Ngày trở lại không như mơ của Trịnh Văn Vinh

Thứ Tư, 04/10/2023, 20:29

ASIAD 19 là giải đấu Trịnh Văn Vinh được kỳ vọng cạnh tranh vị trí thứ 3. Cuối cùng, mọi thứ đã không diễn ra như ý vận động viên (VĐV) 28 tuổi này. Anh đã khép lại một kỳ Á vận hội mà không có huy chương, nhưng đằng sau mỗi lần Vinh nâng tạ là những câu chuyện vui, buồn của môn thể thao kham khổ này.

Bốn năm chờ ngày trở lại

Đầu năm 2019, thể thao Việt Nam đón nhận một tin chấn động. Đô cử Trịnh Văn Vinh, người được đầu tư trọng điểm hướng tới Olympic Tokyo, bị kết luận sử dụng doping. Án cấm thi đấu cuối cùng dành cho Vinh là 4 năm. Vào thời điểm ấy, nhiều người đã nghĩ đến chuyện Vinh sẽ nghỉ thi đấu, nhưng cá nhân Vinh đã không làm như vậy.

anh1.jpg -0
Đô cử Trịnh Văn Vinh đã chờ 4 năm cho ngày trở lại thi đấu quốc tế.

"Nếu Vinh không gặp sự cố đáng tiếc đó, cậu ấy có thể vươn đến những đỉnh cao cùng môn cử tạ", một đồng nghiệp của đô cử này chia sẻ. Quả thực, thành tích của Vinh khi ấy luôn ở mức một chín một mười so với Eko Yuli Irawan, đô cử Indonesia từng 4 lần giành huy chương Thế vận hội.

Nguyên nhân khiến Trịnh Văn Vinh bị kết luận dương tính với doping thời điểm đó là bởi VĐV này sử dụng một số loại thuốc mà không biết có bao gồm chất cấm. Trong quá trình tập luyện, VĐV cử tạ thường sử dụng một số loại thuốc bôi giúp chống lở loét, nhanh lành vết thương. Nhưng nếu không cẩn thận tìm hiểu, VĐV hoàn toàn có thể vô tình dùng phải thuốc có doping.

Câu chuyện về Vinh từng gây tranh cãi không ít trong một thời gian dài. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp đã lên tiếng thông cảm cho Vinh thời điểm ấy. Bởi, anh bị kết luận dùng chất cấm đúng thời điểm Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF) và Cơ quan Phòng chống doping thế giới (WADA) thay đổi quy định xét nghiệm với vận động viên.

Trước đây, VĐV chỉ được yêu cầu kiểm tra doping khi tham gia thi đấu. Nhưng theo quy định mới của IWF và WADA 4 năm trước, VĐV có thể được yêu cầu xét nghiệm bất cứ lúc nào. Một số VĐV cử tạ khác của Việt Nam cũng bị phát hiện dương tính với doping và bị cấm thi đấu. Nhưng cái tên Trịnh Văn Vinh luôn được nhắc đến đầu tiên và nhiều nhất, bởi anh là người nổi tiếng nhất.

Điều đáng quý là trong khoảng thời gian chưa thể trở lại các giải chính thức, Vinh vẫn âm thầm tập luyện. Đôi lúc, đô cử sinh năm 1995 lại chia sẻ những video tập lên các trang mạng xã hội để tự động viên bản thân. Thành tích của Vinh trong thời gian nghỉ thi đấu vẫn rất tốt, cho thấy anh luôn sẵn sàng cho ngày trở lại.

4 năm không thi đấu dường như cũng giúp Vinh trầm tính hơn, biết nghĩ cho bản thân và tương lai nhiều hơn. Nhắc về sự cố doping của quá khứ, Vinh chưa bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh. Anh khẳng định mình đã mắc lỗi và phải chịu phạt vì điều đó. Trong ngày trở lại, Vinh sẽ thi đấu hết sức để hướng đến thành công mới.

Kết quả không như ý

Ban đầu, Trịnh Văn Vinh được ban huấn luyện đội tuyển cử tạ Việt Nam cân nhắc đăng ký tham dự SEA Games 32 tại Campuchia. Nhưng cuối cùng, suất thi đấu lại thuộc về Nguyễn Trần Anh Tuấn. Cùng thời điểm đó, Trịnh Văn Vinh tham dự giải vô địch cử tạ châu Á 2023 diễn ra tại Jinju, Hàn Quốc.

anh2.jpg -0
Tại ASIAD 19, thành tích của Vinh không như kỳ vọng và không có huy chương.

Theo chia sẻ của đội tuyển cử tạ Việt Nam, Vinh được cử đến giải vô địch châu Á thay vì SEA Games bởi 2 lý do. Thứ nhất, mỗi hạng cân của môn cử tạ ở SEA Games 32 chỉ có 1 VĐV đại diện cho 1 quốc gia thi đấu. Việt Nam khi ấy cũng có một VĐV thi đấu tốt ở hạng cân 61kg nam là Nguyễn Trần Anh Tuấn.

Thứ hai, cơ hội cạnh tranh HCV SEA Games 32 của Vinh không cao, khi Eko vẫn đang thi đấu tốt. Để tránh Vinh bị đặt quá nhiều áp lực ngay khi trở lại, anh được chuyển đến giải vô địch châu Á để thay đổi không khí. Nhưng đó cũng là giải đấu cho thấy việc thi đấu của Vinh gặp nhiều khó khăn hơn mọi người tưởng tượng.

Được xếp thi đấu nhóm A, Vinh đã trải qua một ngày tranh tài không thực sự ấn tượng. Anh thất bại trong cả 3 lần cử giật 128kg, và thành tích cử đẩy cũng không tốt. Mức cân nặng 163kg mà Vinh đạt được ở nội dung cử đẩy chỉ giúp anh có vị trí thứ 7, xếp sau nhiều VĐV của Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và Philippines.

Đến giải vô địch cử tạ thế giới diễn ra vào tháng 9 tại Saudi Arabia, Vinh tiếp tục cho thấy anh gặp nhiều khó khăn trên hành trình trở lại phong độ năm xưa. Anh có thành tích 130kg cử giật và 162kg cử đẩy, đứng hạng 8 chung cuộc. Nếu chỉ xét riêng những đô cử châu Á, Vinh chưa thể vươn lên nhóm tranh huy chương ASIAD khi đứng vị trí thứ 5.

Việc liên tục thi đấu không như kỳ vọng ở 2 giải đấu quốc tế liên tiếp khiến Vinh lại gặp khó khăn trong ngày trở lại đấu trường Á vận hội. Trong 6 lần nâng tạ, Á quân ASIAD 18 để rơi tạ tới 4 lần. Mức tổng cử 292kg của anh còn thấp hơn Nguyễn Trần Anh Tuấn 2kg, và kém 6kg so với nhóm giành huy chương.

Với thành tích như hiện tại, Vinh vẫn có thể nằm trong nhóm đủ tiêu chuẩn tham dự Olympic Paris. Nhưng với một VĐV từng được kỳ vọng cạnh tranh huy chương ở Thế vận hội, thật khó tưởng tượng cảnh Trịnh Văn Vinh chấp nhận đến Pháp năm sau để "làm nền" cho những đô cử khác. Nhưng điều đáng tiếc của cá nhân Vinh, thực chất chỉ cho thấy những điểm hạn chế trong phát triển môn cử tạ.

Chuyện khó hơn nâng tạ

Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Câu nói đó đang là điều được nhắc đến đội tuyển cử tạ Việt Nam trong chiến lược thi đấu dành cho VĐV, bao gồm Trịnh Văn Vinh. Tại ASIAD 19, Vinh được kỳ vọng tranh chấp huy chương với mức tổng cử khoảng 305kg. Con số này tụt xuống còn 302kg trong bản đăng ký thi đấu. Nhưng thành tích cuối cùng Vinh đạt được chỉ là 292kg.

anh3.jpeg -0
Thành tích của Vinh kém khá xa so với khi tập luyện, nhưng đó là điều hoàn toàn bình thường trong môn cử tạ.

"Chúng tôi đặt mức đăng ký cao cho Vinh bởi cậu ấy đã đạt tổng cử 310kg trong thời gian luyện tập". Đó là lời giải thích truyền thông được tiếp nhận sau ngày Vinh thi đấu. Nhưng áp đặt thành tích của tập luyện vào trong một ngày tranh tài thực sự khiên cưỡng, nếu nhìn vào những kết quả trước đây của cử tạ Việt Nam.

Trước Trịnh Văn Vinh, câu chuyện "tập luyện rất tốt" cũng được ban huấn luyện đội tuyển cử tạ chia sẻ khi đô cử Hoàng Anh Tuấn thi đấu không như kỳ vọng. Chia sẻ về việc này, một cựu tuyển thủ quốc gia cho biết, thành tích của VĐV khi tập và đấu thật có thể rất khác nhau vì nhiều lý do. Nếu lấy thành tích tập luyện ra so sánh, VĐV nào cũng là nhà vô địch thế giới.

Trong câu chuyện của Trịnh Văn Vinh, có thể thấy anh được giao một nhiệm vụ quá tầm với của bản thân khi bước vào các giải đấu chính thức. Anh phải hướng đến mục tiêu nâng tạ với mức tổng cử trên dưới 300kg, dù thành tích khi ấy chỉ dao động quanh mức 290-295kg. Người ta thường mắc sai lầm khi cố gắng quá sức, và Vinh không phải ngoại lệ.

Một vấn đề khác của cử tạ Việt Nam là việc tập trung nguồn lực đến những nội dung nằm ngoài chương trình thi đấu Olympic. Kết quả không như kỳ vọng của Vinh, cũng như Anh Tuấn tại giải vô địch thế giới, bị đặt sang một bên khi Lại Gia Thành giành HCV. Ngô Sơn Đỉnh cũng giành HCB, nhưng 2 VĐV này thi đấu ở hạng cân 55kg, vốn không nằm trong chương trình thi đấu Olympic.

"Cử tạ Việt Nam gặp khó vì hạng cân sở trường 55-56kg không còn xuất hiện ở Olympic nữa, nên ASIAD cũng bỏ". Nhận định này có phần không thỏa đáng, bởi thực tế, hạng cân này đã không xuất hiện từ Olympic Tokyo. Thành tích của Sơn Đỉnh, Gia Thành là đáng ghi nhận, nhưng họ chỉ có thể thống trị bảng xếp hạng thế giới khi các cường quốc không còn đầu tư vào hạng cân này nữa.

Trong số 19 VĐV đăng ký tham dự hạng cân 55kg nam tại giải vô địch cử tạ thế giới 2023, Trung Quốc, Đài Bắc Trung Hoa và Nhật Bản không có đại diện nào. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không có các VĐV tài năng ở nội dung này. Trong trường hợp hạng cân 55-56kg nam trở lại chương trình thi đấu Olympic, các quốc gia trên sẽ lại có nhiều VĐV tài năng tỏa sáng.

ASIAD 19 là sân chơi riêng của các vận động viên cử tạ Triều Tiên

Sau 3 ngày thi đấu đầu tiên, CHDCND Triều Tiên đã giành trọn 4 HCV tại các hạng cân cử tạ nữ. 2 nhà vô địch trong số đó là những người mới lần đầu tham dự một kỳ Á vận hội, Kang Hyong-yong (hạng 55kg nữ) và Kim Il-gyong (hạng 59kg nữ). Họ là những cô gái mới ở độ tuổi mười chín đôi mươi, nhưng đã xuất sắc giành HCV ASIAD cùng thành tích phá kỷ lục thế giới.

Chiến công của các vận động viên CHDCND Triều Tiên cho thấy quốc gia này đã chuẩn bị rất kỹ cho ngày trở lại tham dự các giải đấu quốc tế. ASIAD 19 là giải thể thao đầu tiên CHDCND Triều Tiên tham dự kể từ vòng chung kết bóng đá U23 châu Á 2020. Do lo ngại ảnh hưởng từ dịch COVID-19, CHDCND Triều Tiên đã quyết định không tham dự Olympic Tokyo dù họ có không ít VĐV đạt chuẩn A Thế vận hội.

Bên cạnh cử tạ, những môn thể thao mang về HCV ASIAD 19 cho đoàn Triều Tiên là Thể dục dụng cụ và bắn súng. Quốc gia này cũng có 10 HCB từ judo, bóng bàn, cử tạ, thể dục dụng cụ và bắn súng. Cơn mưa vàng của thể thao Triều Tiên dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra, khi họ còn nhiều môn thế mạnh trong những ngày còn lại như bắn cung, boxing và vật.

VĐV đến từ CHDCND Triều Tiên thường mang nhiều bất ngờ cho đối thủ tranh tài, bởi các đội tuyển khác gần như không có thông tin gì về họ. Kang Hyong-yong và Kim Il-gyong thậm chí chưa bao giờ được nhắc tên trên các phương tiện truyền thông đại chúng cho tới khi họ lập kỷ lục thế giới.

Đơn Ca
.
.
.