Hội Nhà văn Việt Nam kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Kim Lân

Thứ Ba, 17/11/2020, 08:47
Ngày 16/11, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Kim Lân (1920 – 2020). Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã đến dự buổi lễ.

Nhà văn Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài, quê ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Từ trước Cách mạng tháng Tám, ông đã viết nhiều truyện ngắn nổi tiếng về nông thôn Việt Nam, đăc biệt là về cuộc sống lam lũ, vất vả của người nông dân và nhiều đề tài độc đáo khác, tái hiện sinh hoạt phong phú ở thôn quê. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông vẫn tiếp tục làm báo, viết văn và vẫn chuyên về truyện ngắn, về làng quê Việt Nam.

Đến nay, nhắc đến nhà văn Kim Lân, bạn đọc nhiều thế hệ không thể không nhắc đến các tác phẩm như: Vợ nhặt, Đứa con người vợ lẽ, Làng… hay các tập truyện như: “Nên vợ nên chồng”, “Con chó xấu xí”, “Đôi chim thành”, “Chó săn”… Ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật năm 2001. 

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định: Trong văn chương “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, điều đó hoàn toàn đúng với nhà văn Kim Lân. Nhà văn Kim Lân đã từng nói, viết được thì viết, không viết được thì thôi. Những cái cố gượng viết đều khô khan, đọc lại thấy xấu hổ lắm. Đó là một quan niệm khắt khe của ông đối với nghề viết.

Đối tượng, hay có thể gọi là đề tài để nhà văn Kim Lân dành cả đời mình để khám phá sáng tạo đó là cuộc sống của những người thôn quê nghèo khổ với nếp sống thanh bạch và nhân nghĩa, như là tinh chất được tích tụ và truyền lại từ nghìn đời.

Chân dung nhà văn Kim Lân được Hội Nhà văn Việt Nam trưng bày tại buổi lễ kỷ niệm.

Nhà văn Nguyễn Khải đã xem nhà văn Kim Lân là bậc thầy về sự am hiểu tinh tường và gốc rễ về cuộc sống của những người nông dân. Trong văn của Kim Lân, cái đặc sắc nhất, xúc động nhất là hồn cốt của tình người chứ không phải là những kịch tính hay xung đột dữ dằn. Nhà văn Kim Lân được các đồng nghiệp kính trọng và nể phục ở tính chuyên nghiệp rất cao, với sự thuần thục về cấu trúc và ngôn ngữ truyện ngắn.

“Nhà văn Kim Lân đã cống hiến trọn đời cho nền văn học mới, nêu một tấm gương cao đẹp về lòng yêu mến, gắn bó mật thiết với cách mạng và kháng chiến, kiên định, vững vàng về bản lĩnh nhà văn, để lại cho hậu thế những tác phẩm đặc sắc, có sức sống lâu dài, làm giàu thêm văn chương Việt, tâm hồn Việt”, nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh.

Nói về nhà văn Kim Lân, nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị nhận định: Nhà văn Kim Lân viết không nhiều và chuyên về một thể loại, lại “gác bút” sớm nhưng dấu ấn của ông để lại trong lòng độc giả thì rất sâu đậm. Chỉ với 3 truyện “Vợ nhặt”, “Làng”, “Con chó xấu xí”, câu chữ của Kim Lân “gan lỳ” thách thức thời gian, đi vào chỗ sâu thẳm nhất của tâm trí người đọc.

Hội Nhà văn Việt Nam kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Kim Lân.

Nhà văn Kim Lân có 27 truyện (trong đó có 14 truyện viết và in trước Cách mạng Tháng Tám, 13 truyện viết và in sau Cách mạng Tháng Tám). Như vậy, đối với một đời viết cũng chưa phải đã nhiều. Tuy nhiên, tác phẩm của ông để lại dấu ấn đặc biệt với độc giả, đó chính là sự lịch lãm của một ngòi bút yêu cái đẹp, yêu con người, luôn nhìn thấy ở con người khát vọng vươn tới, cho dù có rơi vào hoàn cảnh khó khăn như thế nào.

GS Phong Lê thì chia sẻ: Nhà văn Kim Lân chỉ viết những gì mình thuộc, không tuyên ngôn, không phô trương ồn ào mà chỉ muốn là một người viết khiêm nhường, một phận người tử tế. Phải chăng đó cũng là một trong những nguyên cớ khiến Kim Lân kiên trì chủ trương viết ít. Điều này cũng là thiệt thòi cho ông và cả nền văn học Việt Nam nửa sau thế kỷ XX.

Thế nhưng, con người luôn luôn nhún nhường và không ưa chen lấn ấy lại vẫn thật ấn tượng trong những trang viết ít ỏi đã được viết, bởi cách sống và cách viết của ông. Làm một người tử tế như ông mong muốn không dễ trong cuộc đời. Khi chọn nó làm mục tiêu cho cách sống, cách viết, ông đã cho ta một khẳng định về sự hiện diện cao quý “đói cho sạch, rách cho thơm” của mình.

Đồng quan điểm với nhà phê bình Lê Thành Nghị và GS Phong Lê, GS.TS Trần Đăng Suyền cũng nhấn mạnh: Tuy không viết nhiều nhưng nhà văn Kim Lân đều có những đóng góp đáng kể trong thể loại truyện ngắn viết về đề tài nông thôn. Thành công của Kim Lân, ngoài ý thức nghiêm túc về lao động nghệ thuật, chủ yếu là do năng khiếu bẩm sinh, và một vốn sống tự nhiên của một con người vốn là con đẻ của đồng ruộng và như nhà văn Nguyên Hồng nhận định, ông một lòng đi về với “đất”, với “người”, với “thuần hậu nguyên thủy” của cuộc sống nông thôn. Kim Lân viết ít. Nhiều người đã lý giải về vấn đề này. Đó là bản lĩnh, là sự tỉnh táo, là thái độ hết sức nghiêm túc trong sáng tạo nghệ thuật…

Hoa Nguyễn
.
.
.