Nguyễn Văn Toàn và bài học về sự lựa chọn với cầu thủ Việt Nam

Thứ Tư, 22/11/2023, 14:47

Nguyễn Văn Toàn ước rằng anh sang Hàn Quốc thi đấu sớm hơn, nhưng tiền đạo này cũng không ngần ngại trở về nước chỉ sau 1 năm vì cảm thấy không phù hợp. Những gì cựu ngôi sao HAGL thể hiện, bên cạnh các tấm gương khác cho thấy bài học lớn về sự lựa chọn với cầu thủ Việt Nam.

Sự lựa chọn của Văn Toàn

Trong lứa cầu thủ tốt nghiệp khóa 1 Học viện HAGL-JMG, Nguyễn Văn Toàn nổi muộn nhất, nhưng có lẽ lại là người bền bỉ nhất. Nổi lên muộn và không thực sự trở thành ngôi sao lớn như những Công Phượng, Tuấn Anh hay Xuân Trường, Văn Toàn cũng xuất ngoại chậm nhất so với bạn bè.

anh 1.jpeg -0
Cầu thủ Văn Toàn xuất ngoại quá muộn so với đồng đội cùng trang lứa.

Phải đến khi hết hợp đồng với HAGL, Văn Toàn mới dám tiến ra nước ngoài. Nhưng điểm khác biệt của Văn Toàn với các ngôi sao lớn khác của Việt Nam nằm ở chỗ, anh biết cách lựa chọn. Văn Toàn xác định xuất ngoại để chơi bóng, để làm dày thêm kinh nghiệm và vốn sống. Ở tuổi 27, anh hiểu rằng bản thân gần như đã chạm trần nhưng vẫn muốn có những trải nghiệm mới mẻ.

Đó là lý do tại sao Văn Toàn chọn bến đỗ khiêm tốn mang tên Seoul E-land ở giải hạng 2 Hàn Quốc. Không chỉ so với các đồng đội ở HAGL, so với các ngôi sao Việt Nam xuất ngoại trong những năm gần đây, lựa chọn của Văn Toàn thấp hơn đáng kể.

Nguyễn Quang Hải rời Hà Nội FC để đến Pau FC của Pháp. Cũng là giải hạng 2, nhưng trình độ bóng đá của Pháp hơn xa Hàn Quốc. Môi trường châu Âu cũng danh tiếng hơn nhiều so với châu Á. Tương tự như vậy, Đoàn Văn Hậu tiến thẳng đến Heerenveen của Hà Lan ở tuổi 20. Lương Xuân Trường thử sức ở Incheon United, Gangwon FC - đều ở giải VĐQG Hàn Quốc trước khi đầu quân cho ông lớn của Thái Lan Buriram United.

Nguyễn Công Phượng đi từ Nhật Bản, Hàn Quốc cho đến Bỉ trong màu áo Mito HollyHock, Incheon United và Sint-Truiden. Trong khi đó, Nguyễn Tuấn Anh cũng có thời gian ngắn ở Yokohama FC.

Ngoại trừ Nguyễn Quang Hải, điểm chung của các ngôi sao trên đều là tìm bến đỗ dựa nhiều vào quan hệ. Từ đó, giới mộ điệu tin rằng họ không ra đi vì mục đích bóng đá thuần túy như Văn Toàn.

anh 2.jpg -0
Cầu thủ Văn Toàn ít nhiều gây ấn tượng ở Seoul E-land.

Quang Hải khác biệt, nhưng cái dở của ngôi sao Công an Hà Nội cách đây 1 năm là không tự lượng sức mình. Nhìn vào số trận, số phút thi đấu, đóng góp của Quang Hải và Văn Toàn cho CLB mới của họ là hiểu rõ vấn đề này. Tiền vệ quê Đông Anh hoàn toàn đủ sức tỏa sáng ở nước ngoài nếu anh chọn bến đỗ phù hợp hơn, vừa sức hơn.

Lựa chọn đúng như Văn Toàn không phải là chuyện dễ. Tiền đạo này có thể gạt bỏ những thứ phù phiếm xung quanh, bao gồm cả hợp đồng béo bở để tập trung hoàn toàn vào bóng đá của bản thân. Sự nghiêm túc của Văn Toàn thể hiện ngay qua việc anh chủ động học tiếng Hàn Quốc, tìm hiểu văn hóa địa phương để hòa nhập, thích nghi với CLB mới.

anh 4.jpg -0
Cầu thủ Văn Toàn đang trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Trong vòng 3 tháng đầu tiên, Văn Toàn ra sân tổng cộng 11 trận, trong đó có 4 trận đá chính ở giải hạng 2 Hàn Quốc và kiến tạo 1 bàn. Con số này có thể cao hơn rất nhiều nếu tiền đạo quê Hải Dương không bị chấn thương hành hạ. Đây là khoảng thời gian cực kỳ đáng nhớ với Văn Toàn và người hâm mộ Việt Nam. Giữa lúc các ngôi sao xuất ngoại khác liên tục phải ngồi dự bị hoặc bị loại khỏi đội hình, các màn trình diễn của Văn Toàn tại Hàn Quốc mang đến hy vọng cho cả nền bóng đá, về việc các cầu thủ có thể bứt ra khỏi vùng an toàn mang tên V-League.

Nhưng trước khi đưa ra lựa chọn đúng, Văn Toàn có vẻ đã lựa chọn sai khi ở lại V-League quá lâu. Trong cuộc phỏng vấn mới nhất trên VFF, tiền đạo này thừa nhận anh “ước mình được sang Hàn Quốc sớm hơn”.

“Việc sang Hàn Quốc là niềm mơ ước được thi đấu ở nước ngoài của tôi. Tôi khát khao được thể hiện mình ở một một trường bóng đá khác ngoài Việt Nam. Thực sự với một cầu thủ Việt Nam, 26-27 tuổi mới ra nước ngoài thì tôi nghĩ đó là thời điểm rất muộn. Tôi cũng rất tiếc vì điều đó. Nhưng thực sự tôi không cảm thấy hối tiếc quá nhiều với quãng thời gian ở Hàn Quốc. Cá nhân mình cũng đã cố gắng thích nghi, có một môi trường để được làm quen, thi đấu. Đó là kỷ niệm mà tôi nghĩ đời cầu thủ rất khó để tìm được thử thách như thế”, Văn Toàn chia sẻ.

“Từ khi được tới Hàn Quốc, lúc nào tôi cũng nghĩ ước gì mình được sang đây tập luyện sớm hơn, được đào tạo ở đây sớm hơn. Ý tôi không phải nói môi trường ở Việt Nam không tốt, bởi việc được tập luyện ở lò đào tạo tại Việt Nam cũng giúp chúng tôi phát triển rất nhiều. Nhưng khi sang một môi trường khác, mình nhận ra những người ở đấy đã hơn mình những gì, họ có những điều kiện tốt nhất để phát triển. Mình cũng ước mình được sang đây khi mình ít tuổi hơn, chứ không phải để đến bây giờ. Đó là điều khiến tôi thấy nuối tiếc rất nhiều”.

Bài học cho cầu thủ Việt Nam

Nguyễn Văn Toàn không có gì để tiếc nuối, bởi lẽ anh đã chiến đấu hết mình, chiến đấu đến cùng cho sự lựa chọn của mình. Chỉ khi chấn thương ngăn cản, tiền đạo này mới chấp nhận hồi hương. Đó cũng là thời điểm vị trí của anh ở đội tuyển Việt Nam bị đe dọa. Văn Toàn đã 27 tuổi. Anh không có thời gian để chờ đợi như Văn Hậu, Quang Hải hay Công Ihượng, Xuân Trường trước đây - những người xuất ngoại khi còn trẻ và có vị thế vững chắc ở ĐTQG.

anh 3.jpg -0
Cầu thủ Quang Hải lãng phí cơ hội xuất ngoại vì chọn sai bến đỗ.

“Thực sự sau quãng thời gian bị chấn thương ở tay (khoảng tháng 7), tôi cũng đã suy nghĩ trong đầu về việc trở lại Việt Nam mà chưa cần HLV Troussier nói. Khi đó tôi cũng nghĩ nếu bây giờ về Việt Nam thì rất tiếc, phải mình đã rất nỗ lực để tới Hàn Quốc. Điều đó khiến tôi suy nghĩ rất nhiều”, Văn Toàn nhớ lại.

“Trong đợt về hội quân tiếp theo, HLV Troussier có nói chuyện với tôi. Bản thân mình lúc đó cũng có ý định trở về Việt Nam rồi. Tất nhiên quyết định ra sao là do bản thân mình, bởi tôi đã suy nghĩ rất nhiều trước đó rồi. Dù sao tôi cũng không còn nhiều thời gian thi đấu đỉnh cao nữa, cũng có tuổi rồi, không thể nào cứ chờ đợi được. Vì thế tôi quyết định trở về”.

Công Phượng khuyên Văn Toàn bám trụ lại Hàn Quốc và chọn CLB khác. Ngoài ra, anh cũng nhận được nhiều lời khuyên chân tình khác. Sau cùng, Văn Toàn một lần nữa phải đưa ra lựa chọn. Và lần này, anh dường như đã chọn đúng.

Gia nhập Thép Xanh Nam Định, Văn Toàn tìm lại niềm vui chơi bóng và sự tự tin trên sân cỏ. Vị trí đá chính ở tuyển Việt Nam cũng quay về với anh, và bàn thắng vào lưới Philippines là phần thưởng xứng đáng cho sự quyết đoán của tiền đạo này.

Không riêng gì Văn Toàn, bất cứ cầu thủ nào cũng sẽ đến thời điểm phải đưa ra lựa chọn mang tính quyết định cho cả sự nghiệp. Để lựa chọn đúng, họ trước tiên phải hiểu rõ bản thân mình, trình độ và đẳng cấp của mình đến đâu. Tiếp đến là cân bằng giữa chuyên môn và tài chính.

Trên thế giới, guồng quay cũng như vậy. Ronaldo và nhiều cầu thủ bị chỉ trích đến Saudi Arabia vì tiền, nhưng ở đó, họ hưởng những đãi ngộ đặc biệt không nơi nào có và được đảm bảo ra sân hàng tuần. Ngược lại, có những cầu thủ như Haaaland, Bellingham… sẵn sàng từ chối lời mời béo bở của MU khi còn trẻ để chọn các CLB ít danh tiếng hơn như Dortmund, từ đó phát triển sự nghiệp và tiến lên nấc thang đẳng cấp cao hơn. Bóng đá đã và luôn là như vậy.

Trong vòng chưa đầy 1 năm, Nguyễn Văn Toàn đã đưa ra 2 lựa chọn hoàn toàn đúng đắn - ít nhất là về chuyên môn. Những sự lựa chọn này và cả điều tiếc nuối của Văn Toàn là bài học vô giá cho các đàn em. Bất cứ ngôi sao Việt Nam nào muốn xuất ngoại thành công trong tương lai đều phải nhìn vào đó. Họ cần ra đi đúng thời điểm, và chọn đúng chỗ.

Học nấu ăn để… vượt qua chấn thương

Chấn thương khi xuất ngoại là ác mộng với cầu thủ Việt Nam. Với cơ hội thi đấu vốn đã hạn chế, các cầu thủ Việt Nam xem như bị loại khỏi đội hình khi chấn thương. Nguyễn Văn Toàn không phải là ngoại lệ và điều này khiến anh trải qua thời gian dài stress. Để đối phó với áp lực và tránh lo nghĩ quá mức, cựu tiền đạo HAGL chọn cách lướt Internet và học… nấu ăn, qua đó học thêm ngoại ngữ và vốn sống ở đất khách.

“Ngoài việc lên mạng, tôi còn học nấu ăn rất nhiều. Khi ở Việt Nam, lúc rảnh mình không cần phải nấu nướng gì nhiều, có thể ra ngoài ăn với bạn bè. Nhưng khi sang bên đó, lúc rảnh mình nấu cơm, rồi chăm chút có những điều nhỏ nhặt của cá nhân mà trước giờ mình chưa từng để ý tới. Đồng thời tôi có học thêm tiếng Hàn nữa để giao tiếp với mọi người dễ dàng hơn”, Văn Toàn tiết lộ.

“Thỉnh thoảng tôi hay đi siêu thị. Việc đưa ra siêu thị mua đồ ăn cũng giúp mình giảm stress rất nhiều. Tôi mua rất nhiều thịt bò, thịt gà, có lúc để đầy cả tủ lạnh nhưng có ăn hay không thì lại tùy cảm hứng. Có lúc mua đồ về rồi mình cứ để đấy quên cả đi”.

An Khánh
.
.
.