Nga cải cách kinh tế trong bối cảnh trừng phạt

Thứ Hai, 11/09/2023, 11:22

Theo một phân tích của Trung tâm Carnegie Dowment mới đây, khi nhắc tới tương lai của nền kinh tế Nga, người ta thường nghĩ đến các biện pháp trừng phạt của phương Tây, tăng chi tiêu quân sự và định hướng lại dòng chảy thương mại sang châu Á.

Tuy nhiên, vẫn còn những biện pháp mà nước Nga hoàn toàn có thể dùng đến để cải cách nền kinh tế trong hoàn cảnh hiện nay: Quốc hữu hóa và tư nhân hóa 2.0. Nghe thì có vẻ mâu thuẫn, nhưng thực ra chúng lại tương thích với nhau. Sự kết hợp giữa 2 biện pháp này được cho là có thể thay đổi đáng kể cấu trúc xã hội Nga, tăng thêm sự ổn định cho hệ thống chính trị.

Phân phối lại

Sau ngày 24/2/2022, nhiều tài sản hấp dẫn đã xuất hiện ở Nga, và chúng đã sớm hoặc sẽ sớm chuyển sang tay người khác. Trước hết, những tài sản này là những gì còn lại trong nước sau khi các tập đoàn phương Tây rút khỏi thị trường Nga. Những kẻ chạy trốn ban đầu chủ yếu là các công ty tiêu dùng như McDonalds, IKEA, Starbuks, các thương hiệu xe hơi như Ford hay Mercedes-Benz hoặc các ngân hàng bán lẻ như Hom Credit, Societe Generale.

Nga cải cách kinh tế trong bối cảnh trừng phạt -0
Theo Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga, vào năm 2022, khối lượng chuyển khoản sang các ngân hàng nước ngoài đã tăng gấp 3 lần.

Vào tháng 8/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký Sắc lệnh cấm người nước ngoài đến từ “các quốc gia không thân thiện” bán hoặc chuyển nhượng cổ phần của họ trong các công ty chiến lược trong lĩnh vực tài chính, nhiên liệu và năng lượng của Liên bang Nga (chỉ được thực hiện khi có sự cho phép của Tổng thống). Vào tháng 12/2022, Chính phủ Nga đã quyết định rằng những người nước ngoài rời khỏi thị trường Nga phải bán tài sản của họ với mức chiết khấu ít nhất là 50% giá trị thị trường.

Vào tháng 3 năm nay, danh sách các điều kiện để rời khỏi thị trường Nga tiếp tục được mở rộng: chủ thể muốn rời đi phải chuyển khoản “bồi thường” cho ngân sách Liên bang Nga ít nhất là 10% một nửa giá trị thị trường của số cổ phần được bán, hoặc ít nhất 10% toàn bộ giá trị thị trường nếu chiết khấu vượt quá 90%. Đến tháng 4, Tổng thống Putin thậm chí còn cho phép chuyển giao tài sản nước ngoài tại Liên bang Nga dưới sự quản lý bên ngoài của Cơ quan Quản lý Tài sản Liên bang, nhằm đáp trả việc tịch thu hoặc hạn chế quyền đối với tài sản của Nga ở nước ngoài.

Các công ty năng lượng là những công ty đầu tiên tuân theo Sắc lệnh tháng 4: Fortum của Phần Lan và Unipro của Đức. Tất nhiên, tất cả điều này không phải là quốc hữu hóa, nhưng xác suất trả lại các công ty cho chủ sở hữu cũ là rất nhỏ.

Nguồn tài sản hấp dẫn thứ 2, theo truyền thống, là một lượng đáng kể tài sản nhà nước. Cựu Chủ tịch phòng Tài khoản Nga Alexei Kudrin, người trước đây ủng hộ tư nhân hóa quy mô lớn, đã chứng minh quan điểm của mình bằng số liệu thống kê: Năm 2019, khu vực công chiếm hơn 50% GDP của Nga. Và nếu nói về sản xuất dầu khí, thì các doanh nghiệp nhà nước đã tạo ra gần 75% tổng doanh thu trong lĩnh vực này.

Cuối cùng, nguồn tài sản thứ 3 để phân phối lại có thể được coi là các doanh nhân Nga, những người đã quyết định từ bỏ tài sản của họ và rời khỏi đất nước. Những ví dụ nổi bật nhất trong số này là một phần của Tập đoàn Yandex, VimpelCom (thương hiệu Beeline), Tinkoff…

Nhìn chung, hiện nay ở Nga có một lượng lớn tài sản khác nhau có chiết khấu lớn - cả thuộc sở hữu nhà nước và “bị từ chối”, còn lại từ các công ty nước ngoài và các doanh nhân Nga đã rời bỏ thị trường. Và chính quyền bây giờ cần phải quyết định phải làm gì với tất cả những tài sản này.

Phân phối cho ai?

Người đứng đầu Ngân hàng Thương mại Toàn cầu Nga (VTB) Andrey Kostin đề xuất một trong những phản ứng có thể xảy ra của chính quyền trong tình huống này là tư nhân hóa 2.0. Vào tháng 12/2022, tập đoàn của ông được sáp nhập với tập đoàn ngân hàng Otkritie, trở thành một trong những giao dịch lớn nhất trong lịch sử nước Nga hiện đại. Quá trình này diễn ra thậm chí còn bỏ qua các quy trình đấu giá và hạn chế chống độc quyền.

Vòng xoay tư nhân hóa của Kostin có quy mô lớn: Từ đường sắt Nga, Transneft và Rostec, đến các nhà máy sản xuất rượu cognac. VTB là ngân hàng xương sống và theo đó, được nhà nước quan tâm đặc biệt. Vì vậy, ngay cả những khoản lỗ kỷ lục vào năm 2022 cũng sẽ không ngăn cản ngân hàng này tham gia vào việc phân chia tài sản với giá hời. Các nhà lãnh đạo khối tài chính và kinh tế của chính phủ là bà Elvira Nabiullina, ông Anton Siluanov và Maxim Reshtnikov đồng thuận với ông Kostin. Vấn đề mà họ tập trung là về tư nhân hóa có chọn lọc.

Lập luận quan trọng của ông Kostin ủng hộ tư nhân hóa là: cần phải thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tiềm năng, nếu không “vốn sẽ bắt đầu chảy đi”. Một mặt, theo Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga, vào năm 2022, khối lượng chuyển khoản sang các ngân hàng nước ngoài đã tăng gấp 3 lần. Và có vẻ như đại đa số những người muốn rút tiền từ quyền tài phán của Nga đã làm như vậy ngay sau đó.

Mặt khác, dữ liệu của Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi cho thấy sự gia tăng (mặc dù không đáng kể) tiền tự do đối với tiền gửi ngân hàng. Trước hết nói về đồng ruble. Thống kê trong quý đầu tiên của năm 2023 cho thấy số lượng người gửi tiền có hơn 3 triệu ruble trong tài khoản tăng nhanh nhất. Đồng thời, danh mục “trên 10 triệu ruble” chiếm gần 30% tổng số tiền gửi. Nhưng số lượng các nhà đầu tư như vậy chỉ là 0,1% tổng số của họ. Có rất nhiều người không muốn hoặc không thể rút tiền ra khỏi đất nước vì nhiều lý do, kể cả những lý do yêu nước.

Những người có thể bổ sung vào danh sách những người gửi tiền cao cấp như vậy là các “koreyko” (ám chỉ các triệu phú ngầm) khác nhau. Tiền của họ sẽ không đến phương Tây và để đầu tư vào các nước châu Á, nhìn chung là họ không đủ kiến thức và kinh nghiệm, trừ những trường hợp ngoại lệ. Họ chọn cách để tiền nằm im một chỗ để chờ đợi thời điểm tốt hơn và bắt đầu một vòng phân phối lại.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.
.