Đi tìm “chú bé Lượm”

Thứ Hai, 29/07/2024, 08:40

Trong bài thơ “Lượm” của nhà thơ Tố Hữu viết trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, hình ảnh chú bé Lượm đã trở nên quen thuộc với độc giả cả nước qua những câu thơ: “Chú bé loắt choắt/ Cái xắc xinh xinh/ Cái chân thoăn thoắt/ cái đầu nghênh nghênh/ Ca lô đội lệch/ Mồm huýt sáo vang/ Như con chim chích/ Nhảy trên đường vàng”.

Lượm đã ngã xuống trong một lần đi làm liên lạc. Ở ngoài đời, cũng có một “chú bé” - liệt sĩ mang tên Lượm đi hoạt động cách mạng và hy sinh khi mới 14 tuổi. Đó chính là liệt sĩ Nguyễn Thanh, tên thường gọi là Nguyễn Văn Lượm. Mới đây, thông tin này lần đầu tiên được gia đình liệt sĩ Nguyễn Thanh chia sẻ với phóng viên An ninh thế giới.

Đi tìm một hình tượng

Thật tình cờ, qua anh Phùng Quang Trung ở Hải Dương - một người trẻ đang có những dự án phục dựng chân dung liệt sĩ ở các địa phương, chúng tôi biết được thông tin về nguyên mẫu chú bé Lượm trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Tố Hữu. Anh Trung chia sẻ rằng, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (sinh năm 1991), thường trú tại phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, hiện đang làm việc tại thành phố Nha Trang, là cháu ruột của liệt sĩ Nguyễn Thanh (tên thường gọi là Nguyễn Văn Lượm) đã cung cấp thông tin về người bác của mình.

1.jpg -0
Liệt sĩ Nguyễn Văn Lượm (1932-1947).

Từ những thông tin ban đầu đó, chúng tôi quyết tâm tìm hiểu về “chú bé Lượm” ngoài đời. Sau khi xác minh, cảm giác vỡ òa dâng lên khi chúng tôi biết “chú bé Lượm” có thật ngoài đời. Hiện tại, chính quyền địa phương phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận vẫn duy trì thực hiện chính sách đối với gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Lượm kể từ sau khi ông Tuất làm các thủ tục báo cáo với địa phương năm 1977.

Gia đình chị Huyền hiện vẫn lưu giữ một số giấy tờ, tài liệu liên quan đến liệt sĩ Nguyễn Văn Lượm. Trong đó có “Tờ nhận tự khai” ngày 12/4/1977 của ông Nguyễn Tuất (tên thường gọi là Be), là cha đẻ của liệt sĩ Lượm, là ông nội của chị Huyền. Ông Nguyễn Tuất sinh ngày 27/03/1909 tại Lai Trung, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Bình Trị Thiên (nay là Thừa Thiên - Huế). Ông là cha đẻ của liệt sĩ Nguyễn Thanh, sinh ngày 21/12/1932, tên thường gọi ở nhà là Nguyễn Văn Lượm.

Trong tờ tự khai, ông Tuất là hộ tống viên bưu điện, đã từng làm việc ở nhiều nơi như Bưu điện Quy Nhơn, Bưu điện Nha Trang, rồi chuyển đến Bưu điện Ninh Hòa, Bưu điện Phan Thiết. Từ năm 1927 đến năm 1943, ông làm việc tại Quy Nhơn và con trai Nguyễn Thanh được sinh ra ở đây. Năm 1943, ông chuyển vào làm việc tại Nha Trang nên đưa gia đình đi theo. Con trai của ông là Lượm cũng theo cha vào Nha Trang và tiếp tục học tại đây 2 năm. Hiện gia đình vẫn giữ “giấy căn cước” bằng song ngữ tiếng Pháp/ tiếng Việt năm 1943 của Nguyễn Thanh. Đây là giấy tờ để các thí sinh ứng thí các bằng cấp Pháp - Việt ở Trung Kỳ. Giấy này có dán ảnh Nguyễn Thanh lúc đó 11 tuổi. 

Trong “Tờ nhận tự khai”, ông Tuất xác định rõ thời gian con trai ông thoát ly gia đình: “Năm 1945 đến 1946, con tôi (tức Nguyễn Văn Lượm - TG) hoạt động tại Nha Trang và thoát ly từ ngày ấy. Tôi không nhận được tin tức chi cả. Mãi đến ngày giải phóng về toàn diện thì em ruột tôi là Nguyễn Trọng Quảng cán bộ về hưu… mang bằng Tổ quốc ghi công ngày 5/5/1958 đề tên liệt sĩ Nguyễn Văn Lượm về cho tôi”.

Trong thời gian chiến tranh, bằng Tổ quốc ghi công năm 1958 bị hư hại, nên đến năm 1977, ông Tuất đã viết “Tờ nhận tự khai” để xin sao y bản chính. Thời điểm đó ông Tuất đã về hưu và sống tại thị xã Phan Rang - Tháp Chàm. Bên dưới “Tờ nhận tự khai” của ông Tuất có xác nhận của một số cán bộ hoạt động cách mạng và xác nhận của UBND phường Phước Tiến, thị xã Nha Trang về nội dung ông Nguyễn Tuất có người con đẻ là Nguyễn Thanh, tên thường gọi là Nguyễn Văn Lượm đã hy sinh, được cấp bằng Tổ quốc ghi công. Bằng Tổ quốc ghi công ghi rõ: Liệt sĩ Nguyễn Văn Lượm - Đội viên du kích. Nguyên quán: Xã Quảng Ninh, Quảng Điền, Thừa Thiên, đã hy sinh cho Tổ quốc trong khi chiến đấu với địch tại Thừa Thiên ngày 15/4/1947. Như vậy, lúc hy sinh, “chú bé Lượm” mới 14 tuổi.

Đi tìm “chú bé Lượm” -0
Căn cước bằng song ngữ tiếng Pháp và tiếng Việt năm 1943 của liệt sĩ Nguyễn Văn Lượm.

Do ông Tuất đã mất từ năm 1979, nên để xác minh về liệt sĩ Lượm, chúng tôi đã tìm đến nhà ông Nguyễn Xuân - người nắm chắc gia phả họ Nguyễn ở Huế. Nhà ông Xuân hiện ở thôn Lai Trung 3, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông Xuân sinh năm 1937, nay đã 87 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Trải tờ gia phả họ Nguyễn trên tấm phản, ông Xuân xác định rằng: “Liệt sĩ Lượm ngang hàng với tôi, bố tôi và bố liệt sĩ Lượm là anh em con chú con bác ruột. Tuy liệt sĩ Lượm hơn tôi 5 tuổi, nhưng theo họ hàng thì phải gọi tôi là anh họ”.

Ông Xuân nhớ rằng: “Khi tôi còn nhỏ thì người em họ tên Lượm đã đi hoạt động cách mạng theo người chú ruột là Nguyễn Trọng Quảng. Sự việc sau đó em Lượm hy sinh như thế nào thì bác Tố Hữu là người nắm rõ và đã viết trong bài thơ “Lượm” - bài thơ quen thuộc với mọi người dân Việt Nam”.

“Chú bé Lượm” là ai?

Chúng tôi đã liên lạc với bà Nguyễn Thị Hiền - là em gái của liệt sĩ Lượm, hiện đang sống tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

Bà Hiền cho biết, ba của bà là ông Tuất làm bưu điện chuyển qua nhiều cơ quan. Khi về đến Phan Rang - Tháp Chàm làm việc thì định cư hẳn ở đây cho đến lúc mất. Bà nhớ lại: “Thời kì chiến tranh, tôi thấy khuya nào ba tôi cũng mở đài nghe một cách chăm chú. Mẹ tôi không hiểu sao ba tôi vẫn giữ thói quen nghe đài hàng đêm, liền nói: “Trên trời máy bay quần miết, ông nghe chi đài mà nghe hoài”. Ba tôi thủng thẳng: “Tôi có việc tôi phải nghe”. Bố tôi không nói rõ, nhưng sau này thì tôi hiểu bố tôi nghe đài vì muốn cập nhật tin tức từ các chiến trường. Thời điểm đó, con trai ông là Nguyễn Văn Lượm,  em trai ông là Nguyễn Trọng Quảng đều đi hoạt động cách mạng nhưng bặt tin nên không biết sống chết ra sao. Vì thế mà ba tôi luôn mong ngóng”.

Đi tìm “chú bé Lượm” -0
Bằng Tổ quốc ghi công sao y bản chính của liệt sĩ Nguyễn Văn Lượm.

Đến tận năm 1975, sau giải phóng miền Nam, ông Tuất mới nhận được tin con. Và đó cũng là cái tin đau đớn nhất. Bà Hiền kể lại: “Năm 1975, giải phóng đất nước. Một bữa chú Nguyễn Trọng Quảng, em ruột bố tôi ghé qua Phan Rang - Tháp Chàm tìm đến nhà tôi. Chú Quảng mang bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Lượm và nhiều giấy tờ của anh đưa cho bố tôi. Lúc đó bố tôi mới biết anh Lượm đã hy sinh. Ông lặng đi không nói được lời nào. Ông là người Huế, tính tình điềm đạm, ít nói, ít khi thổ lộ tình cảm. Ông đau xót lắm, nhưng ông nuốt nỗi đau vào trong”. Kể đến đây bà Hiền bật khóc xúc động khi nhớ đến hình ảnh người cha bao đêm thức nghe đài để ngóng tin con.

Bà Hiền chia sẻ: “Nhìn ảnh thì anh Lượm rất giống ba, trán cao, gương mặt thông minh. Anh Lượm là con duy nhất của ba tôi và người vợ đầu của ông ở Huế. Khi anh Lượm còn nhỏ, má của anh bị bệnh nặng nên đã vào chùa nương bóng cửa Phật và mất trong chùa. Ba tôi công tác ngành hộ tống viên bưu điện, theo yêu cầu công việc nên cứ di chuyển dần về phía nam, đến thị xã Phan Rang, Tháp Chàm thì làm việc và định cư ở đó. Anh Lượm ở với ba và đi hoạt động cách mạng sớm. Sau này, ba tôi gặp và gắn bó với má tôi là Nguyễn Thị Xinh, sinh năm 1918. Đến tận năm 1959, ba má tôi mới sinh tôi là con đầu”.

Bà Hiền cho biết, má Xinh của bà là cán bộ hoạt động cách mạng. Em trai của má cũng là liệt sĩ. “Má tính cẩn thận, giấy tờ của gia đình má cất kĩ trong tủ của gia đình, trong đó, có giấy tờ của anh Lượm. Bao nhiêu năm trôi qua, bà nội tôi và má tôi hay kể về anh Lượm cho các con cháu nghe. Hình thờ anh Lượm và những câu chuyện khiến mọi người trong gia đình đều thấy gần gũi. Bẵng đi rất lâu, sau khi ba má tôi mất đi, con cháu mở tủ tài liệu và những giấy tờ, thông tin về liệt sĩ Lượm lần đầu tiên được các cháu chia sẻ. Hiện tại, việc cúng giỗ liệt sĩ Lượm duy trì ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận tại nhà em trai của tôi là Nguyễn Thanh Sơn, là ba của cháu Nguyễn Thị Thanh Huyền”. 

Liệt sĩ Nguyễn Thanh tức Nguyễn Văn Lượm có mối quan hệ họ hàng với nhà thơ Tố Hữu. Điều này đã được ông Nguyễn Xuân khẳng định. Vừa đối chiếu với gia phả của dòng họ Nguyễn tại Quảng Điền, Thừa Thiên Huế, ông Xuân vừa giở cuốn sổ ghi chép về dòng họ để giải thích cho chúng tôi: “Theo gia phả thì nhà thơ Tố Hữu - tức Nguyễn Kim Thành là bác họ của liệt sĩ Lượm và cũng là chú họ của tôi. Chú Tuất, bố em Lượm và nhà thơ Tố Hữu là anh em con chú con bác”.

Ông Xuân kể: “Ngày còn nhỏ tuổi, có lần tôi hỏi chú Tố Hữu về em Lượm thì chú nói rằng Lượm đi làm liên lạc từ nhỏ, hy sinh do bị Pháp bắn chết. Nhân vật Lượm trong bài thơ của chú Tố Hữu chính là em Lượm nhà tôi đấy”. Hiện tại nhà ông Xuân tại Huế cách nhà tưởng niệm nhà thơ Tố Hữu ở xã Quảng Thọ không xa.

Đi tìm “chú bé Lượm” -0
Ông Nguyễn Xuân - người nắm chắc gia phả họ Nguyễn ở Huế - là anh họ của liệt sĩ Nguyễn Văn Lượm.

Nhà thơ Tố Hữu lúc sinh thời đã xác định mối liên hệ giữa nguyên mẫu Lượm ngoài đời và hình tượng nhân vật Lượm trong bài thơ cùng tên của ông. Trong cuốn “Nhớ lại một thời”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2000, nhà thơ Tố Hữu chia sẻ về nguyên mẫu Lượm trong bài thơ chính là cháu của ông ở ngoài đời: “Một đồng chí ở Thừa Thiên ra kể cho tôi nghe những tấm gương chiến đấu dũng cảm ở quê nhà và cho tôi biết tin về cháu Lượm. Nó là con của chú em họ của tôi. Từ Cách mạng tháng Tám, nó đã về với tôi ở Huế và cùng một số bạn nhỏ tự nguyện theo các chú bộ đội. Nó đi liên lạc cho đơn vị và trong khi đưa thư qua một cánh đồng, cháu bị trúng đạn, hi sinh khi mới 14 tuổi. Anh em trong đơn vị thương tiếc nó như con, em của mình. Thế là Lượm đã ngã xuống như Kim Đồng và bao bạn nhỏ dũng cảm khác. Tôi viết bài thơ “Lượm”, cảm thấy như còn đâu đây dáng điệu thật dễ thương và khuôn mặt còn trẻ con nhưng rất cứng cỏi của nó...

Theo lời người bạn kể, sau loạt đạn của quân thù, Lượm ngã xuống, vẫn nguyên vẻ ngây thơ của chú thiếu niên… Tự nhiên, tôi khẽ thốt lên: “Lượm ơi, còn không?” Không! Những anh hùng, dù nhỏ tuổi như cháu, không bao giờ chết. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta có rất nhiều dũng sĩ thiếu niên như cháu Lượm càng ngày càng nhiều không thể nào đếm xuể, không thể nào biết hết. Có lẽ đó cũng là một đặc trưng, một niềm tự hào lớn của dân tộc ta vốn có truyền thống lâu đời như Trần Quốc Toản ngày xưa vậy”.

Hình ảnh chú bé liên lạc tên Lượm với tính cách hồn nhiên, vui tươi, vô cùng dũng cảm và lạc quan, yêu đời trong bài thơ “Lượm” vẫn đọng lại trong tâm trí độc giả cả nước nhiều thế hệ. Và càng xúc động hơn nữa khi biết được rằng, “chú bé” - liệt sĩ Nguyễn Văn Lượm ngoài đời dũng cảm chiến đấu và ngã xuống ở tuổi thiếu niên để những người đang sống hôm nay được hưởng cuộc sống hòa bình. Sự hy sinh ấy đã hóa thành bất tử.

Huyền Châm
.
.
.