Nhiều giải pháp phục hồi và bảo vệ rạn san hô ở vịnh Nha Trang

Thứ Ba, 26/07/2022, 12:50

Trao đổi với PV Báo CAND ngày 26/7, ông Nguyễn Sỹ Khánh, Chủ tịch UBND TP Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết, đã có báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa về các giải pháp xử lý tình trạng suy giảm rạn san hô ở Khu bảo tồn biển (BTB) Hòn Mun nói riêng và vịnh Nha Trang nói chung theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa.

Theo đó, từ ngày 25/6, Ban Quản lý (BQL) vịnh Nha Trang đã  phối hợp Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga khảo sát, đề xuất giải pháp bảo tồn rạn san hô và bãi đẻ rùa biển ở Đầm Già – Hòn Tre, tiếp tục trồng và phục hồi san hô thí điểm ở Khu BTB Hòn Mun và một số nơi để xây dựng phương án phục hồi trên diện rộng trong vịnh Nha Trang theo phương pháp ứng dụng đặc điểm sinh sản vô tính của san hô; phối hợp Viện Nghiên cứu Khoa học Công nghệ khai thác thủy sản Nha Trang khảo sát, trồng và phục hồi san hô tại Hòn Mun bằng phương pháp Biorock, kích thích điện tích hình thành các bề mặt phù hợp cho các hợp tử san hô bám vào và phục hồi cá thể mới theo ứng dụng đặc điểm sinh sản hữu tính của san hô.

          Nhiều giải pháp phục hồi và bảo vệ rạn san hô ở vịnh Nha Trang -0
Hoạt động lặn biển tại tại Khu BTB Hòn Mun và một số nơi ở vịnh Nha Trang đã tạm dừng để phục hồi, bảo vệ rạn san hô.

Cùng với việc kiện toàn Quy chế phối hợp quản lý nhà nước trên vịnh Nha Trang; BQL vịnh Nha Trang đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, cảnh quan vịnh Nha Trang gắn với “Mô hình quản lý, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa ở các đảo trên địa bàn phường Vĩnh Nguyên”; hướng dẫn và giám sát hoạt động lặn biển của các doanh nghiệp du lịch dịch vụ bảo đảm giảm thiểu tối đa tác động bất lợi đến hệ sinh thái rạn biển.

Bên cạnh đó, BQL vịnh Nha Trang tiến hành lắp phao phân vùng, gắn biển bảo hiệu khu vực phục hồi san hô; phối hợp Bộ đội Biên phòng, Công an, Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa tuần tra kiểm soát xuyên suốt ngày đêm để bảo vệ Khu BTB Hòn Mun và vịnh Nha Trang, trong đó có lắp camera sử dụng năng lượng mặt trời để giám sát Khu BTB Hòn Mun.

          Nhiều giải pháp phục hồi và bảo vệ rạn san hô ở vịnh Nha Trang -0
Cán bộ, chiến sĩ Phòng CSGT Công an tỉnh Khánh Hòa tuần tra kiểm soát trên vịnh biển Nha Trang.   Ảnh : Hữu Toàn.

Về giải pháp lâu dài, UBND TP Nha Trang đề nghị thành lập Ban điều phối cấp tỉnh về bảo vệ đa dạng sinh học Khánh Hòa, trong đó có vịnh Nha Trang; xây dựng phương án liên kết, hợp tác quản lý vịnh Nha Trang theo hướng xã hội hóa, mô hình quản trị công tư. Gần đây, UBND TP Nha Trang đã và đang phối hợp Quỹ Môi trường Toàn cầu tại Việt Nam (GEF) khảo sát đánh giá hoạt động bảo tồn vịnh Nha Trang.

Thời gian tới GEF sẽ tổ chức hội thảo quốc tế về bảo tồn với sự tham gia của nhiều tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học…để huy động giải pháp bảo vệ, phát triển hệ sinh thái vịnh Nha Trang… Ngoài ra, BQL vịnh Nha Trang xây dựng kế hoạch điều tra, khảo sát, đánh giá định kỳ về tác nhân gây suy giảm rạn san hô ở vịnh Nha Trang để có cơ sở nâng cao hiệu quả quản lý lâu dài, bền vững…

Liên quan tình trạng suy giảm rạn san hô tại Khu BTB Hòn Mun trong vịnh Nha Trang, trước đó Báo CAND đã có bài viết “Cần bảo vệ hiệu quả rạn san hô tại các khu danh thắng, bảo tồn biển”. Sau một cuộc họp với UBND và các sở, ban, ngành, cơ quan, địa phương liên quan cùng các chuyên gia, nhà khoa học, cuối tháng 6/2022, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa đã có kết luận chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện một số giải pháp, biện pháp bảo tồn rạn san hô trong vịnh Nha Trang. Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa nhấn mạnh, theo Quyết định 742/QĐ-TTg ngày 26/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống Khu BTB Việt Nam đến năm 2020, vịnh Nha Trang là một trong 16 Khu BTB quốc gia và cũng là Khu BTB đầu tiên của Việt Nam. Do đó, việc bảo tồn, giữ gìn và phục hồi hệ sinh thái biển đa dạng tại vịnh Nha Trang, trong đó có rạn san hô tại Khu BTB Hòn Mun là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, lâu dài, nhất là trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: “Xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa phải dựa trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên biển, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Hữu Toàn
.
.
.