Kinh đô Thăng Long qua lăng kính khảo cổ học

Thứ Hai, 12/09/2022, 16:04

Trải qua biến cố thăng trầm của lịch sử, những ký ức vàng son về Kinh đô Thăng Long chỉ còn lưu lại trong sử sách, dấu tích vật chất đều đã bị phá hủy, không còn tồn tại trên mặt đất. Từ năm 2002 cho đến nay, các cuộc khai quật khảo cổ học tại khu di tích này đã tìm thấy dưới lòng đất nhiều dấu tích nền móng cung điện, lầu gác và hàng triệu di vật.

Những bằng chứng sinh động phản ánh lịch sử huy hoàng của Kinh đô Thăng Long xưa đã được nhiều nhà nghiên cứu chia sẻ tại hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội” ngày 8-9/9.

Kinh đô Thăng Long qua lăng kính khảo cổ học -0
Mô hình 3D phục dựng giả định Điện Kính Thiên trong Hoàng thành Thăng Long dựa theo tư liệu lịch sử và kết quả khai quật khảo cổ.

Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, kết quả khai quật khảo cổ học đã góp phần hé mở nhiều bí mật bị chôn vùi của Cấm thành Thăng Long xưa. Trong đó có Tân Cung - kinh đô mới của vua Lý Cao Tông, bao gồm hệ thống cung điện lầu gác nguy nga, tráng lệ, được bao quanh bởi thành cao, cổng kín và nằm gọn ở phần phía Tây Bắc bên trong Cấm thành Thăng Long. Tân Cung chỉ tồn tại trong khoảng hơn chục năm đầu thế kỷ XIII và hình ảnh của nó đã bị chìm sâu vào quên lãng từ hơn 800 năm nay. Các nhà nghiên cứu vẫn biết Tân Cung ẩn chứa rất nhiều bí mật của tòa thành Thăng Long nhưng chưa được quan tâm giải mã. Chỉ đến khi khai quật khảo cổ học khu 18 Hoàng Diệu và khu nền nhà Quốc hội cũ, quy mô, cấu trúc của Tân Cung cùng với chức năng, vai trò, vị trí của nó trong Cấm thành Thăng Long mới từng bước được nhận diện.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, mặc dù Tân Cung là tòa thành nằm ở trong cùng và bao lấy những cung điện, lầu gác lớn nhất và quan trọng nhất, nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ diện tích của Cấm thành và lệch ra bên ngoài phía Tây trục trung tâm Cấm thành chỉ vài trăm mét. Trên thực tế các điện Thiên An, Tẩm điện, nhiều cung điện, lầu gác khác nằm trên trục chính tâm của Cấm thành Thăng Long, tuy chức năng ít nhiều đã có thay đổi, nhưng vẫn còn giữ hồn thiêng của Tân Cung. Trục chính tâm của Cấm thành Thăng Long từ khi Lý Thái Tổ định đô cho đến khi Tân Cung xuất hiện, Tân Cung bị tàn phá, trải qua các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn và cho đến ngày nay hầu như không có sự thay đổi nào. Đấy là hằng số lịch sử - văn hóa của không gian điện Càn Nguyên - Thiên An - Kính Thiên, là cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc nghiên cứu phục dựng tòa chính điện Kính Thiên và không gian khu trung tâm Cấm thành Thăng Long.

Kinh đô Thăng Long qua lăng kính khảo cổ học -0
Hội thảo khoa học quốc tế về nghiên cứu, bảo tồn, phát huy di sản Hoàng thành Thăng Long.

PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam và Đoàn khai quật Viện Khảo cổ học, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cũng khẳng định, kết quả 20 năm khảo cổ học Kinh đô Thăng Long đã làm sáng rõ hơn câu chuyện xây dựng kinh đô Thăng Long hơn 1.000 năm trước.

Việc nghiên cứu lâu dài (bao gồm cả việc nghiên cứu của các học giả của Pháp trường Viễn Đông Bác Cổ - EFEO) đã thống nhất được tương đối cấu trúc và quy mô của Kinh đô Thăng Long thời Lý. Đó là một tòa thành đất có cấu trúc kiểu “tam trùng thành quách”, nghĩa là  Kinh đô có 3 vòng thành bao bọc lẫn nhau.

Vòng thành ngoài (La Thành) là vòng thành lớn nhất (đắp năm 1014) được bắt đầu từ phía con đê sông Hồng từ khoảng điểm tiếp giáp với phố Hòe Nhai bây giờ qua đường Thụy Khuê (qua đền Đồng Cổ), vòng xuống dốc Bưởi qua Cầu Giấy (cửa Tây Dương), đi theo đường La Thành (qua Xạ Đình), qua Ô Chợ Dừa (qua cửa thành Chợ Dừa có đàn Xã Tắc ở phía ngoài), theo đường Đê La Thành (qua ô Đồng Lầm), theo đường Đại Cồ Việt (qua di tích đàn Nam Giao), qua ô Đông Mác (cửa Vạn Xuân), cuối cùng tiếp nối với đê sông Hồng. Vòng thành này có chu vi khoảng 16km, tổng diện tích khoảng 1.560ha.

Kinh đô Thăng Long qua lăng kính khảo cổ học -0
Một di vật của Hoàng cung Thăng Long được trưng bày phục vụ du khách.

Hiện nay, dấu tích của vòng thành còn rõ nhất tại đường La Thành và đường Đê La Thành. Vòng thành này đã được khảo cổ học phát hiện tại các địa điểm Đê Bưởi, Cầu Giấy, Đội Cấn, Đào Tấn. Các hố khai quật thăm dò tại đây đều đã tìm thấy dấu tích lũy đất thời Lý với chiều cao còn lại hơn 5m, chân thành rộng hơn 20m được đắp bằng đất sét sạch màu vàng hoặc vàng nâu và được đầm nện kỹ càng theo từng lớp bằng kỹ thuật đầm vồ đinh và đầm dẵm.

Trong lòng lũy còn có dấu tích của hai lõi sỏi để tăng độ bền chắc cho lũy thành. Lũy thành này được đắp nương theo địa hình tự nhiên lấy ba con sông làm ngoại hào thiên nhiên là sông Hồng, sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu. Do vậy ngoài chức năng phòng vệ Kinh đô thì tòa thành này còn là một con đê ngăn lũ lụt vào mùa mưa. Tên chữ Đê La Thành hàm nghĩa lũy đất này vừa là tường bao vừa là đê ngăn lũ.

Vòng thành giữa là Hoàng thành Thăng Long được đắp năm 1010 có mở 4 cửa: cửa Nam (Ðại Hưng môn), cửa Bắc (Diệu Ðức môn), cửa Ðông (Tường Phù môn), cửa Tây (Quảng Phúc môn). Ranh giới của Hoàng thành được giới nghiên cứu xác định tương đối ở 3 hướng theo địa danh hiện nay: Nam ở khoảng phía ngoài đường Trần Phú, Bắc ở khoảng đường Phan Ðình Phùng - Quán Thánh, Ðông ở khoảng phố Thuốc Bắc. Ranh giới phía Tây các ý kiến nghiên cứu còn khác nhau. Bản thân PGS.TS Tống Trung Tín và cố GS Trần Quốc Vượng đoán là nó nằm ở khoảng từ đường Hùng Vương đến bến xe ô tô Kim Mã cũ.

Kinh đô Thăng Long qua lăng kính khảo cổ học -0
Trưng bày hiện vật Hoàng cung Thăng Long thu hút nhiều học giả trong nước và quốc tế.

Vòng thành trong là Cấm thành (Long Thành) được xây dựng năm 1029, có thể tính được quy mô tương đối nhờ có 4 mốc: phía Nam là khoảng Cột Cờ (Tam Môn, Cửa Nam đầu tiên của Cấm thành), phía Bắc là khoảng gần di tích Bắc Môn thời Nguyễn, phía Tây ở khoảng chùa Một Cột và Khán Sơn (trụ sở Trung ương Ðảng hiện nay), phía Ðông ước khoảng đường Lý Nam Ðế nếu lấy mỗi cạnh khoảng 700m.

Về quy hoạch tổng thể của Kinh đô Thăng Long thời Lý có thể xác định tương đối. Cụ thể, Chính điện Càn Nguyên (từ năm 1029 gọi là Thiên An) là điểm trung tâm ở giữa Cấm thành. Vòng Cấm thành cũng bao quanh Chính điện và các cung điện thiết triều của Hoàng đế, triều đình, nơi sinh hoạt của Hoàng gia. Vòng Hoàng thành bao quanh Cấm thành và các cơ quan làm việc của triều đình, có thể có nhà ở của quan lại cao cấp, một số công trình tôn giáo như cung Thái Thanh, cung Cảnh Linh, chùa Một Cột… Phía Ðông có Ðông cung, Thái Miếu. Bên ngoài phía Tây Nam có Văn Miếu. Bên trong và bên ngoài của vòng Ðại La thành có các phố phường, chợ búa, bến bãi, nơi ở của nhiều tầng lớp dân cư, xen lẫn một số công trình tôn giáo quan trọng như tháp Báo Thiên, đàn tế Nam Giao (114 Mai Hắc Ðế). Phía ngoài Ðại La thành gần cửa Trường Quảng (Ô Chợ Dừa) có đàn tế Xã Tắc, một số cung điện thưởng ngoạn của Hoàng gia và triều đình, nơi ở của một số Hoàng thân quốc thích, quan lại cao cấp như cung Thúy Hoa, gác Thiên Phù, nhà của Thái úy Lý Thường Kiệt, cung Từ Hoa của công chúa Từ Hoa nhà Lý ở Nghi Tàm.

Cũng theo PGS.TS Tống Trung Tín, thực tế, các cuộc khai quật khảo cổ học ở khu vực Kinh đô Thăng Long và khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã phát lộ một hệ thống di tích và di vật lịch sử đồ sộ minh chứng tiêu biểu, xác thực cho lịch sử - văn hóa Thăng Long, lịch sử - văn hóa Việt Nam phát triển liên tục qua hơn 1.000 năm lịch sử từ các thời kỳ tiền Thăng Long, Thăng Long thời Lý - Trần - Lê sơ - Mạc - Lê Trung hưng - Tây Sơn - Nguyễn cho đến cận hiện đại. Các giá trị lịch sử - văn hóa của Thăng Long đã đem lại cho Việt Nam và nhân loại một di sản thế giới có giá trị to lớn và kết quả khai quật khảo cổ học là nguồn tư liệu xác thực góp phần tích cực và quyết định vào việc xây dựng nhiều chương trình bảo tồn và phát huy giá trị của khu di sản Hoàng thành Thăng Long. 

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội – Nguyễn Thanh Quang, Đề án Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (tỷ lệ 1/500) đã xác định quy mô của di tích là 18,353ha, gồm Khu Thành cổ Hà Nội và Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Từ năm 2021-2025, tại di tích Hoàng thành Thăng Long có 3 dự án trọng điểm. Dự án Bảo tồn khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, xây dựng Bảo tàng trưng bày tại chỗ theo Quy hoạch Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu, trong đó bao gồm các hạng mục trưng bày, bảo quản hiện vật tại chỗ, vừa đảm bảo quản lý bảo tồn hiệu quả các di tích khảo cổ học, vừa tạo điều kiện cho công tác tham quan, trưng bày, thu hút khách du lịch.

Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam - Christian Manhart: Hoàng thành Thăng Long minh chứng cho hơn 10 thế kỷ giao lưu và ảnh hưởng văn hóa từ khắp châu Á. Ngày nay, các tầng văn hóa khảo cổ phản ánh những bước phát triển nối tiếp nhau của các triều đại đã trị vì. Hiếm có di sản nào trên thế giới thể hiện tính liên tục lâu dài như Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Vẫn còn nhiều lớp khảo cổ chưa được khám phá dưới lòng đất, tuy nhiên nghiên cứu, bảo tồn di sản là một quá trình rất lâu dài, đòi hỏi phải có kế hoạch và thực hiện một cách chiến lược. Các ưu tiên và lĩnh vực trọng tâm trong nghiên cứu cần được xác định rõ ràng.

Minh Hải
.
.
.