Trống đồng Đông Sơn ở Indonesia

Chủ Nhật, 28/07/2024, 12:06

Trong các nước Đông Nam Á, Indonesia là nơi tìm được nhiều nhất trống đồng H I với 84 chiếc, dạng trống đồng cổ nhất theo phân loại từ năm 1902 của học giả Áo Heger, ở Việt Nam thường được gọi là trống đồng Đông Sơn.

Trong số 84 chiếc trống trên, 57 chiếc ở vùng phía Tây (trên các đảo Sumatra, Java, Borneo…) phần lớn là trống sớm, cỡ vừa và lớn, không có tượng ếch, còn 27 trống ở vùng phía Đông (trên các đảo Salayar, Seangang, Kur…) phần lớn là trống muộn cỡ cực lớn (mặt rộng trên 80cm) và có tượng ếch.

Các trống được tìm thấy hoặc ở trong các khu mộ, hoặc ở nhà các thủ lĩnh địa phương, hoặc ở trên đỉnh đồi núi, khi chúng được dân địa phương coi là "trống sấm".

Trống đồng Đông Sơn ở Indonesia -0
Trống Salayar (vẽ lại).

Các trống ở đảo Sangeang còn có tên riêng, coi như tên thiêng của tổ tiên-thần linh, chỉ được dùng khi cầu cúng...

Hiện trống Salayar (tìm thấy ở đảo Salayar) với mặt rộng 126cm là chiếc trống Đông Sơn lớn nhất ở trên thế giới. Trống Sangeang lại có mặt rộng 116cm giống như trống Sao Vàng, chiếc trống Đông Sơn lớn nhất được tìm thấy ở Việt Nam hiện nằm ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hà Nội.

Đặc biệt, hai trống trên cũng thuộc các trống Đông Sơn nguyên vẹn nhất, có hoa văn phong phú và độc đáo nhất.

Là trống muộn, nhưng mặt trống Sangeang vẫn có hình hai cặp nhà như mặt trống sớm Ngọc Lũ. Tuy nhiên, thay cho nhà hình rùa mái cong lồi là nhà hình ếch có bờ mái ở giữa có hình đầu ếch, ngay dưới có gác mái đặt tượng người-ếch, phản ánh sự nổi trội của tín ngưỡng vật tổ ếch thời kỳ này. Mặt khác, thay cho dạng nhà hình thuyền chim là dạng nhà hình trâu hay sừng trâu có gác mái chứa trống đồng và đồ gia bảo, phản ánh sự chuyển đổi từ tín ngưỡng vật tổ chim sang vật tổ trâu. Đặc biệt, trong nhà có hình người mang trang phục kiểu phương Bắc quì lạy, cầu cúng cùng với những người đánh trống, thổi khèn. Đặc biệt, dưới gầm nhà có nhốt voi, hươu.

Salayar và Sangeang là hai trống Đông Sơn duy nhất trên tang trống có hình các con thuyền trên biển với các thủy thủ có mặt hình mặt chim bên cạnh hình đàn công, cò, người và hươu, voi, ngựa…

Đó cũng là hai trống Đông Sơn duy nhất có hoa văn người và động vật ở chân trống. Một số hoa văn như hình người chân dài ngồi chèo thuyền, hình chim mỏ ngắn, đầu tròn, mỏ quay xuống dưới, hình người-chim 2-3 tầng, hoa văn ô trám lồng cũng lần đầu tiên được ghi nhận trên hai trống này.

Trống Sangeang là trống Đông Sơn duy nhất có hình người mặc trang phục Trung Á đứng cùng voi, ngựa hay chiến đấu với hổ…

Cùng với sự có mặt của những di dân Đông Sơn, vào thế kỷ 1-2, tại hai đảo Java và Bali đã  xuất hiện một dạng trống đồng mới gọi là trống dạng Pejeng, một biến thể của trống  Đông Sơn chỉ có ở Indonesia. Trống Moko, con cháu của dạng trống này ở đảo Alor cho đến nay vẫn được đúc và dùng trong các nghi lễ quan trọng, là vật không thể thiếu trong của hồi môn của cô dâu trong hôn lễ.

Chiếc trống dạng Pejeng tiêu biểu mang tên "Mặt trăng" tại một ngôi đền ở Pejeng, Bali, được coi là chiếc trống đồng đúc nguyên khối lớn nhất thế giới với mặt rộng 1,6m, cao 1,86m.

Về cơ bản, như trống Đông Sơn, trống dạng Pejeng cũng được đúc bằng kỹ thuật sáp chảy với dáng ba phần lưng eo (được coi là mô phỏng cơ thể nữ thần lúa); hình mặt trời ở giữa mặt trống với các dải hoa văn hình học bao quanh. Trống cũng được dùng như một biểu tượng cho quyền thế... Tuy nhiên, mặt trống và thân trống có khi đúc riêng rẽ, dáng trống cao và thon hơn, mặt trống chìa ra và không hề có hoa văn chim, người- chim hay tượng ếch; tang trống có hai "mặt người hình trái tim" đúc nổi…

Cho đến nay, một loạt giả thuyết về nguồn gốc các trống Đông Sơn ở Indonesia, đặc biệt của hai trống Sangeang và Salayar đã được đưa ra:

- Trống Đông Sơn tới vùng phía Tây Indonesia chủ yếu được thương lái đưa bằng đường bộ qua vùng phía Tây lục địa Đông Nam Á. Các trống tới vùng phía Đông được thương lái đưa bằng đường biển vào khoảng thế kỷ 2-4.

Trống đồng Đông Sơn ở Indonesia -0
Các hoa văn mới lạ trên trống Sangeang.

- Trống Đông Sơn tới Indonesia chủ yếu là đồ gia bảo, vật thiêng của các gia đình quí tộc Đông Sơn vượt biển tới Indonesia tị nạn. Riêng hai trống Sangeang và Salayar, do có những hoa văn tương đồng với trống Kur, trống có khắc chữ Hán Tam Thế (một khái niệm Phật giáo) và một trống ở Bảo tàng Victoria-Albert ghi rõ niên đại 199 nên đã được đúc ở Bắc Bộ thời thuộc Hán vào đầu hay giữa thế kỷ 3, thời Phật giáo được truyền bá và phát triển mạnh mẽ ở Bắc Việt Nam.

-  Trống Sangeang, do có hình người Scyth ở Ấn Độ nên đã được đúc vào giữa thế kỷ 3 ở Phù Nam để ghi lại sự kiện vua Phù Nam được vua Ấn Độ tặng cho một số kỵ sĩ Scyth cùng 4 con ngựa.

- Trống Salayar, do có một số hoa văn độc đáo có thể được đúc ở Thái Lan hay Nam Việt Nam, nơi văn hóa Đông Sơn phân nhánh.

- Trống Sangeang và Salayar là trống của quí tộc Điền Việt tị nạn ở Thanh-Nghệ. Nhà hình trâu trên mặt trống Sangeang có gốc từ nhà hình bò Điền. Hình các kị sĩ mặc trang phục Trung Á đứng cùng voi, ngựa hay đấu với hổ trên trống Sangeang là các kỵ sĩ Scyth ở Điền. Các hình voi, công trên hai trống cũng có trên nhiều đồ đồng Đông Sơn tìm được ở Thanh-Nghệ. Hoa văn ô trám lồng là gốc của hoa văn trám có trên trống H II ra đời ở vùng núi Thanh-Nghệ.

Hai trống trên đã được đúc ở Thanh-Nghệ vào cuối thế kỷ 1 trước Công nguyên (TCN) từ nguồn đồng dồi dào ở mỏ Sepon, Lào. Các hoa văn độc đáo của chúng phản ánh sự hòa nhập và đổi mới các yếu tố văn hóa Âu Lạc và Điền ở vùng này. Tuy nhiên, chúng tới Indonesia cùng với các trống có niên đại muộn hơn, sau khi nhà Ngô lừa, bắt, giết 5 con trai và hai đại tướng của Sĩ Nhiếp năm 227, chém và bắt hàng vạn người ở vùng Thanh-Nghệ, kích hoạt một cuộc di dân lớn từ đây.

Trống đồng Đông Sơn ở Indonesia -0
Trống "Mặt trăng" ở đền Pejeng, Bali.

Một truyền thuyết trên đảo Kei Kecil ở phía Đông, nơi đã tìm thấy một trống có mặt rộng 113 cm cũng ủng hộ giả thuyết trên. Theo đó, một vị anh hùng trên đảo đã đưa chiếc trống đó từ phía Tây Bắc tới bằng cách đặt nó trên lưng một con rùa lớn rồi để mặt trống ở một làng và thân trống ở làng khác. Người đó nói trống đồng sẽ tạo ra một liên minh giữa các làng và che chở cho dân trên đảo...

Chi tiết một vị anh hùng đưa trống đồng tới đảo trên lưng một con rùa rất lý thú. Trong truyền thuyết Việt, thần rùa vàng đã giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa và sau khi thành mất, đã đưa vua xuống biển ở Diễn Châu, Nghệ An. Thực tế, rùa chính là con vật tổ của dòng họ An Dương Vương, vị vua đã ban phát những chiếc trống đồng Đông Sơn đầu tiên. Những lời vị anh hùng đó nói về vai trò của trống đồng ở đảo cũng tương tự với vai trò thực của trống đồng ở nước Âu Lạc.

Rõ ràng, Indonesia là điểm đến xa nhất nhưng tập trung nhất của dân tị nạn Đông Sơn. Tại đó, với truyền thống Đông Sơn, nhiều nhóm đã hòa nhập thành công với dân bản địa và dần trở thành tầng lớp thống trị. Tại hai đảo Java và Bali, con cháu họ đã tạo ra các phiên bản của trống đồng, kiếm ngắn cán hình người và rìu nghi lễ Đông Sơn. Tại hai đảo Kalimantan và Sulawesi, con cháu họ đã bền bỉ bảo tồn nhiều yếu tố từng được thể hiện trên trống Ngọc Lũ trong văn hóa truyền thống của mình.  Điều kỳ bí là, các tộc Java, Toraja, Dayak trên các đảo này lại có tên gọi gần gũi cả về âm và nghĩa với Lava, tên gốc của Lạc Việt.

Mặt khác, cũng có những nhóm không may mắn, hoặc bị đắm thuyền ở vùng nước ven bờ, hoặc bị dân bản xứ đánh đuổi, bị cướp mất hay phải chôn giấu trống đồng của mình.

Trong mọi trường hợp, các trống Đông Sơn tìm được ở Indonesia chính là những di sản của di dân Đông Sơn trong hành trình tìm kiếm tự do, hạnh phúc. Chúng  phản ánh một phần lịch sử văn hóa Đông Sơn, nền văn hóa thời Hùng Vương-An Dương Vương-Hai Bà Trưng (thế kỷ 7 TCN-1 CN). Chúng cũng phản ánh một thời lịch sử đầy biến động, lo âu nhưng cũng rất hào hùng, bi tráng của tổ tiên người Việt cùng tổ tiên nhiều tộc người khác ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Tạ Đức
.
.
.