Kỳ vĩ ma nhai Ngũ Hành Sơn

Thứ Hai, 06/03/2023, 11:35

Khuất lấp sau hình hài của đá và rêu phong của thời gian, những ma nhai ẩn trên vách đá của núi Ngũ Hành Sơn giờ đây đã có một danh phận, và ở đó những ký ức trăm năm được tái tạc lại trong sự hân hoan của đất và người xứ Quảng.

Trong hình hài bí ẩn

Đã mấy trăm năm, những bia tự, những hình số, những nét chữ khắc tạo trong lòng núi và hang động, vách đá thuộc núi Ngũ Hành tưởng chừng rơi vào quên lãng. Những phong hóa của thời gian và sự thờ ơ của người đời, tưởng chừng đã khiến những vết tích này có nguy cơ chìm khuất trong quá khứ. Nhưng rồi, những gì giá trị nhất vẫn được khơi dậy, những gì tinh túy của văn hóa đã chiến thắng được sự nghiệt ngã của thời gian và số phận.

1.jpg -0
Một trong những ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn

Người ta vẫn thường đặt câu hỏi rằng trong những vách đá và hang động ở núi Ngũ Hành (Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) có gì, mà khiến nhiều người ngưỡng vọng đến thế? Và từ “ma nhai” đầy bí ẩn kia có nghĩa là gì? “Ma nhai” là một từ Hán - Việt cổ. Chữ “ma” có nghĩa là mài giũa, va chạm; chữ “nhai” nghĩa là sườn núi, vách núi…

Hai chữ này hợp lại, có nghĩa là chạm khắc vào vách núi, vách đá. Trong tiếng Trung Quốc hiện đại, từ “ma nhai” được dùng cũng đúng theo nghĩa này, chỉ vào việc đục đẽo, chạm khắc hình ảnh, từ ngữ… trên vách đá. Theo nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng, “Ma nhai Ngũ Hành Sơn” có số lượng lớn nhất tại Việt Nam, và trong số 90 ma nhai được thống kê, có 60 văn bản còn nội dung, 30 văn bản đã bị phong hóa, mất chữ, không thể khắc phục.

Theo bản dịch trên văn bia ma nhai tại Ngũ Hành Sơn: “Thiền sư Phạm Văn Nhân tự Huệ Đạo Minh ở xã Du Xuyên, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, xứ Quảng Nam nước Đại Việt, trông vết tích thờ Phật đã đổ nát, liền khuyến khích người có lòng tốt, người biết nghĩ về Phật chung bỏ của nhà ra, dốc lòng làm công đức, để sửa sang mở rộng nơi thờ Phật trên núi Phổ Đà, tôn tạo thêm chùa Bình An phía dưới.

Nay hai cảnh đó đã hoàn thành, các kíp thợ cũng đã xong việc, vị sư trụ trì ở chùa kính cẩn thắp hương dâng cúng. Ngẩng mặt lên Tam bảo: Mong đền đáp được bốn ơn đối với trên và cứu vớt người dưới thoát khỏi ba tội đồ; để được sống cùng nhau trên cõi cực lạc, truyền được lâu dài dấu tích thờ Phật…”.

2.jpg -0
Khách du lịch chiêm ngưỡng ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn

Được ghi chép trong văn bia, Vua Minh Mạng đã khắc cho 7 bia ma nhai ở các hang động: Huyền Không, Vân Nguyệt Cốc, Vân Căn Nguyệt Quật, Động Thiên Phước Địa, Linh Nham, Vân Thông, Tàng Chơn. Sự kiện này được ghi chép lại trong các tài liệu lịch sử như: Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam dư địa chí ước biên… trong đó, có 2 dòng người được nhắc đến là người Nhật Bản và Đại Minh, trong đó có ít nhất  10 gia đình người Nhật Bản (Achiko, Shunmon, Asami Yasuke, Akiu…); 2 gia đình người Hoa (Diệp Công Kiên, Lã Tông Ngô). Điều đó chứng tỏ, từ thế kỷ XVII, Ngũ Hành Sơn đã trở thành trung tâm thờ Phật mang tầm quốc tế.

4.jpg -0
Thành phố Đà Nẵng sẽ số hóa các ma nhai để khách tham quan và các nhà nghiên cứu có thể nắm được các thông tin liên quan đến ý nghĩa trên từng ma nhai

“Ma nhai Ngũ Hành Sơn” được xem là bộ sưu tập tác giả - gồm cả Vua Minh Mạng với nhiều bài thơ ngự chế, 2 tấm bia khắc đại tự “Vọng Giang đài” và “Vọng Hải đài” thể hiện tư duy của người đứng đầu triều Nguyễn. Ngoài ngự bút của Vua Minh Mạng, bia còn thơ đề của các đại thần triều Nguyễn như: Đào Tấn, Trương Quang Đản, Nguyễn Văn Mại, Nguyễn Trọng Hợp, Nguyễn Thuật, Cao Xuân Dục… Đặc biệt, ma nhai Ngũ Hành Sơn được xem là bộ sử của Phật giáo xứ Đàng Trong, bắt đầu với tấm bia chữ Hán có niên đại 1622 thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Một kho tư liệu hết sức độc đáo và giá trị ẩn tàng trong hang động Ngũ Hành Sơn tồn tại mấy trăm năm như cũng chỉ mới được xuất lộ. Đã có một giai đoạn, những ma nhai này phần vì không được quan tâm, phần vì người ta vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa lịch sử và giá trị nó mang lại, nên đã thiếu sự quan tâm, bảo tồn, phục hồi... khiến một số ma nhai bị phong hóa, hoặc bị xâm hại bằng những nét chữ nguệch ngoạc hiện đại.

Dẫu sao, vẫn còn may mắn rằng những văn bia ký tự đó đã được quan tâm đúng mực. Một cuộc nghiên cứu công phu do Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán (Huế) thực hiện sau sáu tháng miệt mài đã phát lộ hệ thống 90 bản ma nhai với kỹ thuật điêu khắc rất tinh xảo, kết hợp giữa nét chữ tài hoa của văn nhân và kỹ thuật khắc của người thợ đá vùng Ngũ Hành Sơn. Những bia ma nhai đã được phục hồi nguyên văn, phiên dịch và làm rõ giá trị của cả nội dung lẫn hình thức. Nhiều người đã phải kinh ngạc trước sáng tạo, và sức sống bền bỉ của những bia ma nhai ở nơi này, bất chấp những thương tổn của thời gian, của khí hậu miền biển, của thiên biến thời cuộc, và với cả nỗi ám ảnh bào mòn bia đá trăm năm.

Vọng âm của đá

Hậu thế, có lẽ sẽ đầy cảm kích với những nhà văn hóa, những người nghiên cứu về ma nhai Ngũ Hành Sơn với thời gian dài đằng đẵng cả năm trời. Những nhà văn hóa ở Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán (Huế), Bảo tàng Đà Nẵng, Ban quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Đà Nẵng, Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng và nhiều người khác đã đánh thức những vọng âm của đá. Đá lặng lẽ mà văn trên đá đầy âm vọng lời tiền nhân lưu truyền gửi hậu thế. Ẩn chứa trong từng ma nhai đó là nét đẹp văn hóa Việt Nam ở tầng sâu tâm thức của cư dân bản địa qua loạt bia ký, tán, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối trên vách đá. Không chỉ thế, nơi này còn đánh thức các tên làng xã xưa hóa thạch, lưu giữ mấy trăm năm qua và cho mai sau. Nhiều địa danh trên Ma nhai Ngũ Hành Sơn đã chứng minh được lịch sử nhiều làng cổ lâu đời ở Đà Nẵng và Quảng Nam hiện nay.

10.jpg -0
Hệ thống ma nhai tại Ngũ Hành Sơn tập trung chủ yếu ở ngọn Thủy Sơn và trên vách đá trong các động Hoa Nghiêm, Huyền Không, Tàng Chơn, Vân Thông, Linh Nham…

Trong vọng âm của đá, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy được nhịp cầu quan hệ giao lưu văn hóa giữa các quốc gia và Việt Nam, với những “ký ức” về sự giao lưu văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội giữa Việt Nam và các nước trên con đường hàng hải xuyên khu vực. Đồng thời cũng thể hiện vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong hôn nhân quốc tế vào thế kỷ XVII. Ma nhai Ngũ Hành Sơn mang nhiều giá trị đặc biệt trên phương diện văn hóa, lịch sử, văn học, nghệ thuật, kinh tế du lịch. Trong đó giá trị lịch sử văn hóa của ma nhai Ngũ Hành Sơn là nổi bật hơn cả.

Với những giá trị đặc biệt về lịch sử ma nhai tại Ngũ Hành Sơn trở thành Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Sáng 1/3/2023, đại diện UNESCO tại Việt Nam đã trao bằng công nhận ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho  Đà Nẵng. Như vậy, sau nhiều năm nghiên cứu, lập và đệ trình hồ sơ đề nghị công nhận lên Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ngành chức năng TP Đà Nẵng đã đón tin vui đối với ma nhai Ngũ Hành Sơn.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ban Quản lý danh thắng Ngũ Hành Sơn cho biết: “Sau khi được UNESCO công nhận di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, công tác gìn giữ và bảo tồn hệ thống bia ma nhai càng được quan tâm đặc biệt hơn. Thành phố Đà Nẵng đang triển khai nhiều giải pháp cấp bách tăng cường bảo vệ, phát huy những giá trị độc đáo của di sản này. Đặc biệt là việc số hóa những tư liệu liên quan đến hệ thống di sản ma nhai Ngũ Hành Sơn. Hiện nay, toàn bộ nội dung ma nhai ở Ngũ Hành Sơn đã được dịch ra tiếng Việt và được xây dựng cơ sở dữ liệu để tra cứu. Hệ thống công cụ tra cứu toàn bộ văn tự ở đây gồm: mục lục các ma nhai tại Ngũ Hành Sơn lưu giữ theo cách truyền thống, tra cứu trên mạng nội bộ và ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa Đà Nẵng tại Bào tàng Đà Nẵng”.

Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, mỗi bia ma nhai tuy có sự khác nhau về hình thức, nội dung nhưng tựu chung là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị, hàm chứa những nội dung lịch sử, nhân văn quý báu, được ra đời trong sự kết hợp của tâm hồn, tài hoa của thi nhân và kinh nghiệm, kỹ nghệ của  nghệ nhân điêu khắc đá Non nước. “Ma nhai ở danh thắng Ngũ Hành Sơn mang nhiều giá trị vượt ra ngoài ranh giới của một quốc gia, và đây là lý do được vinh danh là di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới”, bà Yến khẳng định.

Thành phố Đà Nẵng cũng đã đề ra 5 giải pháp trọng tâm để bảo tồn và phát huy giá trị ma nhai. Theo đó, ngoài việc sẽ tổ chức, kiểm tra, giám sát và bảo vệ nghiêm ngặt các ma nhai, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới để phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn di sản ma nhai một cách bền vững, khoa học và hiệu quả, mang tính thực tiễn cao..., thành phố Đà Nẵng cũng sẽ đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới để học tập và trao đổi kinh nghiệm về bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu ma nhai.

Sau mấy trăm năm im lìm, những ma nhai trên đá đã được đánh thức, để người đời nay và đời sau hiểu hơn, trân quý hơn những tuyệt tác ở những động Tàng Chơn, động Linh Nham, hang Vân Căn Nguyệt Quật, động Thiên Phước Địa, hang Vân Nguyệt Cốc hay động Huyền Không Sơn Thượng... Khuất lấp sau hình hài của đá và rêu phong của thời gian, những ma nhai ẩn trên vách đá của núi Ngũ Hành Sơn giờ đây đã có một danh phận, và ở đó những ký ức trăm năm được tái tạc lại trong sự hân hoan của đất và người xứ Quảng.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn hiện là nơi hội tụ 4 di sản cấp quốc gia và khu vực, gồm Danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia gồm Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước và Lễ hội Quán Thế Âm và lần này là Di sản tư liệu Ma nhai thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tiêu Dao
.
.
.