Sưu tầm tranh nghề chơi cũng lắm công phu

Thứ Tư, 18/01/2023, 10:32

Nền hội họa Việt Nam có cách đây cả trăm năm, nhưng chỉ dăm bảy năm trở lại đây mới thực sự có thị trường tranh. Mặc dù tác phẩm thì khá phong phú và đa dạng, nhưng nhà sưu tầm tranh cổ ở Việt Nam không có nhiều, theo như những người làm nghề, con số này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Câu chuyện về những nhà sưu tập tranh hiện nay đa phần được kế tục từ gia đình hay một vài họa sĩ trẻ hiểu biết về hội họa, đam mê vì nhìn thấy đây là một thị trường tiềm năng, giá trị thặng dư cao. Nhưng, để sở hữu cho mình một bộ sưu tập tranh cổ thật là khó. Khó bởi đồ cổ là quý hiếm, mà cái gì quý hiếm thì thường đắt đỏ, không phải ai cũng dám chi một khoản lớn. Đấy là chưa kể, có cung có cầu, hiện tượng sao chép, làm giả tranh cũng khiến cho nhà sưu tầm và khách hàng e ngại trong thời buổi hội họa hỗn loạn như hiện nay.

Vô tình “nhặt” được tranh quý

Với những người yêu tranh ở Hà Nội, họ thường truyền tai nhau câu chuyện về “Cafe Lâm”, nơi mà trước đây ông chủ này vô tình “nhặt” được những tác phẩm vàng của các bậc tiền bối trong làng hội họa. Đấy là khi người ta cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, việc hút được điếu thuốc lá, nhâm nhi một ly cafe là điều xa xỉ thì cafe Lâm lại là đại bản doanh của những cây đa, cây đề trong làng hội họa tụ họp. Những Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Văn Cao, Hoàng Lập Ngôn, Bùi Xuân Phái… để trả ơn người chủ cửa hàng tốt bụng. Khi ấy, tiền là một thứ không sẵn nên họ đã vẽ tranh tặng ông. Và nghiễm nhiên ông trở thành chủ của kho tranh “khổng lồ”, mà chính ông không ngờ những bức họa ấy lại là một gia tài đồ sộ vô cùng giá trị sau này.

Sưu tầm tranh nghề chơi cũng lắm công phu_ANTG_TET_T33 -0
Tác phẩm “Thiếu nữ và chú mèo” của họa sĩ Linh Chi, khóa mỹ thuật 1950-1954.

Trong những lần sang chơi nhà vợ chồng đạo diễn, NSND Thanh Vân - NSND Nhuệ Giang ở một căn gác trên ngõ phố Phan Chu Trinh, trong căn phòng ăm ắp không khí nghệ thuật là những bức tranh của cụ Phái (họa sĩ Bùi Xuân Phái). Cụ vẽ Thị Mầu trên chiếu chèo. Cụ vẽ khu phố cổ Hà Nội, có “ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó”. Những bức tranh đi qua năm tháng, khoác lên màu chiếc áo thời gian. NSND Nhuệ Giang kể, bố chị là NSND Phạm Văn Khoa và họa sĩ Bùi Xuân Phái là hai người bạn, cụ Phái khi còn sống thường sang nhà chơi là thi thoảng ông lại tặng tranh. Cả họa sĩ Bùi Xuân Phái khi ấy và đạo diễn Phạm Văn Khoa cũng không ngờ sau này những bức tranh của cụ Phái lại trở thành món đồ nghệ thuật cực giá trị. Mặc dù sau này một số người tìm đến và hỏi mua tranh với giá cao nhưng vợ chồng chị nhất quyết không bán mà lưu giữ tranh cụ Phái như một kỉ niệm về một thời đã qua không thể nào quên.

Có một câu chuyện thú vị khác của nhà báo, đạo diễn Lê Hoàng (bút danh Lê Thị Liên Hoan) do chính anh kể. Anh bảo anh không biết nên vui, nên buồn, nên tiếc nuối, nên ngậm ngùi hay nên bình thường vì mọi chuyển xảy ra tự nhiên như thể. Số là cách đây mấy chục năm, lúc ấy Lê Hoàng là một cậu học trò mảnh khảnh con nhà nghèo, muốn ra Hà Nội học nhưng việc đi xe lửa lúc ấy mất nhiều ngày mà sức khỏe kém nên cậu rất muốn gia đình mua cho mình một tấm vé máy bay. Nhưng ăn còn chả đủ, tiền đâu mà mua vé máy bay? Hôm đó, bố cậu buột miệng bảo: “Hôm nay nhà ta sẽ có một người bạn bố từ Hà Nội đến chơi, ông chuyên mua tranh đấy”. Lê Hoàng hớn hở hỏi bố: “Nhà ta có tranh nào bán không?”. Bố cậu bảo: “Nhà mình chả có tranh nào, nhưng bố biết có một bức tranh của nhà người bạn bố mà ông mua tranh này sẽ mua. Bố xin thì người bạn này sẽ cho ngay”. Bố anh nói rồi đi đâu đó một lúc sau mang về một bức tranh.

Người đàn ông kia đến, sau này ông chính là nhà sưu tập tranh nổi tiếng của Hà Nội - Đức Minh (trước đây vốn là chủ 7 tiệm kim hoàn ở Hà Nội). Ông bước lên trên gác xem qua bức tranh sơn mài rồi trả số tiền không mua nổi tấm vé máy bay, gia đình không bán. Ông đang đi xuống cầu thang rồi lại đi lên và lần này trả giá tiền đủ để mua một tấm vé máy bay. Sau khi ông trả tiền, cầm bức tranh về, cả gia đình vui sướng vì dù sao số tiền cũng đã đủ mua cho con mình một tấm vé. Cậu thanh niên là Lê Hoàng lúc đó cầm tấm vé máy bay, vô cùng vui sướng. Nhiều chục năm sau Lê Hoàng mới biết đấy là bức tranh sơn mài nổi tiếng “Những cô gái bên hồ Gươm” của danh họa Nguyễn Gia Trí. Bức tranh nhiều chục năm sau có giá trị lớn đến độ là cả một gia tài mà nhiều người mơ không thấy. Hiện bức tranh ấy đang nằm ở bảo tàng sưu tầm tranh Bùi Quốc Chí, con trai út của cụ Đức Minh. Và anh Chí cũng xác nhận việc này. Trong một phút ngẫu hứng, nhà sưu tập Bùi Quốc Chí đã nói với đạo diễn Lê Hoàng: “Đây là câu chuyện chưa đến hồi kết mà còn những trang tiếp theo. Đã có những câu chuyện không phải vì tiền mà vì một lí do khách quan nào đấy, tranh lại quay về với chủ cũ”.

Sưu tầm tranh nghề chơi cũng lắm công phu_ANTG_TET_T33 -0
Tranh màu nước của họa sĩ Lưu Công Nhân vẽ năm 1990.

Những bức họa Việt giá triệu đô

Nghệ thuật luôn là điều bất ngờ và hội họa thì còn bất ngờ hơn thế. Không ai nghĩ rằng, rồi đến một lúc nào đó những bức tranh được đem tặng nhau lại có giá trị về mỹ thuật và kinh tế nhiều đến vậy. Trong cuộc đấu giá tổ chức tại Việt Nam, đã có những bức được đấu với con số cao chót vót như bức: “Vỡ mộng” của Tô Ngọc Vân và “Khỏa thân” của Lê Phổ lần lượt mang về 1,1 triệu USD và 1,4 triệu USD, hay “Chín con cá chép trong hồ nước” của Phạm Hậu đạt 1 triệu USD… Sau đấy có bức phá mốc triệu đô để sang mốc khác nhiều triệu đô như “Chân dung cô Phương” có giá lên đến 3,1 triệu USD. Nhiều nhà sưu tập cũng vô cùng ngỡ ngàng khi những bức tranh cổ được đẩy lên giá cao.

Nhà sưu tầm tranh Bùi Quốc Chí chia sẻ: “Chúng ta bắt đầu mới có thị trường tranh khoảng 5 năm, 7 năm gần đây thôi. Ngày xưa chưa được gọi là thị trường vì nó lẻ tẻ. Có một vài điều kiện khách quan. 5 năm qua ngành chứng khoán, kinh doanh bất động sản và kinh doanh các mặt hàng khác tốt lên thì nghệ thuật phải có tiền dư thóc thật mới chơi được. Và lúc trước có một số người thiên về chơi đồ cổ, đã có nhiều chục năm chơi đồ cổ, sau đó cũng một vài lí do, thứ nhất là người ta chơi cái gì nhiều rồi thì cũng thấy đủ, thứ hai nữa là 90% lượng đồ cổ là đồ tùy táng hoặc là ở đình chùa, sau một vòng chơi của nhiều thập kỉ thì người ta tổng kết lại thường có những điều không được may mắn lắm, nếu như anh không hợp duyên với món đồ đó. Thừa nhận là sau này ý thức về văn hóa của người Việt mình được nâng cao, khi anh no ấm rồi thì nghĩ đến nghệ thuật. Tất cả những điều đó hội tụ lại bắt đầu người ta tìm đến tranh. Đã có cầu thì phải có cung. Ngoài ra, những người sưu tập tranh như chúng tôi đâu bán rao chào mời trên mạng, lại phải có giới trung gian tìm mua tranh để họ về bán cho những người cần mua tranh, và từ đó tạo ra chợ sôi động. Có người mua, có người bán. Và từ đó bắt đầu có cái gọi là thị trường tranh”.

Nhà sưu tầm trung gian

Tôi biết đến nhà sưu tầm tranh Mai Trọng Nghĩa (Lĩnh Nam - Hà Nội) qua những bộ tranh quý của Nghĩa giới thiệu qua một vài người bạn. Tìm đến phòng tranh của Nghĩa, tôi thấy những bức tranh của các họa sĩ qua nhiều thời kì hội họa Việt Nam, những bức tranh cũ kĩ nhưng có sức nặng về giá trị. Không thấy tranh giai đoạn đầu hội họa 1925-1945, mà chủ yếu ở giai đoạn giai đoạn 1945-1975, giai đoạn hiện đại, hậu đổi mới mới 1990-2009.

Thấy tôi thắc mắc, anh nói: “Trong số tranh của bộ tứ Đông Dương: Phổ - Thứ - Lựu - Đàm, hay kế cận là Trí - Lân - Vân - Cẩn, là cái gì đó thực sự xa xỉ với những nhà sưu tập trẻ như tôi. Tôi tập trung tìm tòi và sưu tầm một ít tranh Đông Dương của cụ Nguyễn Tiến Chung, cụ Phái, cụ Nguyễn Huyến, Mai Long, Linh Chi và bộ tứ mỹ thuật kháng chiến (Nhân - Hòa - Hậu - Kiệm), vừa sức với kinh tế cũng đủ thỏa mãn sự đam mê”.

Nói đến từ “tranh cổ”, nhà sưu tầm Mai Trọng Nghĩa tranh luận: “Tranh cổ, thực sự theo tôi hơi khiên cưỡng khi phải dùng từ đó. Tuy nhiên, nếu phải xét theo khía cạnh “cổ vật”, thì theo tham chiếu đồ cổ, quy ước chung với đồ sứ niên đại 100 năm, đồ gỗ 80 năm, đồ đồng 60 năm mới được coi là đủ tuổi “cổ”, thì tranh Việt ta cứ lấy mốc lịch sử 1925 thời điểm ông Nam Sơn và họa sĩ Victor Tardieu thành lập École des Beaux-Arts de l’Indochine (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Vậy chỉ số ít những bức tranh được các họa sĩ thời đó vẽ (tính cho đến những năm 1945), đó mới được tạm gọi là những bức tranh “cổ”. Số lượng những tác phẩm được gọi là “cổ” này rất hiếm, rất quý; tất cả các nhà sưu tập đều ao ước sở hữu, nhưng chắc chắn không phải ai cũng có được.

Nghĩa bảo: “Thị hiếu của người mua tranh thời nào cũng vậy, đều rất mộ điệu và hướng tới những bức tranh thật (tranh gốc). Trước đây thị trường tranh chưa sôi động thì tranh thật nhiều, tranh giả có ít thôi. Giờ thì ngày càng trở nên lộn xộn hơn. Nên người mua thường đòi hỏi những bức tranh có nguồn gốc rõ ràng đảm bảo, trước khi quyết định xuống tiền để “chiêu mộ”.

Trần Mỹ Hiền
.
.
.