Dấu ấn tiên phong của một đơn vị anh hùng

Chủ Nhật, 27/12/2020, 21:27
Trong các đơn vị Công an được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới" năm 2020, có một đơn vị khá đặc biệt, đó là Công an tỉnh Phú Thọ. 


Dù là đơn vị ở "tỉnh lẻ" nhưng 10 năm qua, Công an tỉnh Phú Thọ đã khám phá nhiều chuyên án có tính chất chất phức tạp, nhạy cảm, có quy mô hoạt động tội phạm cực lớn; đi đầu trong chứng minh những vụ án chưa có tiền lệ từ khi áp dụng Bộ luật Hình sự mới hoặc những vụ việc mà nhiều địa phương không đấu tranh được…

1.Trong phòng truyền thống của Công an tỉnh Phú Thọ, ở vị trí trang trọng nhất được dành để đặt Cờ, Bằng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trên bốn bức tường cũng treo rất nhiều Huân, Huy chương các loại. Đặc biệt, có một chiếc tủ kính trưng bày hồ sơ những chuyên án lớn mà Công an tỉnh đã triệt phá trong 15 năm trở lại đây, đó đều là những vụ án từng gây chấn động cả nước một thời, như chuyên án triệt phá đường dây buôn lậu hơn 10.000 tấn lá thuốc lá; chuyên án sử dụng mạng Internet chiếm đoạt tài sản tại Công ty MB24...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới" cho Công an tỉnh Phú Thọ.

Trong câu chuyện với tôi, Thượng tá Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ, chia sẻ rằng để phá được những vụ án kinh tế có quy mô rất lớn luôn đảm bảo yêu cầu về pháp luật, chính trị, nghiệp vụ thì từ lãnh đạo chỉ huy tới từng cán bộ, chiến sĩ phải có bản lĩnh và dám chịu trách nhiệm. Điều quan trọng hơn là qua thực tế điều tra các vụ án, cần phải lý giải được nguyên nhân phạm tội và tìm ra những kẽ hở của pháp luật để từ đó kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành điều chỉnh các quy định cho phù hợp với thực tế.

Một trong những chuyên án được Thượng tá Nguyễn Minh Tuấn nhắc tới là vụ bắt giữ 28 chiếc xe ôtô biển ngoại giao, biển nước ngoài (NG, NN).

Giữa năm 2011, qua nắm tình hình xe đi qua Phú Thọ có rất nhiều xe ôtô loại sang và siêu sang như Bentley, Mercedes S500, Lexus 570, BMW seri7 đeo biển NG, NN. Ngay tại Phú Thọ cũng có người sử dụng những chiếc xe biển này. Theo quy định, đây là loại xe tạm nhập miễn thuế dành cho nhân viên sứ quán nước ngoài; thời gian sử dụng xe biển NG, NN ở Việt Nam là theo thời gian công tác của nhân viên ngoại giao nước ngoài.

Khi hết thời gian công tác thì nhân viên ngoại giao phải làm thủ tục tái xuất xe hoặc nếu bán thì phải thu hồi biển số, nộp thuế nhập khẩu, làm thủ tục đăng ký lại. Tuy nhiên, thời điểm năm 2011 trở về trước, đã tồn tại một thị trường mua bán xe ôtô biển NG, NN trái pháp luật. Lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế đã báo cáo Ban Giám đốc cho lập án đấu tranh.

Trong thời gian hơn 1 năm, Công an Phú Thọ đã kiểm tra, thu giữ 28 xe ôtô mang biển số NG và NN. Những người sử dụng xe đều khai rằng họ mua từ nhân viên các đại sứ quán, lãnh sự quán. Kết quả điều tra đủ căn cứ xác định việc những người Việt Nam mua 28 chiếc xe biển NG, NN để sử dụng mà không làm thủ tục nộp thuế, đăng ký lại là hành vi tiêu thụ hàng nhập lậu.

Công an tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh ra quyết định xử lý vi phạm, tịch thu, bán đấu giá 28 xe ôtô sung công quỹ trên 33 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Số tiền tuy không lớn nhưng có giá trị trong tham mưu chính sách quản lý của Nhà nước.

Năm 2011, Công an tỉnh Phú Thọ là đơn vị đầu tiên trong cả nước bắt giữ ôtô mang số NG, NN trốn thuế thông qua hình thức cho tặng.

Tuy nhiên, khi Phú Thọ tịch thu số xe biển NG, NN lập tức gặp phải sự phản ứng của một số bộ, ngành vì cho rằng Công an Phú Thọ lạm quyền. Cuối năm 2012, Bộ Ngoại giao đã tổ chức một cuộc họp liên ngành gồm Công an, Ngoại giao, Thuế, Hải quan để xác định việc Công an Phú Thọ tịch thu xe có đúng luật không. Tại cuộc họp này, trước những căn cứ là các quy định pháp luật, tất cả các ngành thừa nhận Công an Phú Thọ làm đúng. Công an Phú Thọ sau đó đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an có văn bản đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành  liên quan điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật, bịt kín sơ hở trong quản lý đối với loại hình tạm nhập miễn thuế xe ôtô đối với nhân viên sứ quán nước ngoài tại Việt Nam.

Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan liên quan sửa đổi Thông tư liên tịch giữa Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao hướng dẫn việc tạm nhập, tái xuất dành cho các cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam về tăng cường công tác quản lý đối với xe ôtô mang biển NG, NN, qua đó xóa bỏ được tình trạng mua bán xe biển NG, NN trái phép. Đồng thời Bộ Công an đã có chỉ đạo Công an các địa phương tiến hành kiểm tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm tương tự trên toàn quốc.

2.Trong những chuyên án mang dấu ấn tiên phong của Công an tỉnh Phú Thọ, không thể không nhắc tới các chuyên án đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao bởi đây cũng là đơn vị đi đầu cả nước tấn công loại tội phạm này. Công nghệ giúp đời sống xã hội thay đổi từng ngày nhưng tội phạm cũng lợi dụng những ưu việt của công nghệ để phạm tội.

Đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao là công việc khó bởi ngoài tinh thông pháp luật, nghiệp vụ thì cán bộ, chiến sĩ cũng phải giỏi công nghệ. 10 năm qua, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm trong công tác đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Phú Thọ đã điều tra làm rõ 8 vụ. Trong đó, có những chuyên án đi vào lịch sử tố tụng của Việt Nam, như Chuyên án LOP6 năm 2017, điều tra vụ án "Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản", "Tổ chức đánh bạc", "Đánh bạc", "Mua bán trái phép hóa đơn", "Rửa tiền", "Đưa hối lộ", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam cầm đầu, mà nhiều người vẫn quen gọi là vụ án cờ bạc nghìn tỷ.

Kết thúc điều tra giai đoạn 1, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố bị can đối với 105 đối tượng về 7 tội danh. Đã chứng minh làm rõ đường dây đánh bạc trực tuyến gồm 25 đại lý cấp 1, 5.877 đại lý cấp 2 và gần 43 triệu tài khoản tham gia đánh bạc (tương ứng khoảng 14 triệu người) với tổng số tiền thu lợi bất chính 9.853 tỷ đồng. Cơ quan An ninh điều tra đã thu giữ, kê biên 1.832 tỷ đồng, 9 ôtô các loại và 20 căn hộ.

Tôi đã từng nghe anh em điều tra viên tham gia chuyên án này kể lại quá trình họ làm án. Thời điểm ấy, từ lãnh đạo Công an tỉnh tới các điều tra viên đã chịu áp lực từ nhiều phía, bởi Nguyễn Văn Dương là người có quan hệ xã hội rộng nên triệt để lợi dụng các mối quan hệ, dùng tiền mua chuộc một số cán bộ cấp cao trong cơ quan phòng chống tội phạm, làm vỏ bọc và chỗ dựa cho hoạt động phạm tội. Vì vậy, khi quyết định phá án, ngay việc có bắt Nguyễn Văn Dương hay không cũng là quyết định không dễ dàng. Khi đó, nếu không bắt Dương thì rất có thể đối tượng sẽ bỏ trốn ra nước ngoài, tiêu hủy toàn bộ tài liệu chứng cứ thì chuyên án đi vào ngõ cụt.

Nhưng bắt Dương rồi nếu khi hết thời gian tạm giữ hình sự mà không chứng minh được hành vi phạm tội thì chính các cán bộ điều tra sẽ đứng trước nguy cơ bị kỷ luật, thậm chí có thể bị điều tra vì làm oan đối tượng. Đó là những giây phút cân não của người làm điều tra khi một bên là trách nhiệm trước công việc, một bên là những hậu quả sẽ phải gánh chịu nếu không đi đến cùng sự thật. Nhưng cuối cùng bản lĩnh của người làm án đã chiến thắng.

Chuyên án thành công, các đối tượng bị xử lý trước pháp luật đã củng cố niềm tin của nhân dân vào các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung và lực lượng Công an nói riêng; loại bỏ được những cán bộ, đảng viên suy thoái về phẩm chất đạo đức ra khỏi cơ quan quản lý nhà nước; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Qua chuyên án đã phát hiện nhiều sơ hở, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực viễn thông, ngân hàng và hệ thống trung gian thanh toán điện tử để kiến nghị Đảng, Nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp luật, không để bọn tội phạm lợi dụng hoạt động phạm tội, góp phần bảo vệ hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin quốc gia, phòng ngừa, ngăn chặn những nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia…

Khó có thể kể hết được những dấu ấn tiên phong trong các chuyên án mà Công an tỉnh Phú Thọ đã làm trong 10 năm qua. Đặc biệt, qua công tác đấu tranh các chuyên án, Công an tỉnh Phú Thọ đã kịp thời báo cáo, đề xuất cấp trên để tham mưu với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các ngành điều chỉnh chính sách, pháp luật, cơ chế quản lý để kịp thời ngăn chặn những lỗ hổng, bất cấp trong công tác quản lý nhà nước; phòng ngừa kịp thời những hành vi xâm phạm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn quốc; được nhiều đơn vị trong lực lượng CAND đến học tập kinh nghiệm để phục vụ trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm...

3.Nghe tôi hỏi về kế hoạch sắp tới Công an tỉnh sẽ làm gì để phát huy truyền thống anh hùng? Thượng tá Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ, phụ trách xây dựng lực lượng chia sẻ, danh hiệu anh hùng là công sức của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ, vì thế Ban Giám đốc xác định phát huy truyền thống là trách nhiệm của mỗi cán bộ chiến sĩ hôm nay và điều quan trọng nhất là phải làm tốt công tác chính trị, tư tưởng cho từng cán bộ, chiến sĩ.

 Nói chuyện tu dưỡng đạo đức và bản lĩnh chính trị nghe có vẻ giáo điều, nhưng lại luôn là việc thiết thực, bởi ai cũng có gia đình với nỗi lo cơm áo, gạo tiền hằng ngày, vì thế không có bản lĩnh sẽ rất khó vượt qua được những cám dỗ vật chất. Thực tế, có những vụ án, đối tượng đã gợi ý "lót tay" nhiều tỷ đồng, nhưng cán bộ, chiến sĩ đã thể hiện bản lĩnh dũng cảm, kiên quyết bảo vệ chân lý, chiến thắng được cám dỗ và "sức ép" của những người có chức, có quyền, lãnh đạo cao cấp. Và chính bản lĩnh của mỗi cá nhân ấy đã góp phần làm nên tập thể anh hùng.

Trong 27 năm liên tục (1994- 2020) Công an tỉnh Phú Thọ được Chính phủ và Bộ Công an tặng Cờ thi đua xuất sắc trong phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc", là đơn vị có số năm liên tục nhiều nhất trong lực lượng CAND được Chính phủ và Bộ Công an tặng Cờ thi đua xuất sắc.
Nguyễn Thiêm
.
.
.