Những hình phạt ngoài “ngũ hình” thời xưa
Đọc về hình luật thời phong kiến, chúng ta đều biết có “ngũ hình” gồm các hình phạt xuy (đánh roi), trượng (đánh bằng gậy), đồ (lao động khổ sai), lưu (đày đi biệt xứ) và tử. Tuy nhiên, trong lịch sử nước ta, cũng có những thời kỳ triều đình đưa ra những hình phạt đặc biệt ngoài 5 hình thức nói trên.
Như đọc trong sử sách, có thể thấy thời Triệu, các vua họ Triệu đã cho bỏ hình phạt cũ như thích chữ, cắt mũi, dùng pháp luật nhà Hán như các nước khác ở Trung Nguyên.
Hay sang thời Đinh, vua Đinh Tiên Hoàng muốn dùng uy chế ngự thiên hạ, đã đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ trong cũi, hạ lệnh rằng: "Kẻ nào trái phép phải chịu tội bỏ vạc dầu, cho hổ ăn". Mọi người thấy thế đều sợ phục, không ai dám phạm.
Vua Lê Ngọa Triều ở thời Tiền Lê bị sử sách ghi là có tính hiếu sát. Với những tội nhân bị hành hình, vị vua này đã áp dụng những hình phạt tàn khốc, như sai lấy cỏ tranh quấn vào người mà đốt, để cho lửa cháy gần chết, hoặc sai kép hát người Tống là Liêu Thủ Tâm lấy dao ngắn dao cùn xẻo từng mảnh, để cho không được chết chóng. Người ấy đau đớn kêu gào thì Thủ Tâm nói đùa rằng: "Nó không quen chịu chết" khiến vua cả cười. Đi đánh dẹp bắt được tù thì vua cho giải đến bờ sông, khi nước triều rút, sai người làm lao dưới nước, dồn cả vào trong ấy, đến khi nước triều lên, ngập nước mà chết; hoặc bắt trèo lên ngọn cây cao rồi chặt gốc cho cây đổ, người rơi xuống chết. Vua thân đến xem lấy làm vui. Có lần vua đi đến sông Ninh, sông ấy nhiều rắn, vua sai trói người vào mạn thuyền, đi lại giữa dòng muốn cho rắn cắn chết.
Thời Lý, dù đến thời vua Lý Thái Tông, năm 1042 mới bắt đầu ban hành bộ hình luật đầu tiên là Hình thư, nhưng theo “Đại Việt sử ký toàn thư” trước đó, năm 1040, đã có sự kiện “Mùa đông, tháng 10, mở hội La Hán ở Long Trì, đại xá thiên hạ, tha tội lưu, tội đồ và một nửa tiền thuế cho thiên hạ”. Như vậy, các hình phạt lưu, đồ đã được áp dụng từ đầu triều Lý.
Dù sử sách ghi về sự ra đời Hình thư của triều Lý, nhưng sau này các sách chép bộ luật này không còn, nên chúng ta không biết chi tiết về các hình phạt, điều luật thời bấy giờ. Chỉ xem qua chính sử, có thể thấy triều đình nhà Lý đã áp dụng những hình phạt khắc nghiệt, ít thấy trong các thời đại khác, như hình phạt “thượng mộc mã” thời vua trẻ Lý Anh Tông, năm 1150.
Khi đó, Đỗ Anh Vũ là Thái úy phụ chính, nhờ vợ là Tô Thị ra vào cung cấm hầu hạ Đỗ Thái hậu, nhân đó mà tư thông với Lê Thái hậu (mẫu hậu của Anh Tông), nên tha hồ kiêu rông, ở triều đình thì khoát tay lớn tiếng, sai bảo quan lại thì hất hàm ra hiệu, mọi người liếc nhau chứ không ai dám nói. Quan điện tiền đô chỉ huy sứ là Vũ Cát Đái, chức hỏa đầu đô Quảng Vũ là Lương Thượng Cá, chức hỏa đầu đô Ngọc Giai là Đông Lợi, chức nội thị là Đỗ Ất, cùng với bọn Trí Minh vương, Bảo Ninh hầu, phò mã lang Dương Tự Minh... cùng hợp mưu bắt giam Anh Vũ. Tuy nhiên Thái hậu tìm cách gỡ tội, khiến Đỗ Anh Vũ nhanh chóng được phục chức rồi quay lại báo thù, khiến nhà vua xuống chiếu giáng Trí Minh Vương làm tước hầu, Bảo Ninh Hầu làm tước minh tự, Bảo Thắng hầu làm phụng chức, nội thị là bọn Đỗ Ất gồm 4 người bị “thượng mộc mã” (cưỡi ngựa gỗ, tức đem tội nhân đóng đinh lên ván, bêu ở chợ rồi sau mới tùng xẻo da thịt); bọn hỏa đầu đô Ngọc Giai là Đồng Lợi gồm 8 người bị chém ở chợ Tây Giai; bọn điện tiền đô chỉ huy Vũ Cát Đái gồm 20 người bị chém bêu đầu ở các bến sông; bọn phò mã lang Dương Tự Minh gồm 30 người bị tội lưu ở nơi xa độc; những người dự mưu đều bị tội đồ làm điền hoành, khao giáp ...
Theo các sử quan thời Lê, thì hình phạt “thượng mộc mã” cũng chỉ thấy nhắc đến thời cổ ở Trung Quốc, chứ không thấy nhắc ở các triều đại nước ta.
Hình luật thời Trần hiện cũng không còn để lại về sau, nhưng theo chính sử để lại thì cũng áp dụng các hình phạt tương tự thời Lê. Đặc biệt, trong vụ xử Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư về tội thông dâm với công chúa Thiên Thuỵ (vợ Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn là con trai Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn), “Toàn thư” chép rằng: “Vua sợ phật ý Quốc Tuấn, mới sai người đánh chết Khánh Dư ở Hồ Tây, nhưng lai dặn chớ đánh đau quá, để không đến nỗi chết. Ít lâu sau xuống chiếu đoạt hết quan tước, quân tịch, thu tài sản không để lại cho một chút gì”.
Có sách nói để cứu cho vị vương được nhận làm “Thiên thử nghĩa nam” (con nuôi của vua) này, Trần Thánh Tông đã ngầm hạ lệnh cho lính đánh chúc đầu gông xuống, nhờ thế mà dù bị đánh 100 roi, Trần Khánh Dư vẫn sống. Theo luật thời đó, qua 100 roi mà không chết, nghĩa là trời tha, nhờ vậy mà vị vương này đã được miễn tội chết.
Trong chiến dịch vua Trần Anh Tông đem quân đánh Chiêm Thành năm 1312, có xuất hiện một hình phạt cũng hiếm thấy ghi trong lịch sử và cũng liên quan tới Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư. Khi đó, sử ghi: “Vua đến Câu Chiêm dừng lại. Đoàn Nhữ Hài sai người tới chỗ trại chủ, nói rõ ý yêu cầu quốc chủ ra hàng. Trại chủ báo cáo với Chế Chí. Chế Chí nghe theo, đem gia thuộc đi đường biển tới hàng. Nhân Huệ vương đem quân đuổi theo. Đoàn Nhữ Hài lập tức chạy thư tâu rằng: "Khánh Dư định cướp công vua". Vua giận lắm, sai bắt giám quân của Khánh Dư là Nguyễn Ngỗi đem chặt chân. Nhân Huệ vương sợ, đến ngự doanh tạ tội và nói rằng: "Thần sợ nó đến giữa biển lại đổi bụng khác, nên mới chặn đằng sau thôi". Nhờ đó, vua mới nguôi giận. Sử cũng không ghi rõ viên giám quân kia bị chặt chân rồi tính mạng có giữ được hay không.
Thời vua Trần Minh Tông, Thiếu bảo Trần Khắc Chung vì muốn ủng hộ Minh Từ Hoàng thái phi Lê thị, đồng hương của ông để đưa con bà là Trần Vượng lên ngôi Hoàng Thái tử, đã hãm hại chết Thái tể Thượng phụ là Huệ vũ Đại vương Trần Quốc Chẩn, cha của Lệ Thánh Hoàng hậu. Đến năm 1330, khi Trần Khắc Chung qua đời, tặng làm Thiếu sư, đưa về chôn ở Giáp Sơn (Kinh Môn, Hải Dương), đã bị gia nô của Thiệu Vũ (con của Trần Quốc Chẩn) trả thù bằng cách đào mồ lên mà băm xác. Việc này cũng không thấy pháp luật trừng trị gì cả.
Thời Hậu Lê, sử sách ghi có tồn tại hình phạt chặt tay. Như theo “Toàn thư”, sau khi đánh thắng giặc Minh, lên ngôi Hoàng đế, năm 1429, Lê Thái Tổ đã ban chỉ dụ trị tội những kẻ đánh bạc, du thủ, du thực, đàn đúm, chơi bời… nhằm động viên nhân dân chăm chỉ làm ăn, tái thiết đất nước. Chỉ dụ viết rằng: "Kẻ nào du thủ du thực, đánh cờ đánh bạc thì quan ty và quân dân bắt nộp để trị tội. Đánh bạc thì chặt năm ngón tay, đánh cờ thì chặt một phân ngón tay".
Những năm đầu thời Hậu Lê, pháp luật rất nghiêm, kể cả tội ăn trộm cũng có thể bị xử tử, dù theo luật tội này chưa đến mức ấy. Như thời vua Lê Thái Tông, năm Thiệu Bình thứ nhất (1434), có tên Trình Đường vì phạm tội ăn trộm ban ngày nên bị nhà vua yêu cầu xử chém. Bọn Chính sự viện đồng tham nghị là Nguyễn Hân tâu rằng: "Tên Đường trộm cắp giữa ban ngày, nhưng theo luật không đáng xử tử, không nên giết hắn", nhưng nhà vua không nghe.
Thời nhà Nguyễn cũng có những vụ án tương tự, như vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), lính vệ Cẩm y có kẻ ăn trộm bị lính tuần bắt được. Vua giận lắm, nói rằng: “Cẩm y là quân túc vệ, trẫm đãi rất hậu, mà còn dám trộm cắp như thế, chẳng những là phụ ơn nuôi nấng mà còn không coi pháp luật vào đâu, nên theo quân luật mà xử”. Bèn sai đem tên đó chém ở chợ Đông. Cấp trên của hắn là Chưởng cơ Nguyễn Văn Quyền phải giáng một cấp.
Năm Minh Mạng thứ 11 (1830), bộ Hình của triều Nguyễn cũng dâng lên nhà vua một án ăn trộm, kẻ này giữa ngày khánh tiết ăn trộm ở trước thể lâu. Vua ghét quá, sai cắm tên nỏ vào hai tai hắn, dắt đi khắp phố cho mọi người biết, rồi sai đánh 100 côn hồng, xử tội trảm giam hậu.
Trở lại với hình phạt chặt ngón tay thời nhà Lê, thì theo “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, đến năm 1721, đời vua Lê Dụ Tông, chúa Trịnh Cương mới cho bãi bỏ hình luật chặt ngón tay.
Các sử quan triều Nguyễn biên soạn “Cương mục” chú giải rằng, theo luật triều Lê, pháp luật thường hành có 5 hình danh (xuy, trượng, đồ, lưu, tử như đã nói ở trên). Đến trước thời Lê Dụ Tông lại thêm hình phạt chặt ngón tay, dùng phép quá nặng. Do đó, phủ chúa hạ lệnh: Những phạm nhân bị luận vào tội chặt ngón tay rồi đày (lưu) đi một nơi, nay đều giảm xuống làm tội đồ cư tác (Phạm nhân bị giữ ở chỗ bị đày theo thời hạn đã định trong án văn và phải làm mọi việc nặng nhọc), niên hạn định theo tội phạm nặng hay nhẹ: phạm nhân phải luận vào tội chặt hai tay và lưu đi viễn châu, nay đổi làm tội đồ cư tác chung thân; phạm nhân phải luận vào tội chặt một tay và lưu đi ngoại châu, nay đổi làm tội đồ cư tác 12 năm; phạm nhân phải luận vào tội chặt 2 ngón tay và lưu đi cận châu, nay đổi làm tội đồ cư tác 6 năm. Những người phạm tội trộm, cướp không theo thể lệ này.
Còn trong các hình phạt “tử”, trong Bộ luật Hồng Đức thời Lê, ngoài các hình thức “giảo” (thắt cổ) và “trảm” (xử chém, còn quy định hình thức “lăng trì” (xẻo thịt đến chết). “Lăng trì” được định nghĩa là “một cực hình ngoài mức cực hình” (lăng trì giả cực hình ngoại chi cực hình). Sang thời Nguyễn, vua Gia Long đã từng tuyên bố: “Ngày nay vĩnh viễn bỏ nhục hình, vĩnh viễn bỏ độc hình, chỉ còn giữ lại hình phạt ghế khiếp, ngoài hết thảy mọi ghế khiếp này là bằng cách trảm kẻ bất trung, bất hiếu mà thôi”.
Sang đến thời vua Tự Đức, vào năm Tự Đức thứ 25 (1872), nhà vua đã chỉ dụ cho các cơ quan xử án về việc cấm dùng hình phạt ngoài luật pháp như sau: “Từ nay về sau, phàm các nha xét hỏi hình án, tra hỏi tội phạm, trừ khi nào theo đúng phép khảo tra, gặp phải đến chết và sau khi đánh mà kẻ tù phạm tự vẫn chết thì theo như luật không bắt tội ra không kể. Nếu dùng hình phạt ngoài pháp luật, thành ra thảm khắc, như loại ngựa sắt của Lê Huy Tuân, chuồng gỗ của Trần Vũ, để đến nỗi sau khi khổ quá, kẻ tù phạm không chịu nổi, vì thế mà đến phải chết, thì nếu tù ấy phải tội xử tử, quan tra khảo phải tội phạt 60 trượng, đồ 1 năm; tù ấy phải tội lưu, thì quan tra khảo phạt 70 trượng, đồ 1 năm rưỡi; tù ấy phải tội đồ, quan tra hỏi phải 80 trượng, đồ 2 năm; tù ấy phải phạt trượng trở xuống, thì quan tra khảo phải phạt 90 trượng, đồ 2 năm rưỡi; phải tội phạt xuy trở xuống, thì quan tra khảo phải phạt 100 trượng, đồ 3 năm, đều phải chiếu luật truy thu tiền mai táng 10 lạng bạc, cấp cho nhà người bị chết để chôn cất”.