Đằng sau việc tăng lãi suất lần 4 của FED

Thứ Ba, 08/11/2022, 08:25

Ngày 2/11, trong một nỗ lực để đẩy lùi lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm - lần thứ tư liên tiếp trong lịch sử. Động thái này được dự đoán sẽ gây ra nhiều tác động đối với nền kinh tế Mỹ và toàn cầu.

Trong bối cảnh chiến dịch kiềm chế lạm phát kéo dài nhiều tháng của FED ngày càng có nguy cơ dẫn tới suy thoái vào năm tới, câu hỏi chính hiện nay là: Liệu FED có đảo ngược việc tăng lãi suất vào tháng 12/2022 hay đợi cho đến khi lạm phát có dấu hiệu giảm xuống rõ ràng?

Đằng sau việc tăng lãi suất lần 4 của FED -0
Chủ tịch Fed Jerome Powell nỗ lực “hạ nhiệt” nền kinh tế, đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% năm.

Tại một cuộc họp báo, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, FED có thể làm chậm tốc độ tăng lãi suất ngay trong tháng tới. Ông nói: "Thời điểm đó đang đến và nó có thể đến ngay sau cuộc họp tiếp theo hoặc cuộc họp sau đó".

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng FED vẫn chưa thể tạm dừng chiến dịch tăng lãi suất của mình và cần phải tăng lãi suất thêm một chút nữa để đạt được mức "đủ kiềm chế" để giảm lạm phát xuống mức mục tiêu của FED là 2%. Ông nói rằng mối lo ngại là lạm phát có thể trở nên "ăn sâu bám rễ" và FED phải hành động dứt khoát để đối đầu với xu hướng như vậy. Powell khẳng định: “Hiện vẫn còn rất sớm để nghĩ đến việc tạm dừng. Chúng ta vẫn còn chặng đường phía trước”.

Thị trường chao đảo

Theo trang News on Air, thông điệp ngầm của FED rằng lãi suất có thể cao hơn nữa trong thời gian tới đã tạo cơ sở cho một đợt bán tháo lớn trên thị trường chứng khoán. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã giảm 1,55% sau tuyên bố tăng lãi suất vào tháng 2/2022. Các chỉ số chứng khoán chính ở thị trường châu Á cũng tiếp tục chìm trong sắc đỏ và bầu không khí lo ngại đang ngập tràn khắp nơi.

Trong khi đó, lạm phát ở Mỹ đã khiến thị trường nhà ở lao đao và người tiêu dùng khó có thể tăng chi tiêu dù chính phủ nói rằng nền kinh tế đang phát triển và các chủ lao động cũng đang tuyển dụng với tốc độ mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc lãi suất tăng chắc chắn sẽ không chỉ hạn chế lạm phát mà còn kìm hãm tăng trưởng kinh tế và tuyển dụng.

Rõ ràng, bằng cách tăng lãi suất, FED đã làm cho việc vay vốn trở nên đắt đỏ hơn, khiến mọi người đi vay và chi tiêu ít hơn. Việc tăng lãi suất cũng ảnh hưởng đến lợi tức của trái phiếu, vì trái phiếu và lãi suất có mối quan hệ nghịch đảo. Nếu lãi suất tăng, giá trái phiếu giảm và ngược lại.

Các điều kiện tài chính thắt chặt hơn có thể có tác động lan tỏa đến các nơi khác trên thế giới. Đa số các quốc gia đang trong cuộc chiến chống lạm phát, và trong tình hình như vậy, đồng tiền của họ có thể yếu hơn so với đồng USD và việc phá giá tiền tệ khiến việc chống lạm phát trở nên khó khăn hơn. Lãi suất cao hơn cũng đẩy giá cổ phiếu xuống, điều có tác động đến các khoản tiền của nhiều nhà đầu tư. Theo cách này, việc tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến hành vi của người tiêu dùng.

Lạm phát ở Mỹ có được kiềm chế?

Theo USA Today, kể từ cuộc họp cuối cùng của FED cách đây 6 tuần, đã có một số dấu hiệu cho thấy lạm phát có thể sớm giảm bớt. Tăng trưởng việc làm hàng tháng của Mỹ đã giảm từ 537.000 trong tháng 7 xuống 263.000 vào tháng 9. Và tiền lương của khu vực tư nhân đã tăng 5,2% hàng năm trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9/2022, dù vẫn ở mức cao trong lịch sử nhưng đã giảm so với mức 5,7% của quý trước.

Công cụ đo lạm phát được sử dụng rộng rãi nhất, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), cho thấy giá cả chung trong tháng 9 đã tăng 8,2% so với một năm trước đó, giảm từ mức cao nhất trong 4 thập kỷ là 9% vào tháng 6/2022.

Tuy nhiên, những diễn biến đó đã bị lấn át bởi các dấu hiệu cho thấy lạm phát sẽ chỉ giảm từ từ. Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát “ưa thích” của FED (không tính tới chi phí thực phẩm và năng lượng) - đã tăng từ mức 4,9% của tháng 8/2022 lên 5,1% trong tháng 9/2022 so với cùng kỳ năm ngoái.

Và số lượng việc làm được đăng tuyển đã tăng từ 10,3 triệu việc trong tháng 8/2022 lên 10,7 triệu trong tháng 9/2022. Điều đó một lần nữa có thể gây áp lực tăng lên đối với tiền lương khi các nhà tuyển dụng cạnh tranh để giành được số lượng lao động vẫn còn hạn chế so với mức trước đại dịch.

Phát biểu với các phóng viên hồi tháng 6/2022, Powell nói: "Chúng tôi sẽ không tuyên bố chiến thắng cho đến khi chúng tôi thực sự thấy bằng chứng thuyết phục rằng lạm phát đang giảm”.

Ngay cả khi không có các đợt tăng lãi suất lớn của FED, các nhà kinh tế vẫn dự đoán lạm phát sẽ chậm lại khi các nút thắt trong chuỗi cung ứng giảm bớt, giá hàng hóa giảm, đồng USD mạnh làm giảm chi phí nhập khẩu và các nhà bán lẻ giảm giá để giải phóng hàng tồn kho đang tăng lên. Tuy nhiên, Powell đã nhiều lần nói rằng điều quan trọng là Fed tăng lãi suất để làm giảm dự đoán lạm phát của người tiêu dùng.

Tác động tới cuộc bầu cử giữa kỳ

Cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ của Mỹ đã làm cho tình hình trở nên khó kiểm soát đối với đảng cầm quyền vì kết quả của cuộc bỏ phiếu ngày 8/11 tới có thể khiến đảng Dân chủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden mất quyền kiểm soát Quốc hội. Một số nhà lập pháp của đảng Dân chủ đã thúc giục FED kiềm chế trong việc nâng lãi suất, nhưng Ngân hàng Trung ương đang cố gắng tránh xa các tính toán chính trị.

Bên cạnh đó, áp lực nhất quán đối với mặt trận giá cả và chi phí đi vay cao hơn đã làm giảm khả năng vận động tranh cử của đảng Dân chủ. Mặt khác, đảng Cộng hòa đang công kích đảng Dân chủ về những tác động tiêu cực của lạm phát cao trong lịch sử trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Trong khi đó, FED - và nỗ lực kéo dài nhiều tháng để kiểm soát lạm phát - sẽ vẫn là tâm điểm chú ý khi người dân Mỹ đưa ra lựa chọn bỏ phiếu cuối cùng.

Hạnh Vân (Tổng hợp)
.
.
.