"Lạm phát hoa hậu" - Câu chuyện cười ra nước mắt

Thứ Tư, 14/08/2024, 20:05

Nếu bây giờ hỏi, tên tuổi hoa hậu vừa đăng quang là ai, đoạt vương miện trong cuộc thi nhan sắc nào, tôi đồ rằng, đến 99 % người dân không biết câu trả lời nếu không có sự hỗ trợ của google. "Ra ngõ gặp hoa hậu”, “lạm phát hoa hậu” là những cụm từ nhiều người dùng để chỉ sự xuất hiện ồ ạt của các hoa hậu trong những năm qua.

Một câu hỏi đặt ra, với thực tế như hiện nay, liệu các hoa hậu ấy mang lại giá trị thực sự nào cho xã hội?

1. Chỉ sau một đêm ngủ dậy, cư dân cả mạng xã hội lẫn đời thường “hân hoan” khi biết nước mình vừa sản sinh thêm 2 hoa hậu và 6 á hậu, từ hai cuộc thi sắc đẹp cùng được tổ chức trong một đêm 5/8, chưa kể hàng loạt người đẹp đoạt các giải thưởng phụ khác. Có lẽ với nhiều người, những từ cảm thán đầu tiên khi biết có hoa hậu mới đăng quang chính là: “Lại hoa hậu à?”. Nó được bật phát một cách tự nhiên bởi lẽ bộ nhớ của rất rất nhiều người vẫn chưa kịp thu nhận hết thông tin về một hoa hậu mới đăng quang trước đó một tháng.

image_123650291 (5).jpg -2
Nhiều người cảm thấy “bội thực” vì quá nhiều các cuộc thi hoa hậu.

Vào tháng 7/2023, Miss World Vietnam gọi tên Ý Nhi và 2 á hậu. Chỉ sau 1 tháng, 2 cuộc thi hoa hậu khác diễn ra là Hoa hậu Đại dương Việt Nam và Hoa hậu Hòa bình Việt Nam. Hai cuộc thi này tìm ra 2 hoa hậu và 8 á hậu. Vài tháng sau, thêm một hoa hậu xuất hiện, đó là Bùi Quỳnh Hoa - Miss Universe Vietnam, ngoài ra còn 2 á hậu khác cũng đăng quang. Chỉ vỏn vẹn 3 tháng, làng sắc đẹp có 4 hoa hậu và 12 á hậu. Và đến cuối năm những người yêu cái đẹp còn tiếp tục được tiếp nhận thêm những hoa hậu, á hậu trong cuộc thi Miss Earth Vietnam cũng như Hoa hậu Hoàn vũ nữa cho đội hình.

Với hàng loạt những cuộc thi hoa hậu diễn ra trong những năm qua, vậy đã từng có ai tự hỏi, kinh phí để tổ chức hết bao nhiêu? Người tổ chức sẽ được hưởng lợi gì?

Cuộc thi hoa hậu được coi là một trong những cuộc thi danh giá nhất Việt Nam - Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe Vietnam) khép lại cũng là lúc những thắc mắc xoay quanh chi phí mà ban tổ chức bỏ ra xuất hiện. Và trong buổi họp báo kép lại cuộc thi, ông Trần Việt Bảo Hoàng, CEO Unicorp tiết lộ chi phí không dưới 50 tỷ đồng. Với mức độ đầu tư "không dưới 50 tỷ đồng", ông Bảo Hoàng nói rằng vì Miss Cosmo Vietnam 2023 là mùa giải kỷ niệm 15 năm. Đồng thời để đánh dấu hành trình mới của thương hiệu, họ chọn Đà Lạt làm nơi tổ chức. Vì thế, các khoản chi từ đó cũng cao hơn. Ngoài ra, chi phí phát sóng khung giờ vàng trên VTV3 vào dịp cuối năm cũng là con số không nhỏ. Ngoài những khoản chi lớn, ban tổ chức phải chi những khoản nhỏ khác như công tác di chuyển của thí sinh, ê-kíp, báo chí, tiền ăn uống, khách sạn, tiền thuê đội ngũ make-up, tiền quảng cáo…

2. Khoảng 5 năm trở lại đây, các cuộc thi hoa hậu mọc lên như “nấm sau mưa”. Chưa nói đến chất lượng, chỉ cần nghe đến số lượng thôi cũng khiến nhiều người choáng váng. Mỗi năm có hàng chục cuộc thi diễn ra, gần đây các cuộc thi cứ dày thêm và khoảng cách càng rút ngắn hơn khiến khán giả, những người đón nhận thực sự choáng ngợp, và rồi nhanh chóng rơi vào cảm giác nhàm chán. Mọi người cũng dần hiểu ra rằng, nguyên nhân của việc “bội thực” hoa hậu ấy chính là do lợi nhuận, những “ông trùm” đang tạo ra một ngành công nghiệp mới chính là “công nghiệp hoa hậu” ở Việt Nam.

Với mật độ ngày càng dày đặc, lượng thí sinh lại có hạn, vô tình đã tạo nên những tình huống gương mặt mới thì ít mà gương mặt cũ thì lại nhiều. Như thí sinh Hoàng Phương đã trở thành Hoa hậu Hòa bình Việt Nam sau 2 lần thất bại ở Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, hay Hương Ly trở thành Á hậu 1 Miss Universe Vietnam sau 3 lần không đạt kết quả cao ở Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam... Nhiều người đã nói họ là những người “dành cả thanh xuân” để đi thi Hoa hậu, vậy họ đi thi để làm gì? Mục đích của họ là gì?

Với ý nghĩa thực sự của những cuộc thi hoa hậu chính là tìm ra người đẹp nhất, để lan tỏa điều nhân văn, những điều tốt đẹp tới xã hội, nhưng đối với nhiều thí sinh, đi thi hoa hậu có lẽ là vì sự nổi tiếng, là một lối tắt của các cô gái muốn vào showbiz, để kiếm một tấm chồng đại gia, còn mục đích nhằm lan tỏa những điều tốt đẹp chưa chắc phải là mong muốn của tất cả các người đẹp tham dự.

Không riêng gì người viết, có lẽ rất nhiều người đều có những suy nghĩ mịt mờ về vai trò của hoa hậu trong thời buổi hiện nay. Trong hầu hết các đêm chung kết thi hoa hậu, câu hỏi “Hoa hậu để làm gì?”, chúng ta luôn tìm thấy mẫu số chung trong câu trả lời của các người đẹp. Đó là “Hoa hậu sẽ tạo giá trị tích cực cho cộng đồng, lan tỏa nhiều thông điệp nhân văn đến mọi người, có trách nhiệm với xã hội”. Câu trả lời như một bài văn mẫu ấy vốn dĩ  không có gì đáng để phàn nàn, vì đó thực sự là đích đến tối thượng khi tổ chức các cuộc thi nhan sắc. Nhưng tạo giá trị như thế nào và lan tỏa điều gì thì nhiều nhan sắc cũng khó có thể mường tượng. Thực tế đã khiến nhiều người phải bàn luận vì đôi lúc lời nói lúc "nhậm chức" của hoa hậu lại chẳng đi đôi với hành động của họ sau khi đăng quang.

Dư luận cho rằng, với "bình phong" là tìm kiếm cái đẹp, cống hiến những giá trị tinh thần, nhân văn cho xã hội nhưng thực tế là nhiều ban tổ chức hướng đến mục đích thương mại. Với quá nhiều cuộc thi hoa hậu như hiện nay, có lẽ chúng ta cũng chỉ nên gọi họ là người chiến thắng trong một cuộc thi thố nhan sắc có nhiều cô gái tham gia mà thôi.

3. Việc xuất hiện ngày càng nhiều các cuộc thi nhan sắc liệu có phải điều tốt đẹp cho xã hội? Chắc chắn nó không phải là điều xấu, nếu như được tổ chức một cách bài bản, chất lượng thí sinh được đảm bảo, có những cam kết lâu dài. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hiện nay thì sao? Không phải ban tổ chức nào cũng chỉn chu ở khâu tổ chức. Vẫn còn những hạt sạn tồn tại trong quá trình sản xuất, không minh bạch về kết quả chung, tổ chức lấy lệ, đầu ra các người đẹp bắt đầu đi xuống về chất lượng… Nếu thật sự nghiêm túc tạo ra sân chơi sắc đẹp thì sẽ không có chuyện công chúng phải "nhặt sạn" mỗi khi chung kết của cuộc thi nào đó khép lại.

image_123650291 (1).jpg -0
Hoa hậu Ý Nhi liên tục gặp phải những phát ngôn vạ miệng, thiếu kiến thức ngay sau khi đăng quang Hoa hậu Thế giới Việt Nam năm 2023.

Các thí sinh trượt cuộc thi này lại nhảy sang cuộc thi khác không chỉ là dấu hiệu về chất lượng giảm sút, mà tiêu chí riêng biệt, bản sắc cũng chẳng còn. Nếu xem các cuộc thi nhan sắc là một gameshow thì đây chắc hẳn là một gameshow nhàm chán.

Những cô gái kiên trì, quyết tâm giành giải cao trong các kỳ thi nhan sắc không phải là điều sai trái. Nếu những cô gái ấy sau khi đăng quang cũng sẽ thành công trong việc lan tỏa những giá trị tích cực đến mọi người, cho xã hội thì chẳng phải quá tốt đẹp hay sao? Nhưng chúng ta hãy nhìn vào những ồn ào mà các hoa hậu sau khi đăng quang gặp phải, nó đã làm mờ đi những giá trị hay ho đã được ban tổ chức hay các người đẹp hùng hồn tuyên bố trước công chúng. 

Như Hoa hậu Thế giới Việt Nam năm 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi là cái tên “chiếm sóng” nhất V-biz hiện nay khi liên tục dính thị phi ngay sau khi đăng quang chỉ sau một thời gian ngắn. Sau hàng loạt phát ngôn vạ miệng, người đẹp 22 tuổi livestream khóc lóc xin lỗi chưa lâu, thì lại tiếp tục xuất hiện một cuộc trả lời phỏng vấn gây tranh cãi dữ dội. Có thể thấy, cô nàng này đã để lộ những lỗ hổng trong kiến thức văn hoá sơ đẳng cũng như phát ngôn của mình. Những đối đáp vụng dại, thiếu cơ bản không chỉ khiến Ý Nhi nhận "gạch đá" mà công chúng cũng đặt dấu chấm hỏi lớn về cách chọn Hoa hậu của ban tổ chức và ban giám khảo.

Hay hoa hậu Bùi Quỳnh Hoa, sau khi đăng quang Miss Universe Vietnam 2023, cô đối diện với làn sóng chỉ trích của fan sắc đẹp. Nhiều người cho rằng, cách ứng xử như học thuộc nhưng vẫn vấp váp, đọc sai câu tục ngữ, thành ngữ nổi tiếng chính là điểm trừ của Quỳnh Hoa so với các thí sinh khác. Tuy vậy cô vẫn được ban giám khảo lựa chọn để đăng quang, điều này tạo nên không ít ý kiến tranh cãi, thậm chí là nhiều người nghi ngờ về kết quả không thực sự minh bạch.

Nhiều người cho rằng, các nàng hậu mới đăng quang còn quá trẻ tuổi lại đứng trước hào quang bất ngờ sẽ khó tránh khỏi những vạ miệng đáng tiếc. Tuy nhiên, Hoa hậu Quý bà Hòa bình Thế giới 2017 -  Phương Lê - một người đã không còn trẻ cũng dính những thị phi do chính cô gây ra và không ít ý kiến cho rằng nên tước vương miện của cô này.

image_123650291 (2).jpg -1
Phương Lê, Hoa hậu Quý bà Hòa bình Thế giới 2017, liên tục gây chú ý bằng những cuộc khẩu chiến hoặc phát ngôn gây sốc trên mạng xã hội.

Trên mạng xã hội, "quý bà" này liên tục "can thiệp" vào các vấn đề nóng bỏng của xã hội với những lời lẽ khó nghe. Cụ thể, "quý bà" đã “tấn công” thần đồng bơi lội Nguyễn Hữu Kim Sơn bằng cách tỏ ra bất bình trước quan điểm của Kim Sơn. Phương Lê đã đăng nhiều status chỉ trích, cho rằng mình đủ tuổi… đẻ ra được Kim Sơn nên có quyền “dạy dỗ trẻ con”. Cô còn cho rằng Kim Sơn lắm mồm nên chưa có bạn gái, và xéo xắt về tương lai chỉ “làm thầy dạy bơi” của kình ngư trẻ tuổi.

Trên các diễn đàn và ngay cả dưới status gây hấn của Phương Lê, phần lớn dân mạng bất bình, chỉ trích Phương Lê quá hơn thua với người khác. Nhiều người cũng nhắc nhở Phương Lê, nếu tự hào về danh hiệu Hoa hậu hòa bình của mình thì nên ứng xử cho đúng với danh hiệu.

Mặc dù có danh hiệu Hoa hậu trong cuộc thi Quý bà Hòa Bình Thế giới vào năm 2017, nhưng Phương Lê liên tục gây chú ý bằng những cuộc khẩu chiến hoặc phát ngôn gây sốc trên mạng xã hội. Ví dụ, gần đây nhất, khi ồn ào tranh chấp tài sản giữa Hồng Loan (con gái nghệ sĩ Vũ Linh) và nghệ sĩ Hồng Nhung (em gái nghệ sĩ Vũ Linh) nổ ra, Phương Lê đăng tải một loạt status thể hiện sự ủng hộ Hồng Loan, và đặt biệt danh xúc phạm mẹ con nghệ sĩ Hồng Nhung - Hồng Phượng.

Thời điểm ồn ào giữa cố nghệ sĩ Phi Nhung và con nuôi Hồ Văn Cường nổ ra, Phương Lê cũng liên tục livestream, đăng tải trạng thái với những từ ngữ nặng nề, cho rằng cố nghệ sĩ Phi Nhung sống “quá tệ và vô tâm”, “là một người mẹ nuôi cực kỳ vô cảm”. Qua rất nhiều vụ việc ồn ào, scandal nào cũng tham dự, nhiều dân mạng đặt biệt danh cho Phương Lê là “Hoa hậu của những chiếc mỏ hỗn”, “chiến thần cà khịa”, “chúa tể gây war” chứ không phải là Hoa hậu Hòa bình.

Với tất những gì đang diễn ra, liệu những nàng hậu có hiểu gì về việc truyền cảm hứng? Liệu những nhà sản xuất có trang bị cho họ đầy đủ hành trang để thực hiện tốt nhiệm vụ, trách nhiệm với xã hội của mình hay chỉ đơn giản là một cuộc chơi win win, đôi bên cùng có lợi. Nhà tổ chức thì kiếm được tiền, người đẹp đăng quang thì lấn sân showbiz kiếm hợp đồng quảng cáo bộn tiền và đoạn kết là kiếm một tấm chồng đại gia?

Mạnh dạn dẹp bớt các cuộc thi nhan sắc vô bổ có lẽ là việc nên làm của các cơ quan chức năng ở thời điểm hiện nay.

Đinh Hiền
.
.
.