Kinh tế thế giới sẽ ra sao sau “cái chết” của petrodollar
Ngày 8/6/2024 đánh dấu thời khắc chấm dứt của thỏa thuận Petrodollar giữa Mỹ và Saudi Arabia sau 50 năm tồn tại. Sự kết thúc của nó có thể làm suy giảm vị thế của đồng đôla Mỹ (USD) trên thị trường dầu mỏ, thúc đẩy xu hướng phi đôla hóa và dẫn đến những thay đổi sâu rộng trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Tầm quan trọng của petrodollar
Thỏa thuận petrodollar, được ký kết vào năm 1974 giữa Mỹ và Saudi Arabia, đã đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố vị thế của USD như đồng tiền dự trữ toàn cầu. Theo thỏa thuận này, Saudi Arabia và các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cam kết giao dịch dầu bằng đồng USD, giúp tạo ra nhu cầu ổn định cho đồng tiền của Mỹ trên toàn thế giới. Đổi lại, Mỹ cung cấp hỗ trợ quân sự và đảm bảo an ninh cho vương quốc này.
Qua nhiều thập kỷ, hệ thống petrodollar đã duy trì sự ổn định của đồng đôla Mỹ và tạo điều kiện cho Mỹ duy trì các khoản thâm hụt thương mại mà không lo ngại về lạm phát hay suy giảm giá trị đồng tiền. Tuy nhiên, khi thỏa thuận này không được gia hạn vào ngày 8/6 vừa qua, nhiều chuyên gia dự báo nguy cơ suy giảm kinh tế lớn đối với Mỹ.
Lý do chính dẫn đến việc không thể gia hạn thỏa thuận petrodollar xuất phát từ sự thay đổi trong quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Saudi Arabia. Theo ông James Dorsey, chuyên gia phân tích chính trị và Trung Đông tại Đại học Quốc gia Singapore thì: “Căng thẳng giữa Washington và Riyadh ngày càng gia tăng, đặc biệt sau các quyết định chính sách đối ngoại của hai bên không khớp nhau, từ vấn đề nhân quyền đến sự can thiệp quân sự vào Yemen".
Bên cạnh đó, chính phủ Saudi Arabia cũng đang dịch chuyển về hướng các đối tác thương mại khác, đặc biệt là Trung Quốc và Nga, khi những quốc gia này cam kết giao dịch dầu bằng các loại tiền tệ khác ngoài đồng đôla.
Một yếu tố khác là sự chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, điều khiến Saudi Arabia cần đa dạng hóa các đối tác chiến lược của mình. Thái tử Mohammed bin Salman, người thực sự đang nắm quyền điều hành đất nước, đang đẩy mạnh kế hoạch Vision 2030 nhằm giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế Saudi vào dầu mỏ, từ đó khiến vương quốc này không còn cần dựa vào Mỹ như trước đây.
Hậu quả với nền kinh tế Mỹ
Thất bại trong việc gia hạn thỏa thuận petrodollar đã tạo ra hàng loạt tác động tiêu cực lên nền kinh tế Mỹ. Đầu tiên và quan trọng nhất là sự mất giá của đồng USD. Khi Saudi Arabia và các quốc gia OPEC chuyển sang giao dịch dầu bằng các loại tiền tệ khác, đặc biệt là đồng nhân dân tệ Trung Quốc, nhu cầu đối với đồng USD trên thị trường sẽ giảm dần theo thời gian và nhu cầu tích trữ USD trong giao dịch quốc tế sẽ giảm. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), việc chuyển đổi này có thể khiến giá trị USD giảm từ 10-20% trong vòng 5 năm tới.
Một tác động khác của việc USD mất sức ảnh hưởng quốc tế là lạm phát gia tăng tại Mỹ. Theo tiến sĩ Christopher Vecchio, chuyên gia kinh tế cấp cao tại DailyFX thì : "Sự giảm giá của USD sẽ khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, dẫn đến chi phí sản xuất và tiêu dùng trong nước tăng cao". Điều này đã được minh chứng rõ rệt trong tháng 8/2024, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong hơn một thập kỷ.
Ngoài ra, thâm hụt thương mại của Mỹ cũng sẽ trở nên trầm trọng hơn. Trong nhiều thập kỷ qua, Hoa Kỳ đã tận dụng vị thế của USD để chi tiêu vượt mức mà không lo ngại về việc cân bằng tài khoản vãng lai. Nhưng khi các nước khác không còn nhu cầu mạnh mẽ với USD, Mỹ sẽ phải đối mặt với áp lực giảm thâm hụt hoặc tăng lãi suất để thu hút vốn đầu tư quốc tế. Theo Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại của Mỹ trong năm 2023 đã đạt 948,1 tỷ USD, mức cao kỷ lục, và con số này có thể tăng thêm nếu không có các biện pháp điều chỉnh kịp thời.
Ở góc nhìn kinh tế chính trị, sự việc này còn nghiêm trọng hơn nhiều. Nước Mỹ đã duy trì vị thế bá chủ tài chính toàn cầu trong nhiều thập kỷ nhờ thỏa thuận petrodollar. Tuy nhiên, việc thỏa thuận này không được gia hạn đã tạo ra một lỗ hổng lớn trong hệ thống tài chính quốc tế mà Trung Quốc, Nga và các cường quốc mới nổi đang tìm cách lấp đầy. Theo ông Eswar Prasad, giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell và cựu Giám đốc bộ phận Trung Quốc tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì: "Nếu các quốc gia lớn như Saudi Arabia và Nga chuyển sang sử dụng đồng nhân dân tệ hoặc euro trong giao dịch dầu mỏ, đồng USD có nguy cơ mất vị thế là đồng tiền dự trữ chính của thế giới".
Hiện tại, hơn 60% dự trữ ngoại hối toàn cầu đang được giữ bằng USD. Tuy nhiên, nếu các quốc gia dần giảm sự phụ thuộc vào USD trong các giao dịch thương mại quốc tế, điều này sẽ đẩy nhanh quá trình suy giảm của đồng tiền Mỹ. Theo ước tính của IMF, nếu thị phần của USD trong dự trữ ngoại hối giảm xuống 50%, Mỹ sẽ mất khoảng 100 tỷ USD lợi thế từ lãi suất thấp mà họ hiện đang được hưởng.
Nước Mỹ phải thay đổi
Trước những biến động xấu này, chính quyền của Tổng thống Biden đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp đối phó nhằm hạn chế thiệt hại kinh tế. Một trong những động thái quan trọng là đẩy mạnh hợp tác thương mại và năng lượng với các quốc gia khác, đặc biệt là Canada và các nước Mỹ Latinh, nơi vẫn được coi là sân sau của Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen đã nhấn mạnh rằng: "Mỹ đang tìm cách đa dạng hóa các nguồn cung dầu và khí đốt, không chỉ dựa vào Trung Đông".
Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng đang đẩy mạnh chương trình phát triển năng lượng tái tạo. Thông qua Đạo luật Giảm lạm phát được ký vào tháng 8/2022, chính phủ Mỹ đã cam kết chi 430 tỷ USD trong thập kỷ tới để phát triển năng lượng sạch, từ năng lượng mặt trời đến năng lượng gió và hydrogen xanh. Điều này không chỉ giúp giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ mà còn tạo ra hàng triệu việc làm mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Một biện pháp khác là tăng lãi suất để ổn định giá trị đồng đôla. Cục Dự trữ liên bang (Fed) đã thực hiện các đợt tăng lãi suất liên tục trong hai năm qua và duy trì mức lãi suất này khá lâu. Chủ tịch Jerome Powell đã tuyên bố rằng "việc duy trì lãi suất ở mức cao sẽ giúp đồng đôla trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và ngăn chặn lạm phát". Đây chắc chắn là đòn mạnh mẽ nhất để Mỹ bảo vệ giá trị đồng tiền của mình.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế đã đưa ra những cảnh báo về viễn cảnh suy giảm kinh tế nếu Mỹ không thể tìm ra các biện pháp thay thế cho thỏa thuận petrodollar. Ông Kenneth Rogoff, giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard và cựu chuyên gia IMF, nhận định rằng "sự mất mát của thỏa thuận petrodollar sẽ tạo ra một lỗ hổng tài chính lớn cho Mỹ, và nếu không có sự can thiệp kịp thời, điều này có thể dẫn đến một cuộc suy thoái toàn cầu". Bản thân hành động tăng lãi suất trong thời gian dài của Fed cũng đang kéo theo một cuộc suy thoái của nền kinh tế Mỹ khi các nhà đầu tư thay vì bỏ tiền cho sản xuất thì họ đang tích trữ tiền trong ngân hàng và rất dễ dẫn đến tình trạng lạm phát kéo dài.
Theo một báo cáo của Goldman Sachs, Mỹ có nguy cơ mất 2-3% tăng trưởng GDP hàng năm trong 5 năm tới nếu không tìm được các nguồn thu mới từ xuất khẩu năng lượng và tài chính. Bên cạnh đó, sự giảm sút của USD có thể khiến Mỹ khó cạnh tranh hơn trên trường quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất và công nghệ. Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng tỏ ra lạc quan hơn. Tiến sĩ Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế quốc tế Peterson, cho rằng: "Mỹ có thể vượt qua khủng hoảng này nếu tiếp tục đầu tư vào công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc tăng cường hợp tác với các đồng minh châu Âu và Đông Á cũng sẽ giúp Mỹ giữ vững vị thế kinh tế toàn cầu".
Thỏa thuận petrodollar với Saudi Arabia không chỉ đơn thuần là một thỏa thuận thương mại, mà còn là nền tảng của hệ thống tài chính toàn cầu suốt 50 năm qua. Khi không thể gia hạn thỏa thuận này, Mỹ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về mặt kinh tế và tài chính. Viễn cảnh suy giảm của đồng USD, lạm phát gia tăng, và nguy cơ mất quyền bá chủ tài chính đang đặt ra những câu hỏi lớn cho tương lai của nền kinh tế Mỹ. Với những biện pháp kịp thời từ chính quyền, Mỹ vẫn đang giữ được đồng USD ổn định, đảm bảo được vị thế của mình trên trường quốc tế, nhưng về lâu dài, đây sẽ là bài toán hóc búa cho những nhà chính sách của Mỹ.