Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất khẩu sang Trung Quốc

Thứ Sáu, 07/04/2023, 06:45

Sau khi Trung Quốc nới lỏng biện pháp phòng dịch COVID-19, các bộ, ngành, tỉnh, thành phố có đường biên giới với Trung Quốc đã thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới. Đồng thời, nối lại các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) nhằm gia tăng cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt xuất khẩu (XK) hàng hoá, đặc biệt nông sản.

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong bối cảnh Trung Quốc đã chính thức mở cửa cho phép nhiều loại nông, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hội nghị XTTM giữa Việt Nam và các thị trường lớn của Trung Quốc như Quảng Tây, Tứ Xuyên, Vân Nam... Tại các thị trường này, DN  2 bên đã gặp gỡ, trao đổi và tìm kiếm cơ hội hợp tác, thúc đẩy XK.

Ông Trương Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX TM DV-Nông nghiệp Như Hoàng (Bình Phước) cho biết, HTX chuyên về sản xuất, XK hạt điều rang muối. Sản phẩm của HTX đã đạt tiêu chuẩn HACCP, ISO 9001:2015, OCOP 4 sao của tỉnh Bình Phước. Trong những tháng đầu năm, đơn hàng XK chưa nhiều, HTX chủ yếu XK sản phẩm thô sang thị trường Trung Quốc.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa cho rằng, Trung Quốc là một thị trường tiềm năng đối với sản phẩm yến sào. Sau khi ký nghị định thư với Trung Quốc về XK tổ yến trong năm 2022, Yến sào Khánh Hòa đã bắt đầu thúc đẩy làm thủ tục đăng ký mã sản phẩm để XK chính ngạch sang thị trường này. Đây là một cơ hội lớn cho DN Việt.

1.jpg -0
Doanh nghiệp kỳ vọng qua các cuộc gặp gỡ trực tiếp sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đơn hàng mới.

Bà Trương Thị Úy Nga, Giám đốc Công ty TNHH TN Yên Bái (chuyên sản xuất trà táo mèo) cũng cho rằng, gặp gỡ trực tiếp đối tác, DN Trung Quốc đã giúp DN giới thiệu cụ thể về sản phẩm, năng lực sản xuất và vùng nguyên liệu, những tiêu chuẩn chất lượng mà DN đã triển khai thực hiện. Tiếp đó, có thể tìm hiểu nhà máy và quy trình sản xuất của DN. Hiện, nhà máy sản xuất của TN Yên Bái đã đủ các tiêu chuẩn để XK sang Trung Quốc và cả châu Âu như ISO, GMP…

Ông Đặng Phúc Nguyên, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, việc Trung Quốc bỏ chính sách “Zero-COVID” đã giúp XK rau quả của Việt Nam sang thị trường này lấy lại đà tăng trưởng. Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam khi mỗi năm thị trường này tiêu thụ khoảng 300 triệu tấn rau quả mà họ mới nhập 7-8 triệu tấn. Trong khi đó, nguồn cung của Việt Nam rất tiềm năng. Đây dự báo vẫn là thị trường chiến lược của rau quả Việt thời gian tới.

Đặc biệt, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên có cuộc hội đàm với ông Lưu Ninh - Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc và đề xuất nhiều giải pháp tạo thuận lợi thông quan hàng hóa, đảm bảo chuỗi cung ứng, thúc đẩy mở rộng nhập khẩu nông sản từ Việt Nam, thúc đẩy phân luồng thông quan cửa khẩu nhập khẩu, hỗ trợ các hoạt động XTTM... Cụ thể, Việt Nam đề nghị phía Quảng Tây sớm hoàn thành thủ tục để đưa tuyến đường chuyên dụng hàng hóa Tân Thanh - Pò Chài (qua khu vực mốc 1088/2-1089) vào vận hành chính thức; khôi phục hoàn toàn hoạt động của các cửa khẩu lối mở giữa Việt Nam - Quảng Tây như Bình Nghi - Bình Nghi Quan, Na Hình - Kéo Ái, Pò Nhùng - Dầu Ái…; xem xét cấp thị thực cho lái xe và nhân viên phục vụ trên xe của các DN Việt Nam có hiệu lực trong 1 năm và được đi lại nhiều lần, nghiên cứu sớm dỡ bỏ yêu cầu xét nghiệm PCR đối với lái xe khi nhập cảnh để giúp thuận lợi hóa thông quan và giảm chi phí cho DN. Về thúc đẩy mở rộng nhập khẩu nông sản của Việt Nam, đề nghị Quảng Tây tiếp tục thúc đẩy cơ quan chức năng Trung Quốc mở cửa thị trường cho các loại nông sản của Việt Nam, đồng thời nghiên cứu thí điểm nhập khẩu các loại quả này trong khi chờ cơ quan chức năng chính thức cấp phép.

Đề xuất giải pháp XTTM cho ngành hàng trong thời gian tới, đại diện Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh cho rằng, DN cần xây dựng phương án có trọng tâm trọng điểm, tập trung vào 1 vài ngành hàng hoặc 1 vài nhóm mặt hàng có thế mạnh XK nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa sang các nhóm hàng khác cùng loại. Ví dụ, cân nhắc tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng hình ảnh đối với trái sầu riêng và măng cụt Việt Nam (là 2 sản phẩm Trung Quốc không sản xuất được) thông qua tổ chức tuần hàng nông sản tại các khu vực tập trung đông người (như phố đi bộ), biên tập cẩm nang giới thiệu về lịch sử, văn hóa, ẩm thực... về sầu riêng, măng cụt... nhằm tạo thương hiệu hàng Việt, từ đó góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa cho các mặt hàng trái cây khác của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, cần có biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các DN chế biến, XK trái cây Việt Nam chủ động xây dựng kênh phân phối tại thị trường Trung Quốc. Đồng thời, nên tổ chức các Hội nghị xúc tiến tiêu thụ hàng nông sản đặc thù địa phương tại các khu vực thị trường nằm sâu trong nội địa Trung Quốc nhằm thúc đẩy chuyển dịch xuất khẩu theo hình thức thương mại chính quy. Cùng với đó, xây dựng các video ngắn quảng bá về thương hiệu, hình ảnh sản phẩm Việt bằng tiếng Trung trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc như Tiktok, wechat, weibo...

Cùng với đó, hiệp hội ngành hàng, DN cần chủ động kết hợp với các đối tác nhập khẩu trong việc xây dựng, quảng bá hình ảnh DN và các sản phẩm chủ lực của DN mình bên cạnh việc nắm vững và đáp ứng tốt các yêu cầu về kiểm dịch, chất lượng của thị trường Trung Quốc. Chủ động xây dựng kênh trao đổi trực tiếp với các Thương vụ trên cơ sở nắm rõ nhu cầu XK của DN địa phương. Đồng thời, có sự phối hợp hiệu quả với các Thương vụ trong quá trình kết nối DN nhập khẩu nước ngoài với DN XK tại địa phương.

“Để tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam XK sang thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương sẽ có các cuộc hội đàm, hội thảo và các hoạt động XTTM với chính quyền các tỉnh, thành phố Trung Quốc có đường biên giới với Việt Nam”, ông Nguyễn Hồng Diên cho biết.

Lưu Hiệp
.
.
.