Đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc

Thứ Sáu, 02/02/2024, 06:17

Theo Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là thị trường xuất khẩu (XK) lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 8 của Trung Quốc trên thế giới.

Quy mô và cơ cấu thương mại giữa 2 bên đang chuyển dịch tích cực, hai quốc gia có nhiều nét tương đồng về văn hóa, phong tục tập quán, vị trí địa lý, đồng thời hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật, môi trường chính sách cũng rất thuận lợi. Trong tương lai, Trung Quốc tiếp tục sẽ là thị trường xuất nhập khẩu và là đối tác lớn nhất về thương mại, đầu tư, du lịch của Việt Nam. Do vậy, hoạt động xúc tiến việc làm, đẩy mạnh XK vào thị trường này luôn được đặc biệt quan tâm.

z4255475433191-8001b9ab7abb3eb20212c7c64393315920230422105528.jpeg -0
Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam.

Trung Quốc hiện là thị trường XK lớn nhất của nông sản Việt Nam. Trong năm 2023, nổi bật nhất là nhóm mặt hàng rau quả, Trung Quốc hiện chiếm gần 54% tổng giá trị XK rau quả của Việt Nam; trong đó có tới 90% sản lượng trái vải XK, 80% sản lượng thanh long XK. Năm 2023, riêng XK sầu riêng sang Trung Quốc đạt tới 2,3 tỷ USD. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ hơn 90% sản lượng sắn và sản phẩm chế biến từ sắn của Việt Nam; hơn 70% sản lượng cao su XK và là thị trường XK thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam. "Năm 2023, ghi nhận XK sầu riêng sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng mạnh. Với sự thành công của trái sầu riêng, thì các loại trái cây khác có thế mạnh của chúng ta có thể đạt được kết quả tốt hơn trong năm 2024 và những năm tiếp theo", đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh kỳ vọng.

Ông Lê Thanh Hoà, Phó Cục trưởng, Cục Chất lượng, chế biến và phát triển nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đánh giá, XK nông sản sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong năm 2023 với mức tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm trước là nhờ nhiều Nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được ký kết trong năm 2022, giúp nhiều loại nông sản đã được XK chính ngạch vào thị trường này. Cùng với đó, Trung Quốc bãi bỏ chính sách Zero COVID, giúp quá trình thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa, nhanh chóng, thuận lợi hơn.

"Bộ NN&PTNT đang tích cực phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) gấp rút hoàn thiện hồ sơ mở cửa thị trường đối với 6 sản phẩm là trái cây có múi (bưởi, cam, quýt…), dừa, sầu riêng cấp đông, ớt, dược liệu và thủy sản đánh bắt tự nhiên. Khi 6 mặt hàng này được xuất khẩu chính ngạch, sẽ tạo dư địa tăng trưởng doanh thu hàng tỷ USD cho ngành nông nghiệp" ông Hoà nhấn mạnh.

Để chinh phục thị trường, ông Hoà cho rằng phải quản lý thật tốt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, người nông dân, doanh nghiệp cần phải tuân thủ và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của thị trường nhập. Hiện, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương triển khai nhiều biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu, từ đó giữ vững và từng bước mở rộng thị phần XK tại thị trường này. Cụ thể, thường xuyên cập nhật thông tin về nhu cầu thị trường và các quy định của phía Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh.

Để XK bền vững, ông Hoà mong muốn nhận được thông tin từ các Tham tán, các địa phương, doanh nghiệp để có những kiến nghị, đề xuất sát với nhu cầu thực của thị trường. Theo đó, người dân và doanh nghiệp cập nhật, đáp ứng ngày càng tốt hơn những yêu cầu của thị trường và người dân trong nước. Kết nối hiệu quả sẽ gia tăng XK, đưa nông sản Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm OCOP vươn xa hơn nữa, thâm nhập các thị trường trên thế giới. Hiện, các siêu thị lớn đã có 1 quầy để giới thiệu nông sản và sản phẩm OCOP của Việt Nam.

Phan Đức
.
.
.