Ám ảnh những vụ tai nạn lao động

Thứ Hai, 23/11/2020, 10:15
Thời gian qua, tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phía Nam xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) trong thi công xây dựng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, kéo theo nhiều nỗi đau, mất mát mà những nạn nhân và gia đình mình phải gánh chịu. Thực trạng trên đáng báo động về sự mất an toàn lao động trong thi công xây dựng các công trình…


Nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng

Ngày 12-11-2020, tại công trình xây dựng căn nhà 6 tầng trên đường Cống Lở, phường 15, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, khi ba công nhân đang đứng thi công cách mặt đất khoảng hơn 5m thì dây cáp tải vật liệu đứt khiến giàn giáo đổ sập làm 3 công nhân rơi xuống đất chấn thương.

Các công nhân gặp nạn được người dân đưa vào Bệnh viện quận 12 cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương. Sau khi cấp cứu, các nạn nhân được chuyển đến Bệnh viện Quân y 175 để tiếp tục điều trị vào chiều cùng ngày. Đại diện UBND phường 15, quận Tân Bình cho biết, công trình nơi xảy ra sự cố là nhà ở riêng lẻ kết hợp văn phòng. Bước đầu, chủ đầu tư công trình xây dựng trên đã bị Đội Thanh tra quận Tân Bình ra quyết định xử phạt hành chính về lỗi tổ chức thi công xây dựng che chắn không đảm bảo và để rơi vãi vật liệu và yêu cầu ngưng thi công tòa nhà để khắc phục lỗi vi phạm trên. 

Hiện trường vụ sập giàn giáo ngày 12-11-2020 tại quận Tân Bình.

Trước đó, vào đầu tháng 6-2020, một số công nhân đang làm việc tại công trình xây dựng trên đường Bà Điểm 12 (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) thì bất ngờ xảy ra sự cố điện khiến một người bị thương. Nạn nhân là anh Bùi Văn Đ. (22 tuổi, quê Kiên Giang) sau đó được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi…

Ngoài những vụ việc trên, ghi nhận tại nhiều công trình xây dựng nhà ở dân sinh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, đều dễ dàng thấy được thực tế là đa số công nhân làm việc không được trang bị đồ bảo hộ, rào chắn công trình khá sơ sài.

Không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà các tỉnh lân cận cũng xảy ra TNLĐ từ công trình xây dựng đặc biệt nghiêm. Điển hình là lúc 14 giờ ngày 15-9-2020, tại công trình Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận Tiền Giang, chị L.T.P (31 tuổi, ngụ Yên Bái) đang làm công nhân xúc sỏi thì bị xe lu tông phải. Sau tai nạn, bệnh nhân bị vết thương dập nát lóc da phức tạp vùng bẹn đùi phải và được chuyển đến Bệnh viện Đa Khoa Trung tâm Tiền Giang xử trí bước đầu và chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh. Dù các chấn thương vô cùng nghiêm trọng đã bước đầu được chữa trị, tuy nhiên theo các bác sĩ đối với bệnh nhân này, quá trình hồi sức cần một thời gian kéo dài, bệnh nhân cần tiếp tục được chữa trị phức tạp…

Tại địa bàn Đồng Nai, nơi có nhiều khu công nghiệp và nhiều công trình xây dựng, việc các công nhân gặp TNLĐ diễn ra khá nhiều. Vào đầu tháng 9 vừa qua, chị H. (37 tuổi, quê Kiên Giang) đi làm phụ hồ tại một công trình xây dựng nhà xưởng, nhà nuôi yến ở khu vực cầu Xéo (thị trấn Long Thành). Khi nữ phụ hồ này trèo lên giàn giáo cao gần 10m để đưa gạch, vữa cho các thợ xây thì bị rơi xuống phía dưới. Ngay sau đó, người phụ nữ đã được đưa tới Bệnh viện Long Thành cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, nạn nhân tử vong sau đó…

Cũng tại Đồng Nai, một vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng do vụ sập công trình xây dựng nhà máy Công ty Cổ phần AV Healthcare (Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, xảy ra vào khoảng 14 giờ ngày 14-5-2020 đã khiến dư luận rúng động, bởi hậu quả của vụ tai nạn đã làm 10 người chết, 14 người bị thương là công nhân của Công ty TNHH Hà Hải Nga (nhà thầu xây dựng).

Hiện trường vụ sập công trình xây dựng nhà máy của Công ty AV Healthcare.

Một vụ TNLĐ nghiêm trọng khác xảy ra tại Long An vào lúc 10 giờ 45 ngày 28-8, nhiều công nhân tiến hành thi công sàn khu nhà phố cao tầng liền kề tại ấp Mới 1, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa. Trong lúc các công nhân đang tiến hành tháo giàn giáo mái che cửa sổ tầng 1 thì phần mái che bằng bê tông rơi xuống nhóm công nhân đang làm việc phía dưới đã khiến 2 người chết, 6 người bị thương.  Tại Bình Dương, vụ TNLĐ nghiêm trọng nhất là vụ sập cẩu tháp xảy ra vào cuối tháng 2-2020 ở công trình xây dựng trong Khu công nghiệp Bàu Bàng, xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng khiến 3 người tử vong, hai người khác bị thương nặng…

Cần xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn lao động

Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 29 vụ TNLĐ, làm chết 32 người. Đối chiếu với số liệu cùng kỳ năm 2019 cho thấy TP Hồ Chí Minh đã giảm 7 vụ TNLĐ. Tuy nhiên, trong thời gian 6 tháng đầu năm cũng phát sinh thêm 3 vụ tai nạn giao thông liên quan đến lao động để giải quyết chế độ cho người lao động. 

Vụ TNLĐ nghiêm trọng khi sập cẩu tháp xảy ra vào cuối tháng 2-2020 ở công trình xây dựng xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng.

Trong những năm qua, TP Hồ Chí Minh vẫn là một trong hai địa phương có vụ TNLĐ nhiều nhất, sau tỉnh Bình Dương. Các vụ TNLĐ xảy ra nhiều nhất là lĩnh vực xây dựng (7 vụ), trong đó 5 vụ xảy ra ở công trình xây dựng, sửa chữa nhà dân và 2 vụ xảy ra ở công trình xây dựng tòa nhà cao tầng. Những trường hợp tai nạn bao gồm 2 vụ ngã cao; 4 vụ điện giật, 1 vụ tai nạn do vật đè. Còn tại Bình Dương, trong 5 tháng đầu năm 2020 địa phương này đã xảy ra 277 vụ TNLĐ, trong đó: có 32 trường hợp TNLĐ có tỷ lệ thương tật từ 1% đến 4%, có 193 trường hợp TNLĐ có tỷ lệ thương tật từ 5% đến 30%, có 41 trường hợp TNLĐ có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 92% và 11 vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết 13 người…

Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân chủ yếu xảy ra TNLĐ do người sử dụng lao động chưa tổ chức huấn luyện an toàn lao động, không xây dựng các biện pháp an toàn, không cử người kiểm tra giám sát người lao động trong quá trình làm việc đảm bảo an toàn.

Việc thực thi pháp luật còn kém như thiếu kiểm tra, bảo dưỡng các máy móc, thiết bị, dụng cụ, không có sự kiểm tra, giám sát trong quá trình sản xuất, vận hành máy, không tuân thủ các quy định về an toàn lao động, việc chuẩn bị các phương tiện lao động, đồ bảo hộ lao động đều thiếu hoặc không có vì lo sợ tốn kém… Cùng với đó, nhận thức của người lao động về an toàn lao động chưa cao, vẫn còn chủ quan và thờ ơ với công tác bảo hộ lao động khi làm việc. Chế tài xử lý các vi phạm chưa đúng mức.

Trong xây dựng, an toàn lao động luôn phải được đặt lên hàng đầu. Vậy nên công tác quản lý an toàn phải xuyên suốt có hệ thống, không thể trông đợi ở sự tự giác của một cá nhân hay nhóm người nào khác. Theo quy định, trước khi triển khai xây dựng đều phải chuẩn bị đầy đủ việc lập phương án thi công, đề cương giám sát…

Hậu quả từ những vụ TNLĐ với các nạn nhân thường rất nặng nề.

Để chủ động phòng ngừa TNLĐ, chấn chỉnh công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt là đối với an toàn lao động trong thi công xây dựng, mới đây Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả các vụ TNLĐ. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh các ngành nghề tiềm ẩn gây ra sự cố kỹ thuật, mất an toàn, vệ sinh lao động, TNLĐ, đặc biệt là các công trình đang thi công xây dựng.

Bộ cũng yêu cầu đình chỉ thi công nếu không đảm bảo an toàn cho người lao động, xử lý các hành vi, vi phạm quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động theo Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Phú Lữ - Đức Cương
.
.
.