc nhìn về những biểu hiện nhân danh, giả trá hay ngụy tạo, nhằm những mục đích mà người trí thức chân chính không bao giờ chấp nhận, thỏa hiệp. Một trong những vai trò của trí thức là phản biện xã hội. Tuy nhiên, nhân danh phản biện xã hội, nhiều trí thức đã đánh mất vai trò tích cực của mình, để trở thành những kẻ gây rối, làm mất trật tự xã hội. Khi đó, chúng ta nhận ra bộ mặt của kẻ ngụy trí thức. 

Thật nực cười, nhân danh phản biện xã hội, họ lên tiếng phê phán, đả kích, phủ định những nỗ lực của cộng đồng trong việc hoạch định chính sách, kiến tạo giá trị trong khi chính họ lại không làm được điều gì đóng góp vào đời sống. Không làm được gì mà chỉ giỏi nói, đã thế, lại còn phát ngôn một cách tiêu cực, sổ toẹt mọi thành tựu của cá nhân hay cộng đồng là biểu hiện của kẻ ngụy trí thức. 

Không thấy hoặc cố tình không thấy mặt tích cực, thành quả của những nỗ lực xây dựng, kiến thiết, kẻ ngụy trí thức lớn tiếng chửi mắng, phê phán, bêu riếu, xem thực tại như là hệ quả của những sai lầm. Điều đó là không khách quan, không sòng phẳng, và xét từ trong bản chất, không đúng với vị trí, vai trò của trí thức. Phản biện xã hội không phải là sự chửi mắng, phá phách lộn nhào tất cả mà là những đóng góp thiết thực, nghiêm túc, giàu hàm lượng tri thức, làm tăng khả năng cải tạo thực tại theo hướng tốt đẹp hơn. 

Đơn cử như việc cải cách giáo dục. Vẫn biết, hệ thống giáo dục của chúng ta còn những điểm bất cập, nhưng thử hỏi chính những kẻ phê phán kia, họ làm được gì ngoài việc lên mạng xã hội sổ toẹt tất cả. Khi được hỏi: Vậy theo anh chúng ta cần phải làm gì? Họ đã trả lời một cách vô cùng thiếu trách nhiệm rằng: Hãy làm ngược lại. Họ, mang danh trí thức, nhưng không tạo ra được thành quả ích lợi gì. 

Là trí thức, ăn lương Nhà nước, nhưng cả năm, thậm chí năm mười năm, không có một đóng góp gì vào môi trường học thuật, tri thức mà mình là thành viên. Phê phán Nhà nước nhưng vẫn hằng tháng nhận lương từ nhà nước. Chỉ cần đặt ra cho họ vấn đề hết sức thẳng thắn rằng, nếu anh thấy không thể chấp nhận môi trường làm việc này, anh có thể xin nghỉ, ra làm tự do và hưởng thành quả từ chính lao động của mình. 

Tôi đồ rằng, họ sẽ lảng đi và rồi lại đều đặn hằng tháng nhận lương để không làm gì - hoặc nếu có lại là chửi mắng, phê phán chính cái nơi mà mình đang không làm vẫn hưởng lương. Điều này trước hết vi phạm đạo đức làm người, sau đó là vi phạm vào danh dự, lòng tự trọng và vị trí đứng đầu (trong cơ cấu thành phần xã hội) của người trí thức chân chính.

Biểu hiện của ngụy trí thức là thái độ nước đôi, nửa vời và ăn theo (nói leo). Quan sát mạng xã hội, chúng ta bắt gặp rất nhiều những kẻ ngụy trí thức như thế. Thường thì, sẽ có một vài nhân vật có ảnh hưởng trong đời sống trí thức, khoa học, văn chương, báo chí, chính trị là đầu tàu, phát ngôn của họ được xem là có trọng lượng, được nhiều người theo dõi hay ủng hộ. 

Tuy nhiên, bộ phận đông hơn là những kẻ ăn theo nói leo, đeo bám để lấy số má - ta đây cũng là trí thức, cũng cấp tiến, cũng thức thời. Thật buồn cười, nhưng đúng là có những kẻ vênh vang tự đắc vì mình đứng ở "lề trái", bị/được an ninh theo dõi, mời làm việc hay nhắc nhở… 

Chúng ta không bàn đến nghiệp vụ an ninh hay những thiết chế duy trì trật tự xã hội mà bất kỳ nhà nước, thể chế nào cũng cần có. Ở đây, chúng ta nói đến thái độ của kẻ mang danh trí thức (mà thực chất là ngụy trí thức). Thật xoàng xĩnh, thật rẻ rúng, và tệ hơn nữa, họ đã ảo tưởng, sai lầm về chính cái vỏ trí thức mà họ đang cố khoác lên người. 

Trí thức là phải phản biện xã hội. Đúng! Nhưng là phản biện trên tinh thần tri thức, trên tinh thần xây dựng với thái độ cầu tiến và tích cực. Chắc hẳn chúng ta sẽ ngạc nhiên khi nghe thấy họ - ngụy trí thức, nói rằng, hãy tuần hành phản đối chính sách, nhưng kết cục, họ lại đeo khẩu trang, kính đen và ngồi nép ở một góc quán cà phê nào đó chụp ảnh đăng facebook và rêu rao mình là kẻ cấp tiến. Cấp tiến đâu phải như thế! Đó là một dạng cấp tiến giả hiệu, một biểu hiện gian trá và hèn nhát.

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Tâm, Tamvvh@gmail.com.

Cùng với ăn theo, đeo bám lấy số má, ngụy trí thức còn là những kẻ nửa vời, nước đôi. Họ không dám làm cái gì đến cùng, thường là sẽ thỏa hiệp ngay trước những khó khăn của tình huống thực tế. Đây là điều mà nhiều người nhận ra. Nó có vẻ giống như kinh nghiệm "Mềm nắn rắn buông" của dân gian, nhưng với kẻ ngụy trí thức nó lại hàm chứa khía cạnh hèn nhát. Trí thức có thể chết cho tư tưởng, nhưng ngụy trí thức thì không. Bởi vì, nói vậy thôi, họ còn có nhiều mưu cầu, nhiều tham vọng, đâu có thể hi sinh tất cả cho tư tưởng được.

Cái tệ hại của kẻ ngụy trí thức ở đây, không chỉ là việc ăn, uống, nói, làm trái với luận điệu mà họ thường rêu rao, mà chính ở chỗ họ không có đủ dũng khí, can đảm để sống trong lao khổ của thực tại. Đứng trên nhân dân, định hình một tầng lớp trưởng giả để lớn tiếng nói về sự cần lao, điều đó hàm chứa sự mâu thuẫn, nếu không nói là một sự vô nghĩa, vô lương. Họ - kẻ ngụy trí thức, không bao giờ từ bỏ địa vị, điều kiện hay quyền lợi của mình để sát vai với nhân dân. 

Càng nực cười hơn, khi trong số những kẻ ngụy trí thức đó, chúng ta biết rằng, ngày còn làm việc, đương chức, hưởng các chế độ ưu đãi, quyền lợi của danh vị, họ im thin thít. Nhưng, rời khỏi vị trí, về hưu, con cái phương trưởng, chẳng còn gì phải lo toan, cầu cạnh nữa, lập tức họ quay ra phê phán, nói xấu, bày tỏ thái độ bất như ý với mọi thứ một thời họ đã khư khư giữ lấy. Đó có phải là “qua cầu rút ván”, là “ăn cháo đá bát” không? 

Đã thế, có không ít kẻ nhân danh tinh thần dân chủ, tự do ngôn luận để rêu rao các luận điệu đi ngược lại lợi ích cộng đồng. Cứ thử nghĩ xem, những phát ngôn huênh hoang rỗng tuếch, ăn theo nói leo, dựa thời dựa thế, đả kích, phủ nhận sách trơn, không mảy may có một chút tinh thần xây dựng kia sẽ góp thêm được gì vào hệ giá trị chung? Năng lực phân biệt đúng sai, truy tìm nhận diện chân lý là phẩm chất cao quý của người trí thức. Nhưng, đáng tiếc, có nhiều kẻ nhân danh trí thức để tung hỏa mù, để xuyên tạc hay bịa đặt, làm méo mó thông tin… với mục đích rất không chính đáng, thiếu chính trực, ngay thẳng.

Ngụy trí thức thực sự đang làm rối trật tự xã hội, tạo nên những dư luận, thông tin, năng lượng tiêu cực, gieo hoang mang lên cộng đồng. Mọi nỗ lực của cá nhân hay tập thể (chúng ta đang nói về trí thức) trong nghĩa lý cao cả của nó là hướng đến tạo dựng các giá trị tốt đẹp hơn cho con người. Sự phản biện, dĩ nhiên là cần phải có khi xung quanh chúng ta còn tồn tại nhiều bất cập, nhưng phản biện để xây dựng khác với đập phá. 

Trí thức chân chính là người hiểu rõ điều đó và sử dụng tri thức của mình một cách hữu ích. Tri thức, trách nhiệm, lương tri và khát vọng cao cả có lẽ vẫn luôn là ánh sáng trên đầu kẻ trí thức ưu thời mẫn thế. Còn ngụy trí thức mãi mãi chỉ là kẻ đeo bám đáng thương dưới chân người khổng lồ.

Nguyễn Thanh Tâm
.
.
.