Khi yêu thương chỉ để làm màu

Thứ Tư, 18/09/2024, 09:52

Sau khi ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt nam công bố sao kê các khoản từ thiện của các tổ chức cá nhân ủng hộ đồng bào chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3, dư luận không khỏi xôn xao trước những con số không hề khớp so với những gì nhiều người đã khoe mẽ trên mạng xã hội.

Việc sao kê công khai đã phơi bày những mảng tối, vạch trần những màn “phông bạt” của một bộ phận người sống ảo, thích làm màu. Họ sẵn sàng lấy mất mát của đồng bào ra để đánh bóng tên tuổi.

Lợi dụng mất mát của đồng bào để “phông bạt”

Mới đây, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đăng tải 12.028 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng do bão số 3 ở tài khoản tại Vietcombank 0011001932418 tính từ ngày 1/9 đến ngày 10/9.

sk1.jpeg -0
Louis Phạm là “nạn nhân” đầu tiên bị réo tên không trung thực trong “đại hội check var”.

Theo ông Cao Xuân Thạo, Trưởng ban Phong trào, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì việc sao kê để các tổ chức, cá nhân có thể yên tâm gửi “tấm lòng” của mình tới đồng bào bị lũ lụt.

Chỉ trong một thời gian ngắn đã có hàng triệu tài khoản cá nhân chủ động chuyển tiền vào tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương. Thời gian tới, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp tục công khai minh bạch đầy đủ thông tin của những tổ chức, cá nhân chuyển tiền ủng hộ tới địa chỉ tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương để người dân tham gia theo dõi, giám sát.

Việc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bất ngờ tung sao kê là một nước đi không ai ngờ tới. Đã có biết bao người nổi tiếng “đứng ngồi không yên” khi những trang sao kê được công bố. Lý do là bởi, nhiều người vốn quen thói “phông bạt” đã thỏa sức “thổi phồng” số tiền ủng hộ bằng cách sửa bill rồi lên mạng khoe khoang.

Trường hợp đầu tiên bị cộng đồng mạng réo tên trong việc không trung thực số tiền ủng hộ là Louis Phạm (tên đầy đủ là Phạm Như Phương) - cựu VĐV thể dục dụng cụ. Trước đó, trên trang cá nhân, Louis Phạm đã đăng tải hình ảnh giao dịch chuyển tiền đến tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương nhưng lại sử dụng icon che đi 8 chữ số. Nhìn vào dãy số bị che, nhiều người đoán rằng Louis Phạm đã ủng hộ đồng bào lũ lụt ít cũng vài chục triệu đồng.

Tuy nhiên, qua tra sao kê, số tiền mà Louis Phạm đóng góp thực tế chỉ có 500.000 đồng. Trong bảng sao kê này, từ tên tài khoản đến lời nhắn đều trùng khớp với những gì mà cựu vận động viên này đăng tải.

Điều đang nói là, khi bị  cộng đồng mạng check var thì cựu nữ vận động viên lại lên tiếng thanh minh rằng: “Mình không biết đây có thể là mình hay không. Vì có thể có những người tên giống mình và cùng một nội dung. Hơn nữa, mình chuyển khoản vào những số tài khoản khác nhau, cùng nội dung hoặc khác nội dung. Vì vậy, mình vẫn sẽ không công khai. Chúng mình thương dân thương đồng bào nên mọi người hãy làm ơn để chúng mình được giúp đỡ”.

Người tiếp theo làm cộng đồng mạng dậy sóng chính là TikToker Việt Anh Pí Po (tên thật Phùng Việt Anh). Trước đó, Việt Anh đã đăng một bức ảnh nhưng đã che đi số tiền chuyển khoản. Nhưng nhìn vào dãy số che “hờ hững” ai cũng có thể đoán số tiền mà anh chàng này ủng hộ đồng bào lũ lụt là 20 triệu đồng. Tuy nhiên, đến tối 12/9, khi dân mạng kiểm tra sao kê từ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, con số thực tế mà Việt Anh chuyển chỉ là 1 triệu đồng.

Ngay lập tức Việt Anh Pí Po lên tiếng xin lỗi. Thậm chí anh còn vào hẳn fanpage của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để nói về việc làm lần này của mình. Việt Anh nhận sai và sẽ chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật.

Nếu chỉ dừng lại ở đó thì dân tình cũng không đến mức khó chịu hay bức xúc thêm. Nhưng trên kênh TikTok, anh chàng cũng lên một clip xin lỗi và giải thích quá trình chuyển khoản từ thiện của mình. “Mình xin lỗi mọi người về sự phông bạt, và chuyện mình phông bạt cũng là thật. Những hình ảnh và thông tin mà mọi người nhận được là thật”, Việt Anh chia sẻ.

Việt Anh kể lại trong video rằng, sáng ngày 10/9 team dự định sẽ chuyển khoản 20 triệu để giúp đỡ bà con vùng lũ. Lúc đó một bạn khác trong team đang cần điện thoại của Việt Anh nên anh này nhờ bạn đó chuyển khoản luôn. Việt Anh cho biết: “Sau khi chuyển khoản, bạn đó hỏi mình là có che không. Mình muốn làm màu nên bảo che hững hờ đi. Và sau đó mình ung dung lắm, mình cũng rất tin tưởng và gần như không có thói quen kiểm tra số dư tài khoản luôn. Đến khi mình đọc được những lời bình luận, mình vẫn còn trả lời lại là bản thân đã chuyển khoản”.

Việt Anh cũng khẳng định lại lỗi sai là ở anh và phông bạt cũng là anh, hiện giờ dù có giải thích hay nói thế nào thì cũng không thể bao biện. Ngay sau đó Việt Anh đã chuyển khoản lại đúng số tiền 20 triệu vào tài khoản của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nhiều người đã không giấu được sự bức xúc đã nói anh chàng này chính là siêu nhân mới của Việt Nam, chuyển 20 triệu mà không cần sinh trắc học, lại để người khác cầm máy mình chuyển hộ.

Cũng là một người nổi tiếng trên mạng xã hội, nhà sáng tạo nội dung Dương Anh CoinBit cũng bị dân tình tố “thổi phồng” số tiền ủng hộ khắc phục hậu quả do siêu bão Yagi gây ra.

Trong khi anh chia sẻ thông tin ủng hộ đồng bào miền lũ 100 triệu đồng. Thế nhưng, số tiền thực tế từ sao kê chỉ là 10.000 đồng. Trước phản ứng gay gắt của cư dân mạng, Dương Anh CoinBit không đưa ra phản hồi. Hiện nay, Dương Anh cũng đã khóa các trang cá nhân.

Dở khóc dở cười vì mang tiếng oan

“Đại hội sao kê” của cộng đồng mạng không chỉ tìm ra những kẻ làm màu, “phông bạt” mà còn khiến nhiều cá nhân, tổ chức khóc dở mếu dở vì bị mang tiếng oan.

sk4.jpeg -0
Nhiều người đã lợi dụng sự mất mát của đồng bào để đánh bóng tên tuổi.

Một trong số nạn nhân của “đại hội sao kê” chính là Rạp xiếc Trung ương. Cụ thể, trong hơn 12.000 trang sao kê, dân mạng chú ý khi có một tài khoản chuyển ủng hộ cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam số tiền 10.000 đồng, nội dung giao dịch là “Tập thể anh em rạp xiếc trung ương ủng hộ”.

Ngay sau đó, mạng xã hội xuất hiện nhiều bài đăng với ý kiến trái chiều về việc này. Nhiều người tỏ ra bất ngờ, lên tiếng chỉ trích, mỉa mai trước việc Rạp xiếc Trung ương chỉ ủng hộ 10.000 đồng cho đồng bào vùng lũ. Tuy nhiên, số khác cho rằng đây chưa hẳn là thông tin chính xác bởi nội dung chuyển khoản có thể do cá nhân tự ý viết vào.

NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam bức xúc vì trên mạng lan truyền hình ảnh sao kê đơn vị ủng hộ đồng bào bão lũ chỉ 10.000 đồng. Ông Thắng cho rằng đây là hành vi cố tình bôi nhọ danh dự của liên đoàn.

Ngay lập tức, Lãnh đạo Công an TP.Hà Nội đã chỉ đạo Phòng An ninh chính trị nội bộ khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan xác minh, làm rõ sự việc để xử lý nghiêm theo quy định. Chiều 13/9, Phòng An ninh chính trị, nội bộ đã xác minh và mời anh N.M.Đ (SN 2003) là sinh viên một Trường đại học tại Hà Nội đến làm việc để làm rõ hành vi liên quan sự việc nêu trên. Tại cơ quan công an, Đ tường trình, từ năm 2022, Đ với một số bạn học có lập 1 nhóm chat trên messenger với tên gọi “Rạp xiếc trung ương” nhằm mục đích học tập và không liên quan gì đến Liên đoàn xiếc Việt Nam. Khi biết dư luận xã hội phản ứng tiêu cực về việc này, Đ.đã chủ động gọi điện thoại đến Liên đoàn xiếc Việt Nam để xin lỗi.

Một trường hợp khác là trang fanpage ủng hộ chương trình truyền hình thực tế “Anh trai vượt ngàn chông gai” có tên Hội seeding miễn phí cho “Anh trai vượt ngàn chông gai” với hơn 40 ngàn lượt theo dõi.

Trước đó, fanpage này từng công bố ủng hộ số tiền 20 triệu đồng tới tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương nhưng sau khi minh bạch sao kê, cư dân mạng đã phát hiện ra số tiền được chuyển khoản chỉ vỏn vẹn là 200.000 đồng.

Điều này lập tức gây bức xúc lớn trong dư luận, thậm chí làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh rất tích cực mà “Anh trai vượt ngàn chông gai” gây dựng suốt nửa năm qua. Trước đó, 33 anh tài đã cùng nhau chung tay quyên góp số tiền 230,4 triệu đồng cho quỹ của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Diễn viên Tiến Luật, một trong các anh lớn của show, cũng chia sẻ sự bức xúc lên trang cá nhân của mình: “Buồn, rất buồn”. Dưới phần bình luận, anh nói thêm khiến không ít fan chạnh lòng: “Làm mà không nghĩ. Bao nhiêu người vì chương trình mà làm việc tốt. Tự nhiên bây giờ...”.

Đến sáng 13/9, admin có tài khoản Facebook A.L.T, là người trực tiếp thực hiện hành vi trên đã đăng tải trên trang cá nhân để lý giải về sự việc. Theo đó, người này cho biết người này ủng hộ 200 nghìn đồng với tư cách cá nhân tuy nhiên lại đăng tải lên trang với con số 20 triệu đồng, thay tên cá nhân thành tập thể fan của show “Anh trai vượt ngàn chông gai”. Đáng chú ý, hành động này đã được admin này thông báo với founder của trang và một admin khác, được 2 người này chấp thuận.

Trưa ngày 13/9, bên cạnh những cuộc “vạch mặt” một số cá nhân khoe khoang tiền ủng hộ sai lệch so với số tiền thực họ gửi tới Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cộng đồng mạng cũng tìm ra không ít trường hợp hài hước và dễ thương.

Cụ thể, một người có tên Tăng Kiến Triết đã chuyển khoản 2 lần liên tục số tiền 1.111.111 đồng vào tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương với nội dung “Tăng Kiến Triết chuyển ủng hộ cứu trợ đồng bào miền Bắc”.

Đến lần chuyển khoản thứ 3, tài khoản này chuyển thêm 10 nghìn đồng với dòng tin nhắn “em có chuyển nhầm thành 2 giao dịch, em mong được nhận lại một giao dịch 1 triệu 111 nghìn đồng”.

Dòng tin nhắn thật thà và dễ thương của người này được cộng đồng mạng lan truyền và khen ngợi. Nhiều người thấy thông cảm và quý mến nên đã chuyển lại tiền cho Tăng Kiến Triết. Anh Triết chia sẻ: “Ngay sau khi chuyển tin nhắn thứ 3, tôi nhận ra hành động của mình là không nên. Tôi nghĩ nếu Mặt trận Tổ quốc có chuyển lại tiền thì tôi cũng không nhận nữa, mà sẽ chuyển lại số tiền đó để ủng hộ đồng bào”.

Tính đến chiều ngày 13/9, số tiền anh Triết nhận được là hơn 4 triệu đồng. Anh đã chuyển cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam coi như là gửi tấm lòng của mọi người tới đồng bào vùng lũ đang gặp nhiều khó khăn. Số tiền được chia thành 2 lần giao dịch, một lần 4 triệu đồng, một lần 200 nghìn đồng.

Soi các trang sao kê, nhiều người không khỏi xúc động khi bắt gặp những dòng tin nhắn vừa ngây thơ, vừa chứa chan yêu thương của nhiều em học sinh. Số tiền mà các em chuyển đến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có khi chỉ là vài chục nghìn đồng hay thậm chí là vài nghìn đồng. Nhưng tất cả đều xuất phát từ tình yêu thương đồng bào và các bạn bị ảnh hưởng cơn bão Yagi. Một tài khoản chuyển đến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam số tiền 20 nghìn đồng cùng lời nhắn: “Cháu không có nhiều hơn, xin lỗi mọi người, mong mọi người bình an”.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, tấm lòng với bà con vùng lũ ít hay nhiều phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện của mỗi người, không ai chê trách từ thiện nhiều hay ít miễn là từ tâm. Nếu sửa biên lai chuyển tiền, photoshop biên lai để thể hiện tăng số tiền từ thiện thì không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.

Đó là hành vi làm giả tài liệu và đưa tin sai sự thật. Tùy thuộc vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tuỳ thuộc vào hậu quả xảy ra mà người sửa bill chuyển tiền sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy hành vi sửa bill chuyển tiền từ thiện đăng lên mạng xã hội gây khó khăn cho đơn vị tiếp nhận, ảnh hưởng đến hoạt động thống kê, phân phát tiền từ thiện, gây ra dư luận xấu thì người thực hiện hành vi làm bill giả, đưa tin sai sự thật lên không gian mạng sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ theo quy định tại Điều 331 BLHS.

Phong Anh
.
.
.