Việt Nam đã sản xuất thành công thực phẩm chức năng omega 6, 7, 9 từ vi khuẩn tía quang hợp
Đây là lần đầu tiên Việt Nam nghiên cứu về vi khuẩn tía quang hợp không lưu huỳnh ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Bởi đã có nhiều công bố về ứng dụng của nhóm vi khuẩn tía quang hợp không lưu huỳnh, nhưng chỉ ở lĩnh vực xử lý nước thải, khử sulfide, sử dụng làm thức ăn tươi sống trong nuôi trồng thủy sản và lại chưa có nghiên cứu nào về việc tổng hợp các axit béo không no dạng omega 6, 7, 9.
Cùng với đời sống kinh tế của người dân được nâng cao những năm gần đây, nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN) để bảo vệ sức khỏe cũng ngày một tăng cao, trong đó có các sản phẩm TPCN chứa omega 3, 6, 7, 9.
Sản phẩm Omega 3 – 6 - 7 – 9 sản xuất từ vi khuẩn tía quang hợp |
Omega 3 quan trọng cho từ thai nhi cho tới người cao tuổi, cũng như nhu cầu là thường xuyên hàng ngày. Omega 3 được khuyên dùng hàng ngày và lâu dài cho trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, cho người dùng với nhu cầu làm đẹp da hoặc người cao tuổi và không mắc các bệnh mãn tính về tim mạch.
Cũng như Omega 3, Omega 6 có tác dụng rất tốt để ngăn ngừa các bệnh tim mạch bằng cách làm giảm cholesterol và triglyceride trong máu. Bởi vậy, Omega 6 thường cần cho người lớn để ngăn ngừa các bệnh tim mạch. Omega 9 cũng giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch, đột quỵ bằng cách tăng HDL (cholesterol tốt) và giảm LDC (cholesterol xấu), đồng thời, giúp kiểm soát đường huyết, giúp tăng năng lượng và cải thiện tâm trạng, hỗ trợ điều trị bệnh Alzheimer...
Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, cũng như để đa dạng hóa các sản phẩm TPCN phục vụ xã hội, Viện Công nghệ sinh học đã triển khai đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất Omega 6, 7, 9 từ vi khuẩn tía quang hợp ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm và dược phẩm”, do TS. Hoàng Thị Yến làm chủ nhiệm, triển khai từ tháng 10/2017 đến tháng 9/2020. Đề tài do Bộ Công Thương đặt hàng.
Theo TS. Hoàng Thị Yến cho biết, con người và động vật hầu như không tự tổng hợp được omega 6, 7, 9, mà chủ yếu được cung cấp từ thức ăn. Mặc dù omega 6, 9 có nhiều trong các loại dầu động, thực vật nhưng omega 7 lại rất khan hiếm trong giới thực vật và cả thế giới động vật. Một số nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu về vi khuẩn tía quang hợp và nhận thấy trong tế bào của một số loài vi khuẩn tía quang hợp, hàm lượng omega 7 lại rất cao, chiếm tới 65% - 82% tổng axit béo.
Vi khuẩn tía quang hợp là nhóm vi sinh vật tiền nhân có khả năng tiến hành quang hợp nhưng không thải oxy như vi khuẩn lam. Chúng là các tế bào gram âm, đơn bào và có các dạng cầu, xoắn, gậy, phẩy. Nằm trong vùng nhiệt đới, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi cho các động thực vật và đặc biệt là vi sinh vật, trong đó có nhóm vi khuẩn tía quang hợp phát triển.
Vi khuẩn tía quang hợp đã được nghiên cứu, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Tuy nhiên, trong lĩnh vực sử dụng sinh khối vi khuẩn tía quang hợp để tách chiết dầu sinh học giàu axit béo không bão hòa một nối và đa nối đôi (omega 6, 7, 9) sử dụng cho sản xuất thực phẩm chức năng là một hướng nghiên cứu hoàn toàn mới ở Việt Nam và mới chỉ được đề cập đến trong vài năm trở lại đây.
Theo nhóm nghiên cứu, đề tài được thực hiện với mục tiêu chính là ứng dụng công nghệ lên men để sản xuất sinh khối vi khuẩn tía quang hợp và công nghệ enzyme để sản xuất các axit béo không no (omega 6, 7, 9) sử dụng trong công nghiệp thực phẩm và dược phẩm từ nguồn nguyên liệu trong nước. Các nhà khoa học đã thực hiện đề tài bằng việc tuyển chọn các chủng vi khuẩn tía quang hợp có khả năng sinh tổng hợp omega 6, 7, 9 và nghiên cứu sản xuất sinh khối vi khuẩn tía quang hợp làm nguyên liệu để tách chiết dầu sinh học giàu omega 6, 7, 9, trước khi xây dựng quy trình sản xuất dầu sinh học giàu omega 6, 7, 9 tách chiết được từ sinh khối vi khuẩn tía quang hợp.
Từ kết quả nghiên cứu bước đầu, các nhà khoa học đã phối hợp với Công ty CP Dược phẩm Novaco sản xuất 20.000 viên nang TPCN. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy sản phẩm đảm bảo cả về tính an toàn lẫn tác dụng sinh dược. Đặc biệt, sản phẩm có khả năng làm giảm các nồng độ lipid máu thông qua các chỉ số cholesterol, triglyceride, LDL-C và làm tăng HDL-C.
Với những thành công từ đề tài nghiên cứu này, các chuyên gia đều đánh giá sản phẩm có triển vọng thương mại hóa cao, khi góp phần đa dạng hóa sản phẩm TPCN chứa omega 6, 7, 9 để bảo vệ sức khỏe người dân từ nguồn nguyên liệu rất sẵn có ở Việt Nam, đồng thời, giảm việc nhập khẩu TPCN, chủ động được cả nguyên liệu sản xuất lẫn thành phẩm phục vụ cộng đồng.